Kiểm soát YouTube với trẻ em thế nào
YouTube có chế độ sử dụng hạn chế nhưng không đảm bảo ngăn được hoàn toàn nội dung xấu.
Chọn YouTube thường hay YouTube Kids
Giao diện của YouTube Kids.
YouTube dành riêng một ứng dụng cho trẻ nhỏ. YouTube Kids có mặt gần như đầy đủ trên các nền tảng thiết bị, từ điện thoại, máy tỉnh bảng đến Smart TV. Giao diện của YouTube Kids trực quan, dễ sử dụng và chia theo từng kiểu nội dung hoặc theo lứa tuổi. Trong phần mềm, người dùng có thể kiểm soát bằng mật khẩu bảo vệ hoặc thời lượng xem. Với người dùng Việt, YouTube Kids có gói tùy chọn ngôn ngữ và video cho trẻ nhỏ.
Một số phụ huynh cho rằng nội dung trên YouTube Kids ít được cập nhật, thiếu độ phong phú, đặc biệt là với các trẻ đã đi học.
Bật chế độ hạn chế trên YouTube ( Restricted Mode)
Chế độ hạn chế của YouTube cho phép ẩn các nội dung được cho là chỉ dành cho người trưởng thành hoặc có yếu tố phản cảm, bạo lực… Các video xem được khi đó cũng bị ẩn toàn bộ bình luận. Thử nghiệm thực tế cho thấy chế độ này hoạt động chỉ ở mức tương đối, nhiều video nội dung không phù hợp vẫn xuất hiện. Tuy nhiên, chính YouTube cũng cảnh báo không thể loại hoàn toàn nội dung không phù hợp ở chế độ này.
Video đang HOT
Chế độ hạn chế trên YouTube.
Để bật Restricted Mode trên máy tính, người dùng mở trang YouTube trên trình duyệt web, đăng nhập tài khoản Google. Ở góc trên bên phải, bấm vào hình đại diện và chọn Mở chế độ hạn chế ở phía dưới cùng của thanh công cụ.
Với điện thoại di động, người dùng thực hiện cài đặt tương tự với ứng dụng YouTube. Nhấn vào hình đại diện, chọn Cài đặt, và chọn bật chế độ hạn chế. Các thao tác này chỉ có tác dụng trên từng thiết bị. Tuy nhiên, nếu trẻ nhỏ học được cách tắt/mở chế độ, cách làm này có thể trở nên vô dụng.
Chủ động chặn các kênh nội dung xấu
Nếu chế độ hạn chế hoạt động không hiệu quả, người dùng có thể chủ động chặn thủ công các kênh có nội dung xấu. Để thực hiện, chọn kênh muốn chặn, nhấp vào mục About, chọn hình lá cờ và chọn Block User. Cài đặt này có tác dụng trên mọi thiết bị nếu đăng nhập cùng tài khoản Google.
Nhiều bộ phát Wi-Fi hỗ trợ khóa truy cập Internet thông minh.
Khóa ứng dụng
Trên điện thoại Android, người dùng có thể cài đặt các phần mềm hỗ trợ khóa ứng dụng trên Play Store. Với Smart TV, các nhà sản xuất như Samsung, LG đều hỗ trợ khóa riêng từng ứng dụng.
Đặt lịch truy cập Internet cho thiết bị theo khung giờ
Nhiều modem thế hệ mới hiện nay cho phép truy cập Internet với từng thiết bị. Người dùng có thể chặn truy cập các trang web cụ thể, chặn vào mạng những khung giờ nhất định trong ngày để hạn chế trẻ nhỏ tự ý sử dụng khi người lớn không có nhà. Các thiết bị của Xiaomi, Netgear, UniFi… điều khiển qua ứng dụng đều hỗ trợ khóa truy cập mạng thông minh.
Video nhảm trên YouTube tồn tại nhờ trẻ em
Nhiều video nhảm nhí nhận hàng triệu lượt xem trên YouTube, nhưng phần lớn đến từ người xem là trẻ em.
"Trên môi trường Internet, chúng ta khó xác định chính xác người xem là ai. Tuy nhiên, qua tìm hiểu của chúng tôi, một phần không nhỏ người xem các video nhảm nhí là người trẻ, đặc biệt là trẻ em", ông Trần Minh Chiêu, Giám đốc sở TT&TT Bắc Giang nhận định. Sở TT&TT Bắc Giang cũng là nơi theo dõi và xử phạt YouTuber Nguyễn Văn Hưng hai lần trong một tháng vì các video không phù hợp thuần phong mỹ tục. Theo ông Chiêu, nếu để các video trên tồn tại, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hành vi của người trẻ.
Trong một video xin lỗi gửi đến người xem YouTube mới đây, Nguyễn Thành Nam - một YouTuber chuyên làm video nhảm nhí tại Việt Nam - cũng thừa nhận, "có rất nhiều trẻ em đang xem kênh của anh mà phụ huynh không kiểm soát được".
