Kiểm soát bệnh tiểu đường qua 5 bước đơn giản
Tiểu đường là căn bệnh cần phải được kiểm soát mỗi ngày. Đối với bệnh nhân tiểu đường, chìa khóa để có cuộc sống khỏe mạnh là kiểm soát được lượng đường trong máu.
Tập thể dục là một trong những cách đơn giản giúp kiểm soát bệnh tiểu đường – Ảnh: Shutterstock
Để kiểm soát lượng đường trong máu và sống khỏe mạnh, chuyên gia về tiểu đường Sunita Pathania thuộc Trung tâm sức khỏe Living Diet ở thành phố Mumbai (Ấn Độ) chia sẻ một số bước đơn giản sau:
Chế độ ăn uống
Cách tốt nhất để kiểm soát lượng đường trong máu là thay đổi chế độ ăn uống của bạn. Ngoài ra, chế độ ăn uống phù hợp còn giúp giảm nguy cơ mắc các biến chứng liên quan tới bệnh tiểu đường.
Những bệnh nhân tiểu đường loại 2 nên theo dõi cẩn thận việc nạp carbohydrate (thường có trong đường và tinh bột), tổng lượng chất béo và protein cũng như phải giảm lượng calo nạp vào cơ thể.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, chế độ ăn uống tốt sẽ giúp kiểm soát cân nặng; kiểm soát lượng đường trong máu; kiểm soát được mức độ lipid trong máu, cũng như giúp giảm nguy cơ phải dùng thêm thuốc.
Video đang HOT
Tập thể dục
Một người bị bệnh tiểu đường nên cố gắng tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày. Bệnh nhân tiểu đường nên cố gắng tập thể dục ở mức vừa phải như đi bộ, đạp xe…
Tập thể dục giúp cải thiện việc sử dụng insulin trong cơ thể, làm giảm đường trong máu và cũng giúp giảm mỡ trong cơ thể.
Căng thẳng đều không tốt đối với tất cả mọi người, đặc biệt là bệnh nhân tiểu đường vì gây lượng đường trong máu tăng cao. Do đó, tránh xa căng thẳng bằng cách tập thể dục, yoga, thiền định…
Khi không thể kiểm soát được bệnh tiểu đường qua chế độ ăn uống và tập thể dục, bệnh nhân có thể uống thêm thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Một số thuốc có thể giúp kích thích tuyến tụy sản xuất thêm insulin hoặc cải thiện tính hiệu quả của insulin. Tuy nhiên, những loại thuốc này có tác dụng phụ liên quan đến tăng cân. Do đó, tuyệt đối chỉ nên uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Insulin
Nhiều bác sĩ kê toa insulin kết hợp với thuốc uống đối với một số trường hợp mắc tiểu đường, do các tế bào trong tuyến tụy không còn sản xuất insulin. Do đó, tiêm insulin hoặc bơm insulin sẽ trở thành một phần của thói quen hằng ngày để giữ bệnh tiểu đường trong tầm kiểm soát.
Huỳnh Thiềm
Theo Thanhnien
Insulin giúp ngừa bệnh tiểu đường ở trẻ em?
Các nhà nghiên cứu Mỹ nói rằng cho trẻ nạp những liều insulin để "tập huấn" hệ thống miễn dịch của chúng có thể giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường loại 1, đài NBC đưa tin ngày 22.4.
Cho trẻ nạp những liều insulin để "tập huấn" hệ thống miễn dịch của chúng có thể giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường loại 1 - Ảnh minh họa: Shutterstock
Một cuộc nghiên cứu ban đầu ở một số trẻ em có rủi ro cao mắc bệnh tiểu đường do di truyền cho thấy một số dấu hiệu chứng tỏ cách tiếp cận trên có thể phát huy tác dụng, theo báo cáo nghiên cứu được công bố trên chuyên san The Journal of the American Medical Association.
Chuyên gia Ezio Bonifacio thuộc Đại học Công nghệ Dresden (Đức) và các cộng sự đã tiến hành thử nghiệm trên 25 trẻ em có rủi ro cao mắc bệnh tiểu đường loại 1 do di truyền, dạng tiểu đường phát triển trong thời thơ ấu và xảy ra khi cơ thể tấn công nhầm và tiêu diệt những tế bào sản sinh insulin ở tuyến tụy.
"Cơ chế này chứng minh rằng hệ miễn dịch chỉ không đánh giá insulin một cách thích hợp hoặc không đầy đủ trong giai đoạn đầu đời để coi nó là một phần của cơ thể", ông Bonifacio nhận định.
"Thế nên, hoàn toàn có lý khi cố gắng giúp hệ miễn dịch bằng cách cung cấp insulin cho trẻ em. Chúng ta sẽ biết liệu giải pháp này có phát huy hiệu quả và ngăn ngừa bệnh tiểu đường loại 1 hay không", ông nói thêm.
Cách tiếp cận trên phát huy hiệu quả ở chuột, nhưng với con người thì phức tạp hơn nhiều.
Ê kíp của ông Bonifacio đã cho 15 trẻ uống insulin và 10 trẻ khác uống giả dược.
"Chúng tôi nạp insulin cho những đứa trẻ chưa bắt đầu quá trình mắc bệnh, giống như một loại vắc xin bảo vệ", ông cho biết.
Họ nhìn thấy những dấu hiệu cho thấy một phản ứng miễn dịch lành mạnh với insulin, báo cáo của nhóm nghiên cứu cho biết. Bước đi tiếp theo sẽ là một cuộc thử nghiệm có quy mô lớn hơn để xem những liều insulin như thế có thể ngăn ngừa sự phát triển của bệnh hay không.
Trùng Quang
Theo Thanhnien
Người béo phì sống lâu hơn người gầy Từ lâu, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng béo phì là nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và nhiều căn bệnh khác. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây cho thấy, những người béo phì mắc bệnh tim lại sống lâu hơn so với những người gầy khi cả hai đều mắc căn bệnh này. Ảnh...