Kịch bản phá dỡ nào dành cho cao ốc 8B Lê Trực?
Sau những sai phạm trong xây dựng của cao ốc số 8B Lê Trực được đưa ra ánh sáng. Dư luận và báo chí đang đặt ra câu hỏi kịch bản nào sẽ được áp dụng để phá dỡ, “cắt ngọn” công trình này?
Trước những sai phạm xung quanh công trình cao ốc số 8B Lê Trực (quận Ba Đình), UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản yêu cầu chủ đầu tư trên tự phá dỡ phần công trình xây dựng sai phép, nếu không sẽ tiến hành cưỡng chế tháo dỡ. Sau khi văn bản này được đưa ra, dư luận và báo chí đang hướng sư quan tâm tới phương án nào sẽ áp dụng để phá dỡ, “cắt ngọn” tòa cao ốc này.
Cao ốc số 8B Lê Trực xây dựng sai phạm nghiêm trọng. Nguồn: Internet
Đã có rất nhiều phương án được đưa ra tranh luận nhưng việc chủ đầu tư áp dụng cách thức nào để tiến hành phá bỏ phần công trình sai phạm vẫn là một câu hỏi lớn. Tuy nhiên, có thể đoán được rằng, nếu như việc dỡ bỏ phần công trình sai phạm này không khéo léo và cẩn thận thì toàn bộ kết cấu công cũng như an toàn của công trình sau khi đưa vào sử dụng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Theo TS Trần Chủng – nguyên Cục trưởng Cục Giám định chất lượng nhà nước về chất lượng xây dựng (Bộ Xây dựng) chia sẻ trên Zing.vn: “Ngoài hạ độ cao 16 m xây vượt, công trình phải cắt khoảng lùi ở các mặt của tòa nhà”. Chính vì vậy, việc phá dỡ tòa nhà số 8B Lê Trực chắc chắn ảnh hưởng đến mặt kết cấu của công trình. Ông Chủng ví von, tòa nhà cũng giống như con người, chặt ngọn không khác gì chặt chân chặt tay, một khi tòa nhà đã “bị thương” nặng như vậy thì những ảnh hưởng kèm theo là điều rất dễ dự đoán.
Bên cạnh đó, khi tiến hành phá dỡ để “cắt ngọn” công trình này, cần phải tính toán kĩ lưỡng để đảm bảo an toàn cho công trình, dân cư xung quanh và một loạt các yếu tố khác liên quan. Cũng theo ông Chủng, các nước trên thế giới hầu như không có việc cắt ngọn công trình mà chỉ có kéo sập, phá hủy toàn bộ tòa nhà bằng thuốc nổ, mìn công nghệ cao, chứ không giống như Việt Nam xây dựng xong lại cắt gọt.
Video đang HOT
Ngoài ra, theo một số ý kiến của các luật sư, trong trường hợp tòa cao ố số 8B Lê Trực bị phá dỡ phần công trình sai phạm thì mọi chi phí phát sinh chủ đầu tư sẽ phải chịu hoàn toàn. Đồng thời, họ phải có trách nhiệm trả lại, hoặc bồi thường cho khách hàng số tiền đã nộp để mua căn hộ đúng hợp đồng giữa hai bên.
Được biết, cao ốc số 8B Lê Trực đã mắc phải nhiều sai phạm nghiêm trọng. Cụ thể, từ tầng 8 (phía đường Trần Phú kéo dài) phải có khoảng lùi khối cao tầng 3,36 m so với khối đế, song chủ đầu tư không thực hiện mà tự ý xây dựng thẳng lên tận mái nhà. Phần giật cấp đầu hồi phía đông theo thiết kế từ độ cao 44 m công trình giật cấp vào 15 m và tại độ cao 50 m, công trình giật cấp tiếp thêm 5,3 m về phía Tây, tuy nhiên chủ đầu tư không tuân theo quy hoạch.
Ngoài ra, theo gấy phép xây dựng được cấp phép, chiều cao công trình đến đỉnh tum thang là 53m nhưng chủ đầu tư tự ý điều chỉnh tăng chiều cao các tầng, xây dựng thêm tầng 19 khiến cho chiều cao thực tế khoảng 69 m, vượt 16 m so với quy định. Diện tích mặt sàn cũng tăng thêm 6.126 m2 so với con số trong giấy tờ xin phép xây dựng công trình lúc ban đầu.
