Kịch ‘Họa hồn’ không dành cho người yếu tim
Nhà hát Thế giới trẻ TP HCM ra mắt vở kịch nói về cuộc đời bi thảm của nhóm trẻ mồ côi bị ngược đãi. Với hiệu ứng âm thanh, ánh sáng và thiết kế sân khấu khá ấn tượng, kịch có nhiều cảnh làm thót tim khán giả.
Vở Họa hồn mang hơi hướm của kịch trinh thám, hình sự. Ngay từ đầu, người xem đã cảm thấy “ớn lạnh” với bối cảnh phòng thờ trong một biệt thự. Bà Sương, một bà già nổi tiếng với thành tích làm từ thiện, run rẩy ăn năn, sám hối lần tràng hạt trước bàn thờ, bất ngờ bị một “bóng ma” bí ẩn siết cổ đến chết. Án mạng kinh hoàng xảy ra ngay từ màn đầu tiên.
Những bức tranh bí ẩn xuất hiện trong ngôi biệt thự cổ là manh mối để lần ra tung tích kẻ gây án. Ảnh: Thoại Hà.
Một vài sự trùng hợp kỳ bí bất ngờ xảy ra khi những bức tranh miêu tả vụ án mạng xuất hiện ở nhà họa sĩ Hoàng. Hoàng là một chàng trai trẻ tật nguyền, nho nhã. Sau thời gian du học và làm việc ở Pháp, anh trở về nước chuẩn bị kết hôn với bạn gái. Từ các bức tranh này, Hoàng bị tình nghi liên quan đến vụ án.
Vẻ ngoài yếu ớt, hiền lành bảo vệ Hoàng nhưng việc những bức tranh thể hiện chính xác hiện trường vụ án cứ liên tiếp xuất hiện tại nhà anh khiến chàng họa sĩ trẻ rơi vào tuyệt vọng, hoang mang vì không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Người xung quanh cho rằng anh bị các hồn ma mượn xác tố cáo tội ác, hoặc anh bị kẻ xấu hãm hại.
“Họa hồn” mang không khí ma quái. Phần đầu kịch có tiết tấu nhanh, lôi cuốn, tuy vậy, phần cuối còn dàn trải, mang đôi chút khiên cưỡng khiến khán giả tiếc nuối. Có ý kiến cho rằng, nếu kịch kết nhanh gọn, cô đọng hơn sẽ thực sự hấp dẫn. Ảnh: Minh Hoàng.
Video đang HOT
Vì sao trong một trại mồ côi cũ lại có những bộ xương khô của đứa trẻ? Vì sao bà vú già của Hoàng lại hoang mang, sợ sệt đến nỗi phải lên chùa để xin lá bùa hộ mệnh về đeo phòng thân? Bùi Quốc Bảo, tác giả của Họa hồn đồng thời là đạo diễn vở kịch, đã xây dựng kịch bản khá chặt chẽ với các tình tiết lôi cuốn khán giả khám phá các lớp của vở diễn, để xem rốt cuộc ai là hung thủ gây ra hàng loạt án mạng sau cái chết của bà Sương.
Hơn nửa phần đầu, kịch hấp dẫn người xem với những nút thắt đan cài. Đạo diễn tận dụng hiệu ứng của ánh sáng, hình ảnh, âm nhạc trên nền sân khấu được thiết kế mang đậm nét liêu trai, kỳ bí, rùng rợn. Thêm vào đó, kết cấu của sân khấu Nhà hát Thế giới trẻ là sân khấu tròn, có thể quay vòng nên dễ dàng trong việc chuyển cảnh hiện tại – quá khứ, làm các tình huống kịch xen vào nhau nhịp nhàng, tạo hiệu ứng mạnh. Ở suất chiếu đầu, mỗi lần kịch chuyển đến cảnh bóng ma hoặc án mạng, rất nhiều khán giả ngồi dưới hít hà, có người lấy tay che mắt, và không ít người hét lên kinh hãi.
Đạo diễn Quốc Bảo cho biết, sau buổi chiếu ra mắt vào ngày 25/8, đón nhận ý kiến đóng góp của khán giả, anh sẽ điều chỉnh để kịch được súc tích hơn. Kịch diễn tại sân khấu Nhà hát Thế giới trẻ, TP HCM. Ảnh: Minh Hoàng.
