Kiên cường, tàu Kiểm ngư số hiệu 726
Tàu Kiểm ngư 726 là con tàu luôn có mặt tại các điểm nóng, đối mặt với hành động hung hăng, gây hấn của tàu Trung Quốc và bị tàu Trung Quốc đâm va nhiều nhất trong số các tàu của lực lượng Kiểm ngư Việt Nam.
Chưa đầy một tháng, bị đâm va, phun nước hơn 50 lần
Làm nhiệm vụ trên biển từ đầu tháng 5-2014 tới nay, tàu 726 đã bị tàu Trung Quốc đâm va, dùng vòi rồng tấn công hơn 50 lần khiến nhiều trang thiết bị hư hỏng. Sau 2 ngày đưa về đất liền sửa chữa, sáng 28-5, tàu lại có mặt ở “điểm nóng” Hoàng Sa.
Ngay trong buổi sáng ngày 28-5, khi tàu 726 của Việt Nam cơ động vào hướng giàn khoan Hải Dương 981, lập tức có 3 tàu hải cảnh chạy ra bám theo. Tiếp đó, khoảng 10h, khi tàu cách giàn khoan 9 hải lý về hướng Đông Nam thì thêm 2 tàu hải cảnh khác của Trung Quốc mang số hiệu 37010 và 21101 bám theo ngay trước tàu theo hình chữ V.
Thuyền trưởng của tàu- anh Ngô Quốc Tuấn cho biết, qua nhiều ngày quan sát trên thực địa thì đến ngày 28-5, Trung Quốc đã điều ra khá nhiều tàu hải cảnh mới, lớn hơn để uy hiếp và cản trở ta làm nhiệm vụ, tuy nhiên tàu Việt Nam vẫn mềm dẻo, kiên cường làm nhiệm vụ, né tránh để hạn chế đến mức tối đa thiệt hại.
Máy bay, tàu của Trung Quốc hoạt động dày đặc xung quanh khu vực
đặt giàn khoan trái phép
Lúc 12h30 ngày 28-5, tàu 726 cùng với các tàu khác gồm tàu kiểm ngư 628, 629, 797, 761 và 2 tàu cảnh sát biển mang số hiệu 2013 và 8001 tiếp tục cơ động vào giàn khoan Hải Dương 981 đấu tranh tuyên truyền. Khi đến vị trí cách giàn khoan Hải Dương 981 khoảng 11 hải lý về phía Đông Nam, Trung Quốc đã lập tức điều hơn 10 tàu tiến ra ngăn cản, sử dụng vòi rồng uy hiếp từ xa.
Thực hiện đúng theo phương châm chỉ đạo của cấp trên, các tàu Việt Nam đã khôn khéo luồn tránh, không để xảy ra sự cố đáng tiếc.
Video đang HOT
Trung Quốc tìm cách bẫy tàu Việt Nam
Cũng theo Cục Kiểm ngư Việt Nam, trong ngày 28-5, tàu quân sự của phía Trung Quốc đã chia thành 2 nhóm, một nhóm bảo vệ quanh khu vực giàn khoan Hải Dương-981, cách giàn khoan 8-10 hải lý, nhóm còn lại bảo vệ vòng ngoài nhằm cản trở các tàu của Việt Nam trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Không chỉ thế, theo lực lượng Kiểm ngư Việt Nam, hiện nay tàu Trung Quốc còn dùng thủ đoạn “bẫy” tàu thực thi nhiệm vụ của Việt Nam bằng cách tắt đèn báo tín hiệu vào ban đêm, và thả trôi tự do gây nguy hiểm cho tàu Việt Nam.
Cũng trong ngày 28-5, Cảnh sát biển Việt Nam đã phát hiện 2 tàu quét mìn của Trung Quốc mang số hiệu 840, 843 và 2 tàu hộ vệ tên lửa được thả trôi tự do ở phía Đông giàn khoan Hải Dương 981. Theo quan sát, tàu Trung Quốc đã có hành động đe dọa dùng súng bắn nước của tàu hải cảnh số 31101 lắp thêm đường ống và nối vòi màu đen.
