Kiều bào tại Australia hướng về Trường Sa, Hoàng Sa và các em nhỏ miền núi
Cùng với người Việt khắp nơi trên thế giới, kiều bào tại Australia luôn hướng về quê hương, đất nước, đặc biệt luôn đau đáu hướng về Hoàng Sa, Trường Sa và các em nhỏ miền núi.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa gặp gỡ cán bộ Đại sứ quán và đại diện kiều bào. Ảnh: TTXVN phát
Theo phóng viên TTXVN tại Australia, sau một thời gian ngắt quãng do đại dịch COVID-19, năm nay, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa – Chủ tịch Quỹ học bổng Vừ A Dính và Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Vì Hoàng Sa – Trường Sa thân yêu” – lại tiếp tục hành trình thiện nguyện, quảng bá những hoạt động đầy ý nghĩa của quỹ và câu lạc bộ tại Australia.
Ngày 5/7, tại thủ đô Canberra, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa đã tới thăm Đại sứ quán, cùng cán bộ Quỹ học bổng Vừ A Dính và Câu lạc bộ “Vì Hoàng Sa – Trường Sa thân yêu”, gặp gỡ đông đảo đại diện kiều bào. Sau khi xem những thước phim quý giá về hoạt động của quỹ và câu lạc bộ tại Trường Sa cũng như Nhà giàn DK1, kiều bào và cán bộ Đại sứ quán đã được nguyên Phó Chủ tịch nước chia sẻ thêm về những hoạt động tình nghĩa của quỹ và câu lạc bộ nhằm giúp các em nhỏ không chỉ trong thời gian sinh sống tại đảo xa mà cả khi các em đã trở về đất liền, cũng như giúp cho nhiều em nhỏ dân tộc thiểu số được học hành đầy đủ.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa cho biết sau 24 năm đi vào hoạt động, Quỹ học bổng Vừ A Dính đã trao tặng hơn 125.000 suất học bổng cho học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số, con em chiến sĩ hải quân, cảnh sát biển, kiểm ngư, biên phòng, ngư dân vượt khó học giỏi trên cả nước. Từ vài trăm suất học bổng ban đầu được trao cho những học sinh ở các trường dân tộc nội trú, nay quỹ đã có 8.000 suất học bổng – trong đó 5.000 suất được trao cho con em dân tộc thiểu số và 3.000 suất được trao cho con em ngư dân và bộ đội đang làm nhiệm vụ ở vùng biển đảo. Quỹ học bổng Vừ A Dính đã trở thành người bạn đồng hành thân thiết, tin yêu của học sinh, sinh viên biển đảo và miền núi trên cả nước.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa chụp ảnh kỷ niệm với cán bộ Đại sứ quán và đại diện kiều bào. Ảnh: TTXVN phát
Video đang HOT
Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa chia sẻ, năm 2012, kiều bào tại Australia là những người đầu tiên đóng góp cho chương trình “Vì học sinh Trường Sa thân yêu”. Đây chính là khởi nguồn giúp khơi dậy phong trào rộng lớn “ươm mầm tương lai”, “chắp cánh ước mơ”… khắp các địa phương trong cả nước cũng như trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
Đến tháng 8/2014, Câu lạc bộ “Vì Hoàng Sa – Trường Sa thân yêu” ra đời nhằm kết nối những nguyện vọng, tấm lòng hướng về Hoàng Sa, Trường Sa. Sau gần 9 năm hoạt động, câu lạc bộ đã thu hút 3.692 hội viên cá nhân, 142 hội viên tập thể, trong đó có 16 đơn vị ở Australia. Câu lạc bộ “Vì Hoàng Sa – Trường Sa thân yêu” đã trở thành cầu nối đem tới biển đảo những thông điệp yêu thương từ nơi đất liền ruột thịt cũng như từ những miền đất xa xôi trên thế giới.
Đại diện kiều bào và cán bộ Đại sứ quán bày tỏ sự xúc động và trân trọng đối với những đóng góp thiết thực, không mệt mỏi của quỹ và câu lạc bộ đối với sự nghiệp giáo dục và hành trình kết nối biển đảo với đất liền.
Đại sứ Việt Nam tại Australia Nguyễn Tất Thành nhấn mạnh những đóng góp to lớn của nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa trên những cương vị khác nhau cho quan hệ hữu nghị Việt Nam – Australia trong nhiều năm qua. Nhân dịp này, cán bộ Đại sứ quán đã tặng nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa bài thơ “Mệnh lệnh trái tim”, trong đó có đoạn:
“Hỏi tuổi, tuổi khuyên nên dừng lại
Hỏi lòng, lòng bảo: ‘Cứ xung phong!’
