Kịch bản nào cho Syria sau cuộc không kích của Mỹ, Anh, Pháp
Mỹ, Anh và Pháp đã tiến hành cuộc tấn công quân sự nhằm vào chính phủ Syria. Tổng thống Mỹ Donald Trump, tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Anh Theresa May đã lựa chọn mức độ can thiệp quân sự tối thiểu chứ không phải tối đa, chắc chắn không bị thua thiệt nhiều nhất chứ không phải nhằm có được tác động quân sự lớn nhất, tránh rủi ro chứ không mạo hiểm.
Liên quân đã không phát động cuộc chiến tranh mới ở Syria mà chỉ tiến hành một trận không kích bằng tên lửa từ xa, như năm ngoái Mỹ đã hành động ở Syria nhưng với mức độ lớn hơn và nhằm vào nhiều mục tiêu cụ thể hơn.
Họ tránh gây hấn trực tiếp với Nga và Iran ở Syria, tung đòn quân sự nhằm vào chính phủ Syria đồng thời tìm kiếm tác động chính trị của nó đối với Nga và Iran.
Những nước này dẫu rất muốn nhưng không theo đuổi vì biết không thể dùng chiến tranh và sức mạnh quân sự để lật đổ tổng thống Syria Bashir al-Assad và thay đổi chính thể hiện tại ở Syria, nhưng chắc chắn sẽ còn can thiệp quân sự như vừa rồi để không bị gạt ra ngoài tiến trình chính trị mà Nga đang cùng đồng minh vận hành cho tương lai của Syria.
Sau trận không kích vừa rồi, Mỹ và đồng minh sẽ lại chờ dịp có cớ hoặc tạo dựng được cớ khi cần thiết cho lợi ích của họ để lại can thiệp quân sự vào Syria.
Trong thời gian tới, họ sẽ chưa tính đến chuyện tấn công quân sự như vừa rồi mà sẽ tập trung vào cuộc đấu tranh chính trị, ngoại giao và pháp lý với Nga để “hợp pháp hoá” việc sử dụng bạo lực quân sự vừa rồi ở Syria và tạo điều kiện để sẵn sàng lại hành động như vậy trong tương lai.
Ngay sau trận không kích vừa rồi, Mỹ cùng với Anh và Pháp tập hợp đủ lực lượng trong Hội đồng Bảo an LHQ để bác bỏ dự thảo nghị quyết của Nga với nội dung lên án việc tấn công Syria.
Bộ ba này, đi đầu là Pháp, còn chuẩn bị một dự thảo nghị quyết khác để đưa ra Hội Đông Bảo an LHQ với những nội dung mà họ biết chắc chắn rằng sẽ bị Nga phản đối và phủ quyết. Hai phía sẽ còn tiếp tục dền dứ nhau như thế trong thời gian nữa ở diễn đàn LHQ.
Sẽ không có chuyện hai bên nhượng bộ nhau một cách đơn giản và dễ dàng ở khuôn khổ diễn đàn này bởi bản chất cuộc đấu xoay quanh câu trả lời cho câu hỏi ai đúng ai sai trong chuyện vũ khí hoá học ở Syria, từ trước đây cũng như trong chuyện vừa qua để từ đó dẫn dắt đến chuyện đúng hay sai khi tiến hành tấn công quân sự vào chính phủ Syria, sâu xa hơn nữa là đánh giá ông Assad còn xứng đáng hay không thể được chấp nhận nữa trong giải pháp chính trị cho tương lai của Syria.
Đồng thời với cuộc đấu ngoại giao và pháp lý này, phía Mỹ và đồng minh chắc sẽ phải nỗ lực và tìm cách hợp tác với Nga và những đồng minh của Nga bởi càng đối địch với Nga thì sẽ càng khó có được phần trong tiến trình chính trị cho tương lai của Syria.
Video đang HOT
Tuy nhiên, sau những gì xảy ra trong thời gian vừa rồi giữa các nước Phương Tây và Nga, đặc biệt chuyện đầu độc ở Anh và cuộc tấn công vào chính phủ Syria, việc giảm căng thẳng và khôi phục hợp tác giữa hai bên không thể dễ dàng và nhanh chóng được.
Phía Nga và đồng minh cũng phải rút ra cho họ những bài học cần thiết. Họ phải chú ý không chỉ tạo cớ mà còn ngăn cản phía bên kia dựng tạo cớ để lại can thiệp quân sự vào Syria, cản phá tiến trình chính trị mà họ đang vận hành ở Syria.
Họ đồng thời phải thúc đẩy tiến trình này để đạt được kết quả thực chất và cơ bản hơn để nó không thể bị đảo ngược. Đồng thời, họ cũng còn không thể không tính đến và để ngỏ khả năng cho phía bên kia tham gia vào tiến trình này, nhưng chắc chắn chỉ ở mức tham gia chứ không thể cùng dẫn dắt.
