“Kiểm tra nhiều mà phát hiện ít, mời Bộ bãi bỏ thủ tục”
Nêu rõ thực trạng kiểm tra chuyên ngành quá nhiều nhưng phát hiện vi phạm rất ít, trong khi doanh nghiệp mất tới 28.6 triệu ngày công, 14.300 tỷ đồng cùng chi phí không chính thức cực lớn, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng cho biết sắp tới sẽ kiểm tra từng Bộ về từng thủ tục, nếu “kiểm tra nhiều mà phát hiện vi phạm ít thì mời Bộ bãi bỏ”.
Tại buổi kiểm tra 11 bộ sáng 21.8 về tình hình cải cách các hoạt động quản lý, kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu, Tổ công tác của Thủ tướng tập trung nghe giải trình từ 3 bộ có nhiều thủ tục nhất, phức tạp nhất là Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
“Cứ như báo cáo thì không cần sửa nữa”
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khẳng định Bộ đang và sẽ tiếp tục triển khai Nghị quyết 19, trong đó có nội dung về kiểm tra chuyên ngành, với nhiều giải pháp như áp dụng kiểm tra giảm (chỉ lấy mẫu kiểm tra bên ngoài hàng hóa, kiểm tra dán nhãn…), nếu 5 lần liên tiếp doanh nghiệp không có vấn đề gì sẽ chỉ kiểm tra hồ sơ (không lấy mẫu kiểm tra nữa).
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác phát biểu tại buổi kiểm tra. – Ảnh: VGP/Nhật Bắc
TS Nguyễn Đình Cung cho biết, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhắc lại rằng Nghị quyết 19 của Chính phủ đặt mục tiêu cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành, tức là không chỉ thay đổi thủ tục mà còn thay đổi cách thức, công cụ quản lý.
Tổ công tác và vị Viện trưởng CIEM đều đánh giá rất cao những nỗ lực của Bộ Công Thương, như đã bãi bỏ thủ tục kiểm tra formaldehyte với vải, thủ tục dán nhãn năng lượng… Tuy nhiên, theo ông Cung, còn nhiều nhiệm vụ Bộ Công Thương vẫn chưa thực hiện xong, thậm chí chưa thực hiện.
“Cho tới ngày hôm qua, doanh nghiệp vẫn đề nghị phải bỏ thủ tục xác nhận khai báo hóa chất”, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho biết thêm.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cũng báo cáo về những nỗ lực và kết quả của các Bộ này. Tuy nhiên, ngắt lời Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng “nếu cứ như báo cáo thế thì tốt quá, không cần rà soát nữa”.
Bộ trưởng nhắc tới Nghị định 38 năm 2012 về kiểm tra an toàn thực phẩm còn rất nhiều vướng mắc, như quy định làm thủ tục 15-30 ngày, nhưng có thực tế là “tới ngày 13 thì cán bộ gọi doanh nghiệp lên bổ sung hồ sơ, tính thời gian từ đầu, 3 lần như thế là mất vài tháng”.
Nghe Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong trình bày với nhiều lý do như phải theo quy định của luật, nhiều khi doanh nghiệp cũng không làm đúng hồ sơ, thủ tục…, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng liên tục ngắt lời và nhấn mạnh tinh thần “không thả cửa nhưng kiểm tra hiện nay quá chồng chéo”.
“Thực tế không như báo cáo. Quan trọng nhất là kiểm tra nhiều nhưng phát hiện không ra. Phải rà soát lại những nội dung nào có thể cắt đi được. Nếu cần thì sửa đổi thông tư, nghị định và cao hơn là kiến nghị Quốc hội sửa luật. Đừng nói luật như vậy thì ta cứ làm vậy”, Bộ trưởng nói.
Tiếp lời, ông Nguyễn Đình Cung cho biết nhiệm vụ sửa đổi Nghị định 38 chưa được Bộ Y tế hoàn thành. Trên thực tế, các vụ ngộ độc thực phẩm chủ yếu xảy ra từ các bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố…, nghĩa là nguy cơ mất an toàn nằm ở nhóm hàng hóa khác không nằm trong phạm vi điều chỉnh của Nghị định 38. Như vậy, cơ quan quản lý dành 98% nguồn lực vào chỗ rủi ro ít, trong khi những nơi có nhiều nguy cơ nhất lại không được quan tâm.
