Kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng khoảng 7% năm 2022
Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 4/7, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã thẳng thắn đánh giá về tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm, và đưa ra những ý kiến về định hướng chiến lược trong những tháng tới.
Kết quả khả quan của các địa phương trong nửa đầu năm 2022
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành cho biết, trong 33 nhiệm vụ được xác định sau buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ, đến nay, tỉnh đã hoàn thành 12 nhiệm vụ. Trong thời gian tới, Kiên Giang xác định nuôi biển là một hướng đi quan trọng, cần thúc đẩy. Đến nay đã có hơn 100 nhà đầu tư đăng ký triển khai việc này.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương thì cho biết, 6 tháng đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 24%, cao nhất từ trước đến nay và đứng đầu cả nước. Bắc Giang cũng là địa phương đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh, mở ra không gian phát triển mới.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết sự quan tâm đầu tư của Trung ương với Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong nhiệm kỳ này, đặc biệt là việc triển khai hàng loạt dự án hạ tầng giao thông chiến lược trong vùng, đã giúp ĐBSCL tạo động lực tốt để phát triển.
Riêng với Sóc Trăng, Thủ tướng Chính phủ đã về địa phương làm việc và khảo sát hiện trường, chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc cho dự án Nhiệt điện Long Phú 1 đã triển khai 13 năm chưa hoàn thành.
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp cho rằng nếu có quyết tâm cao thì Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 7% trong năm 2022. Điều này có cơ sở thực tiễn và đã nằm trong dự báo, nghiên cứu của Đảng và Chính phủ, theo mục tiêu tăng trưởng bình quân 5 năm đạt khoảng 6,5%-7% tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng kiến nghị phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm khoảng 7,0%, cao khoảng 0,5% so với mục tiêu Quốc hội giao và Chính phủ đề ra (từ 6-6,5%), tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2023.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cũng nhấn mạnh sự quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, như các quyết định phù hợp về phòng chống dịch và mở cửa nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kịp thời kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro…
Video đang HOT
TP HCM dự kiến sẽ có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm đề ra (6-6,5%) thậm chí có thể đạt 7%, vượt mức đề ra. Trong thời gian tới, TP HCM dự định triển khai một số công trình trọng điểm, trong đó có thể đến dự án đường vành đai 3, chuẩn bị khởi động, đề xuất các cấp có thẩm quyền dự án vành đai 4, thúc đẩy các các dự án cao tốc, metro, các dự án chuyển đổi số, đề án xây dựng trung tâm tài chính quốc tế…
Đề xuất miễn toàn bộ học phí cho học sinh THCS
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng tình hình kinh tế Việt Nam nửa đầu năm 2022 đang có những kết quả tích cực. Ảnh: VGP
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng với mức tăng trưởng GDP tăng cao và tình hình lạm phát được kiểm soát ở mức thấp so với nhiều nước trên thế giới và khu vực, mặt bằng lãi suất cho vay chỉ tăng nhẹ 0,12% so với năm trước trong bối cảnh còn nhiều khó khăn đã cho thấy kết quả tích cực về tình hình kinh tế của Việt Nam nửa đầu năm 2022.
Tuy nhiên, ngân hàng trung ương nhiều nước đều đánh giá lạm phát vẫn chưa lên tới đỉnh điểm, trong khi kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, đòi hỏi các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô trong những tháng cuối năm phải rất đồng bộ, xác định rõ mục tiêu ưu tiên rõ ràng, làm tốt công tác truyền thông về vấn đề này.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đánh giá lần đầu tiên sau nhiều năm, tăng trưởng GDP đạt mức 7,72% trong quý II, chứng tỏ nền kinh tế đang vận hành tốt, các ngành kinh tế đang phục hồi và phát triển vượt bậc. Đặc biệt, các cơ quan, tổ chức quốc tế cũng đánh giá rất tích cực về sự vận hành của nền kinh tế Việt Nam.
Để thúc đẩy các dự án hạ tầng trọng điểm, chiến lược, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng phải chuẩn bị các dự án kỹ lưỡng, các địa phương phải làm tốt công tác giải phóng mặt bằng. Về phần mình, lãnh đạo Bộ cuối tuần đều dành thời gian tới hiện trường để thúc đẩy dự án. Đến thời điểm này, Bộ Giao thông vận tải đã giải ngân hơn 17.300 tỷ đồng, đạt 34% tổng vốn Thủ tướng giao theo kế hoạch năm.
Về nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, xuất khẩu nông lâm thủy sản trong 6 tháng qua đạt gần 29 tỷ USD, tăng gần 14% so với cùng kỳ. Một số định hướng lớn sắp tới của ngành nông nghiệp là đẩy mạnh phát triển trồng ngô, đậu tương để giảm phụ thuộc nguyên liệu thế giới; đẩy mạnh việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu hữu cơ; phát triển nuôi biển công nghiệp, giảm áp lực khai thác tự nhiên… để chuyển đổi ngành nông nghiệp theo hướng xanh, sinh thái, bền vững.
Đặc biệt, Bộ NN&PTNT sẽ cùng các cơ quan liên quan để nghiên cứu, triển khai việc hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao. Đồng thời mong muốn các địa phương cũng chủ động có các giải pháp hỗ trợ ngư dân, nông dân.
