Kinh tế Mỹ có đánh mất động lực tăng trưởng?
Số liệu GDP điều chỉnh của kinh tế Mỹ cho thấy kinh tế nước này tăng trưởng chậm lại trong quí 4-2018. Trong bối cảnh các doanh nghiệp Mỹ chịu áp lực chi phí lao động gia tăng và sức chi tiêu của người tiêu dùng chững lại, tăng trưởng GDP của Mỹ được dự báo sẽ càng giảm tốc hơn trong quí 1 năm nay, theo tờ Wall Street Journal.
Các container xếp lớp trên một tàu chở hàng ở cảng Los Angeles, California, Mỹ. Ảnh: Reuters
Hôm 28-3, Bộ Thương mại Mỹ cho biết trong quí cuối năm ngoái, GDP của Mỹ sau khi đã điều chỉnh theo lạm phát và yếu tố mùa vụ chỉ đạt 2,2%, thấp hơn mức ước tính 2,6% trước đó. Như vậy, tăng trưởng GDP trong cả năm 2018 của Mỹ đạt 2,9%, chưa đạt mục tiêu 3% mà Nhà Trắng đề ra.
Trong quí 4-2018, lợi nhuận các doanh nghiệp Mỹ sau thuế sau khi đã điều chỉnh theo định giá hàng tồn kho và tiêu dùng vốn, không tăng trưởng so với quí trước đó.
Điều này cho thấy lợi nhuận doanh nghiệp Mỹ đã có dấu hiệu đuối sức vì trong ba quí trước đó, chỉ số lợi nhuận này tăng trưởng lần lượt 8,2%, 2,1% và 3,5%.
Lợi nhuận doanh nghiệp Mỹ tăng mạnh vào đầu năm 2018 một phần là nhờ gói cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp liên bang từ mức 35% xuống còn 21% được áp dụng bắt đầu từ tháng 1-2018. Càng về cuối năm, tác động tích cực của gói cắt giảm thuế này suy yếu dần khi các lo ngại về chiến tranh thương mại với Trung Quốc, kinh tế toàn cầu giảm tốc dẫn đến làn sóng bán tháo trên thị trường chứng khoán Mỹ.
Video đang HOT
Theo Bộ Thương mại Mỹ, trong quí 4-2018, lợi nhuận của 500 doanh nghiệp niêm yết có vốn hóa lớn nhất Mỹ tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2017 nhưng đây là mức tăng yếu nhất trong các quí của năm 2018. Trong khi đó, doanh thu của các doanh nghiệp này chỉ tăng 5,1%, mức yếu nhất kể từ giữa năm 2017.
Howard Silverblatt, nhà phân tích ở công ty S&P Dow Jones Indices, cho rằng các công ty niêm yết lớn nhất Mỹ không tạo ra được dòng tiền lớn như trong quí 3 vì chi phí hoạt động tốn kém hơn và sức mua của người tiêu dùng cũng chững lại.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết mức chi tiêu của người tiêu dùng trong quí 4-2018 chỉ tăng 2,5%, yếu so với mức ước tính 2,8% trước đó và thấp hơn mức 3,5% của quí 3.
Tăng trưởng của Mỹ được dự báo sẽ giảm tốc hơn nữa trong quí 1-2019. Chính phủ Mỹ dự kiến công bố ước tính sơ bộ về mức tăng trưởng GDP quí 1 vào ngày 26-4 tới. Công ty dự báo kinh tế Macroeconomic Advisers nhận định tăng trưởng GDP trong quí đầu năm 2019 của Mỹ sẽ ở mức 1,4%.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự báo GDP của Mỹ sẽ tăng trưởng 2,1% trong năm nay, thấp hơn nhiều so với mức 2,9% trong năm 2018.
Theo hãng tin Reuters, nền kinh tế Mỹ đang mất động lực vì tác dụng kích thích từ các biện pháp cắt giảm thuế và chương trình chi tiêu của chính phủ có tổng trị giá 1.500 tỉ đô la đang dần biến mất. Kinh tế Mỹ cũng đang đối mặt với những cản lực từ bức tranh tăng trưởng toàn cầu suy yếu, cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và tình trạng bế tắc của tiến trình Anh rời khỏi Liên minh châu Âu.
Triển vọng ảm đạm của nền kinh tế Mỹ là lý do khiến Fed đột ngột quyết định dừng chu kỳ nới lỏng tiền tệ kéo dài ba năm qua vào tuần trước.
Curt Long, nhà kinh tế trưởng ở Hiệp hội tín dụng liên bang Mỹ, nhận định: “Xu hướng tăng trưởng theo quí rõ ràng đã yếu nhưng sức mạnh của thị trường lao động đủ để trì hoãn suy thoái kinh tế ít nhất trong năm nay”. Song ông cảnh báo ranh giới giữa tăng trưởng và suy thoái đang thu hẹp dần.
