Ký kháng thư phản đối Trung Quốc về vấn đề Biển Đông
Tại Thụy Sĩ, chiều 27.6, đông đảo bạn bè quốc tế yêu chuộng hòa bình cùng sinh viên, Việt kiều đã tụ họp tại khu vực quảng trường Liên Hợp Quốc (LHQ), nơi đặt biểu tượng chiếc ghế ba chân khổng lồ tại thành phố Geneva, Thụy Sĩ, để cùng tham gia diễu hành, ký kháng thư phản đối Trung Quốc thay đổi nguyên trạng Biển Đông.
Đại diện cho giới trẻ, anh Lưu Vĩnh Toàn – Phó Chủ tịch Hội Thanh niên Việt Nam tại Thụy Sĩ – đã có bài phát biểu nhấn mạnh đến các cơ sở pháp lý và các bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền hợp pháp đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách liên tục và từ rất lâu đời của Việt Nam. Các hoạt động của Trung Quốc xây dựng, bồi lấp làm thay đổi nguyên trạng các quần thể đảo ở Trường Sa trên Biển Đông là điều nhân dân Việt Nam, cộng đồng quốc tế không thể chấp nhận. Bà Anjuska Weil – Chủ tịch Hội Hữu nghị Thụy Sĩ – Việt Nam cho rằng: “ Các nước trên thế giới cần hiểu rõ bản chất của vấn đề là Trung Quốc đang đe dọa tới hòa bình, an ninh khu vực và thế giới; bên cạnh việc cần ủng hộ Việt Nam trong công cuộc giữ gìn chủ quyền lãnh thổ, cũng cần lên tiếng vì hòa bình và công lý, vì một thế giới không có chiến tranh”.
Một công trình xây đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông Không chỉ những người Việt đang sinh sống, học tập, làm việc tại Thụy Sĩ, mà tất cả mọi người yêu chuộng hòa bình, chính nghĩa tại Liên bang Thụy Sĩ và trên thế giới cùng lên tiếng phản đối những hành động xây dựng, bồi lấp làm thay đổi nguyên trạng các đảo thuộc hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.
Bà Bea Camara , người Thụy Sĩ đang sinh sống tại thành phố Zurich cho biết bà đã lặn lội hơn 300km đến đây để thể hiện tình đoàn kết và ủng hộ nhân dân Việt Nam. Bà cảm thấy rất buồn trước các hành vi của Trung Quốc gây ra nhiều tranh chấp với các nước và đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ phi lý ở Biển Đông.
Những người Thụy Sĩ sống tại Geneva khác cũng đã bày tỏ bất bình trước việc Trung Quốc không tôn trọng Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, tiếp tục các hành động xâm lấn Biển Đông, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và cũng chưa thực lòng xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Cộng đồng quốc tế lo ngại sau khi hoàn tất việc cải tạo trái phép tại Trường Sa, Trung Quốc sẽ ngang nhiên tuyên bố vùng nhận diện phòng không trại Biển Đông, đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định, tự do và an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông.
Với tư cách là một thành viên thường trực trong Hội đồng Bảo an LHQ, các hành động coi thường pháp luật quốc tế, không tôn trọng các nước láng giềng trong khu vực của Trung Quốc đã bị chính giới học giả và truyền thông các nước Mỹ, Đức, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ, Thụy Sĩ, các nước ASEAN… phản ứng quyết liệt và lên án mạnh mẽ.
Nhiều người Philippines cũng đến đây phản đối việc Trung Quốc xây đảo ở Biển Đông, vẫy cờ và mang theo khẩu hiệu yêu cầu Trung Quốc rút khỏi Biển Đông.
Ngay sau điệu múa thể hiện khát vọng hòa bình của giới trẻ Việt Nam, mọi người cùng ký kháng thư đề nghị Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon, các tổ chức quốc tế có trách nhiệm lên án hành động ngang ngược của Trung Quốc và có hình thức can thiệp cần thiết để giữ vững hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không của các nước tại khu vực Biển Đông.
