Kiểm tra đột xuất trạm thu phí Dầu Giây: Đã “đột xuất” thì sao lại “thông báo trước”?
Trả lời báo Người Đưa Tin, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam – cơ quan đã thành lập đoàn kiểm tra công tác tổ chức thu phí và hoạt động của trạm thu phí Dầu Giây từ ngày 18/2, nói: “Đó là do quy định”.
Cụ thể, ông Huyện trả lời phóng viên báo Người Đưa Tin vào chiều tối qua (ngày 17/2): “Hằng năm, người ta xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra. Còn vấn đề, dấu hiệu sai phạm gì đấy của cơ quan, tổ chức mà sẽ bị kiểm tra, thanh tra không có trong kế hoạch, thì gọi là đột xuất. Có cả kiểm tra đột xuất và thanh tra đột xuất, tùy theo mức độ, yêu cầu.”
Ông Huyện nói hoạt động sắp tới là “kiểm tra đột xuất”, không phải thanh tra.
Trạm thu phí Dầu Giây
Tuy nhiên, khi nào thì việc thanh tra, kiểm tra sẽ được thông báo trước cho đối tượng thanh tra, kiểm tra?
Theo khoản 5, Điều 36 của luật Thanh tra: “Kế hoạch thanh tra quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này được gửi cho đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức có liên quan”. Đây là thanh tra theo kế hoạch.
Video đang HOT
Còn về thanh tra đột xuất, Nghị định 86/2011/NĐ-CP ngày 22/9/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra năm 2010 đã quy định: Sau khi ra quyết định thanh tra đột xuất, Chánh Thanh tra các cấp, các ngành mới phải gửi quyết định thanh tra đột xuất đến Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp để báo cáo. Quy định này nhằm bảo đảm tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan thanh tra trong hoạt động thanh tra. Có nghĩa là, thanh tra đột xuất thì không cần thông báo trước cho đối tượng thanh tra mà chỉ khi tiến hành thanh tra.
Nhưng đây là hoạt động thanh tra, được điều chỉnh theo luật Thanh tra.
Thế còn hoạt động “kiểm tra đột xuất”?
Theo các chuyên gia về lĩnh vực pháp lý, có nhiều điểm giống nhưng có những điểm khác nhau quan trọng giữa kiểm tra và thanh tra.
Mục đích của thanh tra bao giờ cũng rộng hơn, sâu hơn đối với các hoạt động kiểm tra, nên khi tiến hành thanh tra, đoàn thanh tra cũng áp dụng những biện pháp nghiệp vụ sâu hơn, đi vào thực chất đến tận cùng của vấn đề như: xác minh, thu thập chứng cứ, đối thoại, chất vấn, giám định… Đặc biệt, quá trình thanh tra các đoàn thanh tra còn có thể áp dụng những biện pháp cần thiết để phục vụ thanh tra theo quy định của pháp luật về thanh tra để tác động lên đối tượng bị quản lý.
Thanh tra và kiểm tra tuy có sự phân biệt nhưng chỉ là tương đối. Khi tiến hành cuộc thanh tra, thường phải tiến hành nhiều thao tác nghiệp vụ đó thực chất là kiểm tra. Ngược lại, đôi khi tiến hành kiểm tra để làm rõ vụ việc, lại lựa chọn được nội dung thanh tra. Kiểm tra và thanh tra là hai khái niệm khác nhau nhưng có liên hệ qua lại, gắn bó. Do vậy, khi nói đến một khái niệm người ta thường nhắc đến cả cặp với tên gọi là “thanh tra, kiểm tra” hay “kiểm tra, thanh tra”.
Đột xuất – theo từ điển Hán Nôm: “Thình lình nảy sinh. Thình lình hiện ra”. Còn theo từ điển tiếng Việt, thì đột xuất mang nghĩa: “1. Bất ngờ và đặc biệt, không có trong dự định; 2. Nổi trội lên ngoài dự tính”.
Có nghĩa là, để hiệu quả thì việc kiểm tra đột xuất cũng cần phải thình lình, bất ngờ.
Điều đáng phân vân là việc kiểm tra đột xuất công tác tổ chức thu phí và hoạt động của trạm thu phí Dầu Giây mà lại thông báo trước cho đối tượng kiểm tra thì cũng kỳ.
Thời công nghệ 4.0, chỉ trong vài phút vài giờ, người ta còn xóa được sạch banh dữ liệu, dấu vết, nay còn thông báo trước vài ngày, thì kết quả “kiểm tra đột xuất” lần này liệu còn chính xác?
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Nguyễn Quốc
Theo nguoiduatin
Kiểm tra đột xuất hoạt động trạm thu phí Dầu Giây
Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa ban hành quyết định kiểm tra đột xuất công tác tổ chức và hoạt động của trạm thu phí Dầu Giây (Đồng Nai) trên tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý đã gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận về thiếu minh bạch trong doanh thu.
Trạm thu phí Dầu Giây
Theo Quyết định kiểm tra đột xuất của Tổng cục, phạm vi kiểm tra gồm: Công tác tổ chức và hoạt động của trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ Dầu Giây. Thời gian kiểm tra trong 5 ngày kể từ ngày 18/2. Đoàn kiểm tra bao gồm các vụ chức năng như Pháp chế - Thanh tra, Tài chính, Khoa học công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế: "Tổng cục Đường bộ cũng đã đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra của Bộ Công an phối hợp trong lần kiểm tra này. Việc kiểm tra được thực hiện do người dân có nhiều ý kiến nghi ngờ về vấn đề thu phí sau vụ cướp 2,2 tỉ đồng tại trạm thu phí này mùng 3 Tết. Sau khi có kết quả kiểm tra, chúng tôi sẽ công bố công khai cho dư luận", ông Huyện cho biết thêm.
Trước đó, liên quan đến vụ cướp 2,2 tỷ đồng tại trạm thu phí Dầu Giây, phía Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) - đơn vị được giao quyền thu phí tuyến cao tốc này khẳng định, số tiền bị cướp là tổng thu của nhiều ngày. Đơn vị quản lý là VEC thông báo do ngân hàng không thực hiện thu tiền trong dịp Tết nên tại thời điểm xảy ra vụ cướp, tổng số tiền trong két sắt tại Phòng Kế toán vé thẻ trạm Dầu Giây là hơn 3,2 tỷ đồng. Đây là tiền bao gồm doanh thu của 2 ca ngày 4/2 và 3 ca ngày 5/2 và 3 ca ngày 6/2, tiền quỹ dự phòng tình huống khẩn cấp, tiền lẻ đơn vị vận hành khai thác tuyến chuẩn bị để kịp thời phục vụ khách hàng dịp Tết.
Sau vụ cướp, số tiền thực tế còn lại tại trạm được kiểm đếm ngay sau vụ cướp là trên một tỷ đồng. Cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây dài 55 km, đi qua địa phận TP HCM và tỉnh Đồng Nai. Công trình được khánh thành toàn tuyến vào đầu năm 2015 giúp rút ngắn đường từ TP HCM về Vũng Tàu rất nhiều so với trước đây.
M.Hùng- Đ.Nghĩa
Theo PLVN
Chưa quyết liệt triển khai thu phí không dừng Những vấn đề bất cập trong hoạt động thu phí đường bộ sẽ cơ bản được giải quyết nếu áp dụng hệ thống thu phí không dừng (ETC). Thế nhưng, cho đến thời điểm hiện tại, việc triển khai ETC vẫn đang còn trì trệ. Có nhiều lý do để biện minh cho sự chậm trễ này nhưng nguyên nhân cốt lõi vẫn...