Trong Họa hồn, ngoài Ngọc Trinh của “Mùi ngò gai”, Tiểu Bảo Quốc, Hữu Tiến là các diễn viên nhiều kinh nghiệm trên sàn diễn, còn lại, diễn viên Quang Tuấn, Hoàng Phi, Thu Trang, Thanh Hiền, Lê Bửu Đa, La Thành, Hồng Trang… là những tên tuổi còn khá mới mẻ. Tuy vậy, họ tạo thành êkíp diễn xuất ăn ý. Nhất là Thu Trang, với khả năng diễn hài duyên dáng, cô khiến Họa hồn giảm đi cảm giác nặng nề khi mang đến tiếng cười rộn rã qua vai nữ ký giả Bông Súng Tím.
Khoảng cuối năm 2006, sân khấu Phú Nhuận của “bầu” Hồng Vân ra mắt kịch kinh dị Người vợ ma với dàn diễn viên Thái Hòa, Thanh Vân, Kim Huyền… gây cơn sốt vé. Từ đó, vài sân khấu tại Sài Gòn liên tục khai thác dòng “kịch ma” với nhiều đề tài đa dạng.
Sau Người vợ ma, sân khấu Phú Nhuận liên tiếp ra mắt các vở như: Căn phòng 404, Sám hối, Quả tim máu, Ngôi nhà hoang (Người vợ ma, phần 2), Giếng lạ, Oan gia… Dù không tạo đột phá bằng Người vợ ma 1, các vở diễn khai thác yếu tố rùng rợn, kỳ bí này luôn hấp dẫn và kéo khán giả đến rạp.
Họa hồn không phải là kịch kinh dị đầu tiên của Nhà hát Thế giới trẻ. Trước đó, sân khấu này có các vở kinh dị hút khách như: Điện thoại nửa đêm, Lầu hoang, Biệt thự bí ẩn, Tử thi không đầu… Đạo diễn Nguyễn Ngọc Hùng, chủ nhiệm Nhà hát Thế giới trẻ cho biết, hiệu quả kinh doanh của các kịch này khá tốt. “Tuy vậy, một vở kịch kinh dị thành công và trụ được lâu dài trên sân khấu không phải nhờ các cách hù dọa, nhát ma khán giả, mà phải làm sao, sau những căng thẳng, kịch chuyển tải thông điệp mang tính nhân văn, cảnh tỉnh người xem trước các vấn nạn”, anh Ngọc Hùng chia sẻ.
Gần đây, diễn viên Gia Bảo công bố kế hoạch dựng vở kịch Ngôi trường số 13 trên sân khấu Idecaf. Ông Huỳnh Anh Tuấn, giám đốc sân khấu cho biết, điểm diễn này lần đầu tiên thử nghiệm dòng kịch kinh dị không phải là để ăn theo xu hướng hút khách hiện nay mà nhằm tạo cơ hội để người trẻ có chỗ thể hiện sự sáng tạo. “Mặt khác, đây là dịp để đo thử mức độ hưởng ứng của khán giả. Nếu được ủng hộ, Idecaf mới tiếp tục với thể loại kịch này”, ông Tuấn nói.
Theo VN Express
Vở diễn một đêm?
Bỏ qua vụ lộ ngực của Lý Nhã Kỳ trước khán giả cả nước xem tường thuật trực tiếp vở kịch Bản giao hưởng Điện Biên và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên VTV1 mới đây, đâu mới thật sự là điều đáng suy ngẫm về tác phẩm hoành tráng này?
Xin giới thiệu góc nhìn của nhà văn Nguyễn Hiếu từ hàng ghế khán giả.
Chiều 25/6 khi cùng đoàn tác giả sân khấu do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức, đang đi thực tế tại Tây Nguyên thì nhận được tin nhắn của người bạn vong niên thân thiết rằng tối nay VTV1 sẽ truyền hình trực tiếp từ Quảng Bình - quê hương đại tướng vở kịch Bản giao hưởng Điện Biên và Đại tướng Võ Nguyên Giáp của Nguyễn Quang Vinh. Tôi và không ít nhà văn và tác giả trong đoàn náo nức đón chờ...
Sau khi vở kịch kết thúc, điều gợi lên đầu tiên ở tôi là sự cảm phục tài quản lý và tổ chức của tổng đạo diễn. Với một kịch bản như thế mà ông thuyết phục được các nhà quản lý để được dàn dựng với quy mô sự kiện nghệ thuật cấp quốc gia. Lại thuyết phục được nhiều nhà tài trợ, huy động được nhiều nhân vật hàng đầu trong lĩnh vực sân khấu cùng các đoàn nghệ thuật tham gia với lượng diễn viên lên đến hơn 300 người... Nhưng sau hết, điều đáng bàn là chất lượng của vở diễn.