Video đang HOT
“Doanh nghiệp đã kêu như vậy, Chính phủ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng đã chỉ đạo sửa đổi, tôi cho rằng cần bỏ thủ tục này và chuyển sang một phương thức quản lý khác tốt hơn. Còn duy trì một công cụ vừa tốn kém, vừa không có hiệu lực thì có thể làm đảo lộn những giá trị về quản lý”, ông Cung tiếp lời và lưu ý rằng “đừng để đến lúc doanh nghiệp chán nản không muốn phản ánh nữa”.
Tới đây, ông Nguyễn Thanh Phong tiếp tục đứng lên và bày tỏ đồng ý với nhiều vấn đề mà các đại biểu nêu ra, nhưng đề nghị các đại biểu “nói rõ cách quản lý như thế nào để thay đổi?”.
Nghe vậy, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nêu các cách thức như thay vì Bộ cấp xác nhận phù hợp thì doanh nghiệp sẽ thông báo cho Bộ và công bố chất lượng trên bao bì, các cơ quan chức năng kiểm tra sau…
Ông Nguyễn Thanh Phong cho biết một số nước như EU, Nhật Bản, Singapore đã làm theo cách như vậy và “làm thế là tốt nhất”, nhưng lại cho rằng “với ý thức chấp hành pháp luật của người dân và nguồn lực cho hậu kiểm như ở Việt Nam hiện nay thì chưa thể làm được”.
Sẽ truy từng thủ tục tại từng Bộ
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM phát biểu tại buổi kiểm tra. – Ảnh: VGP
Kết luận buổi kiểm tra, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác cho rằng trong thời gian qua, các Bộ đã có nhiều cố gắng, thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp đổi mới trong công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành. Tuy nhiên, vẫn còn 5 vấn đề nổi lên.
Thứ nhất là kiểm tra chồng chéo. Trong số các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành, có tới 58% phải thực hiện 2-3 lần bộ thủ tục kiểm tra. Đây là tỷ lệ rất lớn, điển hình như một mặt hàng chocolate cần 13 loại giấy phép, 12 nguyên liệu cần 12 loại giấy phép, cuối cùng phải xác nhận công bố thành phẩm.
Thứ hai, còn tình trạng độc quyền trong đánh giá sự phù hợp, kiểm định. Nhiều mặt hàng do các nhà sản xuất uy tín hàng đầu thế giới nhưng chúng ta vẫn kiểm định trong khi không đủ điều kiện về nhân lực, kỹ thuật. Có những đơn vị được Bộ chỉ định kiểm tra mang tính độc quyền, như cả nước chỉ có 1 đơn vị kiểm tra tại Hà Nội, “miền Nam cũng ra, miền núi cũng xuống, miền biển cũng phải lên”.
Thứ ba, việc ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối điện tử giữa các Bộ trên một cửa quốc gia còn rất hạn chế. Thủ tục còn thủ công rất nhiều. “Quan trọng nhất là kiểm tra rất nhiều, thủ tục rất nhiều, nhưng tỷ lệ phát hiện vi phạm rất thấp. Trong khi doanh nghiệp mất tới 28,6 triệu ngày công và 14.300 tỷ để kiểm tra. Chi phí không chính thức cũng cực lớn mà không ai liệt kê được hết”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Thứ tư, việc đầu tư cơ sở vật chất, nguồn lực… cho hoạt động kiểm tra chuyên ngành còn hạn chế.
Cuối cùng, qua kiểm tra, nổi lên các thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm, đây là vấn đề được các doanh nghiệp, người dân và các cơ quan liên quan quan tâm nhất, đặc biệt là trong thực hiện Nghị định 38.
Tổ trưởng Tổ công tác cũng nêu rõ có 8 vấn đề cần tập trung xử lý trong thời gian tới. Trước hết, đề nghị các Bộ tiếp tục khẩn trương hoàn thành việc rà soát, sửa đổi bổ sung các văn bản mà Nghị quyết 19 và Quyết định 2026 của Thủ tướng đã giao. Tinh thần là lần kiểm tra sau, các Bộ phải hoàn thành 100%.
