Kịp thời ‘cứu’ nguồn vật liệu thi công cao tốc Bắc Nam
Với Nghị quyết số 133/NQ-CP ngày 19/10/2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 áp dụng cơ chế đặc thù cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng cao tốc Bắc Nam phía Đông, giai đoạn 2017 – 2020, các nhà đầu tư, nhà thầu thi công dự án này đã được tháo gỡ kịp thời những khó khăn về thủ tục cấp phép khai thác mỏ, giảm bớt căng thẳng nguồn vật liệu phục vụ thi công.
Nhiều mỏ vật liệu mới được bổ sung
Theo đại diện các Ban Quản lý dự án (BQLDA) giao thông (đại diện chủ đầu tư các dự án thành phần cao tốc Bắc Nam – Bộ GTVT), nhu cầu vật liệu đất đắp nền đường cao tốc Bắc Nam đang thi công cách đây 2 tháng thiếu hơn 22 triệu m3, hiện chỉ còn cần khoảng 10 triệu m3.
Ông Hoàng Tuấn Khoát, Phó giám đốc BQLDA 7 cho biết, với các mỏ vật liệu vừa được tỉnh cấp phép và bổ sung quy hoạch theo Nghị quyết 133, sau khi đưa vào khai thác cơ bản bổ sung kịp thời nguồn đất đắp cho dự án thành phần cao tốc Bắc Nam đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết qua Bình Thuận. BQLDA 7 và các nhà thầu đã làm việc với địa phương xác định mốc các mỏ vật liệu sẽ được cấp phép trong tháng 1/2022. Quy trình cấp phép sẽ thực hiện theo tinh thần rút ngắn thời gian càng sớm càng tốt.
Thi công cao tốc Cam Lộ – La Sơn.
Với dự án thành phần cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận đã phê duyệt bổ sung 8 khu vực mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường vào quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu.
Còn tại dự án thành phần cao tốc Cam Lộ – La Sơn qua tỉnh Thừa Thiên – Huế, BQLDA đường Hồ Chí Minh báo cáo, hiện nay dự án còn thiếu khối lượng đất đắp khoảng hơn 600.000 m3. Chỉ cần địa phương cấp phép khai thác thêm 2 mỏ, dự án sẽ giải quyết được nguồn vật liệu thiếu hụt trên.
Tương tự, theo BQLDA6, đại diện chủ đầu tư dự án thành phần cao tốc Nghi Sơn – Diễn Châu qua Nghệ An, sau 3 tháng thi công, đến nay, nhu cầu về vật liệu cần khoảng 1,1 triệu m3 cát, 0,8 triệu m3 đá, 8,5 triệu m3 đất đắp. Các mỏ đất đang khai thác tại địa phương có trữ lượng hơn 10 triệu m3, nhưng công suất khai thác hàng năm chỉ đạt khoảng 0,9 triệu m3/năm. Nếu được cấp phép khai thác thêm một số mỏ mới, nhu cầu vật liệu cho dự án sẽ cơ bản được đáp ứng thời gian tới…
Về vấn đề này, ông Lê Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT – Bộ GTVT) cho biết, Nghị quyết 133 có nhiều điểm mới so với Nghị quyết 60. Trong khi Nghị quyết 60 chỉ quy định cho phép các mỏ vật liệu thông thường đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác, được cấp phép nâng công suất không quá 50% công suất ghi trong giấy phép khai thác, Nghị quyết 133 cho phép các mỏ đất đắp nền đường được nâng công suất theo nhu cầu của dự án đường cao tốc, không giới hạn 50% công suất ghi trong giấy phép, đến khi dự án hoàn thành thì bàn giao lại mỏ cho địa phương.
Video đang HOT
Cao tốc Bắc Nam sẽ có đủ đất đắp đến hết quý I/2022
Tại Hội nghị trực tuyến về tình hình triển khai Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành khẳng định, để tháo gỡ các vướng mắc về vật liệu, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 133 điều chỉnh nội dung Nghị quyết số 60, cho phép các địa phương được điều chỉnh nâng công suất khai thác theo nhu cầu các dự án trong phạm vi trữ lượng đã được cấp phép.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên chia sẻ, Nghị quyết 133 ban hành giải quyết thêm được 12,7 triệu m3 đất cho các dự án. Theo tiến độ đang triển khai, cao tốc Bắc Nam sẽ có đủ vật liệu đất đắp đến hết quý I/2022.
“Đây là công trình trọng điểm quốc gia trong 5 năm tới, Bộ Chính trị đã chỉ đạo phải ưu tiên mọi nguồn lực cho dự án này. Đây cũng là công trình mà trong vòng 3 tháng, Chính phủ ban hành 2 nghị quyết (Nghị quyết 60 và 133), cho thấy, Chính phủ dành sự quan tâm đặc biệt cho dự án này. Mỗi tháng lãnh đạo Chính phủ giao ban 1 lần để giải quyết kịp thời vướng mắc của địa phương, chủ đầu tư nhà thầu” Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định.
