Kiến trúc nhà ống độc đáo ở phố cổ Việt Nam lên báo quốc tế
Tại thành phố Hà Nội, có một kiểu nhà đặc biệt thường được gọi là nhà ống, những ngôi nhà siêu cao đầy màu sắc này có thể rộng chỉ hai mét.
Được biết, đây là một trong những loại hình kiến trúc phổ biến nhất ở Việt Nam, Business Insider đưa tin.
Dinh Quoc Phuong, giám đốc khóa học của Chương trình Kiến trúc Nội thất tại Đại học Công nghệ Swinburne, cho biết: “Những ngôi nhà ống cũ được xây dựng trước năm 1954 thường có hai tầng với mặt tiền hẹp từ hai đến năm mét. Những ngôi nhà ống mới thường cao hơn, lên đến 12 tầng, nhưng vẫn chỉ rộng bằng những ngôi nhà ống cũ”.
Theo truyền thống, nhà ống thường gắn liền với khu phố cổ Hà Nội. Khu phố này từng là đầu mối giao thương, buôn bán, mỗi con phố được đặt tên theo các sản phẩm mà người dân từng bán dọc hai bên đường, chẳng hạn như Hàng Bạc và Hàng Gai.
Không giống như những ngôi nhà ống mới được xây dựng, chỉ thuần túy là nhà ở, nhiều ngôi nhà cũ hơn trong phố cổ vẫn tiếp tục phục vụ chức năng thương mại. Những ngôi nhà ống ngày xưa thường có cửa hàng ở tầng trệt và các gia đình sẽ sinh hoạt ở tầng trên. Với nhiều tầng không gian sống, nhiều thế hệ có thể chung sống dưới cùng một mái nhà.
Các cửa hàng hai tầng dọc phố Hàng Đào, Hà Nội vào năm 1926
“Những căn nhà ống truyền thống từng là ngôi nhà chung của nhiều gia đình”, Mai Hùng Trung, kiến trúc sư khởi xướng Hanoi Ad Hoc, một nghiên cứu về cảnh quan đô thị Hà Nội, chia sẻ. “Có thể lên đến năm, sáu gia đình cùng chung sống. Và cho đến tận bây giờ, ở Khu Phố Cổ, bạn vẫn có thể thấy những gia đình khác nhau sống chung trong một ngôi nhà”. Thậm chí, các gia đình còn không quen biết nhau.
Video đang HOT
Tuy nhiên, những ngôi nhà này thiếu chiều rộng thì lại được bù đắp bằng chiều sâu. Chiều sâu của những nhà ống có thể đạt tới 100 mét. Theo ông Trung, có rất nhiều giả thuyết liên quan đến nguồn gốc của thiết kế nhà ống.
Thứ nhất, phong cách kiến trúc có thể đã hình thành do giá đất đắt đỏ. Khi mật độ dân cư ngày càng dày đặc, chính phủ đã đánh thuế mặt tiền, khiến người dân cố gắng giảm kích thước khu vực này. Nhưng khi con cái trong các gia đình lớn lên, họ cần thêm không gian nên họ phải xây thêm vào bên trong hoặc chồng thêm tầng.
Ông Trung nói: “Ở khu vực nội thành, đất là vàng. Mặt tiền đường phố được coi là quan trọng như quy mô đất đai”. Những ngôi nhà cũ thường có sân trong để đón ánh sáng và thông gió tự nhiên. Sân còn có chức năng như một không gian sinh hoạt chung, các thành viên trong gia đình có thể quây quần tại đây.
Sân của một ngôi nhà ống
Ông Nguyen Dzung Do, đồng sáng lập kiêm CEO của enCity, cho biết: “Khoảng sân đôi khi có thể đặt vừa một cây nhỏ, cùng một vài chiếc ghế để ngồi uống trà. Có những nơi thậm chí còn có một cái giếng nhỏ trong sân. Nó khép kín nên không bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn và cuộc sống công cộng bên ngoài, vì vậy khoảng sân là một nơi rất yên bình ở giữa ngôi nhà”.
Những năm gần đây, các ngôi nhà ống mới thường được xây theo kiến trúc kiểu Pháp. Phong cách này đã được điều chỉnh theo nhiều cách khác nhau, ông Phuong chia sẻ. Ông nói: “Một số nơi đã sử dụng các chi tiết mặt tiền, chẳng hạn như lan can bằng gang và cửa sổ có mái che như các biệt thự ở Pháp trong thiết kế. Những người khác thì lắp mái vòm như các tòa nhà công cộng, chẳng hạn như Nhà hát Lớn Hà Nội, cho những ngôi nhà ống của họ”.