Thứ hai, tiếp tục rà soát, thu hẹp danh mục hàng hóa phải kiểm tra, đây là nhiệm vụ tiên quyết. Danh mục hàng hóa phải kiểm tra cũng phải gắn liền với mã HS để công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp làm thủ tục.
Thứ ba, rà soát số lượng các văn bản quy định về kiểm tra, quản lý chuyên ngành, theo hướng một văn bản có thể điều chỉnh nhiều mặt hàng, thay vì như hiện nay, một mặt hàng nguyên liệu sản xuất bánh kẹo phải thực hiện theo 4 văn bản cùng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, gồm 3 thông tư và 1 quyết định của Bộ trưởng.
Thứ tư, rà soát, ban hành các quy chuẩn kỹ thuật để kiểm tra chuyên ngành. Qua đó chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, áp dụng quản lý rủi ro.
Thứ năm, tăng cường công nhận chất lượng sản phẩm với các nước.
Thứ sáu, khắc phục tình trạng một mặt hàng do nhiều Bộ cùng chủ trì kiểm tra. Tổ công tác sẽ kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng giao 1 bộ chủ trì việc kiểm tra, bộ đó sẽ mời các bộ khác cùng đi kiểm tra, “còn hiện nay các bộ không bao giờ đi cùng nhau, đợi ông kia về tôi mới đi”.
Thứ bảy, đẩy mạnh áp dụng cơ chế một cửa quốc gia.
Thứ tám, kiến nghị Chính phủ ban hành một nghị định sửa đổi cùng lúc các nghị định về kiểm tra chuyên ngành, theo đó sẽ cắt giảm thủ tục, giảm mặt hàng phải kiểm tra, tăng cường hậu kiểm, thay đổi hình thức quản lý… để kéo giảm tỷ lệ hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành xuống còn 15% thay vì 30-35% như hiện nay.
Theo Bộ trưởng, qua kiểm tra bước đầu cho thấy đồng thuận và quyết tâm rất cao giữa các Bộ trong cải cách kiểm tra chuyên ngành, đặc biệt hoan nghênh Bộ Công Thương khẳng định sẽ đi đầu cải cách sau buổi kiểm tra. Tổ công tác sẽ báo cáo đầy đủ ngay tại phiên họp sắp tới. Tuy nhiên, buổi kiểm tra hôm nay cũng chỉ là bước đầu.
“Tới đây, Tổ công tác sẽ kiểm tra sâu từng thủ tục của từng bộ, mỗi Bộ phải công khai có bao nhiêu mặt hàng phải kiểm tra. Tại sao mặt hàng này phải kiểm tra, tại sao phải tiền kiểm mà không hậu kiểm, thời gian kiểm tra dài như thế thì phát hiện vi phạm bao nhiêu. Nếu phát hiện vi phạm thấp thì mời Bộ bãi bỏ”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định.
Theo Hà Chính (Báo điện tử Chính Phủ)
Bộ Công thương kiến nghị bãi bỏ hoàn toàn Thông tư 20
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh khi trao đổi về bản báo cáo Bộ này gửi Thủ tướng về Thông tư 20.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Thứ trưởng Khánh một lần nữa nhắc lại quan điểm của Bộ Công thương về việc bãi bỏ Thông tư 20 gây tranh cãi.
"Vấn đề còn lại là bãi bỏ khi nào, ngay lập tức hay khi Bộ GTVT đã ban hành các quy định trong nước phù hợp.
Quan điểm của Bộ Công Thương là bãi bỏ Thông tư 20
Bộ GTVT có Thông tư 19 năm 2012 quy định về trách nhiệm bảo hành, bảo dưỡng và triệu hồi xe của thương nhân nhập khẩu. Tuy nhiên, từ 1/7/2016, Thông tư này đã tự động hết hiệu lực theo quy định của Luật Đầu tư 2014, có nghĩa là chúng ta đang có một khoảng trống chính sách, không có bất kỳ một văn bản nào quy định về trách nhiệm bảo hành, bảo dưỡng và triệu hồi xe của thương nhân nhập khẩu.
