Kiểm toán lưu ý Eximbank khoản nợ xấu hơn 700 tỷ đồng
Nợ xấu hơn 700 tỷ đồng của 7 khách hàng cầm cố cổ phiếu Sacombank được kiểm toán lưu ý trong báo cáo tài chính hợp nhất của Eximbank.
Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, mã EIB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất 2018. Đơn vị kiểm toán là Công ty TNHH KPMG đã đưa ra nhấn mạnh về khoản 746 tỷ đồng nợ xấu phát sinh đối với khoản cho vay 7 khách hàng dùng gần 75 triệu cổ phiếu STB của Sacombank làm tài sản đảm bảo.
Kiểm toán nhấn mạnh nợ xấu của 7 khách hàng cầm cố cổ phiếu STB tại Eximbank. (Ảnh: Eximbank)
Theo đó, tại thời điểm lập báo cáo tài chính kiểm toán, nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) của Eximbank ở mức hơn 848 tỷ đồng. Trong đó, 746 tỷ đồng dư nợ gốc của các khoản cho vay 7 khách hàng, với tài sản đảm bảo là cổ phiếu một ngân hàng khác và dự phòng tương ứng gần 22 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này được cơ cấu lại và giữ nguyên theo nhóm nợ được Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 1/12/2016 cho đến khi cơ quan này phê duyệt đề án sáp nhập ngân hàng khác đó.
Ngày 22/5/2017, Ngân hàng Nhà nước đã phê duyệt đề án nêu trên. Tuy nhiên đến nay, Eximbank vẫn chưa nhận được hướng dẫn nào khác của Ngân hàng Nhà nước về việc phân loại và trích lập dự phòng đối với khoản cho vay này.
Video đang HOT
Trước đó, năm 2016, Eximbank đã khởi kiện 7 khách hàng này để thu hồi nợ. Đến ngày lập báo cáo tài chính kiểm toán 2018, các vụ kiện liên quan đến 3 trong số 7 khách hàng với dư nợ gốc là 312 tỷ đồng đã có bản án sơ thẩm.
Cụ thể, 3 khách hàng này phải thanh toán cả lãi và gốc cho EIB số tiền 437,94 tỷ đồng ngay khi bản án có hiệu lực. Trong trường hợp không thể thanh toán khi đến hạn thì Eximbank có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án phát mãi tài sản để thu hồi nợ.
Các khách hàng này hiện đã kháng cáo phán quyết của tòa sơ thẩm về cách tính lãi. Đối với 4 khách hàng còn lại với dư nợ 434 tỷ đồng, Eximbank đang chờ thẩm quyền giải quyết theo quy định.
Theo kiểm toán, tại ngày 31/12/2018, nếu trích lập dự phòng các khoản cho vay trên theo Thông tư 02 và Thông tư 09 thì chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cho năm 2018 sẽ tăng lên 97,6 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm hơn 78 tỷ đồng.
Vấn đề nhân sự gần đây trở thành điểm nóng của Eximbank. Theo đó, ngày 22/3/2019, Hội đồng quản trị ngân hàng này đã quyết định bãi nhiệm chức danh chủ tịch hội đồng quản trị đối với ông Lê Minh Quốc và bầu bà Lương Thị Cẩm Tú lên thay thế.
Ngay sau đó, ông Quốc đã có đơn yêu cầu và được Toà án quyết định “áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời”, buộc dừng quyết định bầu bà Tú làm chủ tịch.
Tối 27/3, Eximbank ra thông báo khẳng định việc Hội đồng quản trị ngân hàng tổ chức phiên họp ngày 22/3 để bầu bà Tú giữ chức danh chủ tịch Eximbank là tuân thủ quy định của pháp luật và điều lệ Eximbank.
Gần nhất, Eximbank khẳng định việc Tòa án nhân dân TP.HCM thụ lý vụ án tranh chấp thành viên công ty là không phù hợp và yêu cầu hủy bỏ toàn bộ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Vụ việc hiện vẫn chưa có hồi kết.
Theo VTC
Gánh nặng từ chi phí dự phòng rủi ro của các ngân hàng
40% lợi nhuận thuần của các ngân hàng thương mại dùng để trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trong Quý IV/2018, tương đương khoảng 62.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là mức bình quân bởi thực tế, ở một số ngân hàng còn lớn hơn nhiều. Chi phí cho khoản dự phòng của Ngân hàng BIDV còn chiếm tới 2/3 lợi nhuận thuần trong khi, Eximbank cũng tăng quy mô dự phòng lên gấp 4 lần. Nguyên nhân được chỉ ra là vì các ngân hàng phải tăng cường xử lý nợ xấu.
Mặc dù tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã giảm nhẹ về mức 1,89% từ mức 1,99% của cuối năm 2017 nhưng số dư nợ xấu tuyệt đối vẫn tiếp tục tăng. Thậm chí, nếu tính cả nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và nợ xấu tiềm ẩn, tỷ lệ nợ xấu vẫn còn rất cao, lên tới 6,5%.,
Trong năm nay, các ngân hàng sẽ còn phải tiếp tục tăng dự phòng, nhất là khi các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC trước đây đến thời hạn tất toán, các nhà băng phải nhận lại nợ xấu, vì thế, lợi nhuận sẽ tiếp tục sụt giảm. Lợi nhuận thấp không những khiến các nhà băng không có nguồn tích lũy để tăng vốn mà việc tìm kiếm các cổ đông mới cũng khó khăn hơn trong khi lộ trình áp dụng chuẩn Basel 2 đã đến gần.
Việc chủ động ưu tiên trích lập dự phòng có thể xem như "của để dành" của các ngân hàng thương mại. Điều đó có thể hiểu nếu các ngân hàng cất 1 đồng để dự phòng nợ xấu, khi khoản đó được thu hồi, toàn bộ tiền dự phòng kia sẽ được ghi nhận ngược trở lại làm lợi nhuận. Do đó, việc này hứa hẹn những khoản lợi nhuận đột biến trong tương lai của các ngân hàng nếu họ rốt ráo với việc kiểm soát thu hồi nợ xấu. Đó như một cách hi sinh lợi ích trước mắt để hướng tới phát triển bền vững hơn trong tương lai.
KHÁNH VÂN (tổng hợp)
Theo baodansinh.vn
Ai đang 'gom' cổ phiếu Eximbank? Cổ phiếu EIB của Eximbank bất ngờ dẫn đầu nhóm ngân hàng với mức tăng gần 30% cùng với những giao dịch "sang tay" có giá trị lớn, vậy ai đang "gom" cổ phiếu này? Sau những ngày giao dịch ảm đạm kéo dài cả năm 2018, kể từ đầu năm 2019 đến nay, nhiều cổ phiếu ngân hàng lớn đã có sự...