Kinh tế thế giới – viễn cảnh ảm đạm thời Covid-19
Đóng cửa chống đại dịch Covid-19, kinh tế thế giới đứng trước một cuộc khủng hoảng với những tác động tai hại hơn mọi dự báo và đà phục hồi chậm hơn so với mong đợi.
Nền kinh tế vẫn phải loay hoay trong chính quá trình triển khai các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế. (Nguồn: AP)
Tháng 12/2019, dịch bệnh khởi phát từ Trung Quốc, từ đầu năm 2020, bắt đầu lan tới các quốc gia khác và đặc biệt trở nên “nguy hiểm” tại Mỹ và châu Âu, kéo dài và chưa thể dự báo thời điểm kết thúc. Những sự kiện kinh tế khởi đầu cho năm 2020 chính là các biện pháp phong tỏa mà các nền kinh tế không thể không thực hiện nhằm kiểm soát dịch bệnh. Gần như mọi lĩnh vực của kinh tế toàn cầu tê liệt. Dù đến nay, các nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất cũng đang từng bước mở cửa trở lại, triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn kém lạc quan.
Khoảng tối chưa từng thấy
Dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục đẩy toàn cầu vào một môi trường đầy bất trắc. Nhận định chung từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)… đều rất bi quan về viễn cảnh tăng trưởng của thế giới cho giai đoạn 2020-2021.
Kinh tế toàn cầu sau sáu tháng đầu năm 2020 bị nhận định, đã bước vào một cuộc suy thoái tồi tệ, tương tự hoặc thậm chí tồi tệ hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009. Covid-19 đã cuốn trôi 12.000 tỷ USD của cải trên thế giới. Trong báo cáo công bố ngày 24/6, IMF đã báo động đại dịch Covid-19 tác động đến tất cả mọi khu vực địa lý trên toàn cầu, khiến GDP của thế giới thấp hơn đến 4,9% so với năm 2019, tai hại hơn cả vụ Lehman Brothers vỡ nợ khiến 0,1% GDP toàn cầu tan biến. Và khác biệt quan trọng là tất cả các đầu máy kinh tế của thế giới khi đó đã không bị đóng băng cùng một lúc như hiện nay.
Video đang HOT
Nhìn vào các cột trụ kinh tế thế giới, tại Mỹ, Cơ quan Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ cho biết, nền kinh tế nước này đã kết thúc giai đoạn tăng trưởng dài nhất trong lịch sử và rơi vào suy thoái trong tháng Hai, do ảnh hưởng của Covid-19. Nền kinh tế số 1 được dự báo giảm 8% trong năm nay
Trong khi, bức tranh kinh tế châu Âu cũng xuất hiện một loạt khoảng tối chưa từng thấy khi dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng ở tất cả các nền kinh tế chủ chốt của châu lục. Nền kinh tế Eurozone đã giảm 3,8% trong quý I/2020 khi hoạt động kinh doanh đình trệ, trở thành mức sụt giảm lớn nhất kể từ năm 1995. GDP của 19 nước thành viên Eurozone ước giảm hơn 10%.
Tại Trung Quốc, dịch bệnh đã được kiểm soát song tác động nghiêm trọng về kinh tế đã lộ rõ, dù nền kinh tế này được gọi là một ngoại lệ “may mắn” với dự báo tốc độ tăng trưởng đang từ 6,9% trong năm 2019 rơi xuống còn 1%. GDP của Trung Quốc được dự báo sẽ chỉ tăng 1,3% trong quý II/2020, sau khi ghi nhận mức giảm 6,8% trong quý I/2020, lần suy giảm tăng trưởng lần đầu tiên kể từ năm 1992.
Trong khi đó, kinh tế Nhật Bản đã lần đầu tiên rơi vào suy thoái kể từ năm 2015, do nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đã tăng trưởng âm hai quý liên tiếp, tất cả các yếu tố từ tiêu dùng tư nhân, chi tiêu vốn và xuất khẩu đều ghi nhận sự sụt giảm.
Ẩn số và rủi ro
Vào đầu cuộc khủng hoảng, hầu hết mọi người dự đoán sự phục hồi nhanh chóng hình chữ V, không ít chuyên gia kinh tế nhận định, nền kinh tế chỉ cần một khoảng thời gian ngắn để trở lại bình thường và chỉ sau hai tháng, với những kích thích đủ lớn, nền kinh tế có thể lấy lại đà tăng trưởng. Tuy nhiên, đến nay, đó vẫn là… mong đợi, sự hồi phục hình chữ V có lẽ chỉ là một ảo tưởng. Khó khăn đã len lỏi không chỉ tại những quốc gia thất bại trong xử lý đại dịch, mà cả những quốc gia đã kiểm soát tốt.