Thông tư 20 lúc này là văn bản duy nhất đặt ra yêu cầu đó với thương nhân nhập khẩu với tư cách là người được chính hãng sản xuất hoặc chính hãng kinh doanh ủy quyền. Vì vậy, chúng tôi đề xuất tạm thời duy trì Thông tư 20 cho đến khi Bộ GTVT thiết lập lại các quy định về nghĩa vụ bảo hành, bảo dưỡng và triệu hồi xe đối với thương nhân nhập khẩu", ông nói.
Lãnh đạo Bộ Công thương nhấn mạnh, Bộ này đề xuất Bộ GTVT ban hành các quy định trong nước (áp dụng ở khâu đăng ký lưu hành) để mang lại "tác dụng tương đương như Thông tư 20" chứ không đề xuất ban hành "các điều kiện tương đương Thông tư 20".
"Theo mô hình mà chúng tôi đề xuất thì ai cũng được quyền nhập khẩu, phân phối ô tô mà không cần phải sở hữu cơ sở bảo hành, bảo dưỡng hoặc sửa chữa. Chúng tôi chỉ có một yêu cầu, đó là khi anh bán chiếc xe cho người tiêu dùng thì anh phải đưa ra cam kết của anh về chế độ bảo hành, bảo dưỡng và triệu hồi xe. Khi anh có các cam kết đó thì xe mới được đăng ký lưu hành.
Về phía mình, người tiêu dùng không bắt buộc phải đưa xe đến đúng địa chỉ bảo dưỡng do nhà phân phối cam kết. Họ có thể sử dụng dịch vụ bảo dưỡng của các cơ sở khác, miễn là phải bảo dưỡng đúng cách để xe vượt qua được các tiêu chuẩn an toàn của cơ quan đăng kiểm.
Dư luận đang rất băn khoăn vì cho rằng, theo đề xuất của Bộ Công thương, tất cả các cơ sở sửa chữa nhỏ lẻ sẽ phải đóng cửa do không đáp ứng được các điều kiện của Bộ GTVT.
Tôi xin khẳng định Bộ Công thương không đề xuất như vậy. Các cơ sở nhỏ lẻ vẫn có thể sửa chữa những hỏng hóc nhỏ lẻ. Chỉ khi động đến những bộ phận quan trọng, có ảnh hưởng lớn tới độ an toàn của xe và của người tham gia giao thông như động cơ, kết cấu khung gầm, hệ thống lái, truyền động v..v thì mới phải đáp ứng điều kiện. Thông tư 19 trước đây của Bộ GTVT cũng quy định như vậy.", ông Khánh nói thêm.
Thứ trưởng Khánh cho rằng nên dừng cuộc tranh luận này ở đây bởi suy cho cùng, xử lý Thông tư 20 thế nào mới là quan trọng.
Liên quan đến Thông tư 20, trước đó có rất nhiều ý kiến từ phía doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý nhà nước đề nghị Bộ Công thương bãi bỏ Thông tư này.
Tổng cục Hải quan từng có văn bản gửi Bộ Công thương, trong đó khẳng định nội dung hướng dẫn tại Thông tư số 20 không phù hợp với quy định tại Luật Đầu tư. Trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện quy định tại Luật Đầu tư, việc nhập khẩu xe ô tô chở người loại 9 chỗ trở xuống không thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cũng cho biết Bộ này đã phản đối nội dung của Thông tư 20. Nguyên nhân mà Bộ Tư pháp chỉ ra là do vi phạm Luật Cạnh tranh và Luật Sở hữu trí tuệ.
Được biết, trong quá trình xây dựng các dự thảo Nghị định về điều kiện kinh doanh, Văn phòng Chính phủ cũng không đồng tình với việc Bộ Công thương đề nghị nâng cấp quy định trong Thông 20 lên thành Nghị định.
Minh Thái
Theo_Báo Đất Việt
Thủ tướng miễn nhiệm chức Thứ trưởng đối với bà Hồ Thị Kim Thoa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định 1203 miễn nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Công Thương đối với bà Hồ Thị Kim Thoa. Ngày 16/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định 1203 miễn nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Công Thương đối với bà Hồ Thị Kim Thoa. Quyết định nêu rõ, nhiệm vụ cụ thể...