Tại khu vực hạ đặt giàn khoan trái phép, phía Trung Quốc Về tình hình lực lượng hiện phía Trung Quốc vẫn duy trì 120 tàu gồm 36 tàu hải cảnh, 13 tàu kéo, 14 tàu vận tải, 7 tàu quân sự, ngoài ra còn huy động 4 máy bay chiến đấu ở độ cao 1.000-1.100m quanh khu vực giàn khoan Hải Dương 981, nhằm uy hiếp lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam.
Cục Kiểm ngư cho hay, mặc dù bị các tàu Trung Quốc xua đuổi, cản trở, ngư dân vẫn hăng hái tham gia bám biển, sản xuất trên khu vực gần giàn khoan.
Đại sứ Việt Nam tại Mỹ trả lời phỏng vấn của CNN
Đại sứ Việt Nam tại Mỹ – Nguyễn Quốc Cường trả lời phỏng vấn CNN
Sáng nay, 29-5, (theo giờ Việt Nam), trả lời phỏng vấn trực tiếp Đài truyền hình CNN, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, ông Nguyễn Quốc Cường khẳng định việc Trung Quốc đưa giàn khoan và nhiều tàu hộ tống vào vùng biển Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 và những cam kết của lãnh đạo Trung Quốc với ASEAN khi Trung Quốc ký Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) năm 2002. Đại sứ Nguyễn Quốc Cường nhấn mạnh, Việt Nam không còn cách nào khác là phải phản ứng lại một cách hòa bình nhưng cương quyết.
Đại sứ Nguyễn Quốc Cường cũng nhấn mạnh, Việt Nam luôn theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập và muốn có quan hệ tốt với Trung Quốc, Mỹ và các quốc gia khác, nhưng không chấp nhận việc cưỡng ép hoặc đe dọa. Ông khẳng định người dân Việt Nam quyết tâm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ và không nước nào nên đánh giá thấp quyết tâm này. Tất cả người dân Việt Nam, dù ở Việt Nam, Mỹ hay bất kỳ nước nào đều tin rằng không có gì quý hơn độc lập và tự do.
Theo ANTD
Đại sứ Việt Nam tại Mỹ: Trung Quốc đang bịa đặt sự thật
Trong cuộc phỏng vấn với phóng viên Christiane Amanpour của đài truyền hình CNN, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Cường đã thẳng thắn cáo buộc Trung Quốc bịa đặt sự thật liên quan tới vùng biển của Việt Nam mà Trung Quốc trái phép hạ đặt giàn khoan.
Đại sứ Nguyễn Quốc Cường trong cuộc phỏng vấn với đài CNN.
Chi tiết cuộc phỏng vấn giữa Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Cường với phóng viên Christiane Amanpour của đài CNN ngày 29/5:
Phóng viên Christiane Amanpour: Gần đây cả Việt Nam và Trung Quốc đều nói rằng quan hệ giữa 2 nước đang tiến triển theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Liệu mối quan hệ giữa 2 nước có thể đã bị thay đổi?
Đại sứ Nguyễn Quốc Cường: Đúng là mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã có tiến triển trong năm qua, nhưng gần đây đột nhiên Trung Quốc lại đưa giàn khoan cùng rất nhiều tàu tiến vào vùng biển của Việt Nam. Đây là một hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam. Và người Việt Nam không có cách nào khác ngoài việc phản ứng lại một cách hòa bình nhưng kiên quyết.
Nhưng ông có lo rằng chiến tranh có thể xảy ra dù Việt Nam đã phản ứng lại trong hòa bình nhưng kiên quyết?
Trước hết nói về hành động của Trung Quốc. Bằng việc đưa giàn khoan và nhiều vào vùng biển Việt Nam, họ không những vi phạm chủ quyền của Việt Nam mà còn vi phạm luật pháp quốc tế; đặc biệt là Công Ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và cam kết của lãnh đạo Trung Quốc với các thành viên ASEAN trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002.