Theo phân tích của Project Syndicate, triển vọng của nền kinh tế hiện tại có thể được đánh giá trên hai cấp độ. Ở cấp độ vĩ mô, tiêu dùng sẽ giảm do các hộ gia đình và các doanh nghiệp phải thực hiện cân đối tài chính và thắt lưng buộc bụng; hàng loạt vụ phá sản sẽ diễn ra, tâm lý phòng ngừa rủi ro dịch tái phát sẽ khiến chi tiêu, đầu tư mới sụt giảm.
Ở cấp độ vi mô, việc tránh tiếp xúc trực tiếp sẽ khiến cả mô hình sản xuất và tiêu thụ thay đổi nhanh chóng, từ đó mang lại sự chuyển đổi cơ cấu rộng hơn.
Một tác động thứ ba, đó là gia tăng bất bình đẳng. Nguyên nhân là các cỗ máy không chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, sẽ có thêm lợi thế so với người lao động, đặc biệt trong lĩnh vực sử dụng lao động phổ thông. Trong khi đó, người thu nhập thấp phải dành phần lớn thu nhập cho hàng hóa cơ bản, trái ngược với những người có thu nhập cao.
Ngoài ra, triển vọng phục hồi hiện tại trở nên ảm đạm hơn khi nền kinh tế vẫn phải loay hoay trong chính quá trình triển khai các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế. Chẳng hạn, Chính sách tiền tệ không thể xử lý được vấn đề thanh khoản, cũng như không thể kích thích nền kinh tế khi lãi suất tại nhiều nền kinh tế trước đó đã gần như bằng 0; Hay rủi ro khi bảo lãnh những doanh nghiệp yếu kém và đã mắc các khoản nợ do chính bản thân họ tạo ra trước dịch Covid-19. Việc hỗ trợ doanh nghiệp yếu kém như vậy đôi khi lại tạo thêm những “ zombie”, từ đó hạn chế sự năng động của nền kinh tế và khả năng phục hồi sau đại dịch. Dịch bệnh có thể còn kéo dài và các chính phủ trong giới hạn ngân quỹ cho phép, cần ưu tiên việc phân bổ nguồn lực hỗ trợ đến đúng đối tượng, đúng dự án, đẩy nhanh quá trình hồi phục, thúc đẩy chuyển đổi nền kinh tế bền vững.
Các dự báo đến nay tiếp tục bi quan hơn bao giờ, bởi thế giới thực sự đang đứng trước nhiều ẩn số, mà trong đó, ẩn số lớn về virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19 vẫn đầy bí ẩn. Chắc chắn các khu vực kinh tế bị ảnh hưởng lớn bởi các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội từ du lịch, giải trí…đến sản xuất… sẽ không thể hồi phục nhanh chóng. Đó là chưa kể các biện pháp phòng chống vẫn chưa đủ để có thể ngăn chặn nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai. IMF dự kiến nền kinh tế toàn cầu sẽ giảm 3% trong năm 2020.
Suy thoái toàn cầu
Dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại Vũ Hán hồi cuối năm 2019, sau đó lan rộng ra hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ dẫn đến việc nhiều nước phải đóng cửa nền kinh tế để phòng chống dịch. Thế giới sau 6 tháng vật lộn chống đại dịch khiến nền kinh tế toàn cầu hứng chịu đòn tàn phá nặng nề, đã và đang gây nguy hiểm cho nhiều thập kỷ tiến bộ phát triển.
Kinh tế thế giới đang chịu tác động mạnh của dịch COVID-19.
Theo dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) được công bố cuối tháng 6 vừa qua, GDP toàn cầu sẽ giảm 4,9% trong năm 2020 và kinh tế thế giới sẽ thiệt hại tổng cộng 12.000 tỷ USD tính đến hết năm 2021. Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 6/2020 của Ngân hàng thế giới (WB) cũng cho rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm nghiêm trọng ở mức 5,2% trong năm nay do cú sốc nhanh và lớn của dịch Covid-19 gây ra cùng với các biện pháp đóng cửa nền kinh tế nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch này. Việc liên tục điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới của các tổ chức uy tín toàn cầu cho thấy hy vọng đại dịch bị đẩy lùi vào giữa năm nay đã tiêu tan, trong khi khả năng dịch Covid-19 kéo dài hơn, gây tác động tiêu cực toàn cầu trong 6 tháng cuối năm với sự biến động tài chính và sự rút lui khỏi các mối liên kết thương mại và cung ứng toàn cầu. Như vậy, đây sẽ là cuộc suy thoái toàn cầu lớn nhất trong lịch sử hậu Chiến tranh Thế giới thứ Hai với phần lớn các nền kinh tế đang phải trải qua sự sụt giảm sản lượng bình quân trên đầu người kể từ năm 1870.