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của cao tốc Bắc Nam, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ, các địa phương phải tiếp tục tập trung giải quyết triệt để các tồn tại, hạn chế, đảm bảo dự án xong sớm giai đoạn 1. Về vấn đề mỏ vật liệu xây dựng, dứt khoát phải bảo đảm có đủ mỏ vật liệu cho dự án. Các địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà thầu theo Nghị quyết 133 mới ban hành để vừa tăng công suất mỏ hiện có, vừa cũng như rút ngắn thời gian cấp phép mỏ mới.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, GTVT, Xây dựng nghiên cứu xử lý vấn đề mỏ vật liệu xây dựng cho giai đoạn 2 của dự án. Các bộ, ngành, địa phương cần đốc thúc các doanh nghiệp liên quan khẩn trương di dời hạ tầng kỹ thuật, sớm hoàn thành giải phóng mặt bằng. Đặc biệt, các bộ, ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tiến độ dự án.
Sớm gỡ 'nút thắt', đẩy nhanh thi công cao tốc Cam Lộ - La Sơn trước mùa mưa
Tuyến đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn đi qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đang được các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công trước mùa mưa bão.
Tuy nhiên, hiện nay công trình trọng điểm này đang gặp khó khăn về nguồn đất đắp và chưa giải quyết dứt điểm về vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng để bàn giao cho các nhà thầu tiến hành thi công.
Tại một số gói thầu trên tuyến, các đơn vị thi công tăng ca thêm buổi tối để kịp đảm bảo tiến độ. Ảnh minh họa: Huy Hùng/TTXVN
Tháo gỡ "nút thắt" gần 1 triệu m3 đất đắp
Gói thầu số XL 06 dài 8,3 km trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn đi qua huyện Phong Điền đang gặp khó khăn trong việc tìm nguồn đất đắp nền đường với khối lượng trên 600.000 m3. Trên công trường, máy móc của các nhà thầu phải hoạt động cầm chừng chờ nguồn đất bổ sung từ các mỏ đất đang hoàn thiện thủ tục cấp phép.
Ông Nguyễn Minh Sơn, Chỉ huy trưởng Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng Thành Phát cho biết, đơn vị hiện mới thực hiện đắp được khoảng 100.000 m3 đất. Các mỏ đất trên địa bàn tỉnh hiện nay gần như hết trữ lượng đất đủ tiêu chuẩn phục vụ cung cấp cho tuyến cao tốc. Chẳng hạn, tại gần vị trí thi công của gói XL 06 có mỏ đất 1-5, tuy nhiên chất lượng đất ở đây không cao nên nhà thầu chỉ thu mua với số lượng hạn chế. Mới đây, đại diện chủ đầu tư dự án là Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh phải bố trí điều phối đất lẫn đá trong quá trình bạt núi mở đường từ gói thầu số XL08 về nhằm bổ sung một phần. Tuy nhiên, với lớp đất đá này, nhà thầu phải tốn thêm công đoạn lu lèn qua nhiều bước nhằm đảm bảo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật.
Tuyến đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn đi qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có chiều dài 66,4 km, kéo dài từ gói thầu số XL04 đến gói thầu số XL11. Ông Tạ Gia Mạnh Hưng, Trưởng phòng Điều hành dự án 2, Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, gói thầu số XL05 và số XL06 trên địa bàn huyện Phong Điền đang bị thiếu khoảng gần 1 triệu m3 đất đắp nền đường, ảnh hưởng đến tiến độ thi công tại hai gói thầu này. Cụ thể, gói thầu số XL05 hiện mới đạt 43% giá trị hợp đồng, gói thầu số XL06 đạt 45% giá trị hợp đồng.
Theo ông Hưng, chất lượng về nguồn đất đắp nền đường cao tốc đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn khắt khe. Tuy nhiên, các mỏ đất trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ khai thác được lớp đất ở tầng phủ dày từ 1 - 2m, còn lớp đất tầng dưới không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật cho dự án, dẫn đến thiếu hụt nguồn cung. Đơn cử như mỏ đất Hiền Sỹ ở xã Phong Sơn, huyện Phong Điền có quy mô rộng 6,5 ha, với trữ lượng khai thác khoảng 700.000 m3, tuy nhiên khối lượng đất đủ tiêu chuẩn cung cấp cho dự án cao tốc chỉ khoảng 150.000m3.
Ông Phan Quang Lâm, đại diện đơn vị tư vấn giám sát cho rằng, tỉnh Thừa Thiên - Huế đang có hai mỏ đất đưa vào quy hoạch nhưng chưa được cấp phép tại xã Phong Thu, xã Phong An (huyện Phong Điền). Do vậy, tỉnh có thể xem xét bàn giao hai mỏ đất này cho đơn vị thi công khai thác lớp đất tầng phủ và nhà thầu sẽ thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế, phí cho địa phương theo quy định.
