Kinh tế Trung Quốc ‘rung lắc’ sẽ khiến toàn cầu lao đao
Đà tăng trưởng chậm của kinh tế Trung Quốc sẽ tái phân phối các hoạt động kinh tế toàn cầu, đồng thời làm tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới suy giảm, theo các chuyên gia tại Oxford Economics.
Nếu Trung Quốc rơi vào kịch bản “hạ cánh cứng”, tốc độ tăng trưởng của kinh tế toàn cầu sẽ sụt giảm mạnh – Ảnh: Reuters
Việc Trung Quốc tăng trưởng kinh tế ở mức 7% đã và đang tác động lên kinh tế thế giới, kéo tuột giá cả hàng hóa và đặt ra khó khăn cho các đối tác thương mại của nước này, theo Bloomberg.
Mới đây, nhóm chuyên gia tại Oxford Economics vừa đưa ra báo cáo về bức tranh kinh tế toàn cầu trong trường hợp chẳng may nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới ở vào thế “hạ cánh cứng”. Báo cáo cho hay nếu kinh tế Trung Quốc rơi vào kịch bản trên, tốc độ tăng trưởng của kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm mạnh.
30 năm qua, đợt bùng nổ kinh tế đã giúp Trung Quốc giữ đến 11% tổng GDP và 10% tổng thương mại thế giới. Đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên, nước này thậm chí còn là một nhân tố quan trọng hơn với việc chiếm 11% nhu cầu dầu mỏ toàn cầu và từ 40 đến 70% tổng cầu các loại hàng hóa chủ chốt khác, theo số liệu từ Oxford Economics.
Quy mô hệ thống tài chính của Đại lục cũng không nhỏ. Nước này có nguồn cung tiền lớn hơn của Mỹ và chiếm 20% toàn thế giới. Vì thế, khi Trung Quốc hắt hơi, kinh tế thế giới có thể bị cảm lạnh, trước hết là trong lĩnh vực thương mại.
Tổng lượng hàng hóa nhập khẩu vào Trung Quốc giảm khoảng 4% trong 3 quý đầu năm 2015, sau khi tăng trưởng trung bình 11% mỗi năm suốt những năm từ 2004 đến 2014. Việc này có thể khiến tăng trưởng thương mại thế giới giảm 0,4 điểm phần trăm trong 9 tháng đầu năm nay.
Về thương mại, những nước có mối giao thương chặt chẽ với Trung Quốc hoặc có nền kinh tế mở nhất sẽ bị ảnh hưởng lớn nhất. Trong số này có thể kể đến các quốc gia và vùng lãnh thổ: Úc, Đài Loan, Hàn Quốc, Chile, Nhật Bản, Brazil, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Singapore, Mỹ, Nga, khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Video đang HOT
Đa phần các nền kinh tế phát triển có mức phụ thuộc thương mại vào Trung Quốc thấp hơn. Song nước Đức có thể sẽ đi ngược lại.
Thứ nhì, kinh tế Đại lục sẽ để lại tác động gián tiếp lên GDP của các nước là đối tác thương mại của nước này, kéo theo ảnh hưởng đến kinh tế thế giới.
Đơn cử, Nhật Bản sẽ không chỉ chịu đựng việc xuất khẩu sang Trung Quốc sụt giảm mà còn chịu cả việc xuất khẩu sang các thị trường khác như Hàn Quốc và các nước châu Á khác đi xuống. Hàn Quốc và các nước châu Á nói trên chịu ảnh hưởng từ nền kinh tế Trung Quốc.
Tiếp theo, sức khỏe kinh tế Đại lục có mối liên hệ đến giá cả hàng hóa. Bất kỳ mức giảm nào trong tăng trưởng kinh tế Trung Quốc cũng sẽ khiến giá cả hàng hóa giảm sâu thêm, đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung gia tăng trong những năm gần đây. Đây sẽ là tin xấu đối với nhiều nước như Úc, Brazil.
Yếu tố này sẽ dẫn đến một trong những hệ lụy: các nước xuất khẩu dầu và nhiều quỹ đầu tư quốc gia khác có ít tiền hơn để đầu tư vào các tài sản tài chính ở những nền kinh tế phát triển.
Thứ tư, nếu kinh tế tiếp tục giảm tốc, hệ thống tài chính Trung Quốc sẽ gặp nhiều vấn đề, điều này có thể gây ảnh hưởng đến kinh tế thế giới. Song không giống như Mỹ, tính khép kín của thị trường tài chính Trung Quốc lại là một điểm tích cực. Hiện phần lớn nhà băng Trung Quốc đều thuộc sở hữu của các nhà đầu tư trong nước, do đó nỗi lo về việc nợ xấu có thể trở thành vấn đề toàn cầu giảm đi.
Dù vậy, vẫn sẽ có một số quốc gia và vùng lãnh thổ có ngành ngân hàng bị ảnh hưởng nhỏ, trong đó có Đài Loan, Singapore, Anh, Nhật Bản, Úc, Mỹ, Pháp, Đức.
Cuối cùng, khi kinh tế Trung Quốc lao đao, lợi nhuận các tập đoàn đa quốc gia sẽ bị ảnh hưởng. Dòng vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp vào Đại lục hiện vào khoảng 1.500 tỉ USD, vì thế nếu lợi nhuận từ đầu tư thấp, nền kinh tế thế giới cũng sẽ chịu ảnh hưởng.