Theo_Dân việt
Video đang HOT
Hoàn tất cải tạo đảo, Trung Quốc vẫn khó "vẫy vùng" ở Biển Đông
Dù tuyên bố hoàn tất việc cải tạo các bãi đá ở Biển Đông, tiềm lực thực sự của Hải quân Trung Quốc khó có thể theo kịp tham vọng của nước này.
Muốn lập ADIZ ở Biển Đông cũng khó
Nhiều chuyên gia cùng chung nhận định, tham vọng đầu tiên của Trung Quốc khi tiến hành việc cải tạo phi pháp các bãi đá ở Biển Đông thành các đảo nhân tạo và xây các căn cứ quân sự tại đó không có gì khác ngoài việc biến khu vực đó thành của riêng mình thông qua việc đơn phương tuyên bố thiết lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) như đã từng làm ở biển Hoa Đông hồi cuối năm 2013.
Hình ảnh mà Trung Quốc công bố đã hoàn tất cải tạo một đảo ở Biển Đông (Ảnh Tân Hoa xã)
Nhận định này dù được cho là nhiều khả năng xảy ra nhất khi chính Trung Quốc cũng từng ngang nhiên tuyên bố có quyền thiết lập ADIZ ở Biển Đông và thời điểm thiết lập còn tùy thuộc vào điều kiện thực tế tại đó.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, những tuyên bố trên của phía Trung Quốc mang nhiều tính "dọa dẫm" hơn thực tế bởi Trung Quốc không muốn "há miệng mắc quai" như vụ thiết lập ADIZ ở biển Hoa Đông.
Tại thời điểm đó, dù hùng hồn tuyên bố thiết lập ADIZ và đưa ra một loạt các yêu sách cho máy bay, tàu các nước đi qua khu vực mà mình thiết lập, Trung Quốc đã gần như "im lặng hoàn toàn" khi 2 pháo đài bay B-52 của Mỹ bay qua.
Đáng chú ý, loại máy bay B-52 này thuộc biên chế của Không lực Hoa Kỳ đã hơn nửa thế kỷ qua. Đây là những chiếc máy bay có tốc độ bay khá chậm so với những chiến đấu cơ hiện đại và lại rất dễ để nhận diện so với các loại máy bay tàng hình hiện nay.
Không những thế, điều duy nhất mà Trung Quốc làm được chỉ là tuyên bố đã giám sát 2 máy bay này, bất chấp việc sau vụ đó người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Steve Warren lên tiếng thách thức: "Chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục thực hiện các chiến dịch bay của mình qua khu vực quần đảo Senkaku như trước đây và sẽ không cung cấp kế hoạch bay, thông báo bằng điện đàm hay đăng ký tần số chuyến bay với phía Trung Quốc".
Hơn thế nữa, cùng với Mỹ, các nước như Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đã "phớt lờ" ADIZ của Trung Quốc và coi ADIZ như "chưa hề tồn tại".
Khu vực ADIZ mà Trung Quốc tuyên bố đơn phương thiết lập ở Biển Hoa Đông năm 2013 (Ảnh AP)
Chính vì vậy, các chuyên gia nhận định, dù có muốn thiết lập ADIZ ở Biển Đông, Trung Quốc cũng phải tính toán cực kỳ kỹ lưỡng bởi Biển Đông là khu vực được coi là có tính chất chiến lược đối với Mỹ và các đồng minh nhằn ngăn chặn tham vọng bành trướng của Trung Quốc. Nhiều khả năng Trung Quốc sẽ vấp phải phản ứng "mạnh mẽ hơn gấp bội" nếu dám cả gan thành lập ADIZ ở Biển Đông.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã "thấm" bài học ADIZ ở biển Hoa Đông và rõ ràng là không muốn một lần nữa "biến mình thành con rồng giấy" khi những tuyên bố mà mình đưa ra lại bị phớt lờ mà không thể có những hành động đáp trả xứng đáng.
Chính những khó khăn như trên đã khiến những lời đe dọa "có quyền đơn phương thiết lập ADIZ ở Biển Đông" của Trung Quốc trở nên khôi hài hơn bao giờ hết.
