Kiếm bộn tiền nhờ kinh doanh đặc sản dịp Tết
Kinh tế khó khăn, tình hình lương thưởng Tết cũng eo hẹp hơn. Để trang trải cho dịp Tết, nhiều chị em đã nảy ra ý tưởng kinh doanh đặc sản quê hương. Và không ít người đã kiếm bộn tiền chỉ trong mấy tuần trước Tết này.
Mùa Tết năm nay, trên các diễn đàn, web bán hàng online rộ lên trào lưu kinh doanh đặc sản dịp Tết. Chị Nguyễn Thị Mai (quê ở Hà Giang), nhân viên một công ty máy tính ở Hà Nội kể: Ở Hà Giang có rất nhiều đặc sản ngon, được mọi người rất ưa chuộng như lạp xường, thịt gác bếp, thịt lợn đen, cam sành, ổi, chè Shan tuyết,…Trong khi đó, ở Hà Nội để mua những mặt hàng này không phải dễ. Vì thế mình quyết định kinh doanh loại đặc sản này qua mạng.
“Sau khi quảng cáo trên Facebook và các diễn đàn, cứ vài ba ngày tôi tập hợp danh sách của mọi người đặt hàng, sau đó gọi điện về quê cho ông anh trai đi đặt mua, đóng thùng gửi xe khách xuống. Nhận hàng xong, tôi chỉ việc phân ra rồi giao hàng cho những người đã có trong danh sách và thu tiền”, chị Mai kể.
Đặc sản các vùng miền đua nhau lên mạng.
Chị cho biết: “Khách mua hàng chủ yếu là người quen nên mình chỉ dám lấy đồ ngon, mua từ đầu mối nên giá cả cũng phải chăng. Có những người thích mua đồ vùng cao, không chỉ mua về cho gia đình mà còn để làm quà Tết biếu họ hàng. Có khách vui tính, còn nhờ mua hộ hẳn một con lợn bản chính hiệu để cả gia đình ăn Tết”.
Bên cạnh các món được quảng cáo, nếu khách hàng có yêu cầu, chị còn nhận đặt thêm tam thất, mật ong vùng cao, rượu ngô và măng khô. Do là người bản địa, biết chỗ mua, lại được anh em bạn bè giới thiệu nên chị Mai ngày càng đông khách.
“Công việc cũng khá nhàn và không tốn nhiều công sức lắm. Mỗi chuyến hàng như vậy, trừ chi phí ra, tôi cũng thu lãi chừng ba triệu đồng. Vì thế Tết này chắc cũng sẽ rủng rỉnh hơn để mua sắm Tết”, chị Mai hể hả kể.
Mấy năm gần đây, thịt trâu gác bếp đang trở thành một món đồ nhậu ưa chuộng trong mỗi dịp Tết. Vì thế, trên các diễn đàn, không khó để có thể tìm thấy những lời rao bán thịt trâu giác bếp với đủ các xuất xứ từ Sơn La, Lào Cai…
Chị Hồng Thuận, quê ở Sơn La, cho biết, Tết năm nào chị cũng bán mặt hàng này qua mạng. Mấy năm gần đây, nhu cầu tiêu thụ thịt trâu gác bếp tăng mạnh nên mỗi đợt chị nhận cả hàng chục kg đơn hàng. Nhà ít cũng phải 2kg, nhiều thì 3-4kg trở lên. Mỗi đợt hàng như thế chị thu lãi cả chục triệu đồng.
“Tuy nhiên, Tết năm nay, nhu cầu tiêu thụ thịt trâu gác bếp đang tăng mạnh trong khi đó nguồn cung hàng thì không nhiều nên giá cả năm nay cũng đắt hơn so với mọi năm. Năm nay, giá mỗi kg thịt trâu gác bếp loại 1 cũng phải rơi vào tầm 700.000 đến 800.000 đồng/kg, tăng 200.000 đồng/kg so với năm ngoái. Mặc dù vậy, vẫn cháy hàng, hàng về đến đâu bán hết đến đó. Tính sơ sơ từ đầu Tết dương lịch đến giờ cũng kiếm được vài chục triệu tiêu Tết”, chị Thuận kể.
Video đang HOT
Ngoài ra, chị Thuận còn nhận giao thêm các đặc sản vùng cao quê chị như nấm hương rừng xâu, mộc nhĩ rừng xâu, lạp xường, thịt hun khói. “Đây là năm thứ 4 tôi kinh doanh các đặc sản này qua mạng. Mỗi năm thêm kinh nghiệm, giờ trong tay tôi đã có khoảng vài chục khách quen, không chỉ tiêu thụ dịp Tết, mà hầu như quanh năm. Năm ngoái, công ty tôi làm ăn khó khăn, giảm biên chế nhiều nên tôi xin nghỉ luôn và chuyển hẳn sang kinh doanh tự do như này. Vừa thoải mái, vừa rủng rỉnh tiền tiêu, không phải nơm nớp lo bị trừ lương, đuổi việc”, chị Thuận tâm sự.