Nhiều video có nội dung nhảm nhí, xấu độc, tồn tại trên YouTube tại Việt Nam. Ảnh: Lưu Quý
Việc đo đếm độ tuổi người dùng trên nền tảng YouTube không dễ. Theo một chuyên gia quảng cáo online đang làm việc tại TP HCM, YouTube chưa công bố số liệu về người dùng nền tảng của mình ở bất cứ thị trường nào, bao gồm Việt Nam. Việc xác định độ tuổi của người xem cũng khó chính xác, bởi nền tảng này cho phép xem mà không cần đăng ký tài khoản với các video thông thường. Nhiều trường hợp, tài khoản của một người nhưng cả gia đình sử dụng. Công cụ quản lý của YouTube cũng chỉ thống kê độ tuổi của người xem từ 13 tuổi trở lên, trong khi tại Việt Nam, nhiều trẻ em tiếp cận với video trên nền tảng này từ khi còn rất nhỏ.
Trong top 10 kênh YouTube Việt Nam được xem nhiều nhất, có 5 kênh dành cho trẻ em, theo thống kê của SocialBlade. Những kênh như Thơ Nguyễn, Babybus, Bibi TV đều đạt trên 3 tỷ lượt xem.
5/10 kênh YouTube có nhiều lượt xem nhất Việt Nam chuyên đăng nội dung cho trẻ em. Ảnh: SocialBlade
Ngoài ra, một loại hình khác là những kênh không phải video cho trẻ em, nhưng lại chứa những nội dung thu hút trẻ em, chẳng hạn dạng nhạc chế, thử thách, trêu trọc... Những kênh này cũng đạt hàng tỷ lượt xem. Đây chính là loại hình video phổ biến và "nguy hiểm" nhất hiện nay.
"Đa số những người xem video dạng này là trẻ em, học sinh cấp 1, 2. Nếu thấy em nào trong độ tuổi này cầm điện thoại hoặc máy tính bảng, 90% số đó là xem YouTube", người dùng Lê Anh (Hà Nội) bình luận.
"Nhà ai có trẻ em từ 5 đến 15 tuổi sẽ hiểu các video này có lượt xem từ đâu", người dùng Xuân Trường bình luận trong bài viết về nạn YouTube nhảm nhí tại Việt Nam. Theo anh Trường, ở lứa tuổi này, các em nhỏ thường chưa nhận thức được sự nguy hiểm trong nội dung video. Ngoài ra, thói quen của trẻ em là xem đi xem lại, vô tình làm tăng lượt "view" cho các kênh YouTube nhảm nhí.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông số, các kênh YouTube nhảm có nguồn thu chính từ quảng cáo của Google. Kênh càng có nhiều lượt xem, doanh thu càng cao, vì vậy áp lực câu view hàng ngày khiến cho các kênh nội dung này ngày càng nhảm, hoặc các kênh phải cố tình làm nhảm để thu hút người xem là trẻ em, từ đó tăng view, tăng doanh thu.
"Khi bị cộng đồng phản ứng vì các video nhảm nhí hoặc nguy hiểm, các chủ kênh đều nói rằng video họ làm ra cho người lớn xem chứ không phải trẻ em, nhưng ai cũng biết chẳng người lớn nào xem các video này. Nếu thực sự nhắm đến người lớn, họ có thể đặt chế độ giới hạn độ tuổi, nhưng hầu hết đều không làm vậy", Nguyễn Khôi, một người làm YouTube tại Hà Nội nhận xét.
Trang Wired trích nghiên cứu của tổ chức Pew năm 2019 rằng: "Một trong những bí quyết thành công trên YouTube là hướng đến trẻ em". Thống kê của Pew trên 43 nghìn kênh YouTube có trên 250 nghìn lượt đăng ký cho thấy video có yếu tố trẻ em thu hút lượt xem cao gấp 3 lần video khác.
Trong điều khoản sử dụng, YouTube khẳng định họ không phải là nền tảng cho trẻ em, bởi nền tảng này yêu cầu người dùng trên 13 tuổi. Với các lứa tuổi khác, trẻ em phải sử dụng YouTube Kid và có sự cho phép của người giám hộ. Tuy nhiên, điều này không được thực hiện sát sao tại Việt Nam. Theo ông Trần Minh Chiêu, nhiều gia đình, đặc biệt ở nông thôn, chưa hiểu rõ về công nghệ nên không thể kiểm soát được con cái trên Internet. "Nhiều gia đình vẫn giữ quan niệm từ xưa cho rằng đã lên TV thì đều là nội dung chính thống, nên tin tưởng và cho con em xem thoải mái. Trong khi hiện nay, TV có thể chứa rất nhiều nội dung từ các nền tảng mạng xã hội", ông Chiêu nói.
Ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông, cho rằng, cần phải xử lý nghiêm với các video nhảm và người làm ra chúng, bởi các video này có thể tác động xấu đến giới trẻ. "'Văn hoá nhảm' trên mạng đang lấy đi thứ quý giá của chúng ta là thời gian, đồng thời làm cho các bạn trẻ lười vận động, lười giao tiếp ngoài đời, muốn khẳng định cái tôi nhưng theo hướng lệch chuẩn hành vi. Chúng ta cần lên án, tẩy chay, không để lan toả trong cộng đồng những hình tượng và hành vi xấu như vậy", ông Phúc nói.
Những cách bảo vệ trẻ em khỏi video độc hại trên YouTube Làm thế nào để bảo vệ trẻ em trước thực trạng nội dung bẩn đang ngày xuất hiện càng nhiều trên YouTube là câu hỏi của không ít gia đình, phụ huynh đang có trẻ nhỏ. Với sự bùng nổ của công nghệ như hiện nay, trẻ em có thể tiếp cận với các nội dung giải trí ở nhiều hình thức như...