Kinh tế Mỹ có thể giảm tốc trong năm 2019
Tốc độ tăng trưởng việc làm của Mỹ đã giảm nhẹ trong tháng 11 vừa qua, một diễn biến có thể báo trước sự giảm tốc nhưng vẫn ở mức ổn định trong tốc độ tuyển dụng và tăng trưởng kinh tế vào năm tới.
Kinh tế Mỹ có thể giảm tốc trong năm 2019. Ảnh minh hoạ: Reuters
Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia kinh tế cho rằng mức tăng 155.000 việc làm trong tháng 11 còn bền vững hơn các mức tăng cao hơn ghi nhận trước đó trong năm nay.
Và tốc độ tăng trưởng việc làm như tháng 11 sẽ giúp Cục Dự trữ Liên bang Mỹ dễ dàng hơn trong việc tăng lãi suất chậm lại.
Báo cáo việc làm hàng tháng mới được công bố của Bộ Lao động Mỹ cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đã ở mức 3,7% trong tháng thứ ba liên tiếp, mức gần như là thấp nhất trong suốt 50 năm qua.
Mặc dù vậy, các thị trường tài chính “yếu bóng vía” cho thấy sự khác biệt trong cách nhìn nhận vấn đề của Phố Wall và phần lớn người dân Mỹ còn lại.
Video đang HOT
Đối với hầu hết người Mỹ, việc làm và thu nhập là những thước đo kinh tế quan trọng nhất. Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho thấy thu nhập theo giờ trung bình đã tăng 3,1% trong tháng 11 so với cùng kỳ năm ngoái.
Đây mới chỉ là lần thứ hai chỉ số này tăng nhiều như vậy kể từ khi thời kỳ suy thoái chấm dứt chín năm trước.
Điều đó đang đẩy niềm tin của người tiêu dùng tăng lên mức gần như cao nhất trong 18 năm qua, khiến chi tiêu tăng và hoạt động mua sắm dịp lễ hội cuối năm nhộn nhịp hơn. Tháng 10 năm nay, người Mỹ đã tăng chi tiêu mạnh tay nhất trong bảy tháng qua.
Thế nhưng đối với Phố Wall, tiền lương tăng có thể làm giảm lợi nhuận. Nhiều công ty lớn đã tăng trưởng chậm lại ở những nơi như châu Âu và Nhật Bản. Các công ty này còn bị ảnh hưởng trực tiếp hơn bởi các mức thuế mà chính quyền của Tổng thống Donald Trump đánh lên nhiều mặt hàng nhập khẩu.
Phần lớn các nhà phân tích dự đoán kinh tế sẽ tăng trưởng chậm lại vào năm tới. Lực đẩy từ chính sách cắt giảm thuế của chính quyền Tổng thống Donald Trump thực hiện từ cuối năm ngoái được dự đoán sẽ yếu dần đi. Việc tăng lãi suất của Fed có thể làm tăng chi phí đi vay.
Và Trump đã áp thuế lên gần như một nửa lượng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và các mức thuế này vẫn có hiệu lực trong thời gian đàm phán kéo dài 90 ngày vừa được hai bên nhất trí cuối tuần trước.
Những lo ngại này đã làm chao đảo các thị trường tài chính, khiến các chỉ số chứng khoán chủ chốt ở Phố Wall giảm hơn 4% trong tuần này, mức giảm theo tuần tồi tệ nhất kể từ tháng Ba.
Theo giới phân tích, tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới được dự đoán sẽ chậm lại ở mức vẫn khá vững là 2-2,5% so với mức khoảng 3% trong năm nay. Tăng trưởng việc làm có thể giảm từ 200.000 việc làm/tháng trong năm nay tính đến hết tháng 11 xuống còn khoảng 150.000 việc làm/tháng.
