Kinh tế Trung Quốc: Còn sớm để lo ngại giảm phát kéo dài
Nền kinh tế Trung Quốc đang suy yếu. Sự phục hồi sau đại dịch COVID-19 đang dần mất đà. Kim ngạch thương mại với phần còn lại của thế giới đang sụt giảm mạnh. Và sự tăng mạnh của giá nhà kéo dài 10 năm qua cũng đang khép lại. Biểu hiện rõ nhất cho những khó khăn mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang đối mặt là việc nước này chính thức rơi vào tình trạng giảm phát.
Người tiêu dùng chọn mua hàng tại siêu thị ở Hồ Nam, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Tại Mỹ, Anh và Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (eurozone), giá cả đang tăng lên, dù không còn mạnh như vài tháng trước, nhưng tình hình lại đang diễn biến theo chiều ngược lại tại Trung Quốc.
Số liệu cho thấy Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc giảm 0,3% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái đã làm dấy lên những đồn đoán rằng Trung Quốc sắp rơi vào tình trạng giảm phát kéo dài, như trường hợp của nước láng giềng Nhật Bản sau khi bong bóng bất động sản vỡ vào cuối những năm 1980.
Tuy nhiên, còn quá sớm để lo ngại về điều đó, ít nhất là ở thời điểm này. Có nhiều yếu tố chỉ xảy ra một lần ảnh hưởng đến giá thực phẩm dẫn đến sự sụt giảm giá cả trong tháng trước. Lạm phát cốt lõi, không tính giá năng lượng và thực phẩm vốn dễ biến động, không những không giảm, mà trên thực tế còn tăng từ 0,4% lên 0,8%.
Tuy nhiên, giới chức Trung Quốc rõ ràng đang lo ngại về thể trạng của nền kinh tế, và nỗi lo này là có lý do. Những nỗ lực để xoay chuyển nền kinh tế từ phụ thuộc vào đầu tư và xuất khẩu, sang dựa trên chi tiêu tiêu dùng vẫn đang ở giai đoạn đầu. Các nhà máy đang ghi nhận nhu cầu sụt giảm do nhu cầu toàn cầu suy yếu.
Không chỉ có giá tiêu dùng giảm, mà giá sản xuất tại Trung Quốc cũng giảm hơn 4% trong năm qua, điều này sẽ khiến giá hàng hóa xuất khẩu của nước này giảm xuống. Bất cứ yếu tố nào có khả năng khiến lạm phát giảm xuống đều là tín hiệu đáng mừng đối với ngân hàng trung ương ở các nước phát triển.
Giới chức Trung Quốc đang đón nhận thêm nhiều tin xấu. Tương tự những diễn biến dẫn đễn cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, giá nhà tại Trung Quốc đang giảm xuống và giá bất động sản nói chung cũng bị ảnh hưởng. Country Garden, một trong những công ty phát triển bất động sản tư nhân hàng đầu của Trung Quốc, đã quá hạn thanh toán hai hạng mục trái phiếu trong tuần này.
Có lẽ điều đáng lo ngại nhất đối với giới chức Trung Quốc là tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ của nước này hiện đang ở mức 20% và có thể còn tăng cao hơn nữa, với một lứa sinh viên mới tốt nghiệp phải chật vật tìm kiếm việc làm trong một nền kinh tế đang tăng trưởng ì ạch.
Trong dài hạn, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không còn lựa chọn nào khác ngoài việc kiên trì với chiến lược tái cân bằng nói trên của mình. Nguyên nhân khiến kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm trước đại dịch COVID-19 là chính phủ nước này duy trì thanh khoản cao trên thị trường. Nhà nước đầu tư mạnh tay để tăng cường năng lực sản xuất, còn các công ty bất động sản khởi sắc nhờ nguồn cung vốn lãi suất thấp dồi dào. Hệ quả là, Trung Quốc hiện có một lượng lớn các nhà máy vận hành dưới công suất và nhà ở không có người mua.
Vậy tình trạng này có khiến Chính phủ Trung Quốc tránh can thiệp vào nền kinh tế hay không? Câu trả lời gần như chắc chắn là không. Giảm phát, kể cả khi chỉ là tạm thời, sẽ buộc giới chức nước này phải kích thích nhu cầu bằng cách hạ lãi suất và tăng chi tiêu công. Tuy nhiên, rất có thể là chính phủ sẽ chỉ có những can thiệp nhỏ hơn và có mục tiêu rõ ràng hơn trước đây.
