Kiểm duyệt nội dung trên Facebook – Công việc nguy hiểm ít ai ngờ
Bên cạnh các công cụ tự động, Facebook còn có một đội ngũ nhân viên chịu trách nhiệm kiểm duyệt các nội dung được đăng tải. Công việc này tưởng như đơn giản, nhưng thực tế lại ẩn chứa nhiều nguy hiểm.
Nếu cho rằng kiểm duyệt nội dung trên Facebook là một công việc đơn giản, chỉ cần “lọc” những nội dung vi phạm rồi xóa đi, thì bạn đã nhầm.
Trên thực tế, kiểm duyệt nội dung Facebook là một công việc nguy hiểm ít ai ngờ, bởi lẽ có thể dẫn đến những sang chấn về tâm lý.
Với hơn 2,6 tỷ người dùng hoạt động mỗi tháng, lượng nội dung được đăng tải lên Facebook là rất lớn. Bên cạnh những bài đăng thông thường như ý kiến cá nhân, hình ảnh, video bạn bè, người thân…, không ít người dùng đăng tải lên mạng xã hội này những hình ảnh hay video kinh hoàng, gây sốc. Những nhân viên làm công việc kiểm duyệt nội dung của Facebook sẽ phải xem toàn bộ các nội dung này.
Phải tiếp xúc với những nội dung nhạy cảm và đáng sợ hàng ngày, nhiều nhân viên kiểm duyệt của Facebook đã bị sang chấn tâm lý
Tháng 9/2018, Selena Scola, một cựu nhân viên làm công việc kiểm duyệt nội dung cho Facebook, đã khởi kiện mạng xã hội này vì cô bị sang chấn tâm lý khi làm việc cho Facebook.
Video đang HOT
Trong thời gian làm công việc kiểm duyệt nội dung Facebook, Scola đã phải thường xuyên xem những hình ảnh và video cảnh hại người, tự sát, hiếp và nhiều nội dung kinh dị khác được người dùng đăng tải lên Facebook. Việc thường xuyên phải tiếp xúc với những nội dung đáng sợ này đã khiến cho Scola bị sang chấn tâm lý chỉ sau 9 tháng làm việc tại Facebook.
Sau Scola, nhiều nhân viên khác làm công việc kiểm duyệt nội dung cũng đã khởi kiện Facebook với lý do tương tự. Họ cho rằng, Facebook đã không cho họ môi trường làm việc an toàn, khiến họ bị sang chấn tâm lý và làm ảnh hưởng đến cuộc sống riêng.
Đội ngũ các nhân viên kiểm duyệt được Facebook thuê từ năm 2016, sau khi mạng xã hội này chịu nhiều sự chỉ trích vì không loại bỏ các nội dung nhạy cảm. Trước đó, Facebook chủ yếu sử dụng các công cụ tự động để nhận diện và loại bỏ các nội dung vi phạm.
Theo trang công nghệ The Verge, các nhân viên làm nhiệm vụ kiểm duyệt nội dung tại Mỹ nhận mức lương 28.800 USD mỗi năm, một mức thu nhập thấp tại Mỹ, nhưng lại phải làm việc trong môi trường hết sức áp lực, buộc họ phải kiểm duyệt các nội dung một cách chuẩn xác và không để lọt những nội dung nhạy cảm xuất hiện trên Facebook. Trong khi đó, các nội dung nhạy cảm mà các nhân viên này phải xem hàng giờ đôi khi đáng sợ và kinh dị đến mức có thể ám ảnh họ cả đời.
“Thật khó để quên đi những thứ khiến bạn ám ảnh. Bạn sẽ không bao giờ quên được nó. Nó vẫn sẽ mắc kẹt trong đầu bạn mãi mãi, mặc dù đó chỉ là những hình ảnh hay video bạn nhìn qua màn hình. Tôi ước rằng Facebook có thể nhận ra những điều kinh khủng mà chúng tôi đã phải chứng kiến”, Shawn Speagle, một cựu nhân viên kiểm duyệt nội dung của Facebook, người đã bị sang chấn tâm lý sau khi rời khỏi Facebook vào năm 2018, chia sẻ.
Trang công nghệ The Verge cho biết, có tới hơn một nửa những người làm công việc kiểm duyệt nội dung cho Facebook bị sang chấn tâm lý và mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần khi hàng ngày phải chứng kiến những hình ảnh và video đáng sợ được đăng tải lên mạng xã hội này. Nhiều người trong số đó đã bị rơi vào tình trạng trầm cảm hoặc nghiện chất kích thích để quên đi những nội dung mình bị ám ảnh.
Facebook bồi thường 52 triệu USD cho các nhân viên kiểm duyệt nội dung bị sang chấn tâm lý
Sau hàng loạt vụ kiện nhằm vào mình, mạng xã hội Facebook đã chấp nhận bồi thường 52 triệu USD cho các nhân viên kiểm duyệt nội dung bị sang chấn tâm lý và gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần trong thời gian làm việc. Cả những nhân viên đang làm việc và nghỉ việc đều có thể được nhận số tiền bồi thường.
