Kiểm soát bệnh mạn tính tại cộng đồng
Không chỉ là căn bệnh của công dân đô thị, các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường có xu hướng tăng ở người cao tuổi tại vùng nông thôn.
TS-BS Đào Xuân Cơ (Trưởng khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai khám, tư vấn về phòng và kiểm soát bệnh mạn tính) – Liên Châu
Chăm lo sức khỏe người cao tuổi, người có công
Ngày 7.7, các bác sĩ giỏi, chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện (BV) Bạch Mai (Hà Nội) đã về khám từ thiện, phát thuốc, tặng quà cho hơn 500 người là các đối tượng chính sách, người có công của xã Văn Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam nhân Ngày Thương binh liệt sĩ 27.7.
Bà Ngô Thị Thái (72 tuổi), nhà ở xã Văn Lý cho biết: “Tôi đợt này ho nhiều, người vẫn mệt vì mấy tháng trước bị xuất huyết dạ dày. Các bác sĩ giỏi về khám rất thuận tiện cho chúng tôi vì không phải đi xa”.
Cùng ở xã Văn Lý, ông Ngô Xuân Thặng, 79 tuổi bộc bạch: “Đi khám ở bệnh viện thì đông bệnh nhân chờ, tôi lại nặng tai khó nghe nên trao đổi với bác sĩ rất lâu. Đoàn về tận xã như thế này lại có thuốc men và hướng dẫn đầy đủ nên người cao tuổi như chúng tôi rất phấn khởi”.
PGS-TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc BV Bạch Mai chia sẻ, BV Bạch Mai đã có cơ sở 2 đặt tại TP.Phủ Lý, tỉnh Hà Nam tiếp nhận người dân tại địa phương và các tỉnh lân cận đến khám chữa bệnh. Nhưng những chuyến đi khám từ thiện về tận xã như thế này vẫn được chúng tôi tổ chức để thuận lợi hơn nữa cho những người có công vì các ông bà hầu hết đã cao tuổi, việc đi lại không thể dễ dàng. Với công việc chuyên môn này, chúng tôi cũng muốn bày tỏ tình cảm với những gia đình chính sách, người có công nhân ngày Thương binh liệt sĩ 27.7.
TS-BS Nguyễn Văn Chi (Phó trưởng Khoa A9, BV Bạch Mai) khám tư vấn về kiểm soát huyết áp
Chú trọng kiểm soát bệnh mạn tính
Video đang HOT
TS-BS Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng Khoa cấp cứu A9, BV Bạch Mai cho biết, qua khám thực tế chúng tôi phát hiện các trường hợp huyết áp rất cao nhưng chưa từng đi khám hoặc từng được khám, phát hiện bệnh nhưng không dùng thuốc điều trị hoặc không duy trì uống thuốc hằng ngày theo đơn. “Có trường hợp huyết áp 175/110 nhưng không uống thuốc điều trị do “vẫn thấy bình thường”; hoặc có trường hợp huyết áp lên đến 190/115 cho biết “thỉnh thoảng mới uống thuốc khi thấy hơi đau đầu”. Không uống thuốc đầy đủ, không đạt được mục tiêu kiểm soát huyết áp ở mức 130/85 thì rất dễ dẫn đến biến cố sức khỏe như tai biến mạch máu não”, bác sĩ Chi lo ngại.
BS Chi cho biết thêm, ngoài cao huyết áp, nhiều người cao tuổi cũng gặp các vấn đề sức khỏe khác như: viêm đường hô hấp, bệnh xương khớp hay các bệnh do rối loạn chuyển hóa như: tăng mỡ máu, đái tháo đường. Đó là vấn đề sức khỏe cộng đồng rất cần được chú trọng để tránh bệnh nặng hơn, gây biến chứng, người dân có được chất lượng sống tốt nhất.