Trao đổi với hãng tin CNBC, tỉ phú Warren Buffett, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành tập đoàn Berkshire Hathaway, ghi nhận tăng trưởng kinh tế Mỹ đang đánh một số xung lực. Ông nói: “Có vẻ như tốc độ tăng trưởng kinh tế đã chậm lại. Tôi xem đó là điều cần phải chú ý”.
Ông nói rằng mức tăng trưởng chững lại của công ty đường sắt BNSF thuộc tập đoàn Berkshire Hathaway, đang phát đi tín hiệu về nguy cơ tăng trưởng suy yếu của kinh tế Mỹ nhưng ông cũng cho rằng dữ liệu có thể bị bóp méo bởi các yếu tố mùa vụ chẳng hạn thời tiết. BNSF là một công ty vận chuyển hàng hóa đường sắt lớn nhất ở Bắc Mỹ, đang quản lý mạng lưới đường sắt 52.300 km
Lê Linh
Theo Trí Thức Trẻ
USD mạnh lên, giá vàng chấm dứt 3 tuần tăng liên tiếp
Tuần qua, giá vàng thế giới chấm dứt ba tuần tăng liên tiếp, trước sự mạnh lên của đồng USD. Các nhà quan sát ước tính giá kim loại quý này giảm 1,4% trong tháng 3, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 8.
USD mạnh lên, giá vàng chấm dứt 3 tuần tăng liên tiếp . Ảnh minh họa: TTXVN
Trong phiên giao dịch đầu tuần (25/3), giá vàng thế giới tăng lên mức cao nhất trong hơn ba tuần, nhờ sự suy yếu của đồng USD và hoạt động mua vào tài sản an toàn khi giới đầu tư lo ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Sang phiên 26/3, giá vàng rời khỏi các mức cao trong hơn ba tuần, sau khi đồng USD hồi phục và nhu cầu đối với các tài sản rủi ro cũng như lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ tăng trở lại giữa lúc những lo ngại về khả năng kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái mờ đi.
Người đứng đầu bộ phận chiến lược hàng hóa của TD Securities tại Toronto, Bart Melek, cho biết đồng USD và đường cong lợi suất trái phiếu Mỹ đã đảo chiều. Việc đồng USD mạnh tiếp tục là một trở ngại đối với giá vàng. Chỉ số đồng USD đã tăng 0,2%, khiến vàng được định giá bằng đồng bạc xanh trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác.
Giá vàng tiếp tục giảm trong phiên giao dịch ngày 27/3 giữa bối cảnh triển vọng kinh tế ảm đạm và đồng USD mạnh lên gây sức ép lên giá kim loại quý này.
Các chuyên gia nhận định triển vọng kinh tế ảm đạm không hỗ trợ nhiều cho giá vàng, thường được đánh giá là kênh đầu tư an toàn trong thời kỳ bất ổn. Tới phiên giao dịch 28/3, giá vàng giảm hơn 1% xuống mức thấp trong hơn hai tuần, trước sự mạnh lên của đồng USD.
Chuyên gia Peter Hug, thuộc Kitco Metals, nhận định vàng sẽ tiếp tục chịu sự chi phối của đồng USD cho đến khi có thêm các yếu tố tác động khác.
Đồng USD đã lên giá so với rổ tiền tệ, trong bối cảnh các ngân hàng trung ương có chiều hướng giữ quan điểm không tăng lãi suất. Các bên tham gia thị trường dự báo rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ giữ lãi suất ở mức thấp trong thời gian dài hơn.
Giữa những lo ngại về sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu, tuần này Ngân hàng Dự trữ New Zealand đã gia nhập danh sách các ngân hàng tỏ ra cẩn trọng trong chính sách lãi suất, đồng thời cho biết bước đi tiếp theo có thể là hạ lãi suất.
Trong quý IV/2018, kinh tế Mỹ đã tăng trưởng chậm hơn dự kiến, khiến tốc độ tăng trưởng trong năm 2018 ở dưới mục tiêu 3% mà Chính phủ Tổng thống Mỹ Donald Trump đề ra. Trong phiên cuối tuần (29/3), giá vàng lấy lại đà tăng, nhờ sự suy yếu của đồng USD. Chốt phiên này, giá vàng giao dịch kỳ hạn tại Mỹ tăng 0,2% lên 1.298,50 USD/ounce.
Giá vàng đã tăng khoảng 13% kể từ khi chạm mức thấp nhất trong hơn 1 năm rưỡi hồi tháng Tám năm ngoái, chủ yếu nhờ chủ trương ôn hòa về lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và quan ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Song giá vàng vẫn thấp hơn so với mức đỉnh (1.346,73 USD/ounce) của 10 tháng đã đạt được hồi tháng Hai.
Trà My
Theo bnews.vn
Có khả năng Fed tăng lãi suất trong cuộc họp tuần tới? Chủ tịch Fed Jerome Powell dự kiến sẽ công bố quyết định chính sách của ngân hàng trung ương này vào thứ Tư tuần tới (20/3). Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell trong cuộc họp báo thông báo chính sách của Fed ở Washington DC. Ảnh: EFE/TTXVN Theo giới quan sát, hầu như không có khả năng Cục...