Theo Người Đưa Tin
Kiến nghị xử lý các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm tại dự án 8B Lê Trực
Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo TP.Hà Nội xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ đã để xảy ra vi phạm tại dự án 8B Lê Trực.
Thực hiện sự chỉ đạo của về việc kiểm tra chấp hành các quy định về quản lý quy hoạch kiến trúc và đầu tư xây dựng Dự án Trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở để bán và cho thuê tại 8B phố Lê Trực (tòa nhà 8B Lê Trực), Bộ Xây dựng cho biết đã phối hợp với UBND TP Hà Nội kiểm tra, rà soát quá trình thực hiện dự án.
Trong văn bản báo cáo Thủ tướng và thông tin đến các cơ quan thông tấn báo chí mới đây, Bộ Xây dựng cho biết: Dự án tòa nhà 8B Lê Trực được triển khai theo chủ trương của Nhà nước về việc di dời cơ sở sản xuất trong khu vực nội đô, quá trình thực hiện kéo dài từ năm 2008 cho đến nay, trong đó nhiều lần được điều chỉnh bổ sung theo quyết định của cấp có thẩm quyền cho phù hợp với quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 (có thời điểm dự án phải tạm dừng triển khai).
Dự án Trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở số 8B Lê Trực.
UBND Thành phố Hà Nội đã nghiên cứu, cân nhắc thận trọng, có tiếp thu ý kiến của Bộ Xây dựng trước khi quyết định theo thẩm quyền các chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc của dự án trong mối liên hệ với không gian kiến trúc cảnh quan khu trung tâm chính trị Ba Đình (mặc dù dự án không nằm trong phạm vi đồ án quy hoạch khu trung tâm chính trị Ba Đình).
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, sai phạm của chủ đầu tư tòa nhà 8B Lê Trực trong việc xây dựng công trình sai so với giấy phép được cấp (như đã nêu trong báo cáo số 169/BC-UBND ngày 30/09/2015 của UBND Thành phố Hà Nội) là nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hình dáng công trình và không gian kiến trúc cảnh quan khu vực, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
"Trách nhiệm này thuộc về chủ đầu tư và các cơ quan có chức năng quản lý trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn đã để xảy ra việc xây dựng công trình sai phép của chủ đầu tư", văn bản Bộ Xây dựng nhấn mạnh.
Bộ Xây dựng cho biết, để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng, tránh để xảy ra các trường hợp sai phạm tương tự, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND Thành phố Hà Nội:
Thứ nhất kiên quyết xử lý nghiêm việc xây dựng sai phép đối với chủ đầu tư theo đúng quy định của pháp luật;
Thứ hai xem xét, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn đã để xảy ra vi phạm trong quá trình xây dựng công trình.
Thứ ba có kế hoạch, phương án, tiến độ cụ thể để sớm xử lý dứt điểm các sai phạm tại dự án này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó Sở Xây dựng Hà Nội vừa ban hành văn bản gửi Chủ tịch UBND quận Ba Đình đề nghị xử lý, giám sát chủ đầu tư phá dỡ công trình công trình số 8B Lê Trực.
Cụ thể, Sở Xây dựng đề nghị UBND quận Ba Đình yêu cầu chủ đầu tư lập phương án phá dỡ bộ phận công trình vi phạm gửi UBND quận để chỉ đạo thực hiện. Trong quá trình phá dỡ phải đảm bảo theo các nguyên tắc an toàn cho người và công trình lân cận, vệ sinh môi trường. Việc phá dỡ phải được giám sát chặt chẽ để ngăn chặn những rủi ro có thể xảy ra.
Sở Xây dựng Hà Nội cũng đề nghị UBND quận Ba Đình chỉ đạo UBND phường Điện Biên phối hợp với đội Thanh tra xây dựng quận Ba Đình tiếp tục áp dụng các biện pháp ngăn chặn, đình chỉ thi công tại công trình.
Trong trường hợp chủ đầu tư không trình phương án phá dỡ và thực hiện phá dỡ theo quy định, Sở Xây dựng đề nghị UBND quận Ba Đình ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ, chỉ định tổ chức tư vấn lập phương án phá dỡ, chủ đầu tư phải chịu mọi chi phí.
Đối với trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan để xảy ra vi phạm tại địa chỉ trên, Sở Xây dựng đề nghị UBND quận Ba Đình rà soát, báo cáo kết quả gửi Sở để tổng hợp theo chỉ đạo của UBND thành phố.
Mai Anh
Theo giaoduc