Tuần trước tôi có cuộc trò chuyện với đại sứ Trung Quốc về vấn đề này và ông ấy nói như sau: "Chúng tôi không muốn có tranh chấp trong khu vực. Tuy nhiên chuyện đó không phụ thuộc hoàn toàn vào chúng tôi. Mọi người nên có tư tưởng và chính sách mang tính xây dựng như chúng tôi". Phía Trung Quốc cũng nói rằng đây không phải là vùng biển tranh chấp mà là vùng biển quốc tế, họ chỉ mới đưa vào một giàn khoan trong khi Việt Nam đã có 30 giàn khoan. Ông nói sao về vấn đề này?
Trung Quốc đang bịa đặt sự thật. Vùng biển này nằm trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, không phải là vùng biển tranh chấp quốc tế. Trung Quốc đang cố biến vùng không có tranh chấp thành có tranh chấp. Đây là điều không thể chấp nhận được.
Việc thăm dò và khai thác dầu khí của Việt Nam trên vùng biển này đã có từ hàng chục năm trước. Cũng đã có rất nhiều công ty nước ngoài hợp tác với chúng tôi để khai thác ở đây. Liệu họ có đồng ý hợp tác nếu đây là vùng biển có tranh chấp? Tôi không nghĩ vậy. Hơn nữa, vào năm 2012, Trung Quốc có mời thầu khai thác dầu khí tại một trong những vùng biển của Việt Nam và không có một công ty nước ngoài nào bỏ thầu.
Năm 2010, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì nói với người đồng cấp Singapore rằng "Trung Quốc là một nước lớn, còn các nước khác là nước nhỏ, đây là sự thật." Ông nghĩ sao về câu nói đó? Sự thật là lãnh thổ của Trung Quốc rất rộng còn Việt Nam thì khá nhỏ?
Đây là một luận điệu phi lý. Trong quan hệ quốc tế, mọi quốc gia dù lớn hay nhỏ đều bình đẳng trước luật pháp quốc tế. Không thể lý luận rằng một nước nhỏ bắt nạt nước lớn hay ngược lại.
Trung Quốc đang có tranh chấp với Nhật Bản và Philippines. Đã có các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc ở Việt Nam và một số trở thành các vụ xô xát với công nhân Trung Quốc. Sau đó Trung Quốc đã đưa công nhân về nước. Vậy Việt Nam làm gì để bảo vệ mình khi Việt Nam và Mỹ không có hiệp ước hay điều khoản an ninh nào?
Việt Nam theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập. Chúng tôi muốn có quan hệ tốt với Trung Quốc, với Mỹ và các nước khác. Nhưng chúng tôi không thể chấp nhận sự cưỡng ép hay đe dọa. Khi vấn đề chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ được đưa ra thì người Việt Nam quyết tâm bảo vệ quốc gia đến cùng. Các quốc gia không nên đánh giá thấp quyết tâm của người Việt. Mọi người dân Việt Nam, dù họ bây giờ họ đang sống ở đâu, Việt Nam, Mỹ hay các quốc gia khác, chúng tôi đều tin rằng không có gì quý hơn độc lập tự do.
Ngô Vân
Theo Dantri
Đại sứ Việt Nam tại Mỹ bác bỏ luận điệu sai trái của Đại sứ Trung Quốc trên CNN Đại sứ Nguyễn Quốc Cường nhấn mạnh, Việt Nam muốn có quan hệ tốt với Trung Quốc nhưng không chấp nhận việc cưỡng ép hoặc đe dọa. Sáng 29/5 (theo giờ Việt Nam), Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, Nguyễn Quốc Cường đã có buổi trả lời phỏng vấn trực tiếp với phóng viên quốc tế của Đài truyền hình CNN, Christiane Amanpour...