Bất kể nguồn gốc của chúng ra sao, những ngôi nhà ống này là một nét đặc trưng của đường phố Việt Nam, và đã định hình nên cảnh quan đô thị của đất nước. Ông Trung nói: “Nhà ống và xe máy là một trong những đặc điểm đáng chú ý nhất của cảnh quan đô thị Việt Nam”.
“Chúng đã gắn bó với nhau trong nhiều năm, và một trong những lý do là chiếc xe máy nhỏ hoàn toàn phù hợp với những ngôi nhà ống chật hẹp. Và với chiếc xe máy, bạn có thể di chuyển đến bất kỳ ngõ ngách nào trong thành phố”, ông Trung cho biết.
Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm 'thức giấc'
Tối 18/3, không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và các không gian đi bộ trong khu Phố cổ Hà Nội đã hoạt động trở lại sau gần 10 tháng đóng cửa do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Thời gian "thức giấc" đúng với thời điểm Việt Nam mở cửa hoàn toàn mọi hoạt động du lịch sẽ tạo ra sức hút du khách trong và ngoài nước đến với Hoàn Kiếm nói riêng và Hà Nội nói chung.
Phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm hoạt động trở lại sau hơn 1 năm tạm dừng. Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN
Vì một điểm đến hấp dẫn
Từ nhiều năm nay, không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và trong khu Phố cổ Hà Nội (tuyến phố đi bộ kết hợp thương mại dịch vụ Hàng Đào - Hàng Giấy, các tuyến phố trong khu bảo tồn cấp I thuộc khu Phố cổ Hà Nội, các tuyến phố thuộc khu vực mở rộng phía Nam khu Phố cổ Hà Nội) được coi là sản phẩm du lịch đặc sắc của Thủ đô. Đặc biệt, trong điều kiện Hà Nội đang thiếu các điểm vui chơi, giải trí về đêm thì các không gian đi bộ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm như giải những "cơn khát" này cho người dân Thủ đô.
Lực lượng chức năng dựng hàng rào tại một điểm chốt vào phố đi bộ. Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN
Để chuẩn bị cho việc mở cửa lại các không gian đi bộ, quận Hoàn Kiếm yêu cầu các phường chỉnh trang đô thị, tổng vệ sinh môi trường, trang trí hoa tươi tạo sắc màu tươi mới. Lực lượng thanh niên, dân phòng và các đoàn thể thuộc các phường trên địa bàn quận Hoàn Kiếm được huy động tham gia. Khu vực vườn hoa Tượng đài Lý Thái Tổ, vườn hoa Hàng Khay, đường Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ... được quét dọn sạch sẽ. Quận bố trí xe tuyên truyền, phát tờ rơi yêu cầu các cơ sở kinh doanh, người dân sinh sống trong không gian đi bộ nghiêm túc chấp hành văn minh thương mại, trật tự đô thị... Những trường hợp lấn chiếm vỉa hè, mái che, mái vảy được yêu cầu tháo dỡ.
Bà Nguyễn Thanh Chúc, cán bộ quản lý đô thị UBND phường Hàng Gai cho biết: Thực hiện chủ trương của quận Hoàn Kiếm, những ngày qua, phường Hàng Gai đã ra quân vệ sinh môi trường, trang trí đường phố sạch đẹp. Người dân trong phường đều nhiệt tình hưởng ứng, chung tay cùng chính quyền tạo văn minh đô thị, thân thiện trong giao tiếp để đón khách du lịch.
Người dân đo thân nhiệt trước khi vào phố đi bộ. Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN
Người dân quét mã QR trước khi vào phố đi bộ. Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN
Ngày 18/3, Công an quận Hoàn Kiếm triển khai các tổ công tác liên ngành cùng Công an 18 phường bảo đảm an ninh trật tự không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Các tổ công tác liên ngành cắm tại 12 chốt cố định quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm kéo dài tới phố Tống Duy Tân, ngõ Hàng Bông và phụ cận; tổ chức 5 tổ tuần tra cơ động nhằm đảm bảo an ninh trật tự cho không gian đi bộ.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn tiếp tục diễn biến, để đảm bảo an toàn cho người dân và du khách, quận Hoàn Kiếm đã xây dựng phương án phòng, chống dịch tại các không gian đi bộ trên địa bàn. Theo đó, phương án được xây dựng cụ thể, cho cả lực lượng làm nhiệm vụ, các tổ chức và cá nhân hoạt động trong không gian đi bộ, người dân sinh sống trong các không gian đi bộ, khách tham quan. Trong đó, du khách không được tham gia vào không gian đi bộ nếu có một trong các biểu hiện ho, sốt, thực hiện quét mã QR hoặc khai báo y tế và sát khuẩn tay trước khi vào không gian đi bộ và luôn thực hiện thông điệp 5K. Tại các lối ra vào, lực lượng chức năng bố trí các biển báo quy định phòng, chống dịch, bố trí đầy đủ nước sát khuẩn tay, khẩu trang, đo thân nhiệt tự động... Lực lượng chức năng chốt trực, hướng dẫn khách thực hiện việc phòng, chống dịch trước khi vào không gian đi bộ.