Lý Nhã Kỳ - người nổi bật nhất trong vở diễn vì... sự cố
Trên thế giới, kịch về các danh nhân không thiếu và cũng không ít thành tựu. Nhiều tác phẩm lớn của Shakespeare lấy nhân vật trung tâm từ nguyên mẫu trong lịch sử, đã dựng lên những điển hình vĩ đại về tham vọng, bi kịch của con người như Vua Lia, Macbeth, Henry. Thế kỷ 20, có thể kể đến bộ ba kịch về Lenin: Người cầm súng, Chuông đồng hồ điện Kremlin, Khúc thứ ba bi tráng của Pogodin đã được dàn dựng tại Việt Nam. Ở Việt Nam, kịch Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng hay Nguyễn Trãi ở Đông Quan của Nguyễn Đình Thi cũng là những thành tựu mẫu mực của sân khấu thể hiện các nhân vật lịch sử kiệt xuất. Ngay đối với các danh nhân đương đại như Hồ Chủ tịch, nền kịch nghệ nước ta cũng đã có những tác phẩm đáng nhớ như Đêm trắng của Lưu Quang Hà, Người đi dép cao su của Kateb Yacine... Một kịch tác gia chuyên viết về Bác Hồ là Lê Đăng Thành có kịch bản Cuộc săn đuổi lịch sử theo tôi cũng rất thành công khi khắc họa một cách đa dạng, tài tình hình tượng Hồ Chủ tịch trong cuộc đấu trí dai dẳng với các thế lực của thực dân Pháp qua các đời toàn quyền Đông Dương, tiếc thay vở này chưa được dựng trên sân khấu. Sự thành công và hấp dẫn của các tác phẩm này cũng như nguyên lý của văn học nghệ thuật là khắc họa được hình tượng nhân vật trong hình ảnh của con người cụ thể, thể hiện được tính cách của họ cùng những xung đột cuộc đời được nâng lên điển hình trong các tình huống kịch.
Trở lại với Bản giao hưởng..., dường như không thấy nhân vật Võ Nguyên Giáp đâu, chỉ thấy những trường đoạn minh họa, kể lại một cách hình thức, sơ sài các biến cố lịch sử có liên quan đến đại tướng mà bất kỳ ai quan tâm đến lịch sử đương đại Việt Nam đều biết. Cách kể này giống hệt những tấm áp-phích cổ động được "đối thoại hóa" bằng những lời thoại thiếu tính cách. Hay nói đúng hơn, vở kịch như những mô-đun lắp ghép theo mô hình những sự kiện xung quanh nhân vật đại tướng. Hình như chính tác giả cũng cảm thấy đơn điệu trong cách kể này nên đôi chỗ ông lại xen vào những mảng bi kịch cố tạo về thân phận cô y tá, về gã sĩ quan pháo binh Pi-ốt. Còn nhân vật chính thì chỉ là sự xuất hiện về mặt hình thể và tên gọi mà hầu như không có chút tâm lý nào dù đơn giản nhất chứ chưa nói đến diễn biến tâm trạng trước các xung đột, các sự kiện của kịch. Nếu vở diễn này ít nhiều được ghi nhận về sự hoành tráng, về sự tham gia số đông diễn viên thì lại thiếu đi cái cơ bản là con người!
Nhân vật chính - Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở nên mờ nhạt
Đứng về mặt nghệ thuật, dựng tác phẩm từ nguyên mẫu có cái lợi là sẵn cốt kịch bản, mặt khác hàm chứa sự gò bó bởi thực tế nguyên mẫu. Tài năng của người viết là biết chọn sự kiện nào để từ đó tìm ra kết cấu hợp lý làm nổi rõ tính cách nhân vật, qua đó gửi thông điệp tới người xem. Thành công của Đêm trắng chẳng hạn, chính là vì Lưu Quang Hà biết chọn và xử lý đúng sự kiện Bác Hồ kiên quyết loại trừ Cục trưởng cục quân nhu Trần Dụ Châu vì tội tham nhũng. Còn Bản giao hưởng... mặc dù tập trung vào sự kiện "chiến dịch Điện Biên" nhưng dường như tác giả chưa nắm được thần thái, tính cách nhân vật, chưa chọn được sự kiện trung tâm nên vở diễn thành sự minh họa khô cứng. Lấy tên nhân vật chính làm tên vở nhưng chờ mãi, chờ mãi mới thấy nhân vật chính xuất hiện như một đề-can, một bảng hiệu ở cảnh cuối cùng!
