Kỳ 1: 1001 mảnh đời trong thế giới thứ ba
Đôi khi Nam thấy đau khổ vì cuộc sống của mình, nhưng em không tuyệt vọng. Đối với em cuộc sống vẫn luôn tuyệt vời, dù em đã trải qua những chuyện có thể nhiều người chưa từng tưởng tượng được.
Mọi người nghĩ đồng tính là bị bệnh
Giống như nhiều cậu con trai khác, Nam (đường Minh Khai – Hà Nội) có một ngoại hình cao lớn và khuôn mặt nam tính. Đi ngoài đường em có thể chìm trong đám đông như bất kỳ cậu con trai nào khác, nhưng chỉ có một điểm khác biệt ở em, Nam yêu con trai chứ không yêu con gái.
Nam là một người đồng tính.
Khi mới nhận biết về giới tính của mình, Nam rất bất ngờ và bối rối. Những lo lắng đó đã trở thành sự thật khi những biểu hiện về giới tính của Nam khác với những bạn trai khác khiến mọi người để ý.
Nam hồi tưởng lại những ngày tháng thời thơ ấu vất vả của mình và kể với một giọng xúc động: “Các bạn để ý cách cư xử của mình, trêu mình, tìm cách để làm cho mình tức giận. Họ cảm thấy đấy là trò vui của họ, họ chửi bới mình bằng những câu thậm tệ, kể cả những câu mà họ cũng chưa biết nghĩa. Họ cứ nói vì họ cần nước mắt của em, cần sự tức giận của em”.
Những ngày tháng khó khăn ấy đã khiến em bị tổn thương sâu sắc, em khép mình lại, chơi với rất ít bạn bè và trở nên dữ dằn, sẵn sàng xù lông nhím chống chọi với những người xung quanh. “Đứa nào dám động đến em là em đánh ngay”, Nam vừa kể vừa bật cười.
Không chỉ bị nhiều bạn bè và những người lạ kỳ thị, Nam còn gặp sự kỳ thị từ chính gia đình mình. “Khoảng đầu năm lớp 10, khi em đưa người yêu về nhà thì bị bố phát hiện”. Nam nhớ lại những ngày đó với ánh mắt hoang mang: “Bố em rất buồn. Lần đầu tiên em nhìn thấy ông ấy khóc”.
“Rồi bố em cắt hết quần áo của em, cho người đưa đón em đi học rồi về nhà, cấm tuyệt đối đi chơi. Rồi mẹ còn hỏi em là sao mày lại bị cái bệnh này, có cần tao đưa vào bác sĩ hay không hay tao đưa mày vào trại tâm thần…”. Nam tiếp tục kể với giọng ngập ngừng pha chút run run, ánh mắt em trở nên nhòe nhoẹt. Dường như những kí ức về những ngày tháng ấy vẫn luôn làm em cảm thấy đau đớn. “Ngay cả chị em – một người có thể giúp được em cũng không biết em là người đồng tính bẩm sinh hay do trong tuổi dậy thì em bị lệch lạc, chị ấy vẫn hỏi em có cần uống hoocmon nam không để chị mua”, Nam chia sẻ.
Nam tiếp tục dòng hồi ức của mình với những câu nói ám ảnh Nam đến tận bây giờ, bố Nam nói: “Nếu một thằng con trai mà không ra dáng một thằng con trai thì mày không xứng đáng ngước mặt lên nhìn xã hội này. Mọi người sẽ khinh bỉ mày”. Còn mẹ thì bảo: “Con trai không ra con trai, con gái không ra con gái, mày sống cái kiểu gì để bố mẹ không ngước mặt lên nhìn anh chị em bạn bè được”.
Video đang HOT
Bố Nam bắt em lên ngủ trên phòng thờ ở trên cùng căn nhà, không đổ mái và chỉ được lợp một lớp tôn mỏng. Trời nắng thì nóng như thiêu đốt mà chỉ có một chiếc quạt nhỏ. Còn trời mưa thì nước dột trúng giữa giường, căn phòng ẩm thấp, kín như bưng và bẩn thỉu. Nam vẫn làm tất cả những thứ bố yêu cầu chỉ để chứng minh rằng Nam là một thằng con trai đích thực, vì bố Nam đã từng nói: Con trai mà không chịu được khổ cực thì sẽ không thể trở thành một người đàn ông được. Nam cố gắng để có thể khiến bố hiểu mình hơn, hiểu về tình cảm, xu hướng của em, nhưng đến hiện tại bố Nam vẫn chưa chấp nhận em. Đó cũng là điều khiến Nam buồn khổ nhất, mỗi khi nhắc đến bố, giọng nói của em đều chứa đầy sự day dứt.