Các bác sĩ giỏi của BV Bạch Mai khám và tư vấn chăm sóc sức khỏe ở người cao tuổi
Ngoài các trường hợp được tư vấn cặn kẽ về điều trị tăng huyết áp, phòng ngừa tai biến mạch máu não, đột quỵ não, các bác sĩ còn hướng dẫn người dân chăm sóc sức khỏe răng miệng, chế độ ăn lành mạnh để có cân nặng hợp lý và ngăn chặn các biến chứng do tăng mỡ máu, tăng đường huyết.
Chị Ngô Thị An, nữ hộ sinh phụ trách trạm y tế xã Văn Lý cho hay, trạm y tế xã Văn Lý trước đây có một bác sĩ nhưng đã điều động lên Trung tâm y tế huyện nên không có bác sĩ khám tại trạm, do đó nhiều dịch vụ y tế không được thực hiện do không đủ điều kiện nhân lực. Máy siêu âm được trang bị tại y tế xã nhưng không có bác sĩ làm; bệnh nhân đái tháo đường phải lên trung tâm y tế huyện khám; bệnh nhân tăng huyêt áp trạm y tế xã chỉ quản lý trên danh sách chứ chưa quản lý về chuyên môn.
“Các bác sĩ giỏi của Bệnh viện Bạch Mai về khám đã hỗ trợ rất hiệu quả cho người dân; giúp người dân có thêm kiến thức, thuốc men điều trị, chăm sóc sức khỏe”, chị An bày tỏ.
Theo Thanh niên
Người phụ nữ Hà Nội nguy kịch vì muỗi đốt
Thấy sốt cao liên tục trên 39 độ, chị Minh tự mua thuốc hạ sốt về uống 8-10 viên/ngày. Hậu quả, bệnh nhân nguy kịch phải nhập viện cấp cứu.
Số trường hợp mắc sốt xuất huyết trên cả nước đã bắt đầu tăng mạnh, nửa năm đã có gần 80.000 c mắc. Đặc biệt tại 20 tỉnh phía nam, đã ghi nhận hơn 50.000 ca (gấp gấn 3 lần so với cùng kỳ 2018), trong đó đã có 6 trường hợp tử vong.
Riêng TP.HCM, từ đầu năm đến nay có gần 25.000 ca mắc sốt xuất huyết, 5 ca tử vong (3 người lớn, 2 thiếu niên).
Tại Hà Nội, vài tuần trở lại đây, số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết có xu hướng tăng nhanh, chỉ tính riêng tuần cuối tháng 6, đã có hơn 160 ca, nâng tổng số ca mắc toàn thành phố từ đầu năm đến nay lên hơn 820 ca. Hiện tại, vẫn còn gần 100 bệnh nhân đang phải điều trị tại các bệnh viện.
Một bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị tại BV Bạch Mai
Tại BV Bạch Mai, PGS.TS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết, số bệnh nhân nhập viện có dậu tăng lên, trong đó có nhiều ca nặng.
Đơn cử như trường hợp bệnh nhân Đặng Thị Minh, 40 tuổi ở Hà Nội, được chuyển vào viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, sốt cao, men gan cao gấp 20 lần bình thường do sử dụng thuốc hạ sốt quá liều, dương tính với sốt xuất huyết.
Trước khi được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết, chị Minh sốt cao liên tục 39-40 độ C, nghĩ sốt virus nên chị tự ý mua thuốc hạ sốt về uống, liên tục 8-10 viên/ngày khiến gan bị nhiễm độc.
Sau khi điều trị tích cực hơn 1 tuần, bệnh nhân đã hồi phục dần, qua cơn nguy kịch và vừa được xuất viện. Được biết, mùa hè 2018, chị Minh cũng phải vào viện điều trị vì sốt xuất huyết.
Một trường hợp khác khá nặng là bệnh nhân Tuấn Anh, 22 tuổi, sinh viên trường ĐH Giao thông Vận tải, nhập viện ngày 2/7 trong tình trạng sốt cao liên tục trên 39 độ, ban nổi khắp người.