Video đang HOT
Kinh tế Trung Quốc vượt qua bất ổn từ COVID-19, đi vào quỹ đạo tăng trưởng khá
Nền kinh tế Trung Quốc có khởi đầu vững chắc trong năm 2023 nhờ người tiêu dùng tăng cường chi tiêu sau ba năm bị kìm hãm trong đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, liệu Trung Quốc có giữ được thành tích này trong những quý tiếp theo?
Tăng trưởng vượt dự báo
Công nhân làm việc tại nhà máy sản xuất xe điện ở tỉnh An Huy, Trung Quốc ngày 12/1. Ảnh: THX/TTXVN
Tân Hoa xã dẫn dữ liệu chính thức từ Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố ngày 18/4 cho thấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý 1/2023 tăng mạnh hơn dự báo: 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nếu so với quý 4/2022, GDP Trung Quốc quý 1/2023 tăng 2,2%. Trước đó, GDP của Trung Quốc tăng 3% năm 2022 và tăng 2,9% trong quý IV/2022 tính trên cơ sở năm. Theo NBS, trong thời gian này, sản lượng công nghiệp giá trị gia tăng, một chỉ dấu kinh tế quan trọng, cũng tăng 3%. Kết quả khảo sát cho thấy tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị là 5,5%. Người phát ngôn NBS Fu Linghui khẳng định nền kinh tế nước này đã có sự khởi đầu thuận lợi cho năm 2023 và niềm tin thị trường cũng cải thiện đáng kể.
Trước đó, hãng tin Reuters công bố kết quả thăm dò cho thấy dự báo kinh tế Trung Quốc tăng 4 % trong quý 1 năm nay. GDP của Trung Quốc lấy lại đà tăng trưởng trong quý đầu tiên này là nhờ dỡ bỏ những biện pháp phòng chống COVID-19 nghiêm ngặt.
Những vấn đề còn tồn tại và triển vọng
Cảng hàng hóa tại Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc ngày 17/1. Ảnh: THX/TTXVN
Theo tờ Financial Times, lĩnh vực bán lẻ, một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong dịch COVID-19 tại Trung Quốc, đã trải qua một trong những đợt phục hồi mạnh mẽ nhất.
Doanh số bán lẻ tăng 10,6% trong tháng 3, vượt dự báo của các nhà phân tích là 7,5% và tăng tốc từ tháng 1 và tháng 2 khi nền kinh tế vẫn đang phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Lĩnh vực bán lẻ gia tăng mạnh mẽ một phần là do thời gian Trung Quốc phong tỏa Thượng Hải vào năm 2022 không gây ra tác động quá mạnh như dự báo.
Các nhà phân tích của ngân hàng Goldman Sachs nhận định: "Chúng tôi dự báo dữ liệu hoạt động sẽ cải thiện hơn nữa trong tháng 4, tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái vốn ở mức rất thấp khi Thượng Hải áp đặt các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt".
Về xuất khẩu, lĩnh vực này ở Trung Quốc vào tháng 3 đã tăng mạnh với tỷ lệ 14,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, thị trường lại dự báo lĩnh vực xuất khẩu của Trung Quốc giảm 5%. Phần lớn tăng trưởng trong xuất khẩu là nhờ doanh số bán và xuất khẩu xe điện sang Nga.
Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế dự báo triển vọng sẽ yếu hơn phía trước, do nhu cầu toàn cầu đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc giảm, động thái tăng lãi suất ở các thị trường phát triển bắt đầu có tác dụng và tình trạng hỗn loạn của khu vực ngân hàng ở nước ngoài ảnh hưởng đến thương mại. Ông Louise Loo tại công ty Capital Economics nhận định: "Tốc độ tăng trưởng có thể sẽ chậm lại kể từ bây giờ".
Các nhà kinh tế đang tranh luận liệu Trung Quốc có cần tăng chi tiêu kích thích hay không khi theo đuổi mục tiêu tăng trưởng 5% cho năm 2023.
Bà Iris Pang, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại công ty ING, nói: "Thách thức năm nay nằm ở chỗ đây là năm phục hồi của Trung Quốc, nhưng lại là năm gần như suy thoái đối với Mỹ và tăng trưởng rất chậm đối với châu Âu". Bà dự báo rằng Trung Quốc sẽ trì hoãn các kế hoạch kích thích để thúc đẩy nhu cầu và hỗ trợ việc làm sau quý đầu tiên tăng trưởng tốt hơn dự kiến.