Chỉ sở hữu 1 tàu sân bay, Trung Quốc khó vươn xa
Một tham vọng nữa của Trung Quốc mà nhiều chuyên gia cũng đã từng chỉ ra là biến các bãi đá mà Trung Quốc đã cải tạo thành các tiền đồn quân sự để từ đó làm bàn đạp vươn ra khắp Thái Bình Dương và các đại dương khác trên thế giới.
Tuy nhiên, ước vọng này cũng khó trở thành hiện thực nếu so tương quan về Hải quân giữa Mỹ và Trung Quốc, nhất là khi một nước muốn mở rộng tầm hoạt động trên đại dương thì yếu tố quan trọng hàng đầu cần tính đến chính là sức mạnh của tàu sân bay trong hạm đội hải quân của chính bản thân nước đó.
Rõ ràng, chỉ với một tàu sân bay Liêu Ninh, Trung Quốc khó có thể đối chọi với 10 tàu sân bay hiện đang hoạt động trên khắp các đại dương của Mỹ.
Được coi là "căn cứ Hải quân trên đại dương" các tàu sân bay thường giúp đảm bảo sự hiện diện thường xuyên, liên tục của Hải quân các nước trên biển. Chính vì thế, chỉ với một tàu sân bay Liêu Ninh, dù có cố đến đâu, Trung Quốc cũng khó có thể vươn quá xa ra khỏi Biển Đông.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc chưa thể giúp nước này vươn xa khỏi Biển Đông (Ảnh Reuters)
Điều này là bởi, Trung Quốc không hề có các căn cứ Hải quân trên bộ đặt tại các nước đồng minh như Mỹ nên tàu sân bay của Trung Quốc sẽ buộc phải rút về căn cứ Hải quân của nước này trước khi thời hạn hoạt động của tàu kết thúc. Điều này khiến cho sự hiện diện của tàu tại một khu vực nào đó sẽ bị gián đoạn đáng kể.
Hơn thế nữa, khác với các tàu sân bay đang hoạt động của Mỹ, tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc cũng chỉ là "bằng giấy" khi mà các máy bay chiến đấu của Trung Quốc không thể cất cánh hay hạ cánh trên tàu. Điều này cũng có nghĩa tính năng cơ bản nhất để đảm bảo sự cơ động của Hải quân Trung Quốc trên đại dương là hoàn toàn không có.
Như vậy, sự hiện diện của tàu sân bay Liêu Ninh chỉ nhằm phục vụ ảo tưởng về một quốc gia hùng cường đủ khả năng sở hữu tàu sân bay hơn là thực tế sử dụng tàu sân bay này.
Chính vì vậy, cũng như việc "năm lần bẩy lượt" dọa thiết lập ADIZ ở Biển Đông, việc sở hữu tàu sân bay Liêu Ninh cũng có thể chính là "con dao hai lưỡi với Trung Quốc" bởi không khó để nhận ra rằng, sự phô trương ấy cũng chỉ che đậy tiềm lực Hải quân còn rất hạn chế của Trung Quốc so với Mỹ.
Có thể nói, dù đã hoàn tất việc cải tạo đảo ở Biển Đông, Trung Quốc vẫn vấp phải muôn vàn khó khăn khi muốn thúc đẩy tham vọng bành trướng của mình. Tham vọng ấy vượt xa tiềm lực thực tế của Trung Quốc và khiến nước này cho đến nay vẫn chưa thể tính tiếp được "hải trình" phía trước của mình./.
Theo VOV Online
Lật tẩy âm mưu bành trướng của Trung Quốc ở biển Đông Sáng kiến "Con đường Tơ lụa trên biển" được chi phối bởi niềm tin của ông Tập Cận Bình rằng, hàng hải là chìa khóa để Trung Quốc đạt được vị thế vượt trội tại châu Á. Dùng thương mại - đầu tư để mở rộng ảnh hưởng chiến lược Dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đang chuyển sang chủ...