Số tiền tối thiểu mà các nhân viên được nhận là 1.000 USD, tùy mức độ sang chấn tâm lý cũng như các mức độ ảnh hưởng về tâm thần của họ. Mức tối đa mà mỗi nhân viên có thể được trả là 6.000 USD.
Bên cạnh số tiền bồi thường, những nhân viên đủ điều kiện còn có thể gửi bằng chứng về các thương tích và tổn thương mà họ phải chịu trong thời gian làm việc tại Facebook để có thể nhận thêm số tiền hỗ trợ thiệt hại trị giá 50.000 USD.
Facebook cũng sẽ cung cấp các nhân viên làm công việc kiểm duyệt nội dung những buổi tư vấn tâm lý với các chuyên gia. Những nhân viên bị sang chấn tâm lý có thể được tham gia các khóa trị liệu của các bác sĩ để vượt qua nỗi ám ảnh.
“Chúng tôi rất biết ơn những người làm công việc quan trọng này để giúp Facebook trở thành một môi trường an toàn cho mọi người. Chúng tôi cam kết sẽ mang đến cho họ những sự hỗ trợ cần thiết trong tương lai”, Facebook cho biết.
Facebook cho biết sẽ triển khai các giải pháp thay thế để kiểm duyệt nội dung trên mạng xã hội này, giúp các nhân viên kiểm duyệt giảm tác động của việc xem những hình ảnh và video nhạy cảm. Một trong các giải pháp đó là sẽ tắt đi âm thanh trên những video nhạy cảm và chuyển các hình ảnh cần kiểm duyệt sang màu trắng đen để giảm mức độ đáng sợ trên các nội dung mà nhân viên kiểm duyệt phải xem.
Pháp siết chặt kiểm duyệt mạng xã hội
Quốc hội Pháp đã thông qua luật phát ngôn thù hận gây tranh cãi, theo đó họ sẽ xử phạt các mạng xã hội nếu không xóa một số nội dung "bất hợp pháp" trong vòng 24 giờ và một số trường hợp là chỉ 1 giờ.
Các quan chức Pháp muốn siết chặt kiểm duyệt mạng xã hội ở quốc gia này
Các quy định mới kêu gọi các nền tảng công nghệ loại bỏ phát ngôn hận thù về phân biệt chủng tộc, tôn giáo, xu hướng tình ái , giới tính hoặc khuyết tật cũng như quấy rối tình ái ... trong vòng 24 giờ sau khi bị người dùng "gắn cờ". Riêng các nội dung ngạy cảm với trẻ em và khủng bố phải được xóa bỏ trong vòng 1 giờ sau khi bị gắn cờ.
Nếu không thực hiện đúng quy định này, các nền tảng mạng xã hội có thể sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 1,25 triệu euro. Tuy nhiên, nếu mạng xã hội loại bỏ nhầm một nội dung mà sau đó xem xét lại được cho là không vi phạm thì sẽ không bị phạt.
Một số chuyên gia pháp lý và các nhà hoạt động lo ngại dự luật này sẽ cấp cho chính phủ quyền lực chưa từng có để kiểm duyệt các hoạt động trực tuyến. Người phát ngôn của La Quadrature du Net, một hiệp hội chống kiểm duyệt và giám sát trên internet của Pháp chia sẻ với CNN rằng, luật này có thể cung cấp "một công cụ lạm dụng quyền lực và kiểm duyệt internet vì mục đích chính trị" cho giới lãnh đạo Pháp. Người phát ngôn của tổ chức này tuyên bố: "Một trong những mối nguy hiểm của dự luật này là nó có thể chống lại các nhà báo, các nhà hoạt động và các nhà nghiên cứu vốn cần được bảo vệ. Sẽ không ai biết chính xác nội dung nào nên được coi là 'bất hợp pháp' trực tuyến trước khi nó được thảo luận công khai và xem xét kỹ lưỡng".
Vào tháng 11, Ủy ban châu Âu đã yêu cầu Pháp hoãn việc thông qua dự luật cho đến khi Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số, một cuộc đại tu về cách điều chỉnh các nền tảng kỹ thuật số, được triển khai trên toàn Liên minh châu Âu (EU). Nhưng các quan chức Pháp đã bỏ qua những lo ngại này và cho rằng họ sẽ "dựa vào luật phát ngôn thù hận quốc gia để cân nhắc Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số do EU đề xuất". Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chưa bao giờ che giấu tham vọng của mình trong việc kiểm soát các gã khổng lồ công nghệ như Facebook và Twitter.
Facebook bồi thường 52 triệu USD cho đội ngũ kiểm duyệt nội dung độc hại Business Insider đưa tin, đội ngũ kiểm duyệt nội dung cho Facebook sẽ nhận được 52 triệu USD tiền đền bù thiệt hại về tinh thần vì phải liên tục xem các nội dung độc hại. Theo báo cáo của The Verge vào hôm thứ Ba (12/5) vừa qua, Facebook đã đồng ý chi 52 triệu USD để đền bù thiệt hại về...