Để giải quyết vấn đề này, lãnh đạo Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh cũng đã có văn bản báo cáo và kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế quan tâm chỉ đạo các sở, ngành liên quan đẩy nhanh giải quyết các thủ tục nhằm sớm tháo gỡ khó khăn về nguồn cung khoảng gần 1 triệu m3 đất đắp tại hai gói thầu trên; trong đó, kiến nghị với UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế xin cấp phép khai thác đất tầng phủ tại mỏ đá vôi Phong Xuân, mỏ đất sét Huỳnh Trúc; cho phép đấu giá đất dôi dư trong quá trình nạo vét hồ Khe Tăm để tăng cường nguồn cung vật liệu cho dự án cao tốc...
"Chạy nước rút" trước mùa mưa
Tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn hiện nay như một đại công trường, mặc dù bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh COVID-19 nhưng các nhà thầu vẫn đang cố gắng khắc phục trong việc huy động máy móc, nhân lực để đẩy nhanh tiến độ công việc trước khi bước vào mùa mưa.
Cầu sông Bồ trên tuyến cao tốc đi qua địa bàn xã Phong Sơn, huyện Phong Điền hiện nay đang thi công được khoảng 80% khối lượng công việc. Những công nhân ở đây đang tăng tốc đẩy nhanh hoàn thành xây dựng trụ cầu cuối cùng và mố cầu số 2.
Ông Lê Hồng Trung, chỉ huy công trường cho biết, vào mùa mưa lũ, nước trên sông Bồ dâng lên rất nhanh, do vậy đòi hỏi việc thi công hiện nay phải hết sức khẩn trương để tập kết máy móc, vật liệu đến vị trí an toàn trong khoảng 2 tháng tới. Cầu sông Bồ có 10 nhịp, đến nay đơn vị thi công đã gác dầm xong 3 nhịp cầu. Công ty đã đổ xong 35/50 dầm, thời gian tới sẽ ưu tiên việc lắp dầm đối với 4 dịp cầu giữa sông và phấn đấu hoàn tất công tác lắp toàn bộ dầm cầu trước ngày 15/10 để sau đó tập trung thi công mặt cầu.
Theo Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh tiến độ chung của dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn hiện đạt được khoảng 57% khối lượng công việc, phấn đấu hoàn thành thi công phần nền đường trước mùa mưa vào tháng 10. Những gói thầu đạt tỷ lệ khối lượng công việc cao là XL10 đạt 72%, XL08 đạt 63%; trong đó ở gói thầu XL10 đã thí điểm cho thảm nhựa.
Ông Nguyễn Thành Vinh, đại diện Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh cho biết, có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan hiện nay đang cản trở đến việc đẩy nhanh tiến độ của dự án. Chẳng hạn tại gói thầu XL08 và XL09, vị trí nền đất ở đây yếu, sau khi thi công xong cọc cát đầm và giếng cát, hiện nay nhà thầu phải đổ đất đắp lên trên nhằm tạo sự ổn định nền đường, quá trình này phải mất khoảng 6 tháng mới có thể bốc dỡ lớp đất đắp này để tiếp tục thi công.
Ngoài ra, việc giải phóng mặt bằng hiện nay vẫn còn một số vị trí chưa được giải quyết dứt điểm để bàn giao cho đơn vị thi công như ở xã Hương Thọ, thành phố Huế có Cửa hàng Xăng dầu Hưng Phát và một vài hộ dân. Theo ông Nguyễn Thành Vinh, việc điều chỉnh địa giới hành chính, mở rộng thành phố Huế từ ngày 1/7/2021 cũng ảnh hưởng đến việc giải phóng mặt bằng này, do trước đây những vị trí này thuộc thị xã Hương Trà quản lý.
Thời gian qua, Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh đã "nhắc nhở" một số nhà thầu chậm tiến độ và hiện tại các đơn vị này đã khắc phục, bố trí công nhân làm việc 3 ca ngày đêm để thực hiện đúng cam kết hoàn thành khối lượng công việc với chủ đầu tư.
Tuyến đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn được khởi công từ tháng 9/2019, có tổng chiều dài xây dựng là 98,35 km, đi qua địa bàn tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế; trong đó, đoạn tuyến đi qua tỉnh Thừa Thiên - Huế là 66,4 km, trải dài qua huyện Phong Điền, thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy và huyện Phú Lộc. Lãnh đạo Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh đang phấn đấu đến cuối năm 2021 sẽ thông nền đường, cơ bản thi công xong phần móng và một phần mặt đường.
Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn có tổng mức đầu tư khoảng 7.669 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Giai đoạn đầu, dự án được đầu tư với quy mô hai làn xe, bề rộng nền đường là 12m, riêng các đoạn vượt xe có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường là 23m. Giai đoạn hoàn chỉnh có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường là 23m.
Rà soát các mỏ, bảo đảm đủ vật liệu thi công cao tốc Bắc - Nam phía Đông Theo Thông báo 179/TB-VPCP, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu các tỉnh liên quan khẩn trương rà soát mỏ vật liệu trên địa bàn, cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, bảo đảm cung cấp đủ nguồn vật liệu phục vụ thi công Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao...