Kiến trúc sư Việt xinh đẹp kể chuyện làm dâu nhà quý tộc ở Ý
Người Ý không bao giờ rắc pho mai lên mỳ hải sản. Hành động đó tương đương với việc đổ nước mắm vào cốc chè đỗ đen ở ta vậy.
Sinh ra và lớn lên ở Việt Nam nhưng chị Đặng Tố Nga lấy chồng và đang sinh sống ở Ý. Chị Nga cho biết, bố chồng chị xuất thân từ gia đình quý tộc cho nên trong nhà chị, từ cách cư xử trên bàn ăn tới ứng xử trong gia đình đều bị chú ý và đánh giá rất khắt khe.
Tuy nhiên, bản thân chị cũng xuất thân từ một gia đình gia giáo, được dạy dỗ kỹ lưỡng từ nhỏ, cộng với tinh thần ham học hỏi, cầu thị, chị đã dễ dàng ‘vượt qua’ cửa ải bố mẹ chồng từ ngày đầu ra mắt.
VietNamNet đăng tải câu chuyện ‘Làm dâu nhà quý tộc’ của chị Đặng Tố Nga – nữ kiến trúc sư hiện sống ở Torino, Ý.
Chị Đặng Tố Nga
Làm dâu nhà quý tộc
Tối qua, tôi hỏi chồng:
- Anh này, các bạn hỏi em khi làm dâu nhà quý tộc có khó khăn gì không? Nhưng em thấy cũng đơn giản chẳng có gì khác ngoài mấy luật lệ về tác phong cư xử. Mà ở nhà em cũng phải thế rồi. Bố mẹ anh dễ tính bỏ xừ, đúng không?
- Đấy là với em thì bố mẹ anh dễ tính thế, chứ thực ra họ khá khắt khe đấy. Em thấy đơn giản vì em được giáo dục từ bé rồi. Anh yêu Sonja 2 năm nhưng chưa dám dẫn về nhà lần nào. Yêu Elizabetta 5 năm chỉ dẫn về nhà 1 lần. Và 1 người nữa thì em đã biết thế nào rồi đấy.
Ừ nhỉ, anh nói tôi mới để ý đấy. Chị Sonja là người Pháp gốc Algeria. Mỗi lần gặp nhau, hai anh chị toàn hẹn ở một thành phố khác. Hoặc anh sang Paris với chị, chứ chưa bao giờ anh đưa về nhà. Chị Elizabetta người Mỹ, học ở Milano, yêu nhau 5 năm nhưng anh chỉ đưa về nhà bố mẹ 1 lần duy nhất, còn lại thì chỉ ở nhà bà ngoại tức nhà tôi ở bây giờ.
Chị thứ ba người Colombia, yêu và sống cùng anh 3 năm. Chị ấy cũng là bạn của tôi nên mọi chuyện tôi đều biết. Chị luôn thúc giục anh phải đưa chị về thăm bố mẹ anh: ‘ Sao anh không đưa em về gặp bố mẹ anh? Anh thấy xấu hổ vì em sao?’. Vì vậy anh đành phải đưa chị về.
Đó là bữa trưa ngày Chủ nhật, bữa ăn quan trọng nhất trong tuần của gia đình anh, khi cả nhà tề tựu đông đủ. Tất cả tròn mắt ngạc nhiên khi thấy chị rắc phô mai Parmesan lên đĩa mỳ ngao.
Người Ý không bao giờ rắc pho mai lên mỳ hải sản. Hành động đó tương đương với việc đổ nước mắm vào cốc chè đỗ đen ở ta vậy. Nhưng mọi người im lặng không ai nói gì.
Khi nghe tiếng dao dĩa của chị có ‘volum’ hơi cao, mọi người liếc mắt nhìn nhau. Khi chị rót nước vào cốc với khuỷu tay nâng cao, anh vội đỡ lấy chai nước để giúp chị vì anh đã hiểu ánh mắt của cả nhà rồi.
Ở nhà anh, hết mỗi món ăn mọi người lại thay đĩa và dao dĩa khác. Riêng chị cứ dùng đĩa đó để ăn hết món này sang món khác. Mọi người nhìn và thấy rất kinh, vì đĩa có dính sốt của món mỳ giờ lại lẫn vào với salad, nhưng vẫn không ai nói gì.
Nhưng đến khi chị để miếng bánh mỳ lên thành đĩa thì em trai của anh không nhịn được nữa buột miệng nói:
- Sao chị lại để bánh mỳ lên thành đĩa ăn thế? Có đĩa để bánh mỳ riêng mà.
Video đang HOT
Chị tự ái, mặt xị xuống. Tối hôm đó về chị hành anh. Anh bảo:
- Giờ thì em hiểu vì sao anh không dẫn em về nhà chưa? Không phải anh ngượng vì em mà anh ngượng với em về họ. Họ quá khắt khe, cổ hủ trong mọi cử chỉ hành động.
Nói thêm là em trai của anh, bây giờ đã 35 tuổi và có người yêu 17 năm rồi, nhưng chưa từng một lần dẫn người yêu về nhà ra mắt bố mẹ.
Vì tôi biết mọi chuyện như vậy nên khi anh đề nghị tôi về thăm bố mẹ anh, tôi luôn từ chối. Tôi nghĩ về họ như ngáo ộp vậy. Anh đành cho tôi làm quen dần với các anh em của anh trước.
Đến khi tôi lấy được cảm tình của cả anh trai và em trai anh thì anh bảo:
- Bây giờ thì em về nhà anh được chưa? Em quen gần hết mọi người rồi còn gì?
Đó là tháng thứ 5 kể từ ngày chúng tôi bắt đầu yêu nhau. Tôi đành liều gật đầu đồng ý. Khỏi phải nói các bạn cũng biết tôi run như thế nào rồi.
Ấn tượng đầu tiên là bố mẹ anh rất hiền và thân thiện, khác hoàn toàn những gì tôi tưởng tượng. Bố anh chào tôi và nói:
- Cuối cùng thì tôi cũng được gặp cô gái nổi tiếng này!
Tôi ngạc nhiên:
- Nổi tiếng ạ? Sao lại thế ạ?
- Các con trai của bác và các bạn của nó kể cho bác về cháu mãi mà bây giờ bác mới được gặp.
Tôi lại bắt đầu run, không biết họ nói gì về tôi. Bố mẹ anh hỏi tôi về gia đình, về Việt Nam, về tôn giáo, về chính trị… Hỏi nhiều lắm nên tôi quên hoàn toàn việc lo lắng trong cư xử. Tôi ngồi nói chuyện rất lâu với họ.
Bữa trưa diễn ra rất tốt đẹp. Về ứng xử trên bàn ăn thì tôi đã được rèn từ nhỏ rồi, nên tôi hiểu sự khó chịu khi ngồi ăn với người không được dạy dỗ tử tế. Chính vì thế tôi luôn chịu khó tìm hiểu các quy tắc của người Ý ngay từ những ngày đầu đặt chân tới đây. Ông bà còn giữ tôi lại ăn tối xong mới cho về. Chồng tôi lúc đó mừng lắm vì anh cũng không ngờ là bố mẹ anh mến tôi ngay lập tức như thế.
Bố mẹ anh yêu quý tôi như con gái. Họ thương tôi phải sống xa quê hương nên luôn tặng những món quà nhỏ cho tôi để tôi thấy gần gũi. Có lẽ cũng vì tôi ít hơn anh 7 tuổi, nhỏ hơn hẳn mấy chị người yêu cũ của anh nên họ coi tôi là trẻ con, không câu nệ nhiều.
Mẹ anh toàn giặt quần áo cho tôi ngay từ ngày đầu tôi về sống cùng anh. Thời gian đầu chúng tôi về thăm ông bà mỗi Chủ nhật. Nhưng sau đó tôi thấy thích ở đó nên về từ chiều thứ Sáu và ở lại tới tối Chủ nhật. Bà dạy tôi làm gốm, vẽ gốm, cắt may quần áo, thêu thùa đan lát…
Vậy đó, để bước chân vào nhà quý tộc thì chỉ cần sử dụng đúng mật mã mở cửa của họ là mọi thứ sẽ vô cùng dễ dàng. Nếu không bạn sẽ không bao giờ qua được cánh cửa đó.
Chị Nga đã vượt qua ‘cửa ải’ bố mẹ chồng một cách dễ dàng
Không muốn hay không thể?
Bố mẹ tôi luôn hỏi tôi câu này khi tôi nói tôi không làm được việc gì đó. Với tôi đây là một câu hỏi ‘thần thánh’, giúp tôi luôn có nỗ lực học hỏi không ngừng. Có thể nói đó là cách dạy con điển hình của bố mẹ tôi: biết đặt câu hỏi đúng sẽ tìm được câu trả lời đúng.
Khi lớn lên, nếu tôi gặp khó khăn trong bất kỳ việc gì, tôi luôn tự hỏi mình: Mình không muốn hay mình không thể làm được? Nếu muốn thì sẽ làm được. ‘Không thể’ chỉ là nguỵ biện.
2 năm trước, tôi có bài chia sẻ về các quy tắc lịch sự trên bàn ăn, một số bạn vào bình luận rằng ‘tôi sinh ra ở quê, quen ăn uống thoải mái từ nhỏ rồi nên không thể sửa được’. Tôi đã nghĩ thầm ‘bạn không thể sửa hay không muốn sửa?’.
Tôi kể chuyện (theo lời đề nghị của một số bạn) về việc tôi làm dâu gia đình quý tộc như thế nào. Hầu hết các bạn đều hiểu điều tôi nói. Nhưng một số ít ý kiến cho rằng, người nước ngoài cần được người bản xứ tôn trọng vì sự khác biệt văn hoá, rằng nếu cô con dâu phải sống xa gia đình thì cần được thương yêu và chấp nhận sự cư xử sai phép lịch sự đó. Tôi lại nghĩ: bạn không muốn ‘nhập gia tuỳ tục’ chứ không phải là không thể.
Có bạn nói ‘muốn người ta tôn trọng mình thì mình phải biết tôn trọng họ trước’ với ý rằng người ta cần tôn trọng sự thiếu hiểu biết của mình thì mới được mình tôn trọng. Nhưng sao bạn không nghĩ rằng, bạn không học hỏi để cư xử đúng nơi xứ người thì có nghĩa bạn chưa tôn trọng người ta, thì sao dám trách họ không tôn trọng mình?
Chị Nga cho rằng, khi bước sang một nền văn hoá khác, mình nên chủ động ‘nhập gia tuỳ tục’.
Cách đây 20 năm, tôi từ Việt Nam sang Ý học. Tôi thường nghe bố nói: chỉ cần nói chuyện một câu là đủ biết trình độ học vấn của bạn, và chỉ cần quan sát 1 phút ở bàn ăn là biết văn hoá ứng xử của của bạn. Chính vì thế, tôi cố gắng tìm hiểu các thói quen và phép lịch sự trên bàn ăn của người Ý.
Thời đó đâu có Internet. Tôi không thể nhớ được là tôi đã tìm đọc được ở đâu mà tôi biết rằng: khác với người Việt thường bày tất cả các món ăn lên bàn cùng lúc, người Ý dọn ra bàn ăn từng món một. Ăn hết món này mới mang món khác lên.
Ngay sau khi sang Ý, một anh bạn Ý đã mời tất cả các sinh viên Việt Nam đến nhà ăn tối. 5 người bạn đi cùng tôi không biết điều này (họ là con trai mà) nên họ tưởng rằng chủ nhà mời mỗi món mỳ thôi. Vậy là họ ăn cho tới lúc no.
