Kiến nghị miễn thu phí bảo trì phương tiện không đi vào quốc lộ
Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (HHVT) vừa gửi Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng kiến nghị về việc thu, quản lý và sử dụng phí bảo trì đường bộ để đảm bảo sự công bằng và phù hợp với sức chịu đựng của các đơn vị vận tải cũng như người dân.
Theo Hiệp hội này, trong lúc kinh tế đang còn gặp nhiều khó khăn và giảm bớt sự thiếu công bằng trong việc nộp phí bảo trì đường bộ trên đầu phương tiện, phí sử dụng đường bộ hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ, cần miễn thu cho một số đối tượng phương tiện không tham gia hoạt động trên đường bộ quốc gia (quốc lộ).
Cùng với đó, giảm hoặc miễn thu đối với xe ô tô buýt, giảm thu đối với ô tô tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động ít. Mức thu nên cộng chung đầu kéo và rơ-moóc chứ
Video đang HOT
không tách riêng và áp dụng thời hạn thu theo tháng…
Kiến nghị miễn thu phí bảo trì đường bộ cho phương tiện không đi vào quốc lộ
Ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam – cho biết: “Hiện nay toàn quốc đã có 31 trạm thu phí BOT. Nhà nước đang triển khai chủ trương kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông thì sẽ có thêm nhiều trạm thu phí BOT (trên QL1 từ Hà Nội đến thành phố Hồ Chí Minh dự kiến có 21 trạm BOT). Mức thu phí của các trạm BOT vừa thu để hoàn vốn, vừa thu để bảo trì đường bộ nên mức thu rất cao quá sức chịu đựng của các đơn vị vận tải”.
Vì vậy, ông Thanh đề nghị nhà nước dùng Ngân sách, trái phiếu Chính phủ nâng cấp cải tạo QL1 để giảm số đoạn BOT và đề nghị tới năm 2016 mới bắt đầu áp dụng mức thu không quá 2 lần mức thu tối thiểu, tới năm 2019 mới áp dụng mức thu tối đa.
Lý giải cho đề nghị nói trên, ông Thanh cho hay: “Trong dự thảo Thông tư hướng dẫn chế độ thu nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ của Bộ Tài chính có đưa ra lộ trình từ năm 2013 tới năm 2016 trở đi mới áp dụng mức thu tối đa”.
Cũng trong văn bản gửi Bộ trưởng Thăng, HHVT ô tô Việt Nam kiến nghị đưa ngành vận tải ô tô là ngành kinh doanh có điều kiện đặc biệt. Theo đó, các tiêu chí cụ thể để trở thành ngành kinh doanh đặc biệt bao gồm: Quy mô của doanh nghiệp, trong đó có thống kê về số lượng ô tô, cơ sở vật chất – kỹ thuật, tiềm lực tài chính… Chất lượng phương tiện thiết bị, chú ý đến niên hạn sử dụng của xe và trang thiết bị hiện đại trên xe. Cùng với đó là trình độ quản lý của đội ngũ cán bộ nhân viên, trình độ và chất lượng đội ngũ lái xe, thợ sửa chữa, nhân viên phục vụ trên xe…
“Dựa trên cơ sở đó để phân loại đơn vị vận tải, cho phép vùng hoạt động của từng đơn vị vận tải, như: Đơn vị đạt loại cao được phép hoạt động đường dài liên tỉnh (cự ly hoạt động dài – xa). Đơn vị đạt loại thấp chỉ cho phép hoạt động ngắn nội tỉnh – nội huyện (cự ly hoạt động ngắn – gần).” – ông Thanh nói.
Về vấn nạn xe quá tải, hiện Bộ Giao thông vận tải đã trang bị cho mỗi tỉnh một trạm cân di động kiểm tra tải trọng xe ô tô vận tải hàng hoá để xử lý nghiêm minh những xe vi phạm. Tuy nhiên, để xử lý triệt để tận gốc vấn nạn này, HHVT ô tô Việt Nam cho rằng cần có giải pháp tổng thể, đồng bộ để xử lý vấn nạn xe vận tải hàng hoá chở quá tải quá khổ gây hư hỏng cầu đường.
HHVT đề nghị có quy định cấm nhập khẩu và sản xuất trong nước những loại xe ô tô, sơ mi rơ-moóc được gia cố khung gầm, thùng bệ để chở quá tải trọng quy định cầu đường, quy định tải trọng trục xe. Quy định chủ hàng, cảng, ga, kho hàng hoá không được phép xếp hàng quá tải trọng quy định theo đăng ký xe ô tô được phép chở.
Các trạm cân phải hoạt động 24h/24h trong ngày. Vị trí đặt trạm cân phải ngay trong cảng, ga, khu công nghiệp, tập trung hàng hoá xuất nhập khẩu hoặc vận chuyển đi tiêu thụ. Tập trung kiểm tra trong phạm vi toàn quốc trong thời gian dài, để lập lại trật tự giải quyết tận gốc vấn nạn xe chở quá tải. Tập trung kiểm tra những xe chở hàng rời, vật liệu xây dựng (xi măng, sắt thép, đất đá cát sỏi,…). Hàng nhập chở bằng conteiner có cặp chì của Hải quan không cần kiểm tra vì đã theo tiêu chuẩn quốc tế.
“Với việc kiểm tra phương tiện vi phạm, ngoài xử phạt hành chính thì dứt khoát bắt phải hạ tải rồi mới cho hoạt động tiếp. Việc hạ tải chủ hàng và chủ phương tiện phải làm. Trạm cân không chịu trách nhiệm về sự chậm trễ và hư hỏng hàng hoá trong chuyến hàng đó” – ông Thanh kiến nghị.
Theo Dantri