Kiểm điểm cô giáo nghi học sinh trộm tiền
Trong khi mẹ ra ruộng thì T. đã uống thuốc rầy (Ảnh minh họa)
Ông Nguyễn Thanh Hoàng, trưởng Phòng GD-ĐT huyện Gò Công Tây (Tiền Giang), cho biết đã chỉ đạo Trường tiểu học Bình Nhì 1 kiểm điểm và không xét thi đua đối với cô giáo T.T.K.C. vì nghi em N.T.T., học sinh lớp 3, lấy trộm tiền của mình, dẫn đến việc em T. uống thuốc rầy tự tử.
Theo tường trình của cô C., ngày 17/11 cô C. phát hiện 500.000 đồng để trong cặp bị mất, cô C. hỏi trong lớp nhưng không học sinh nào thừa nhận mình lấy. Đến ngày 29/11 cô C. để cặp ở trước hành lang lớp thì thấy em T. lại mở cặp của mình, thấy vậy cô C. hỏi: “Em lấy cái bóp của cô để làm gì?” thì T. trả lời: “Để kiếm viết”.
Thấy vậy cô C. hỏi tiếp: “Kiếm viết mà sao em xách bóp tiền của cô làm gì?”. Lúc đó T. khóc và nói: “Em chưa lấy tiền kịp thì cô lại tới”. Sau đó T. xin lỗi cô C. và nói: “Để em lấy trả cô”. Cũng theo tường trình của cô C., T. nói đã lấy “một tờ màu xanh 500.000 đồng” và đang để trong cặp của mình. Khi T. lấy cặp qua cho một bảo vệ kiểm tra thì trong cặp chỉ có 21.000 đồng. T. nói còn để ở nhà và về lấy trả cho cô. Sau đó, cô C. cho một học sinh cùng T. về nhà nhưng không tìm thấy tiền. Em nói là đã đưa cho mẹ giữ.
Ngày hôm sau, mẹ T. đến trường và khẳng định T. không có đưa tiền cho bà. Lúc này vì quá hoảng sợ, T. nói để tiền ở trong mấy quyển tập nhưng khi tìm lại thì không thấy. Do bị mẹ đánh, hăm dọa là cha sẽ đánh chết nếu biết được em T. ăn cắp tiền và kêu em uống thuốc rầy tự tử đi. Trong khi mẹ T. ra ruộng thì T. đã uống thuốc rầy. Ông Nguyễn Văn Cửu, hiệu trưởng Trường tiểu học Bình Nhì 1, cho biết: “Em T. đã đi học lại bình thường, hiện tại sức khỏe em tốt. Riêng cô C. cũng đã viết kiểm điểm, nhận thiếu sót, trách nhiệm của mình và giúp đỡ gia đình T. 4 triệu đồng”.
Theo 24h
Video đang HOT
"Cháu nghèo nhưng không ăn cắp đâu ạ!"
Tự sự của một người từng bị nghi ăn cắp, bị lục đồ giữa đông người chỉ vì... nghèo.
Nhờ lời xin lỗi kịp thời và chân thành, vết thương lòng của bé Thẩm có cơ may không để lại di chứng!
Dẫu sao thì việc những người lớn - cô giáo, thầy hiệu trưởng, chính quyền và công an phường - chính thức lên tiếng xin lỗi cô bé Lại Thị Thẩm, học trò nghèo lớp 2 ở Trường Tiểu học Trung Lập Thượng, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi (TPHCM) cũng là một kết thúc có hậu.
Nhưng trên trái đất này, trên đất nước mình và chung quanh chúng ta, có biết bao đứa trẻ bị hàm oan mà chúng ta không biết hoặc cố tình không biết. Hoặc biết rồi cũng không dám đối diện, không dám nói lời xin lỗi để con trẻ đôi khi mang theo nỗi ấm ức trong nhiều năm tháng của cuộc đời! Nhất là lý do để người ta bị đổ tội chỉ vì "nó là con nhà NGHÈO"? Mà "Túng quá hóa liều"?
Vâng! Nhiều năm sau này, tôi không bao giờ quên chuyện bị hàm oan thủa mới lớn chỉ vì NGHÈO và MỒ CÔI...
Năm 1985, tôi học lớp 12. Tôi quê Quảng Bình vào Huế học lớp chuyên của tỉnh. Tôi con mồ côi, quê lại ở xa nên vào dịp trường nghỉ vài ba ngày thường đến ở cùng với Nga, đứa em lớp dưới ở đầu đường Nguyễn Huệ. Nga ở trong một phòng đầu dãy nhà tạm trong khuôn viên khu biệt thự của một lãnh đạo tỉnh Bình Trị Thiên thời đó.
Căn chòi của ba bà cháu bé Thẩm trống trước trống sau (Ảnh: Pháp luật TPHCM)
Huế những năm ấy lạnh sớm. Ngày gió bấc mưa phùn, tôi càng lộ sự đói nghèo bởi cái đói hằn lên mặt và co ro cúm rúm vì không có áo ấm. Và cứ mỗi lần ra kéo cánh cửa sắt cho tôi chui vào, cái Nga lại lấm lét nhìn lên căn biệt thự. Thường thì lúc đó tôi thấy bà chủ đóng các cánh cửa sổ lại. Có hôm tôi còn nghe bà dặn dò người làm: "Cẩn thận kẻo dễ bị mất cắp lắm! Cái bọn mồ côi, khố rách áo ôm đó...". Và tiếng cái Nga lí nhí: "Dạ thím ơi, chị bạn cháu trông rúm ró vậy chứ tốt tính và học giỏi lắm...".