Các nhà hoạch định chính sách của Fed có khả năng vẫn sẽ tăng lãi suất ngắn hạn tại cuộc họp tháng này, nhưng báo cáo vừa qua của Bộ Lao động mỹ cho thấy trong năm tới, ngân hàng trung ương này có thể sẽ không tăng lãi suất nhanh như nhiều nhà đầu tư đang lo ngại.
Khánh Ly (Theo AP)
Chuyên gia dự báo về đồng USD trong năm 2019
Đồng USD có thể sẽ yếu đi một thời gian trong năm 2019.
Đồng USD sẽ yếu đi một thời gian trong năm 2019. Ảnh minh họa: TTXVN
Trong báo cáo mới công bố, UBS Global Wealth Management dự đoán đồng USD có thể sẽ yếu đi một thời gian trong năm 2019, bất chấp sự vững giá trong ngắn hạn nhờ môi trường lãi suất thuận lợi ở Mỹ và thị trường biến động.
Trong báo cáo Hướng về năm 2019 công bố ngày 7/12, UBS Global lưu ý đồng USD đã và đang được định giá quá cao nhờ "các chênh lệch tích cực về lãi suất ngắn hạn" so với những quốc gia khác, trong khi Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục tăng lãi suất.
Ưu thế của đồng bạc xanh có thể giảm đi trong năm tới bởi đồng tiền này sẽ chịu sức ép đi xuống cả ở trong nước lẫn từ tình hình địa chính trị ở bên ngoài.
Xét về mặt địa chính trị, mặc dù bất ổn dai dẳng liên quan tới tình hình căng thẳng thương mại Mỹ - Trung làm gia tăng nhu cầu đối với đồng USD như một tài sản an toàn, châu Âu và Nhật Bản đang trong quá trình bình thường hóa chính sách tiền tệ, điều mà các chuyên gia UBS tin rằng sẽ làm giảm lợi thế cạnh tranh của đồng USD.
Giám đốc phụ trách đầu tư của UBS Global, ông Mark Haefele cho biết khi các đồng tiền khác bị định giá thấp, nhu cầu đối với đồng USD như một tài sản an toàn gia tăng do biến động thị trường kéo dài.
Tuy nhiên, các thay đổi tiềm tàng trong lãi suất Mỹ sẽ gây ra sức ép đi xuống với đồng USD trong năm tới. Trong tương lai, sức mạnh của đồng USD được dự đoán sẽ suy yếu và đồng tiền này yếu đi so với các đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới.
Trong khi đó, các đối tác của Mỹ tại châu Âu đang cân nhắc kế hoạch nhằm giảm sự thống trị của đồng USD trong nền kinh tế toàn cầu và tăng cường vai trò của đồng tiền chung châu Âu euro, đặc biệt trong các giao dịch về năng lượng.
Ủy ban châu Âu (EC) có ý định tổ chức các cuộc tham vấn với các bên tham gia thị trường, đặc biệt là về nhập khẩu dầu mỏ, khí đốt và các loại hàng hóa khác mà đồng USD đang chi phối áp đảo.
Trong lĩnh vực vận tải hàng không, nơi máy bay được mua bán bằng USD ngay cả khi do hãng Airbus của châu Âu sản xuất, Brussels cũng muốn "khởi động một cuộc tham vấn về cách thức thúc đẩy vai trò của đồng euro"./.
Phương Hồ/TTXVN
BVSC: Kinh tế Mỹ đang ở giai đoạn hậu tăng trưởng, pha suy giảm sẽ chính thức bắt đầu từ quý 2/2019 BVSC cho rằng đã có những tín hiệu cảnh báo sớm về rủi ro đảo chiều của kinh tế Mỹ từ (1) tỷ lệ thất nghiệp; (2) chênh lệch lợi suất TPCP Mỹ giữa kỳ hạn ngắn và kỳ hạn dài. Nhiều khả năng pha suy giảm sẽ chính thức bắt đầu từ quý 2/2019 hoặc muộn nhất vào đầu năm 2020. TTCK...