Quê ở Thanh Hóa, vốn nổi tiếng với đặc sản nem chua, nên những dịp cận Tết này, Đỗ Khánh Linh (sinh viên năm 3, trường đại học Khoa học và Nhân văn) cũng tranh thủ kiếm thêm tiền tiêu vặt.
Linh kể: “Nhà em có truyền thống 3 đời làm nem chua. Mấy lần về quê mang lên biếu bạn bè trong kí túc xá thấy ai cũng thích nên dịp Tết này, sau khi thi học kỳ xong, em cũng mon men lên mạng bán. Lúc đầu là mấy bạn thân quen mua, sau dần được mọi người giới thiệu nên hàng đặt ngày càng nhiều. Hầu như ngày nào em cũng phải ra bến xe nhận hàng rồi đi ship cho các bạn. Cứ mỗi chuyến như vậy, trừ chi phí cũng lãi chừng dăm bảy trăm ngàn. Mới có hai tuần thôi, em đã kiếm được 5 triệu đồng. Tết này tha hồ mua sắm đồ Tết mà không phải xin bố mẹ”.
Ngoài đặc sản trong nước, kim chi – món ăn truyền thông của Hàn Quốc cũng đang dần trở thành một món hàng Tết hút khách.
Bà Ân cho biết, dịp Tết này, gia đình bà thu lãi vài chục triệu đồng từ kim chi.
Bà Phạm Thị Ân (Lê Thanh Nghị, Hà Nội) một đầu bếp có nhiều năm kinh nghiệm làm kim chi trong bếp ăn của một công ty du lịch cho hay: “Bình thường nhà tôi vẫn làm kim chi bán cho khách qua mạng. Năm nay, gần Tết, số lượng khách đặt hàng kim chi tăng đột biến nên tôi phải huy động thêm người làm mới phục vụ xuể”.
Bà Ân cho biết, bình thường, gia đình bà bán được khoảng 40kg kim chi mỗi ngày. Tết năm nay, chỉ tính riêng từ ngày 25/12 đến 15/01, bà đã nhận đến hơn 800 kg kim chi do khách hàng đặt với giá 80.000 đồng/kg. Tính sơ sơ, chỉ riêng 2 tuần giáp Tết, gia đình bà Ân cũng thu về gần vài chục triệu đồng tiền lãi từ tiền bán kim chi.
Triệu Hồng Hạnh
Theo Dantri
Mật mía "cháy hàng" ngày cận Tết
Những ngày cận Tết, các lò làm mật mía ở Thanh Hóa chạy đua với thời gian nhưng vẫn không đủ hàng cung ứng cho thị trường. Năm nào cũng vậy, cứ khoảng từ 23 tháng Chạp, tình trạng "cháy hàng" liên tục diễn ra.
Mật mía là một loại nguyên liệu không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền đối với người miền Trung, đặc biệt là người Thanh Hóa. Mật mía dùng để chấm bánh chưng, làm bánh gai... Ở xứ Thanh nổi tiếng có làng mật mía ở Thạch Thành. Năm nào cũng vậy, dù "chạy" hết tốc độ nhưng cứ khoảng 23 tháng Chạp trở đi, các lò mật luôn trong tình trạng "cháy hàng".
Người làm mật cứ khoảng giữa tháng 10 âm lịch là bắt đầu vào mùa cho đến tháng 2 sang năm. Hàng trăm tấn mật mía được làm ra nhưng thường không đủ để phục vụ người tiêu dùng.
Về xã Thành Kim, Thạch Sơn (Thạch Thành) những ngày này sẽ bắt gặp hình ảnh người làm mật tất bật chuẩn bị cho dịp Tết, rộn ràng những chuyến xe ra vào lấy hàng của khách mang đi khắp nơi trong và ngoại tỉnh.
Công đoạn đầu tiên của việc làm mật mía là ép lấy nước
Nghề làm mật mía của người dân nơi đây có từ thời những năm 60. Các cụ cao niên trong làng cho biết mảnh đất này do cư dân ở xã Hoằng Lý (Hoằng Hóa) lên định cư rồi mang theo nghề. Từ đó, bao đời nay cứ thế hệ này nối tiếp thế hệ kia, nghề làm mật trở thành một nghề không thể thiếu đối với bà con mỗi dịp Tết đến xuân về.
