Kim Quan – Điểm du lịch văn hóa, lịch sử hấp dẫn ở Tuyên Quang
Cách đây hơn 50 năm, xã Kim Quan (Yên Sơn) đã vinh dự được Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ chọn làm địa điểm đóng trụ sở làm việc, lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Hiện nay các điểm di tích lịch sử ở Kim Quan được gìn giữ, tôn tạo và trở thành điểm tham quan thu hút nhiều du khách.
Theo quốc lộ 2C hiện nay, từ ngoài vào điểm di tích đầu tiên là nơi làm việc của Chính phủ. Cách đó khoảng 200 mét là di tích hầm an toàn của Khu Trung ương Đảng. Ở khu vực này có hội trường, nhà ở của đồng chí Tổng Bí thư Trường-Chinh, nhà ở của các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương và các bộ phận của Văn phòng Trung ương, như điện đài, văn thư, thư viện, bộ đội bảo vệ. Khu vực này có một căn hầm đào sâu vào lòng một ngọn núi với chiều dài của hầm là 56 mét. Cửa hầm hướng đông, nhìn ra sông Phó Đáy. Cách khu hầm của Trung ương Đảng, Chính phủ là Vực Nhù, nơi Bác Hồ đã ở và làm việc. Nhà của Bác Hồ là nhà sàn, dựng trên sườn núi. Cách nhà không xa là căn hầm an toàn. Nhà nối với hầm bằng đường hào chữ chi. Toàn bộ nhà làm việc, nhà ở, hội trường ở khu vực này đều làm bằng gỗ, tre, nứa, lá, nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương.
Tại đây đã diễn ra nhiều sự kiện quan trọng: Bộ Chính trị họp quyết định giảm tô, giảm tức và thực hiện cải cách ruộng đất; ra Nghị quyết “Tiếp tục thấu triệt phương châm đánh chắc, đề cao quyết tâm, tích cực giành toàn thắng cho chiến dịch Điện Biên Phủ”; Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 6 (khoá II) bàn về thay đổi nhiệm vụ chiến lược là: “Hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ”; nhận định về khả năng chấm dứt chiến tranh, ký kết hiệp định Giơ-ne-vơ. Các cuộc họp của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp tại hội trường hoặc khu vực hầm an toàn.
Video đang HOT
Bác Hồ thường đến họp, làm việc với Tổng Bí thư Trường-Chinh và các đồng chí lãnh đạo Chính phủ tại hai địa điểm này. Kim Quan còn là nơi Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ đón tiếp các đoàn khách quốc tế.
Từ an toàn khu ATK Kim Quan, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng đã đi dự Hội nghị Giơ-ne-vơ…
Đến thăm Khu di tích lịch sử ATK Kim Quan hôm nay, trong quần thể các điểm di tích trải rộng trong khu rừng Nà Lơi và Vực Nhù, thôn Khuôn Điển, xã Kim Quan, được bao bọc bởi dòng sông Phó Đáy. Du khách không chỉ được tìm hiểu về những sự kiện lịch sử, mà còn được ngắm cảnh đẹp thiên nhiên, núi rừng hùng vĩ, với dòng sông Phó Đáy thơ mộng, nguồn nước luôn trong xanh hiền hoà, chứng kiến cuộc sống của đồng bào các dân tộc nơi đây đang từng ngày đổi thay.
Ông Triệu Phúc Quyên, Bí thư Đảng uỷ xã cho biết: Xã có các dân tộc: Kinh, Tày, Nùng, Dao, Mông, La Chí, Cao Lan, Tống, Hoa. Mỗi dân tộc có những nét văn hoá độc đáo riêng, chung sống đoàn kết, đang tích cực thi đua thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, xoá đói giảm nghèo. Nhân dân các dân tộc cùng gìn giữ, xây đắp truyền thống của vùng quê cách mạng, bảo vệ những di tích lịch sử quý giá và hy vọng một ngày không xa khu di tích này sẽ được quy hoạch xây dựng khang trang, hệ thống đường giao thông được mở rộng, dịch vụ du lịch phát triển để đón nhiều du khách đến tham quan.
Núi Pắc Tạ (Tuyên Quang): Điểm du lịch sinh thái, tâm linh hấp dẫn
Núi Pắc Tạ là ngọn núi cao nhất huyện Nà Hang. Núi có dáng hình chú voi đứng bên nậm rượu.
Sừng sững, uy nghiêm, thoắt ẩn, thoắt hiện trong mây vờn bên hồ thủy điện Tuyên Quang, núi Pắc Tạ là nguồn cảm hứng cho các văn nghệ sỹ, du khách sáng tác thơ ca, hội họa và nhiếp ảnh.