Hôm đó, nghỉ Tết dương lịch, tôi qua định vay cái Nga vài đồng để về quê. Hôm đó, Huế hửng nắng. Không hiểu sao, khi đi qua cánh cửa sắt tôi chợt để ý đến hai dây phơi quần áo ngay gần đó có mấy cái quần bò rất đẹp. Nga cũng chợt bảo tôi: "Quần của Th, con trai lớn của nhà này. Nó mới học lớp 10 mà có nhiều quần áo đẹp lắm chị à".
30 phút sau, khi tôi đang ngồi ở ga tàu thì thấy anh trai của Nga dẫn mấy thanh niên tới và bảo tôi: "Em cho các anh đây khám xét đồ". Thấy tôi sửng sốt, anh bảo: "Mấy cái quần bò của Th phơi ngoài sân bị mất rồi. Mà trong thời gian đó chỉ có em vào khu biệt thự...". Cái túi du lịch rách nát của tôi bị lục tung lên trước mắt bao nhiêu người đợi tàu trong nhà ga. Chỉ có vài ba cái quần áo cũ kỹ và dăm ba cuốn vở. Rồi họ dẫn tôi về lại khu biệt thự. Bà chủ hỏi tôi: "Cháu lấy mấy cái quần bò bán ở đâu?". Cái Nga khóc, bảo: "Em không tin chị làm việc đó nhưng ai cũng nói có thể vì nghèo quá mà chị làm liều. Chị cứ nói thật đi...".
May sao, lúc đó vị lãnh đạo tỉnh vừa đi làm về. Nghe thuật lại câu chuyện, ông nhìn thẳng vào mắt tôi và hỏi: "Cháu có túng quẫn quá mà làm liều không? Cháu cứ nói thật, chú sẽ xin tha cho cháu?". Tôi cũng đã nhìn thẳng vào mắt ông với tất cả sự hi vọng ông có thể tin mình: "Cháu tuy nghèo nhưng không bao giờ ăn cắp ạ!".
Và ông đã bảo những người thanh niên đó cho tôi ra ga. Lúc ấy tôi đã không co ro, cúm rúm để đi ra cổng nữa. Tôi thẳng người bước đi mặc cho những lời gào lên của bà chủ: "Đồ ăn cắp! Từ nay không ai cho nó bén mảng tới đây nữa!".
Em Thẩm và bà ngoại trao đổi với phóng viên (Ảnh: Người lao động)
Hai mươi năm sau tôi đã gặp lại chồng bà trong chuyến tới viết về địa phương nơi ông làm chủ tịch. Ông không nhận ra tôi. Khi phỏng vấn xong, tôi hỏi câu sau cùng trước khi đứng ở cánh cửa bước ra sân: "Cô nhà chú giờ chắc còn sợ mất cắp hơn ngày xưa? Th nhà chú còn hay mặc quần bò không?".
Có lẽ người vợ tào khang của ông không bao giờ biết bà đã chà đạp tâm hồn của đứa con gái 17 tuổi mồ côi ngày đó như thế nào. Và có lẽ, những người như bà không bao giờ biết mình làm sai điều gì với ai để nói lời xin lỗi. Và hơn thế, tôi - với vết thương đầu đời đã 30 năm rồi không thể lành - tôi cũng không muốn quên, muốn tha thứ cho kẻ đã gieo oan cho một người chỉ vì người ta nghèo và mồ côi!
... Nhớ lại chuyện CŨ, dẫu sao tôi muốn cũng nói lời cám ơn với "những người lớn" trong vụ cháu Thẩm vừa xảy ra. Giả sử vì sĩ diện, vì sợ hãi chịu trách nhiệm, cô giáo Thu cố tình lờ đi việc tìm thấy 1 triệu đồng trong túi mà trước đó cô nói là bé Thấm lấy, thì không biết nỗi ám ảnh của cô bé học sinh lớp 2 đó về sự hàm oan này sẽ để lại di chứng gì? Có thể nhiều năm sau nữa em sẽ vẫn căm ghét trường học, cô giáo và cả những người lớn đại diện cho cơ quan công quyền. Có thể em vì tủi phận nghèo nên bị hàm oan (vì nhà em quá nghèo nên khi bị mất tiền, người lớn dễ dàng đổ riệt cho em) mà có thể ngày sau khi lớn lên, em sẽ bất chấp tất cả chỉ để thoát cảnh nghèo? Hoặc tai hại hơn, có em nhỏ vì bị hàm oan mà đã tìm đến cái chết!
Nước mắt của cô giáo Thu khi nói lời xin lỗi chân thành, lời "rút kinh nghiệm" cần thiết của những người lớn có lẽ cũng làm dịu đi chút nào nỗi tủi hờn, ấm ức của bé Thẩm và gia đình. Người nghe chuyện đã có thể thở phào nhẹ nhõm: "May mà...".
May mà, nhờ lời xin lỗi kịp thời và chân thành, vết thương lòng của bé Thẩm hi vọng không để lại di chứng!
Theo 24h
Nỗi đau của bà ngoại nữ sinh bị nghi oan Chỗ tá túc của 3 bà cháu em Lại Thị Thẩm (nữ sinh bị nghi oan lấy trộm tiền ở Trường Tiểu học Trung Lập Thượng, Củ Chi, TPHCM) chỉ là một túp lều tuềnh toàng, mái tranh, nền đất. Sáng 26/12, em Lại Thị Thẩm (học sinh Trường Tiểu học Trung Lập Thượng, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi - TPHCM)...