Hoàng Sa – Trường Sa thân yêu đó,
Cùng nhau giữ vững đất cha ông.
Còn sống, còn dốc lòng thiện nguyện,
Còn thương, còn muốn nước hóa rồng…”
Cùng với kiều bào và cán bộ Tổng Lãnh sự quán tại Sydney, những người tham dự buổi gặp gỡ đã đóng góp hơn 7.000 AUD cho Quỹ học bổng Vừ A Dính và Câu lạc bộ “Vì Hoàng Sa – Trường Sa thân yêu”. Nhiều bà con và cán bộ Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự quán đã đăng ký tham gia Câu lạc bộ “Vì Hoàng Sa – Trường Sa thân yêu”.
Trung Quốc thu hồi 23.500 tấm bản đồ không có 'đường 9 đoạn'
Ngày 14/8, truyền thông Trung Quốc đưa tin nhà chức trách nước này đã thu hồi tổng cộng 23.500 tấm bản đồ không có cái gọi là 'đường 9 đoạn' mà Bắc Kinh tự tuyên bố ở Biển Đông.
Phát hành bản đồ là vấn đề đặc biệt nhạy cảm tại Trung Quốc và luôn được nhà chức trách kiểm duyệt kỹ lưỡng. Ảnh: Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng
Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng cho biết cơ quan hải quan tại thành phố Ninh Ba (tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc) đã thu giữ 23.500 "tấm bản đồ có vấn đề", mà trong đó không bao gồm các khu vực Bắc Kinh có yêu sách chủ quyền tại Biển Hoa Đông và Biển Đông, đồng thời thiếu số kiểm định theo luật pháp Trung Quốc.
Theo nguồn tin trên, các quan chức hải quan tại Chiết Giang đã thu giữ hàng nghìn tấm bản đồ vì họ cho rằng các đường biên giới quốc gia Trung Quốc trên số bản đồ này không phù hợp với các yêu sách chủ quyền của nước này ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.
Cụ thể, giới chức hải quan thành phố Ninh Ba nói rằng hai lô "bản đồ có vấn đề" nói trên, với tổng số lượng là 23.500 tấm, đã quên vẽ cái gọi là 'đường 9 đoạn' thể hiện các yêu sách chủ quyền trái phép của Trung Quốc tại Biển Đông, nơi cách xa lục địa Trung Quốc tới 2.000 km.
Các tấm bản đồ này cũng không thấy có các chuỗi đảo tranh chấp mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền một cách phi pháp, như quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam ở Biển Đông, cũng như quần đảo Điếu Ngư không có người ở mà Trung Quốc đang tranh chấp với Nhật Bản trên Biển Hoa Đông (Tokyo gọi là Senkaku).
Nhiều năm qua, Trung Quốc luôn trấn áp "các tấm bản đồ có vấn đề" mà Bắc Kinh coi là gây nguy hại cho chủ quyền, thống nhất đất nước, sự toàn vẹn lãnh thổ, an ninh và lợi ích quốc gia của mình.
Theo Bộ Tài nguyên Thiên nhiên, cơ quan quản lý việc phát hành bản đồ của nhà nước Trung Quốc, việc "bỏ quên" các vùng lãnh thổ tranh chấp và 'đường 9 đoạn' chính là những đặc điểm điển hình của các "bản đồ có vấn đề".
Ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Hay (Hà Lan) đã ra phán quyết đối với tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Theo phán quyết này, yêu sách của Trung Quốc về "các quyền lịch sử" đối với các vùng biển nằm trong cái gọi là "đường 9 đoạn" là trái với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS). Tuy nhiên, bất chấp sự phản đối từ cộng đồng quốc tế, Bắc Kinh tới nay vẫn ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với 80% diện tích Biển Đông thông qua yêu sách "đường 9 đoạn".
LHQ chuẩn bị thông qua hiệp ước bảo vệ các vùng biển quốc tế Trong ngày 19/6, Liên hợp quốc (LHQ) dự kiến thông qua hiệp ước quốc tế đầu tiên trên thế giới bảo vệ các vùng biển quốc tế. Đây là hiệp ước về môi trường mang tính lịch sử với mục đích bảo vệ các hệ sinh thái quan trọng đối với nhân loại. Trong ngày 19/6, Liên hợp quốc dự kiến thông qua...