Kiện tụng bằng sáng chế dưới góc nhìn luật pháp (Phần 1)
Hãy cùng tìm hiểu về cách thức mà các hãng công nghệ lớn đang tìm cách “hất cẳng” nhau.
Thời gian gần đây cuộc chiến bằng sáng chế đang diễn ra ngày một căng thẳng hơn. Những khoản tiền hàng chục tỷ USD được chi ra để sở hữu “vũ khí” và dành được kết quả thuận lợi trong cuộc chiến “trí tuệ” này. Apple và Microsoft hợp tác chi 4,5 tỷ USD mua lại 6000 bằng sáng chế của Nortel hay vụ Google bỏ 12,5 tỷ USD giành quyền sở hữu Motorola với mục tiêu chính nhiều khả năng là kho bằng sáng chế khổng lồ vô cùng quan trọng của hãng này.
Ai cũng hiểu nếu thất bại thì hậu quả sẽ là rất lớn. Tạm thời bỏ qua những tranh luận về khía cạnh công nghệ, tầm quan trọng của chúng về những phát minh trong tương lai. Hãy cùng một lần nhìn qua cuộc chiến bản quyền này dưới góc nhìn luật pháp, những hậu quả có thể xảy ra với kẻ thất bại, nguyên nhân và cơ sở của những quyết định này. Đương nhiên, luật pháp ở mỗi nơi là khác nhau, vì vậy, trong bài viết này chúng tôi sẽ tập trung vào thị trường Mỹ – thị trường lớn nhất và quan trọng nhất hiện nay của các công ty công nghệ.
Series bài viết này sẽ bắt đầu bằng việc phân biệt các yếu tố mà các hãng nhắm vào khi khởi kiện đối thủ. Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu sự khác nhau giữa các yếu tố kiện tụng cơ bản mà các bạn nghe hàng ngày, nó là gì? Ai bảo vệ quyền sở hữu này?
Kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu và bằng sáng chế
Nói chung, hầu hết các vụ kiện mà chúng ta đang được chứng kiến rơi vào một trong ba mục tiêu này. Thật ra, điều này cũng không có gì khó hiểu lắm khi mà chúng đã bao quát hầu hết các yếu tố của một sản phẩm công nghệ cao và được bảo hộ bằng một bộ luật bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ chi tiết, nghiêm ngặt và được đánh giá là tốt nhất thế giới hiện nay: Luật sở hữu trí tuệ của Mỹ.
Video đang HOT
Về cơ bản, nghe có vẻ có liên quan đến nhau nhưng 3 yếu tố kể trên được bảo hộ và chi phối bởi những đạo luật hoàn toàn khác biệt và không liên quan đến nhau. Thực tế, dù hay bị nhầm lẫn và đánh đồng với nhau nhưng đây là 3 thứ hoàn toàn khác biệt.
Trade Dress (kiểu dáng công nghiệp)
Thật ra, nếu dịch “Trade Dress” là kiểu dáng công nghiệp cũng không hoàn toàn chính xác lắm. Nguyên nhân bởi cách nhìn nhận trade dress và kiểu dáng công nghiệp của luật Việt Nam và luật Mỹ có nhiều điểm không tương đồng.
Trade dress theo quan điểm của những nhà lập pháp Mỹ: “là các yếu tố không liên quan đến tính năng, là thông thông về chi tiết, thiết kế sản phẩm hoặc bao bì của nó – nó cho biết về nguồn gốc của sản phẩm, để phân biệt các sản phẩm này với các sản phẩm khác”. Tóm lại, hiểu một cách đơn giản thì đây là hình thức bên ngoài, cách đóng gói và các yếu tố tương tự thế của sản phẩm.
Ví dụ như trong vụ Apple kiện Samsung gần đây, các yếu tố liên quan đến khía cạnh này là sự “trùng ý tưởng” trong hình dáng của các sản phẩm giữa hai hãng, cách đóng gói…
Trade Mark (nhãn hiệu)
Cũng giống như Trade Dress, Trade Mark không hoàn toàn chỉ có nhãn hiệu. Theo luật Mỹ, Trade Mark là: “một từ, tên, ký, thiết bị hoặc sự kết hợp giữa chúng để cho biết về nguồn gốc của hàng hóa hoặc dịnh vụ. Chúng có tác dụng phân biệt các sản phẩm và dịch vụ khác nhau trong cùng ngành kinh doanh của các công ty khác nhau trong một địa điểm”.