Và chính em cũng từ chối em
Những lúc cảm thấy cuộc sống quá kinh khủng, Nam giải tỏa bằng nhiều cách tiêu cực, em rạch tay, bấm lỗ tai, tìm mọi cách trấn an bằng máu. “Em rạch tay khoảng chục lần. Em không rạch lung tung mà viết theo chữ, chữ nhiều nhất của em có khoảng hơn hai mươi vạch. Em rạch cả hai bên tay, cả ở chân nữa. Mỗi chữ đều có một ý nghĩa riêng ở từng thời điểm khác nhau”, Nam bình thản kể.
Chữ “Quên” được Nam rạch lên tay và chụp lại để nhắc mình
phải quên đi những chuyện buồn.
Dường như khi nỗi đau tinh thần quá lớn, những đau đớn về thể xác không còn đáng kể với em nữa. Nam tự hành hạ bản thân mình và lấy đó làm cách giải tỏa cho những tổn thương về tinh thần và những ức chế tích tụ lâu ngày. Tôi thấy xót xa khi nhìn hai cánh tay đầy vết sẹo trắng mờ mờ với những chữ nguệch ngoạc: “Cười”, “Khóc”,…
Khi mới nhận ra xu hướng tình dục của mình, Nam cũng dằn vặt và nghĩ rằng đó là sự lệch lạc. Em không cho mình suy nghĩ đến bất kì chuyện gì liên quan đến chuyện giới tính của mình, em trêu chọc các bạn gái, chơi với các bạn trai nhiều hơn, nghịch ngợm nhiều hơn. Nhưng càng lớn lên em càng nhận ra mình không thể chối bỏ bản thân mình. Dù không thể chối bỏ giới tính của mình, nhưng em cũng không chấp nhận nó hoàn toàn, không mong muốn nó. “Em cảm thấy mình khác người quá, mình không giống người ta, mình khác họ và kém họ rất nhiều”, Nam cúi mặt xuống, nhìn chăm chú vào cốc nước và run run nói.
Theo ANTD
Quán cà phê dành cho người đồng tính
Cứ cuối tuần, những người thuộc thế giới thứ ba lại tụ tập ở quán cà phê Nhịp đập trò chuyện rôm rả, nghe hát, xem ca nhạc, kịch, nghe kiến thức về dự phòng HIV và thoải mái sống với giới tính thật của mình.
Ở thành phố Đà Nẵng, nói đến những người đồng giới nam (MSM), người dân vẫn còn e ngại, có người cho rằng đó là bệnh có thể lây lan. Nhưng trong thế giới ấy, có biết bao câu chuyện buồn và đẫm nước mắt. Quán Nhịp đập trở thành nơi họ tìm đến với nhau để đồng cảm và sẻ chia.
"Nhịp đập ra đời đơn giản lắm. Thấy anh em tụ tập đi chơi tốn nhiều tiền quá, mình nghĩ tại sao không mở một quán riêng cho mọi người", Nguyễn Thế Trung, chủ quán cà phê chia sẻ.
Trung cho hay, hiện anh là nhân viên của Trung tâm tư vấn sức khỏe cộng đồng tại Đà Nẵng. Hàng ngày, anh làm việc tại trung tâm tư vấn, giải đáp thắc mắc, an ủi những người đang đau đớn, khổ sở vì phát hiện ra mình bị đồng tính, trang bị cho họ kiến thức về tình dục an toàn.
Với mục đích tạo một sân chơi cho những người đồng tính và lồng ghép vào đó tuyên truyền kiến thức phòng, chống HIV, Trung đã cho đặt một tủ tài liệu tuyên truyền về dự phòng HIV và phát bao cao su miễn phí tại quán cà phê.
Cà phê Nhịp đập mở vào các tối thứ 7 và chủ nhật hàng tuần. Ảnh: Hoàng Thùy.
Những kiến thức ấy cũng được Trung khéo léo thể hiện trong tiết mục văn nghệ ở quán cà phê. Vào hai ngày thứ bảy, chủ nhật, khi quán đã chật khách, mọi người sẽ dẹp bàn, xếp ghế ngồi ở hai bên, dành khoảng trống ở giữa làm sân khấu. Các tiết mục kịch, biểu diễn thời trang, ca nhạc... do chính đồng nghiệp của Trung ở Trung tâm tư vấn sức khỏe cộng đồng thể hiện nhận được sự ủng hộ nhiệt tình.