Trong khi đó, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, cần lưu ý vấn đề tuy hàng hóa trong nước dồi dào, giá cả có tăng, nhưng vẫn thấp hơn mặt bằng chung của khu vực và thế giới. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý tình hình sắp tới còn nhiều thách thức, đặc biệt là diễn biến dịch bệnh phức tạp, tiềm ẩn nhiều khó khăn. Vì vậy, cần tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch, nhất là tiêm chủng vaccine, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bảo đảm nguồn cung nguyên vật liệu, các địa phương tập trung phát triển thương hiệu các mặt hàng thế mạnh, đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất và sinh hoạt…
Về lĩnh vực giáo dục, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, ngành đang tập trung chuẩn bị tốt nhất để tổ chức kỳ thi THPT quốc gia những ngày tới bảo đảm an toàn, nghiêm túc, chất lượng, công bằng, khách quan; nghiên cứu, thiết kế môn Lịch sử trong chương trình giáo dục cấp trung học phổ thông, bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn một cách hợp lý, khoa học, bảo đảm hiệu quả cao nhất.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề xuất miễn toàn bộ học phí cho học sinh THCS trên toàn quốc từ năm học 2022-2023. Đồng thời bộ cũng đang triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giá sách giáo khoa.
Về nội dung này, Thủ tướng giao các cơ quan phối hợp, nghiên cứu đánh giá kỹ tác động, Bộ Tài chính tính toán các vấn đề liên quan tới ngân sách, theo tinh thần cần rà soát, thiết kế lộ trình điều chỉnh học phí phù hợp, không gây khó khăn hơn cho người dân và học sinh.
Tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Đến thời điểm này, Bộ Giao thông vận tải đã giải ngân hơn 17.300 tỷ đồng, đạt 34% tổng vốn Thủ tướng giao theo kế hoạch năm. Ảnh: VGP
Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương nhấn mạnh các bài học kinh nghiệm như bám sát thực tiễn, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành, phối hợp đồng bộ trong tổ chức thực hiện; theo dõi chặt chẽ, chủ động dự báo để kịp thời ứng phó với những biến động bất ngờ của tình hình thế giới và khu vực nhằm giữ vững ổn định vĩ mô, các cân đối lớn.
Cùng với đó, tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược, ưu tiên nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng chiến lược, quy mô lớn, hạ tầng số, thích ứng với biến đổi khí hậu; gắn các nhiệm vụ, giải pháp trong ngắn hạn với mục tiêu trung và dài hạn là nâng cao năng suất, năng lực nội tại, tính tự chủ và cơ cấu lại nền kinh tế.
Đồng thời, cần làm tốt công tác tổng kết, đánh giá để rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác nghiên cứu, xây dựng chính sách; nắm chắc tình hình, chủ động nghiên cứu, kịp thời điều chỉnh, đề xuất chính sách khả thi, đúng đối tượng; chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội trong triển khai thực hiện.
Trong bất cứ hoàn cảnh nào, cũng phải giữ vững độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.
Kinh tế Việt Nam trước những thách thức mới
Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, Nhật báo kinh tế của Trung Quốc vừa đăng bài viết nhận định nền kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh chóng song phải đối mặt với những thách thức mới trong bối cảnh tình hình quốc tế không ngừng biến động.
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty Youngbag ViiNa khu Công nghiệp Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN
Theo bài viết, những năm gần đây, kinh tế Việt Nam đã thu hút được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Nền kinh tế Việt Nam được đánh giá có sức bền, đặc biệt là trong ứng phó với khủng hoảng. Năm 2020, khi dịch COVID-19 bùng phát, Việt Nam là một trong số ít các nước có Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng trưởng. Quý I/2022, GDP của Việt Nam tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát bước đầu được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 4 tháng đầu năm 2022 tăng 2,1%, các chỉ số tài chính, tiền tệ, tín dụng được duy trì ổn định, thu ngân sách quốc gia tăng trưởng ổn định.
Bài viết nhận định mặc dù kinh tế Việt Nam đang dần phục hồi, giao thông đi lại ở các thành phố lớn gần như đã trở lại trạng thái bình thường trước khi diễn ra dịch bệnh, song cũng phải đối mặt với "cơn gió ngược" từ bên ngoài. Toàn cầu hóa kinh tế gặp những khó khăn thách thức, xu hướng phát triển khu vực hóa đang dần xuất hiện, lạm phát gia tăng, xung đột Nga-Ukraine ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của kinh tế toàn cầu... Những yếu tố này ít nhiều đã ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
Bài viết nhấn mạnh thách thức của lạm phát và chuỗi cung ứng đang ngày càng rõ rệt. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo giá dầu tăng mạnh đẩy lạm phát toàn cầu ngày càng tăng cao. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn khi nguồn cung nguyên liệu và linh kiện sản xuất ít nhiều bị gián đoạn. Bên cạnh đó, tình trạng ùn tắc thông quan hàng hóa tương đối nghiêm trọng, mặc dù doanh nghiệp đã đa dạng hóa các kênh vận chuyển, nhưng giá thành vận tải tăng cao gây áp lực lớn cho doanh nghiệp. Ngoài ra, việc Mỹ và các nước phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga cũng gây ra tác động nhất định đến kinh tế Việt Nam.
Để giải quyết những khó khăn thách thức hiện nay, WB cho rằng Việt Nam cần nâng cao hiệu quả hoạt động để đáp ứng những thách thức và thực hiện được các mục tiêu phát triển, đặc biệt cần phải cải tiến trong các lĩnh vực tài chính, môi trường, chuyển đổi số, bảo hiểm xã hội và cơ sở hạ tầng.
Phục hồi và phát triển kinh tế: Để nền kinh tế không 'lỡ nhịp' Việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu trong hơn 2 năm qua do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã khiến cho kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Để nền kinh tế vượt qua, phục hồi và phát triển, không lỡ nhịp với kinh tế thế giới, bên cạnh việc khẩn trương xây dựng các chính sách và giải pháp tốt,...