Kỳ lạ: Nhiều nơi “tuyệt chủng”, ở đây dân vẫn giữ thứ “ngọc trời”
Khoảng tháng 11, khi mùa mưa Tây Nguyên cơ bản đã dứt cũng là lúc người dân xã Ia Kreng (huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai) hoàn tất việc thu hoạch lúa nếp đỏ và lúa nếp đen. Đây là giống lúa truyền thống của người Jrai, hiện đã mất dần tại nhiều buôn làng.
Một “thước phim cũ”
Sau hơn chục ki lô mét vượt đèo quanh co, chúng tôi chạm đỉnh đèo Ia Kreng. Từ đỉnh đèo có thể thấy những đám mây phía xa chỉ cao ngang tầm mắt. Những mái nhà nơi thung lũng Ia Ly trở nên bé nhỏ, như dấu chấm lẩn khuất trong bạt ngàn cây cối tươi xanh. Thiên nhiên hùng vĩ đến choáng ngợp bủa vây khách lạ.
Phụ nữ xã Ia Kreng chuẩn bị nếp đỏ để đãi khách. Ảnh: L.H.
Giữa bời bời cây cối, núi non, chúng tôi ồ lên thích thú khi thấy vài người phụ nữ đang đeo gùi, tuốt lúa trên một rẫy nhỏ ở lưng chừng đèo. Đám lúa nơi những người phụ nữ đang tuốt không hề ngả màu vàng rực rỡ như cánh đồng lúa nước đương độ chín, mà chỉ mang màu vàng nhẹ, xen lẫn màu xám của những chiếc lá lúa khô, to bản và cứng.
Lúa cao ngang tầm ngực các bà, các chị đang thu hái. Giống lúa này không cho nhiều bông và mỗi bông cũng chẳng bao nhiêu hạt.
Chị Rơ Châm Loan (làng Dip, xã Ia Kreng) trò chuyện: Rẫy lúa nếp đen này rộng chừng 2 sào. Thời tiết không thuận lợi nên vụ năm nay chị chỉ thu được khoảng 2 tạ thóc. “Người Kinh hỏi mua từ lúc lúa chưa kịp thu hoạch nhưng nhà mình trồng ít, lại mất mùa nên chỉ giữ lại để ăn thôi”-chị Loan nói.
Nói về cách trồng giống lúa này, chị Loan chia sẻ, chị vẫn trồng hệt như cách người Jrai đã trồng thời còn phổ biến tập quán du canh, du cư.
“Nhà mình có mấy đám rẫy tốt chuyên dành trồng lúa. Khác với người Kinh trồng lúa 2-3 vụ/năm, ở Ia Kreng, mọi người trồng 1-2 năm liên tục, sau đó sẽ cho đất nghỉ để tái tạo chất đất. Sau 1-2 năm sẽ quay lại phát dọn để trồng mới”-chị Loan kể.
Người phụ nữ Jrai này cho hay, lúa nhà chị không biết đến phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Trời cho bao nhiêu thì ăn bấy nhiêu, chưa kể con sóc, con chuột cũng phá mất nhiều lắm. Vừa nói, đôi tay chị vừa thoăn thoắt lướt nhẹ theo từng nhánh lúa, kiên nhẫn tuốt từng nhúm thóc bỏ vào chiếc gùi đeo ngược phía trước.
Đặc sản núi rừng
Video đang HOT
Theo ông Rơ Châm Tâm – Chủ tịch UBND xã Ia Kreng, nếp đen là một trong những giống lúa truyền thống của người Jrai. Giống lúa này đã dần hiếm ở nhiều buôn làng Jrai hiện nay, vì thế có thể coi đây là đặc sản.
Chưa kể, với “công nghệ” canh tác theo lối truyền thống, sản phẩm này của bà con còn được xem là sản phẩm hữu cơ. Tiếc là, do năng suất thấp nên nhiều nhà chẳng đủ ăn, hiếm lắm mới có dư đem bán.
“Đây là giống lúa cạn, chủ yếu nhờ nước trời nên được trồng từ đầu mùa mưa (tầm tháng 5) và thu hoạch khi mùa mưa kết thúc (tháng 11). Trung bình mỗi héc ta lúa nếp đen chỉ cho thu 2-2,5 tấn. Vì canh tác trên những khu rẫy cheo leo nơi lưng chừng đồi nên phần lớn người dân vẫn áp dụng lối canh tác chọc-trỉa truyền thống”-Chủ tịch UBND xã Ia Kreng cho hay.