Người dân phấn khởi đón nhận
Phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm hoạt động trở lại sau hơn 1 năm tạm dừng. Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN
Ngay trong ngày đầu mở cửa, không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và trong khu Phố cổ Hà Nội đã sôi động trở lại. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật cũng diễn ra, tạo ra "bữa tiệc" văn hóa nhiều sắc màu. Tại các điểm biểu diễn nghệ thuật thường xuyên như: Đình Nam Hương, ngã tư Hàng Khay - Đinh Tiên Hoàng, phố Tràng Tiền, đền Bà Kiệu..., những chương trình âm nhạc truyền thống, ca múa nhạc đương đại được tổ chức. Bên cạnh đó, nhiều cá nhân cũng đóng góp các tiết mục âm nhạc, khiêu vũ, tạo thêm không khí rộn ràng cho không gian đi bộ.
Có lẽ, sau một thời gian dài chờ đợi, nhu cầu vui chơi, giải trí bị dồn nén lâu, nên khi không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và trong khu Phố cổ Hà Nội đi vào hoạt động trở lại, người dân Hà Nội tỏ ra hào hứng. Đông đảo người dân Thủ đô cũng như du khách đến tham quan, vui chơi, giải trí. Ngay từ thời điểm bắt đầu hoạt động, các tuyến phố trong khu vực không gian đi bộ đã trở nên đông đúc. Người dân thong thả tản bộ, tận hưởng không khí trong lành cuối Xuân Hà Nội, thưởng lãm các tiết mục nghệ thuật, tham gia các trò chơi dân gian...
Các bạn trẻ trên phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN
Trẻ nhỏ chơi đùa trên phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN
Bày tỏ niềm vui khi buổi đầu tham gia không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm sau khi mở cửa trở lại, chị Nguyễn Thanh Hà, trú tại đường Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân cho biết: Từ nhiều năm nay, không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm là điểm thu hút đông du khách đến vui chơi. Thời gian qua, việc tạm dừng hoạt động các không gian đi bộ, cũng như việc hạn chế các hoạt động vui chơi khác trên địa bàn thành phố khiến đời sống tinh thần người dân ảnh hưởng nhiều. Vì vậy, khi quận Hoàn Kiếm mở cửa trở lại các không gian đi bộ, chị đã cho hai con lên chơi, giảm bớt áp lực do các cháu phải ở nhà quá lâu. Cả người lớn lẫn trẻ nhỏ đều rất vui, nhiệt tình tham gia các hoạt động tại đây.
Người dân mua hàng tại chợ đêm phố Hàng Đào. Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN
Vốn là điểm đến không thể bỏ qua của rất nhiều du khách khi đến với Thủ đô, không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và các không gian đi bộ trong khu Phố cổ Hà Nội chính là điểm nhấn của du lịch Hà Nội. Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Hoàn cho biết: Định hướng phát triển sản phẩm du lịch của quận là tập trung vào các sản phẩm du lịch văn hóa di sản, phát huy các giá trị văn hóa lâu đời của người Tràng An, các di tích lịch sử, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể... Các không gian đi bộ trên địa bàn quận đã đánh thức được tiềm năng văn hóa, lịch sử, kết hợp với cảnh quan, kiến trúc trên địa bàn quận; đồng thời thúc đẩy phát triển các ngành thương mại, dịch vụ. Bởi vậy, việc tổ chức, quản lý, vận hành các không gian đi bộ đảm bảo sự độc đáo, hấp dẫn, văn minh, an toàn luôn được quận đặc biệt quan tâm và kỳ vọng, trong thời gian gần, hoạt động du lịch được phục hồi, du khách đến với các không gian đi bộ quận Hoàn Kiếm sẽ ngày càng đông hơn.
Thăm khu phố cổ nhất của thành phố Tel Aviv Jaffa là khu vực cổ nhất của thành phố Tel Aviv, với những khu phố buôn bán nhộn nhịp, các nhà thờ, bảo tàng, phòng tranh, quán cà phê, quán bar, đường đi bộ dọc bến cảng xưa.... Đây là một điểm tham quan không thể bỏ qua đối với du khách khi đến với thành phố Tel Aviv của Israel. Jaffa là...