Thật sự, là một khán giả, tôi rất lấy làm tiếc cho những "vở diễn một đêm" như thế này, tiếc hơn cho sự hoành tráng của tiền bạc, thời gian, sức người đã đổ ra mà cái người xem nhận được lại quá ít ỏi.
Viết đến đây, tôi chợt nhớ một bài báo cho biết CLB bóng đá Thanh Hóa trả lương cho cầu thủ cao nhất nước, trung bình cũng trên dưới 30 triệu đồng, cầu thủ xuất sắc nhận 40, 50 triệu, HLV là 100 triệu mỗi tháng, thế nhưng chính Thanh Hóa lại vừa xin Chính phủ hỗ trợ 2.000 tấn gạo để cứu đói trên 70 nghìn người. Tác giả bài báo Hoài Văn tính toán thời giá của 2.000 tấn gạo này xấp xỉ 30 tỷ đồng, ít hơn nhiều khoản ngân sách của CLB bóng đá Thanh Hóa chi trong mùa giải 2011. Quảng Bình, quê đại tướng cũng là một tỉnh nghèo, lũ lụt mùa này lại đang lăm le đe dọa những mái nhà cùn xơ của biết bao gia đình... Tôi chạnh nghĩ, viết về lịch sử là một nhiệm vụ và một yêu cầu lớn đối với người làm nghệ thuật. Nhưng làm thế nào để không mang tiếng, nói nhẹ là ăn theo, nói nặng là lợi dụng lịch sử, là cả một vấn đề lớn của người làm nghệ thuật.
Nhà văn Nguyễn Hiếu
Nghệ sĩ nhân dân Phạm Thị Thành: Không giống vở diễn sân khấu
Kịch bản vở diễn không có nhiều điều để xem. Nó không khắc họa được một hình tượng vị tướng uy danh năm châu. Đó phải là một thiên tài quân sự, có tầm nhìn chiến lược, dám chịu trách nhiệm. Đó là những điều nhân dân hiểu về đại tướng. Nhưng trong vở diễn, tất cả những điều này đều mờ nhạt.
Cũng phải nói việc xây dựng kịch bản không tốt đã đành, ở góc độ đạo diễn, tác phẩm cũng không có được đạo diễn có nghề. Một đạo diễn cứng tay sẽ biết cách làm việc để chuyển hóa kịch bản thành một chuỗi sự việc diễn tiến có mạch. Mạch của vở diễn chính là điều mỗi tác giả kịch bản cũng như đạo diễn hướng tới. Cá nhân tôi, trong suốt cuộc đời làm đạo diễn, không mấy khi tôi để nguyên kịch bản cả. Cũng chính vì không có nghề nên hành động không diễn tả đúng chất nhân vật, cũng như không tạo được mối dây liên kết nội dung trong vở diễn.
Xét từng nhân vật thì thấy vai Bác Hồ đóng tốt hơn cả. Đây là nhân vật đã có dấu ấn chất lượng của anh Tiến Hợi. Tạo hình nhân vật Bác Hồ cũng là điều đã được nhiều nghệ sĩ thực hiện nên cũng thuận lợi.
Trong khi đó, tạo hình Đại tướng Võ Nguyên Giáp là điều mới nên việc này vô cùng khó khăn. Về tạo hình này, nhiều người bảo với tôi không có gì giống lắm.
Nhìn chung, vở diễn như một thể lẫn lộn rất giống với chương trình nghệ thuật tổng hợp, chứ hoàn toàn không có chất của một vở diễn sân khấu. Nó không có một cốt truyện rành mạch, không có mâu thuẫn, cũng không đưa được một chủ đề lớn.
Theo VN Express
Ngô Kiến Huy lần đầu đóng kịch Idecaf Học trò ca sĩ Thanh Thảo thử tài diễn xuất qua vai nam chính trong ca kịch "Cuộc chiến sui gia", sắp ra mắt trên sân khấu của "bầu" Huỳnh Anh Tuấn. Cuộc chiến sui gia là vở ca kịch hài hước, vui nhộn... đề cập đến cuộc sống và quan hệ của những đôi vợ chồng. Kịch kể về ông bà sui...