Trước mắt, ở Syria sau trận không kích vẫn như trước đó. Nhưng về lâu dài thì sẽ có những chuyển biến quan trọng mới.
Theo Danviet
Vì sao Nga không đáp trả cuộc tấn công của Mỹ và đồng minh tại Syria?
Vài giờ sau khi các tàu chiến và máy bay của Mỹ, Anh, Pháp đồng loạt dội hơn 100 quả tên lửa vào 3 mục tiêu bị nghi là cơ sở vũ khí hóa học tại Syria hôm 14/4, dường như không có dấu hiệu nào cho thấy Nga sẽ tiến hành các biện pháp đáp trả cuộc không kích của Washington và các đồng minh.
Tên lửa vụt sáng trên bầu trời Damascus trong cuộc không kích của Mỹ và các đồng minh hôm 14/4 (Ảnh: AP)
Trong suốt một tuần vừa qua, nhiều quan chức và giới phân tích cho rằng tình hình Syria ngày càng diễn biến phức tạp và đang ở trong tình thế nguy hiểm chưa từng thấy. Họ nói rằng Nga và Mỹ chưa khi nào tiến gần tới nguy cơ xung đột quân sự đến như vậy trong hàng chục năm qua, thậm chí một số ý kiến nhận định đây có thể là nơi bắt đầu cho chiến tranh thế giới thứ 3.
Tuy nhiên, vài giờ sau khi các tàu chiến và máy bay của Mỹ, Anh, Pháp đồng loạt dội hơn 100 quả tên lửa vào 3 mục tiêu bị nghi là cơ sở vũ khí hóa học tại Syria hôm 14/4, dường như không có dấu hiệu nào cho thấy Nga sẽ tiến hành các biện pháp đáp trả cuộc không kích của Mỹ và các đồng minh.
Ngay sau vụ tấn công, Bộ Quốc phòng Nga nhanh chóng tuyên bố nước này không triển khai hệ thống phòng không nào để đánh chặn hỏa lực của Mỹ và các đồng minh. Bộ này nói rằng không có bất cứ tên lửa hành trình nào của quân đội Mỹ và đồng minh xâm nhập vào khu vực phòng không của Nga tại Syria, vốn đang bảo vệ hai căn cứ quan trọng của Nga là Tartus và Hmeymim.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết Syria đã bắn hạ một số tên lửa của đối phương, song Damascus chỉ sử dụng các vũ khí của Syria do Liên Xô trước đây, chứ không phải Nga, sản xuất. Trong khi đó, Đại sứ quán Nga tại Damascus cũng thông báo không có người Nga nào bị thương trong vụ không kích.
"Nga đã được cảnh báo trước về vụ tấn công. Khu vực có các căn cứ quân sự của Nga không hề bị chạm tới. Điều này có nghĩa Mỹ, Anh và Pháp đã nghĩ cách để tránh một cuộc đối đầu quân sự với Nga tại Syria", Sergei Markov, nhà phân tích chính trị Nga, cho biết.
Các quan chức Nga, bao gồm Tổng thống Vladimir Putin, chỉ lên án cuộc tấn công này là hành động gây hấn nhằm vào một quốc gia có chủ quyền với cái cớ vũ khí hóa học. Ông Putin không thông báo bất kỳ kế hoạch đáp trả nào và Moscow cũng chỉ triệu tập một phiên họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Dường như hơn 100 quả tên lửa hành trình vẫn chưa vượt qua "lằn ranh đỏ" để đẩy Nga và phương Tây vào cuộc đối đầu trực diện.
Giới phân tích nhận định
Vị trí 3 mục tiêu bị tấn công tại Syria hôm 14/4 (Ảnh: News.com.au)
Lawrence Korb, cựu trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, nói với Al Jazeera rằng phản ứng của Nga có lẽ cũng chỉ dừng lại ở những lời chỉ trích công khai vì Lầu Năm Góc thực chất không nhắm mục tiêu tới các căn cứ quân sự của Nga tại Syria. Tương tự, Fyodor Lukyanov, biên tập viên của tạp chí Nước Nga trong các Vấn đề toàn cầu, cũng loại trừ khả năng xảy ra xung đột quân sự trực tiếp giữa Nga và Mỹ.
"Đúng như dự tính, mục đích chính (của cuộc không kích) là nhằm phô diễn sức mạnh. Các mục tiêu (tại Syria) được lựa chọn khá cẩn trọng để giữ cho tình hình luôn trong tầm kiểm soát", Lukyanov nói với TASS.
Alexei Malashenko, lãnh đạo phụ trách nghiên cứu tại Viện Đối thoại Văn minh ở Moscow, cũng đưa ra nhận định tương tự.