Kết quả xét nghiệm cho thấy tiểu cầu bệnh nhân giảm mạnh, gan to, ra máu chân răng. Bệnh nhân đang được hồi sức tích cực, truyền dịch.
Cẩn trọng với thuốc hạ sốt
Theo Cục trưởng Y tế dự phòng Trần Đắc Phu, ở giai đoạn đầu của sốt xuất huyết, người bệnh chỉ có biểu hiện sốt nên dễ nhầm với sốt virus. Do đó người dân khi có biểu hiện sốt, nghi ngờ sốt xuất huyết thì phải đến BV để khám, làm test nhanh.
Trong phác đồ điều trị sốt xuất huyết, người dân chỉ nên dùng paracetamol để hạ sốt. Tổng liều không quá 60mg/kg cân nặng/24h (trẻ em dùng liều 10-15mg/kg), cứ 4 - 6 tiếng uống một lần khi sốt từ 38,5 độ trở lên, tuy nhiên khuyến cáo không nên uống quá 4-6 viên/ngày.
Tuy nhiên nhiều bệnh nhân và phụ huynh sốt ruột khi paracetamol hạ sốt không sâu, tái sốt nhanh nên đã cuống cuồng tìm thuốc chứa aspirin hoặc ibuprofen thay thế.
Thực tế, lượng tiểu cầu trên những bệnh nhân mắc sốt xuất huyết sẽ giảm nhanh, trong khi aspirin và ibuprofen cùng có tác dụng ngăn sự tập kết tiểu cầu, chống đông máu khiến bệnh nhân tăng nguy cơ xuất huyết. Aspirin còn có tác dụng phụ gây loét dạ dày tá tràng và có thể gây xuất huyết dạ dày, ói ra máu.
Khi uống 2 thuốc này, ở thể nhẹ có thể chỉ xuất huyết dưới da, thể nặng sẽ làm tăng nguy cơ ra máu răng, ra máu cam thậm chi nôn ói ra máu, xuất huyết ồ ạt.
Với paracetamol, do là thuốc không kê đơn nên tình trạng lạm dụng và ngộ độc loại thuốc này ngày càng gia tăng.
Theo PGS Phạm Duệ, nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, paracetamol vốn lành tính, được chuyển hóa tại gan. Tuy nhiên khi uống quá liều, paracetamol sẽ tạo ra các chất độc, phá hủy tế bào gan dẫn đến nhiễm độc gan mà hậu quả nặng nề là suy gan cấp tính, rối loạn đông máu, xuất huyết nhiều nơi, hôn mê gan và có thể tử vong.
Đặc biệt, trên các bệnh nhân có sẵn bệnh lý ở gan như viêm gan, xơ gan... nguy cơ nhiễm độc gan càng cao và tình trạng càng nặng.
Các bệnh nhân sốt xuất huyết thường sốt 2-7 ngày, 3 ngày đầu không nguy hiểm tính mạng dù có sốt cao trừ những trường hợp mắc bệnh mãn tính kèm theo hay phụ nữ có thai, trẻ em.
Với trường hợp khoẻ mạnh, khi dương tính với sốt xuất huyết chỉ cần về nhà yên tâm điều trị theo đơn bác sĩ và từ ngày thứ 4 tái khám theo chỉ định. Những trường hợp có nền bệnh và có dấu hiệu cảnh báo cần được nằm viện theo dõi.
Thúy Hạnh
Theo vietnamnet
Tăng cường đề kháng cho con: 10 mẹ thì 9 mẹ sai lầm! Hầu như mẹ nào cũng biết tầm quan trọng của việc tăng cường sức đề kháng cho con bằng vitamin C. Tuy nhiên, theo PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên trưởng Khoa Nhi BV Bạch Mai, không phải cứ bổ sung vitamin C là tốt và loại vitamin C nào cũng giống nhau. Thậm chí, còn nhiều những thói quen phổ biến khác...