Cũng theo ông Tâm, sở dĩ có tên gọi lúa nếp đen là bởi, hạt thóc sau khi đem xay xát hoặc giã sẽ cho ra những hạt nếp có màu đỏ sậm pha tím (tương tự như nếp cẩm). Có nơi, người Jrai gọi là nếp than.
Hạt nếp đen to tròn, khi nấu tỏa hương rất thơm, hạt dẻo vừa. Trước đây, nếp đen là lương thực hàng ngày của người dân xã Ia Kreng. Năng suất loại nếp này thấp nên hầu như năm nào người dân cũng phải đối mặt với mùa đói giáp hạt.
Sau này, trong xã bắt đầu có hàng quán, gạo trắng được người Kinh đưa lên để đổi lấy măng le, thịt thú rừng và các loại nông sản khác nên người dân ở đây ít trồng giống lúa này mà chuyển sang trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn.
Ở xã Ia Kreng ngoài lúa nếp đen còn có giống lúa nếp đỏ. Cơm nếp đỏ có màu tươi hơn so với nếp đen. Theo anh Tâm, đây là giống lúa thượng hạng của người Jrai ở xã Ia Kreng với hương vị thơm ngon hơn hẳn, năng suất lại thấp hơn nên lúa nếp đỏ rất quý.
Cả xã hiện nay còn duy trì khoảng 20 ha trồng lúa nếp đen và lúa nếp đỏ. Nhiều gia đình thường để dành loại nếp này để khi tiếp khách quý mới đem ra nấu.
Chị Loan cũng cho biết thêm: Nhiều người lên xã Ia Kreng tìm mua nếp đen, nếp đỏ về làm bánh tét, nấu chè nếp cẩm… nhưng không phải lúc nào cũng có, vì chỉ những nhà nào trồng nhiều hoặc hộ khó khăn, cần tiền để lo việc gia đình thì mới đem bán bớt.
Theo Lê Hòa (Báo Gia Lai)
Bức tranh mùa lúa vàng trên vùng đất đỏ bazan
Các cánh đồng Gia Lai đang bước vào những ngày đẹp nhất trong năm với sắc vàng trải dài của lúa chín, và mùi thơm lúa, của rơm mới làm ngọt cả không gian.
Nếu có dịp đến Tây Nguyên tháng 11, du khách sẽ bắt gặp cảnh gặt lúa rộn ràng trên ruộng đồng. Trong ảnh là cánh đồng lúa chín của làng Nhiên, huyện Chư Pah, Gia Lai. (Ảnh: Hiền Mai)
Mùa lúa chín, khắp Chư Pah như được rải đều một lớp mật vàng óng ánh. Không gian tỏa mùi thơm của lúa mới, mùi ngai ngái của thân rạ tươi tạo nên một bầu không khí đặc biệt. Các gia đình đều huy động tối đa nhân lực ra đồng gặt lúa.
Dù lao động cực nhọc nhưng trên môi họ luôn nở nụ cười.
Nụ cười thu hoạch đầy chất phác của người đổ mồ hôi để đổi lấy những hạt lúa vàng.
Cái nắng chói chang không làm gương mặt họ kém rạng rỡ.
Từng tốp xe công nông chở lúa chất cao quá đầu người chạy trên đường làng.
Các bạn nhỏ cùng ba mẹ vác cuốc ra đồng.
Cậu bé này vừa phụ gia đình gặt lúa, đang đạp xe về nhà để kịp giờ đến trường.
Những ngày này, khắp các con đường quê đều dập dìu người ra đồng.
Sau một buổi sáng mệt mỏi, họ ngồi nghỉ giải lao, trò chuyện.
Rơm vàng vun thành đống bên máy tuốt lúa, nổi bật giữa nền xanh của núi rừng.
Màu vàng ấm no về tới sân các gia đình.
HIỀN MAI - BÌNH ĐỊNH
Theo vtc.vn
Mùa mưa ở nơi này thơm lừng mùi cá suối nướng lá chuối Mùa mưa Tây Nguyên được xem là mùa sinh sôi của nhiều loại cá sông, cá suối. Dịp này, nhiều hộ đồng bào thiểu số trên địa bàn tỉnh sử dụng các loại dụng cụ đơn giản được đan từ tre, nứa đổ ra suối bắt cá. Đây được xem là nguồn thực phẩm quý vào mùa mưa của đồng bào, giúp cải...