Bà nói: "Không cần kích thích tài khóa ngay lập tức để hỗ trợ người tiêu dùng. Nhưng chính phủ Trung Quốc có thể sẽ giữ kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng làm một động lực tăng trưởng bổ sung, vì chúng tôi cho rằng thị trường bên ngoài sẽ xấu đi hơn nữa vào năm 2023".
Công nhân làm việc tại công trường ở Trùng Khánh, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Trong khi đó, lĩnh vực bất động sản là một trụ cột quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc, nhưng vẫn chịu áp lực từ cuộc khủng hoảng thanh khoản vốn đã tấn công ngành này và gây ra hàng loạt vụ vỡ nợ. Đầu tư bất động sản giảm 5,8% và doanh số bán nhà theo khu vực giảm 1,8% trong quý đầu tiên, trong khi số nhà xây mới cũng tiếp tục giảm với tỷ lệ 19,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhưng doanh số bán tính theo giá trị đã tăng 4,1% trong ba tháng đầu tiên và giá nhà mới trong tháng 3 đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong 21 tháng qua, cho thấy một số cải thiện.
Tình trạng ảm đạm của lĩnh vực bất động sản cũng tiếp tục lan sang các lĩnh vực như hàng hóa lâu bền, trong đó có cả thiết bị gia dụng. Doanh số bán hàng trong tháng 3 giảm 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Chaoping Zhu, chiến lược gia tại công ty JPMorgan Asset Management, cho rằng quá trình phục hồi niềm tin kinh doanh của khu vực tư nhân ở Trung Quốc có thể chậm hơn dự báo.
Một vấn đề với kinh tế Trung Quốc là tình trạng thất nghiệp dai dẳng. Dữ liệu công bố ngày 18/4 cho thấy tình trạng thất nghiệp cao kỷ lục khi cứ 5 người trẻ tuổi ở Trung Quốc thì có một người thất nghiệp.
Ông Raymond Yeung, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại ngân hàng ANZ, cho biết tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ (19,6%) là mức cao thứ hai trong lịch sử, cho thấy đà chậm lại của nền kinh tế, mặc dù tỷ lệ thất nghiệp toàn quốc đã giảm xuống 5,3%. Ông nói: "Đến tháng 6, sẽ có một lứa sinh viên mới tốt nghiệp đi tìm việc làm. Tình trạng thất nghiệp có thể trở nên tồi tệ hơn nữa nếu động lực kinh tế của Trung Quốc chững lại".
Mục tiêu tăng trưởng có thể đạt được
Ô tô xuất khẩu chờ được bốc lên tàu tại kho cảng ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc ngày 17/1. Ảnh: THX/TTXVN
Bất chấp những khó khăn trên, các nhà kinh tế tỏ ra lạc quan về việc chính phủ Trung Quốc sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm là 5% vào năm 2023, sau khi đạt 4,5% trong quý đầu.
Ông Eswar Prasad tại Đại học Cornell nhận định: "Nền kinh tế Trung Quốc rõ ràng đã thoát khỏi tình trạng bất ổn liên quan đến COVID-19 và đang đi vào quỹ đạo tăng trưởng khá. Trên con đường hiện tại của nền kinh tế, mục tiêu tăng trưởng của năm nay rõ ràng là có thể đạt được nếu không có cú sốc bất lợi lớn nào xảy ra".
Các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Reuters dự báo kinh tế Trung Quốc năm 2023 sẽ tăng 5,4%.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Trung Quốc sẽ là nước đóng góp hàng đầu cho tăng trưởng toàn cầu trong 5 năm tới, với tỷ trọng đóng góp của nước này được dự báo sẽ gấp đôi Mỹ. Cụ thể, số liệu từ báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới của IMF công bố vào tuần trước cho thấy 22,6% tổng tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào năm 2028 là từ Trung Quốc. Trong khi đó, Ấn Độ và Mỹ sẽ đóng góp lần lượt là 12,9% và 11,3% cho tăng trưởng toàn cầu cùng thời điểm trên.
Thùy Dương/Báo Tin tức
Trung Quốc có thể là 'nơi trú ẩn an toàn' giữa khủng hoảng ngân hàng Các nhà kinh tế tại Citi cho biết cuộc khủng hoảng ngân hàng đang diễn ra ở Mỹ và châu Âu đã làm lung lay niềm tin của nhà đầu tư vào hệ thống tài chính phương Tây, có thể khiến Trung Quốc trở thành "nơi trú ẩn tương đối an toàn". Ảnh minh họa: Getty Images Các nhà kinh tế nhận định...