Tóm lại, hiểu ngắn gọn Trademark là các yếu tố liên quan đến thương hiệu, các yếu tố làm nên đặc điểm của thương hiệu đó. Ngoài các hiểu thông thường, nó còn có thể là cách thiết kế các icon, màn hình…
Nếu để ý, các bạn thấy Apple thỉnh thoảng lại đi kiện một số công ty (gần đây là công ty kinh doanh thực phẩm) vì đã vi phạm, bắt chước logo của hãng. Việc Facebook yêu cầu đăng ký bảo hộ từ “Face” cũng là dựa vào những điều luật bảo vệ Trade Mark. Hay như trong vụ Apple – Samsung, việc Apple kiện các yếu tố liên quan đến sự giống nhau trong thiết kế của các icon cũng dựa vào điều này.
Patent (sáng chế)
Khác với 2 yếu tố trên, patent hoàn toàn dễ hiểu. Bằng sáng chế (patent): “là các văn bản pháp luật chính thức được công bố bởi Mỹ dành cho các nhà phát minh. Nó bao gồm các thông tin miêu tả chi tiết về phát minh”. Nó cũng có thông tin về việc làm gì và làm thế nào để chống xâm phạm. Nói tóm lại, bằng sáng chế cho phép bạn được sử dụng những phát minh này, cho bạn quyền cung cấp sáng chế cho bên khác sử dụng. Nếu so sánh một cách trực quan và đơn giản hơn, bằng sáng chế cũng giống như “sổ đỏ”, cho bạn toàn quyền sở hữu ngôi nhà (với bằng sáng chế là phát minh).
Định nghĩa về bằng sáng chế khá đơn giản nhưng cách thức hoạt động của hệ thống bảo vệ nó lại tương đối phức tạp. Các bằng sáng chế thường chỉ có hiệu lực trong một thời gian nhất định. Sau thời gian này, người khác có thể sử dụng phát minh của bạn mà không phải lo lắng gì cả. Có nhiều yếu tố để quyết định thời gian này nhưng nó thường là 20 năm (đối với Mỹ).
Một điều quan trọng khi đăng ký hay sử dụng bằng xác chế là bằng sáng chế của bạn không phải là một “phát minh” tất yếu và cơ bản. Nói một cách dễ hiểu, nếu như thiết kế hay sáng chế đó là cách duy nhất, không thể thay thế nếu muốn đạt được những mục đích cơ bản và tối thiểu cho sản phẩm, bạn không được đăng ký nó. Ví dụ kể cả bạn là người nghĩ ra bánh xe phải là hình tròn, bạn không thể đăng ký được nó bởi đây là hình dáng duy nhất một bánh xe thông thường có thể hoạt động hiệu quả. Hay bạn không thể sở hữu kiểu thiết kế nhọn đầu của một chiếc đinh bởi đây là cách duy nhất để nó đảm nhiệm chức năng của mình.
Luật và tòa án nào bảo vệ?
Hệ thống luật và tòa án của Mỹ khá phức tạp. Về cơ bản, Patent được bảo vệ bởi luật Copyright, Trade Mark và Trade Dress liên quan nhiều đến luật bảo vệ nhãn hiệu hàng hóa. Tất cả đều nằm trong bộ luật về quyền sở hữu trí tuệ của Hoa Kỳ.
Các vụ kiện về quyền sở hữu trí tuệ được các tòa án liên bang ở Mỹ xử (ở Mỹ có hai hệ thống tòa án riêng biệt là bang và liên bang). Ví dụ như vụ Apple kiện Samsung được tòa án liên bang California thụ lý.
Trong kỳ sau, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về các nguy cơ của các hãng nếu như thất bại trong cuộc chiến bản quyền này.
Theo Bưu Điện VN