Sau các tiết mục văn nghệ, Trung tổ chức trò chơi, đố vui về HIV/AIDS, qua đó anh và những người bạn khéo léo hướng dẫn các bạn cách sử dụng bao cao su và dự phòng lây nhiễm HIV. "Tất cả kịch bản và ý tưởng thực hiện ở quán bọn mình đều thống nhất và được anh Huy (anh cả của câu lạc bộ Ánh sao đêm trước đây) duyệt qua", Trung chia sẻ.
Với diện tích khoảng 25 m2, quán cà phê trở nên ấm cúng với ánh điện vàng và những chiếc bàn nhỏ nhắn xếp cạnh nhau. Những người đến với Nhịp đập đều tự nhiên cởi bỏ lớp vỏ bọc hàng ngày để sống thật, thể hiện thật con người của mình. Cũng từ đó mọi người hiểu hoàn cảnh của nhau, yêu thương và giúp đỡ nhau nhiều hơn.
Ngoài việc mở quán cà phê, Trung còn thành lập một câu lạc bộ dạy múa cho những người đồng tính chưa có việc làm. Sau khi đào tạo, Trung ký hợp đồng và tạo việc làm cho họ. Những ngày thường, quán cà phê là nơi Trung và các bạn luyện tập thể dục nhịp điệu.
"Mình từng rất đau khổ khi biết giới tính thật của mình. Ba mẹ đau lòng, từng bắt mình nghỉ việc, đưa đi chữa hết bệnh viện này đến thầy lang nọ. Thương ba mẹ, mình cố gắng làm việc, gửi tiền về nuôi hai em ăn học. Giờ đã có công việc ổn định nên mình bắt đầu sống cho bản thân và giúp đỡ những người cùng hoàn cảnh", Trung nói.
Đây là nơi những người đồng tính nam tìm đến để chia sẻ niềm vui, nỗi buồn và học được những kiến thức về dự phòng HIV. Ảnh: Hoàng Thùy.
Ở quán cà phê, Trung và các bạn đã giúp đỡ nhiều người tìm được thăng bằng sau cú sốc nhận ra mình không phải nam nhi. Anh kể, có một cậu bé mới học lớp 9 nhưng đã thể hiện "bóng lộ". Nhà trường phản ánh đến gia đình, bố mẹ mắng chửi và đuổi cậu ra khỏi nhà, tất cả bạn bè cũng xa lánh. Cậu khổ sở tìm anh để tâm sự. Trung đã an ủi, động viên cậu bé và tự tìm đến nhà, gặp ba mẹ cậu giải thích rằng đó không phải là một loại bệnh và cậu bé không có lỗi.
"Lúc đầu họ phản ứng gay gắt rằng chuyện gia đình tôi để chúng tôi giải quyết. Nhưng sau một thời gian mình kiên trì, mọi người đã hiểu được vấn đề và hiện tại cậu bé ấy đã trở lại trường theo học bình thường", Trung cho hay.
Nhịp đập giờ đã trở thành ngôi nhà chung của cộng đồng MSM tại Đà Nẵng. "Tuần nào không đến quán này để gặp mọi người mình nhớ lắm. Thế nên sau những buổi học căng thẳng, tối thứ bảy mình lại ra đây. Quán Nhịp đập giống như ngôi nhà thứ hai của mình vậy", một sinh viên ĐH cho hay.
Ông Võ Thành Trung, Phó giám đốc Trung tâm Phòng chống AIDS Đà Nẵng, cho biết, những người làm nên quán cà phê Nhịp đập hầu hết là nhân viên tư vấn, tiếp cận cộng đồng của Trung tâm tư vấn sức khỏe cộng đồng.
"Quán cà phê ra đời là địa chỉ tin cậy cho những người đồng tính nam, giúp cho việc tuyên truyền dự phòng HIV được mở rộng trong cộng đồng MSM, dự phòng HIV hiệu quả bởi nguyên nhân chủ yếu làm lây nhiễm HIV trong tương lai được xác định là quan hệ tình dục đồng giới", ông Trung nói.
* Tên nhân vật đã được thay đổi.
Theo VnExpess
Tuổi thơ cay đắng của Miss đồng tính Việt Có cơ thể là nam nhưng từ nhỏ Ngọc đã "ăn sâu tiềm thức mình là một cô gái", học đến lớp 5 thì ba bắt nghỉ học đi bán vé số, mới đây cô đã đăng quang trong cuộc thi Miss đồng tính. Bảo Ngọc trong đêm chung kết cuộc thi Miss Angle. Mỗi năm một lần, thegioithu3 - diễn đàn lớn...