Ngày xưa khi mới bắt đầu làm, người dân phải dùng đến sức trâu bò mới ép được mía lấy nước. Những năm gần đây do kỹ thuật hiện đại, máy ép mía ra đời, sức người được giải phóng.
Để có được sản phẩm mật mía thơm ngon, điều đầu tiên phải nói đến là nguyên liệu mía phải đạt đến độ chín, cây mía phải săn chắc, ngọt lịm, độ đường cao. Trên mảnh đất Thạch Thành này, cây mía được trồng rất có năng suất và đảm bảo cho ra lò những sản phẩm mật thơm ngon.
Để mật thơm ngon cần phải canh chừng bếp lửa, không được để lửa quá to hoặc quá nhỏ
Việc nấu thành phẩm cũng là một quá trình phức tạp yêu cầu người nấu phải có kỹ thuật, kinh nghiệm mới có thể cho ra những mẻ mật đạt tiêu chuẩn. Ông Nguyễn Văn Tuất (thôn Liên Sơn, xã Thạch Sơn), người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề nấu mật của làng chia sẻ: "Sau khi ép được nước mía ra là công đoạn chuẩn bị lò, củi để nấu. Quá trình nấu mật mía quan trọng nhất là giữ lửa trong lò luôn ổn định. Bởi thế trong quá trình nấu phải luôn luôn canh chừng".
Nếu lửa quá to, tay đảo không đều mật dễ bị cháy, lửa quá nhỏ thì công đoạn keo mật sẽ rất lâu. Công đoạn keo mật là công phu, mất thời gian và công sức nhất. Ở công đoạn này, yêu cầu người nấu phải luôn đảo liên tục và đều tay. Khi bắt đầu sôi, nếu không vớt kịp bọt, làm mật bị trào thì mật sẽ có màu đen, mật kém thơm ngon. Khi nước mía chuyển sang sền sệt và có màu đỏ là được.
Vào những này, khách đến nhà ai cũng có thể thưởng thức món trà chát pha với mật. Vị chát của chè kết hợp với mật mía tạo nên một hương vị rất lạ, rất riêng.
Trong quá trình nấu phải luôn gợn cặn
Riêng phần cặn của những nồi mật sau khi nấu xong được giữ lại làm kẹo hoặc bánh ong mời khách ngày Tết. Còn bã mía sau khi ép hết nước sẽ được tận dụng làm củi hoặc thức ăn cho trâu bò.
Mật mía ở Thạch Sơn, Thành Kim được tiêu thụ đi khắp nơi trong và ngoại tỉnh. Năm nay cũng lại như những năm trước, mới chỉ 23 tháng Chạp nhưng các lò mật đã luôn trong tình trạng "cháy hàng". Các lái buôn thường mang ô tô về chở hàng chục tấn đi bán lẻ các nơi khác.
Khi thấy mật đặc sền sệt và có màu vàng đỏ là lúc sản phẩm mật đã được hoàn thành
Nhờ có mật mía mà đời sống của bà con vùng núi này ngày một cải thiện. Giá bán một cân mật mía khoảng 12.000đ. Nhiều gia đình ở Hòn Rô nhờ làm mật mía nên đời sống đã khấm khá so với những vùng khác trong huyện. Có những gia đình trừ chi phí, có thể thu lại lãi 20-40 triệu đồng cho mỗi vụ.
Ông Đoàn Duy Phương, Phó Chủ tịch xã Thạch Sơn, chia sẻ: "Nghề truyền thống làm mật đã mang lại lợi nhuận rất cao cho bà con ở đây. Những năm gần đây đã có nhiều gia đình thoát nghèo nhờ nghề làm mật mía và những cái tết cũng ấm no hơn nhờ vào nghề này. Hiện toàn xã có 170 ha diện tích trồng mía và có 17 hộ có lò làm mật. Khách hàng mua mật từ khắp các nơi đổ về đây lấy chứ chủ không phải mang đi đâu bán cả. Mỗi vụ như vậy có tới hàng trăm ha mật được sản xuất thế mà năm nào cũng thế cứ đến cận ngày là "cháy hàng" liên tục".
Nguyễn Thùy
Theo Dantri
Bồn chồn ngắm đào nở sớm Những ngày này, ngược về Yên Thành (Nghệ An) - nơi có làng nghề trồng đào có thương thiệu từ lâu: Đào phai Kim Thành - cảm nhận đất trời ngập tràn không khí xuân nhưng con người thì bồn chồn lo lắng. Đào phai Kim Thành có cánh nhỏ, sắc hồng nhạt, nhiều kiểu dáng, được nhiều người lựa chọn trang hoàng...