Thu Thảo
Theo Thanhnien
'Kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào suy thoái trong 2 năm nữa'
Một "cú hạ cánh nặng nề" của nền kinh tế Trung Quốc nhiều khả năng sẽ nhấn chìm kinh tế toàn cầu vào suy thoái trong vòng 2 năm tới, tờ Guardian (Anh) dẫn lời một chuyên gia kinh tế cấp cao người Anh cảnh báo.
Một nhà đầu tư Trung Quốc theo dõi bảng điện tử cập nhật giá cổ phiếu tại Thượng Hải - Ảnh: Reuters
Một nhóm các nhà phân tích tại Citigroup, một trong những tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới của Mỹ, dự đoán khả năng xảy ra suy thoái toàn cầu là 55%.
Dẫn đầu bởi Willem Buiter, chuyên gia kinh tế cấp cao của Citigroup và từng là nhà hoạch định chính sách tại Ngân hàng trung ương Anh, nhóm này đưa ra báo cáo cho rằng suy thoái phát sinh từ sức tiêu thụ của Trung Quốc suy yếu, đồng thời cảnh báo thêm rằng kinh tế nước này đang sắp rơi vào khủng hoảng.
"Chúng tôi cho rằng Trung Quốc đang gặp nguy cơ cao là sẽ chịu một cú hạ cánh nặng nề mang tính tuần hoàn, với khả năng xảy ra đang tăng nhanh", ông Buiter bình luận trong báo cáo.
"Nếu Trung Quốc rơi vào suy thoá, cộng với việc Nga cùng Brazil đã suy thoái, chúng tôi cho rằng nhiều thị trường mới nổi khác, vốn đã đang suy yếu, sẽ tiếp bước, một phần là do tác động từ sự sụt giảm về sức tiêu thụ của Trung Quốc đối với hàng hóa xuất khẩu của các thị trường này", theo chuyên gia kinh tế hàng đầu của Citigroup.
Guardian cho biết các chuyên gia kinh tế thường định nghĩa suy thoái kinh tế toàn cầu là giai đoạn kinh tế tăng trưởng dưới sức trong một thời gian dài.
Citigroup dự báo tốc độ tăng trưởng tiềm năng của kinh tế toàn cầu ở mức 3%, nhưng cho rằng mức tăng trưởng sẽ "đạt 2% hoặc thấp hơn" trước khi cải thiện trở lại vào năm 2017.
"Chúng tôi cho rằng một cuộc suy thoái với mức độ trung bình sẽ là viễn cảnh khả dĩ nhất cho kinh tế vĩ mô toàn cầu trong khoảng 2 năm tới", theo ông Buiter.
Tờ Guardian cho biết hiện chỉ có một số ít các chuyên gia kinh tế khác hiện đang dự đoán sẽ có suy thoái toàn cầu và các nhà đầu tư đã bình tâm trở lại từ sau đợt bán tháo hồi tháng 8, khi kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu chững lại đã khiến thị trường tài chính chấn động.
Tuy nhiên, khi nhận định về điều này, ông Buiter cho rằng: "Các chuyên gia kinh tế ít khi đề cập đến suy thoái, tuột dốc, hồi phục hoặc giai đoạn tăng trưởng mạnh trừ phi tận mắt chứng kiến. Và chúng tôi cho rằng đây có thể một trong những lúc như thế".
Ông cũng tỏ ra nghi ngờ về khả năng Trung Quốc có thể làm giảm mức độ của cơn khủng hoảng vốn đang dần ló dạng sau khi chính phủ nước này hoảng hốt đưa ra một loạt các biện pháp can thiệp trong vài tuần gần đây nhằm ngăn đà tụt giảm giá cổ phiếu và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng. Ông Buiter bình luận Trung Quốc vào thời điểm đó giống như "một nền kinh tế thị trường hỗn độn theo kiểu tư bản thân hữu và là nơi mà các tham vọng về chính sách không trùng khớp với các đường lối chính sách được ban hành".
2Giao dịch viên trên sàn giao dịch chứng khoán New York - Ảnh: Reuters
Trong báo cáo, nhóm các chuyên gia phân tích kinh tế của Citigroup nhận định tăng trưởng GDP giảm mạnh tại các nền kinh tế mới nổi, thương mại toàn cầu tụt giảm, giá hàng hóa xuống thấp cùng lạm phát là những dấu hiệu cho thấy kinh tế Trung Quốc suy yếu đã tàn phá thị trường thế giới. "Bằng chứng cho thấy đang có một cuộc suy thoái toàn cầu hiện diện khắp mọi nơi", theo báo cáo của Citigroup.
Chuyên gia Buiter lo sợ chính quyền tại các quốc gia phát triển có ít biện pháp để đối phó với cuộc suy thoái do lãi suất đã tiệm cận mức 0% và nợ công cao đồng nghĩa với việc chính phủ các nước có lẽ sẽ không sẵn lòng tăng đầu tư công để kích cầu.
Hoàng Uy
Theo Thanhnien
Trung Quốc 'trấn an' doanh nghiệp Hàn Quốc Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khẳng định không cần phải lo lắng về nước này và rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, theo Yonhap. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khẳng định không cần thiết phải lo lắng cho nền kinh tế nước này - Ảnh: Reuters Ông Lý Khắc...