Tôi nói với họ rằng đây mới là món đầu tiên, nhưng họ phản đối tôi. Tôi cũng không dám khẳng định lại vì điều đó tôi mới đọc chứ chưa tận mắt thấy lần nào. Tuy vậy tôi chỉ ăn vừa phải để dành bụng ăn món khác. Khi món thứ 2 được dọn lên bàn thì các anh bạn Việt Nam của tôi đã no căng bụng rồi nên chỉ nếm được một chút. Món thứ ba thì không ai động tới.
Mẹ cậu bạn tôi có vẻ buồn vì mấy món đó bà đã chuẩn bị khá cầu kỳ mà có mỗi mình tôi ăn. Chắc chắn bà không coi thường các bạn tôi, vì chúng tôi mới sang chưa biết điều này. Nhưng giá mà mọi người biết thì có phải hay hơn không.
Tôi học, tôi hỏi để biết những điều tối kỵ trên bàn ăn trước khi học phong cách lịch sự. Vì thế tôi chưa gặp một ánh mắt coi thường hay ngạc nhiên nào của người Ý. Bố mẹ rèn tôi nhiều điều lắm, nhưng họ không thể biết hết để dạy tôi những điều đó. Tôi phải tự học thôi. Nhưng điều mà bố mẹ dạy tôi là ‘ không ngừng học tập’, và ‘nhập gia tuỳ tục’ nên tôi nỗ lực tìm hiểu.
Mẹ tôi hay dùng ca dao tục ngữ, thành ngữ để dạy tôi. Nhưng câu ‘không biết không có tội’ tôi chưa từng nghe bà nói. Tôi cũng chẳng biết vì sao, nhưng nhờ có điều đó mà cái gì tôi cũng muốn biết, muốn tìm hiểu tường tận. Tôi cảm thấy mình có lỗi khi không biết một điều nào đó. Trong đầu tôi luôn ghim câu hỏi của bố mẹ ‘không muốn biết hay không thể biết?’.
Đặng Tố Nga
Theo vietnamnet.vn
Vốn liếng quý giá nhất của người phụ nữ có mị lực với đàn ông
Gia sản quý giá nhất của một người phụ nữ không phải là nhan sắc hay tiền bạc. Một người phụ nữ thu hút có mị lực với đàn ông nhờ vào điều này.
Nhan sắc của phụ nữ, trông như thứ giáp vàng rực rỡ, nhưng sẽ mờ nhạt theo năm tháng, như hoa nào cũng tàn, lá nào cũng úa. Tiền bạc với phụ nữ nhìn thì là thứ an toàn nhất, nhưng có đó rồi cũng có thể mất đó, hay kiếm càng nhiều càng không thấy đủ. Dung nhan hay giàu sang không phải là vốn liếng quý giá nhất của phụ nữ.
Với phụ nữ, giáo dưỡng mới là gia sản quý nhất, khó tìm cũng khó giữ. Giáo dưỡng là một phẩm chất vừa ẩn lại vừa hiện, không trực tiếp để người khác trầm trồ chiêm ngưỡng nhưng luôn có sức hút mạnh mẽ. Phụ nữ thu hút trong thời đại này luôn là những người phụ nữ có giáo dưỡng.
Phụ nữ thu hút trong thời đại này luôn là những người phụ nữ có giáo dưỡng - Ảnh minh họa: Internet
Theo quan niệm cổ đại, "ôn nhu như ngọc" là cách hình dung về một người phụ nữ có giáo dưỡng. Phụ nữ có giao dưỡng thường có một phần nhu tình (dịu dàng, nết na, tình cảm), hai phần thanh tao, ba phần ôn hòa kín đáo, bốn phần trí tuệ.