Núi Pắc Tạ còn có tên là núi "Xa Tạ" gắn liền với truyền thuyết từ xa xưa để lại. Xưa kia, tại một khu rừng rậm có rất nhiều loài thú dữ, trong đó voi là loài vật có sức khỏe nhưng lại khó thuần. Dân bản tìm đủ mọi cách để thuần dưỡng voi dùng làm sức kéo chuyên chở hàng hóa.
Năm đó, có giặc ngoại xâm vào xâm chiếm, bà con địa phương tập trung tất cả binh lực dồn cho cuộc chiến đấu giữ nước, trong đó có đàn voi đã được thuần dưỡng. Thế nhưng, trong đàn voi có một con voi đực to khỏe nhất đàn, không ai thuần dưỡng được. Bao nhiêu tướng lĩnh giỏi phải chịu bó tay trước con voi hung dữ. Trong bản có một người quản voi dũng cảm xin đảm nhận công việc này. Ngày đầu tiên, ông cho già trẻ, trai gái trong bản dùng đất đá chặn tất cả những dòng suối, khe lạch xung quanh vùng rừng voi sinh sống. Ba ngày sau voi đực khát nước, lúc này ông mới đổ rượu vào hõm đá cho voi uống thay nước. Năm ngày, rồi mười ngày, voi uống rượu thay nước, lâu dần thành quen với rượu và người quản tượng. Ông đã thuần dưỡng được chú voi đực hung dữ, có thể đặt bành lên lưng điều khiển voi làm theo mệnh lệnh. Từ đó người dân trong bản gọi là "voi rượu".
Đến ngày xuất trận "voi rượu" hùng dũng xông ra trận tiền phá tan đội hình quân giặc. Chiến thắng trở về, "voi rượu" được nhà vua phong làm "Voi Quận công" và mở yến tiệc linh đình chiêu đãi tướng sỹ. "Voi rượu" hút hết nậm rượu này đến nậm rượu khác. Say quá "voi rượu" tắt thở. Nhưng kỳ lạ thay, voi chết mà vẫn đứng sừng sững uy nghiêm, dáng vẻ hùng dũng như lúc xung trận. Đêm ấy trời mưa tầm tã, gió rít ào ào như bày tỏ niềm tiếc thương của dân bản đối với "voi rượu". Sáng hôm sau người ta thấy cả voi và nậm rượu đã hóa đá, khối đá ấy mỗi ngày một lớn dần lên thành ngọn núi Pắc Tạ ngày nay.
Dưới chân núi Pắc Tạ còn dấu tích một ngôi đền cổ. Tương truyền, vào đời Trần có người thiếp của tướng quân Trần Nhật Duật theo chồng đi kinh lý vùng sông Gâm và sông Năng. Trên đường về, thuyền chở người thiếp bị gặp nạn. Do nước quá sâu, lại chảy xiết nên không thể cứu vớt được nàng. Cho đến mấy ngày sau, xác của nàng mới tìm thấy và được mai táng bên bờ sông Năng dưới chân núi Pắc Tạ. Ngôi đền thờ người thiếp được dựng ngay gần nơi chôn cất để tưởng nhớ người thiếp của tướng quân Trần Nhật Duật.
Đền Pắc Tạ nằm ở địa thế cao, bằng phẳng dưới chân núi Pắc Tạ. Cửa đền quay về hướng nam, trông ra dòng sông Gâm theo thuyết phong thủy "Tiên minh đường hữu hậu chẩn" ở thế đất địa linh "sơn kỳ thủy tú". Sự kết hợp giữa cảnh sắc thiên nhiên với nhịp sống con người miền sơn cước tạo nên cảnh sắc sơn thủy hữu tình. Đây là ngôi đền thiêng, dân thập phương qua đây buôn bán lâm thổ sản quý hiếm đều dừng thuyền thắp hương cầu nguyện được như ý. Ngày nay, núi Pắc Tạ và đền Pắc Tạ là điểm du lịch sinh thái, tâm linh hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.
Hồ thủy điện Na Hang (Tuyên Quang) Nằm trên vòng cung sông Gâm, cách trung tâm thị xã Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang)110km về hướng Bắc, thị trấn Na Hang đã và đang trở thành địa điểm du lịch sinh thái hấp dẫn. Na Hang (hay còn gọi là Nà Hang), trong ngôn ngữ của người Tày ở Tuyên Quang có nghĩa là "ruộng cuối". Thị trấn Na Hang có...