Tại Mỹ, số liệu của Chính phủ nước này cho thấy kinh tế Mỹ trong quý 1/2020 giảm 4,8% và khiến khoảng 22 triệu việc làm đã mất trong tháng 3 và tháng 4. Kể từ khi mở cửa trở lại nền kinh tế hơn 1 tháng trước, Mỹ đã có thêm 4,8 triệu việc làm trong tháng 6/2020 khi nhiều doanh nghiệp trên cả nước bắt đầu nối lại hoạt động. Tuy nhiên, số ca nhiễm COVID-19 tăng mạnh vào cuối tháng 6 buộc chính quyền nhiều bang đã phải dừng hoặc đảo ngược lộ trình mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế. Dự báo mới nhất của IMF cho rằng GDP của nền kinh tế lớn nhất thế giới này sẽ giảm 8% năm nay.
Liên minh châu Âu (EU) cũng đang đối mặt với một cú sốc kinh tế nghiêm trọng vì đại dịch Covid-19. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhận định đại dịch có thể khiến sản lượng kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) bị giảm từ 5% đến 15%. Tăng trưởng kinh tế của Eurozone trong năm 2020 được dự báo giảm 5,4%, khiến năm 2020 trở thành dấu mốc tồi tệ nhất kể từ khi đồng tiền chung được đưa vào sử dụng năm 1999.
Còn tại châu Á, các nền kinh tế khu vực vẫn tiếp tục cảm nhận tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 trong năm nay, ngay cả khi các biện pháp phong tỏa dần được nới lỏng và những hoạt động kinh tế chọn lọc được bắt đầu. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã điều chỉnh dự báo cho rằng các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á sẽ hầu như không tăng trưởng trong năm 2020 do các biện pháp ngăn chặn dịch đã ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế, trong khi nhu cầu bên ngoài suy yếu. ADB đã điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng của khu vực này từ mức 2,2% đưa ra trong tháng 4 xuống 0,1% và đây sẽ là mức tăng trưởng thấp nhất của khu vực kể từ năm 1961 tới nay.
Trước những tác động nghiêm trọng của dịch bệnh, các chính phủ trên khắp thế giới đã hành động nhanh chóng, thực thi các biện pháp như nới lỏng tài chính và tiền tệ, tăng chi tiêu cho y tế và hỗ trợ trực tiếp các doanh nghiệp vừa và nhỏ để bù đắp những thiệt hại về thu nhập và doanh thu, giúp các công ty đang gặp khó khăn tái cơ cấu lại và có thể chuyển hướng hoạt động... Cho đến nay, các nỗ lực được các Chính phủ duy trì, tập trung vào những biện pháp này, có thể làm giảm bớt phần nào tác động về kinh tế của Covid-19.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 phơi bày cú sốc cung - cầu buộc Chính phủ các nước cần quản lý sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng; hỗ trợ và tăng cường thương mại điện tử và logistics để cung cấp hàng hóa và dịch vụ; tài trợ cho các biện pháp bảo hộ xã hội tạm thời, trợ cấp thất nghiệp và phân phối các hàng hóa thiết yếu như lương thực. Ngoài ra, cộng đồng quốc tế và các tổ chức thương mại toàn cầu cần có những giải pháp để giao thương và các chuỗi cung ứng hoạt động một cách hiệu quả hơn, công bằng hơn. Các quốc gia cũng cần đa dạng hóa các nguồn cung cấp nguyên và nhiên liệu, tránh để một sản phẩm chỉ tùy thuộc vào một hay hai nhà cung ứng. Các Chính phủ sẽ phải tính toán và định hình lại chính sách của họ, cũng như phải thừa nhận rằng kinh tế toàn cầu sẽ hoàn toàn khác trong tương lai.
Tỷ giá ngày 2/7: Bạc xanh mất giá trước thông tin tích cực về vắc-xin và kinh tế thế giới Sáng nay (2/7), nhiều ngân hàng giảm giá mua - bán đồng bạc xanh với mức điều chỉnh phổ biến từ 1-11 đồng mỗi chiều mua - bán. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sáng nay điều chỉnh giảm tỷ giá trung tâm 10 đồng so với sáng qua, hiện ở mức 23.225 đồng/USD. Tính đến sáng nay, nhiều ngân hàng giảm giá...