Nét "nhu tình" ở phụ nữ là từ trái tim đầy trắc ẩn, một lòng thiện lành vì người khác, thấu hiểu lòng thế gian. Người phụ nữ "nhu tình" nhẹ nhàng như nước, bản thân thì trong vắt, lại đem đến cho người khác sự tươi mát, sinh sôi.
Nét "thanh tao" ở phụ nữ nằm ở sự tự tin, dung dị nhưng chứa đựng vẻ đẹp hài hòa giữa tâm hồn và dung mạo. Kiểu phụ nữ quyến rũ này khoan dung với người với đời. Người phụ nữ tao nhã luôn quý trọng thời gian, chuyện gì cũng thuận theo tự nhiên. Lòng họ bình yên, ít tham vọng, chỉ êm đềm từ tốn. Bởi thế, người phụ nữ đẹp từ trong nội hàm, vừa bình ổn, vừa tràn đầy sức sống.
Người phụ nữ thu hút từ trong nội hàm, vừa bình ổn, vừa tràn đầy sức sống - Ảnh minh họa: Internet
Sự "ôn hòa kín đáo" nằm ở tâm hồn vốn có của người phụ nữ quyến rũ. Họ không phô bày bản thân lộ liễu, dù là ở tâm hồn, trí óc hay thân thể. Trang phục của họ không bao giờ quá lộ liễu, kín đáo trang nhã. Một người phụ nữ biết ẩn mình kín đáo luôn có nội tâm vững vàng, ổn yên nhưng cũng cẩn trọng và sâu sắc.
"Trí tuệ" của phụ nữ đến từ học hỏi, trao dồi bản thân, không ngừng cố gắng hoàn thiện. Nguồn tri thức này không chỉ từ sách vở, mà còn từ đạo đức truyền thống trong lối sống, đối nhân xử thế, hay chắt lọc những tinh hoa trong cả đời thường.
Một người phụ nữ có giáo dưỡng tốt luôn biết quý trọng bản thân và người khác, biết thấu hiểu và giàu cảm thông. Họ quan niệm tôn trọng người khác cũng chính là tôn trọng bản thân. Nét thu hút ở họ không chỉ nằm ở cách đối nhân xử thế, mà còn là việc trân quý chính mình.
Phụ nữ thu hút là vì có nội hàm đặc biệt rực rỡ, duy nhất tỏa sáng - Ảnh minh họa: Internet
Một người phụ nữ muốn trở nên thu hút, hãy học cách trở thành người có giáo dưỡng. Đã là phụ nữ thì luôn phải học hỏi, từ cố nhân, từ người đời, từ bất cứ ai xung quanh. Kết tinh từ một quá trình dài tu dưỡng, hoàn thiện bản thân sẽ tạo nên mị lực có sức hút với thế gian.
Bởi thế, không ngừng học tập là cách tăng mị lực ở phụ nữ. Phụ nữ biết mài giũa nội tâm thêm phong phú, bồi dưỡng trí tuệ thì luôn có một sức hút vô hình. Phụ nữ đẹp nhờ "tâm sinh tướng", cốt cách quyết định thần thái, nội hàm quyết định dung dạo. Phụ nữ thu hút là vì có nội hàm đặc biệt rực rỡ, duy nhất tỏa sáng. Và phụ nữ quyến rũ là nhờ thấu hiểu chính mình, ôn nhu với đời, nhưng cũng đầy mạnh mẽ và kiên cường.
Ngọc Thi
Theo phunusuckhoe.vn
Du lịch xuyên quốc gia bằng ôtô, cần chú ý những gì? Dưới đây là 7 mẹo nhỏ giúp bạn lên kế hoạch chi tiết và cẩn thận cho chuyến du lịch xuyên quốc gia bằng ô tô của mình. Một nhóm chủ xe Ford đam mê du lịch gần đây đã tổ chức một chuyến đi xuyên quốc gia, từ rừng rậm nóng ẩm ở miền Bắc Thái Lan tới mùa đông băng giá...