"Chúng ta không nghe thấy bất kỳ điều gì liên quan tới các cuộc tấn công đáp trả (của Nga). Chủ đề này đã không còn tồn tại nữa. Trên thực tế, mọi người đều tin rằng một cuộc đáp trả bằng quân sự từ phía Nga là không thể, vì điều đó rất nguy hiểm và dẫn tới phản tác dụng", Malashenko nhận định.
Theo Alexander Shumilin, giám đốc Trung tâm Phân tích Xung đột Trung Đông tại Viện nghiên cứu Mỹ và Canada, "các cuộc tấn công đã được nhắm mục tiêu và không gây thiệt hại trực tiếp cho phía Nga cũng như công dân Nga. Các động thái đáp trả có lẽ chỉ dừng lại trên khía cạnh chính trị và tuyên truyền, và đó cũng là những gì đang diễn ra. Không còn gì khác nữa".
"Sẽ còn nhiều lời qua tiếng lại trong vụ việc này, sẽ vẫn còn những tuyên bố nữa nhưng không có hành động cụ thể nào được tiến hành. Và lại một lần nữa, Nga không làm gì cả", Malashenko nhận định.
Về phía Nga, Chủ tịch ủy ban đối ngoại Thượng viện Nga Konstantin Kosachev cũng tiết lộ phản ứng của Nga sau cuộc không kích của Mỹ và các đồng minh.
"Tôi hoàn toàn tin rằng phản ứng của chúng tôi sau vụ việc này sẽ là về pháp lý, chứ không phải quân sự, miễn là các căn cứ quân sự của chúng tôi tại Syria không bị ảnh hưởng", hãng thông tấn RIA Novosti dẫn lời ông Kosachev nói.
Mục đích của Nga
Người dân sơ tán sau cuộc tấn công tại Đông Ghouta hồi tháng 1 (Ảnh: Reuters)
Vào tháng 4/2017, Mỹ từng tiến hành cuộc không kích bằng 59 tên lửa hành trình nhằm vào căn cứ không quân Shayrat của Syria để đáp trả cáo buộc Damascus gây ra vụ tấn công hóa học khiến nhiều người thiệt mạng. Khi đó, ban lãnh đạo Nga đã nhìn nhận cuộc tấn công này của Washington như một giải pháp ít thiệt hại nhất để giúp chính quyền Tổng thống Donald Trump né tránh những vấn đề khó xử lý còn đang tồn đọng trong nước.
Năm nay, Moscow một lần nữa hiểu rằng cuộc không kích của Mỹ nhằm vào Syria không hoàn toàn mang mục đích đáp trả cáo buộc tấn công hóa học mà Washington cho là Damascus thực hiện tại thị trấn Douma hôm 7/4. Cuộc không kích này cũng không nhằm gây ảnh hưởng tới kết quả cuộc xung đột tại Syria hay làm thay đổi cục diện cuộc chiến tại Syria. Đây chỉ đơn thuần là cách để Mỹ phô diễn sức mạnh và là đòn "dằn mặt" của Washington đối với chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad trong bối cảnh quân đội chính phủ Syria đang giành quyền kiểm soát ở nhiều khu vực từng thuộc về tay phe nổi dậy.
Hai ngày trước khi Mỹ và các đồng minh tiến hành cuộc không kích nhằm vào Syria, Yuri Yevtushenko, người đứng đầu Trung tâm của Nga về hòa giải các bên đối địch tại Syria, thông báo quân đội chính phủ Syria đã giành quyền kiểm soát toàn bộ thị trấn Douma, Đông Ghouta - nơi Mỹ cáo buộc chính quyền Syria gây ra vụ tấn công hóa học. Theo ông Yevtushenko, các đơn vị quân cảnh của Nga cũng sẽ được triển khai tới Douma sau khi giải phóng khu vực này khỏi các phần tử khủng bố, từ đó duy trì trật tự và luật pháp trong giai đoạn chuyển giao dưới sự kiểm soát của chính quyền hợp pháp Syria.
Theo nhà phân tích Sergei Markov, Nga thậm chí không cần đáp trả Mỹ bằng đòn tấn công quân sự vì cuộc không kích lần này của Mỹ đã thất bại và có thể coi đó là "âm thanh của tiếng cửa đóng sau cùng khi Mỹ chuẩn bị rút khỏi Syria". Ông Markov, cựu thành viên đảng Nước Nga Thống nhất cầm quyền, nhận định cuộc không kích của Mỹ, Anh, Pháp chính là phản ứng của phương Tây trước vai trò ngày càng tăng của Nga tại Syria cũng như trên thế giới.
"Phương Tây không thể làm bất kỳ điều gì để chống lại (chính quyền Tổng thống Syria) Assad và việc rút lui bằng một cuộc không kích mang tính biểu tượng nhằm giữ thể diện của họ", ông Markov nói.
Thành Đạt
Theo Dantri
Infographic: Điểm lại vụ Mỹ, Anh, Pháp dội bão lửa tấn công Syria Liên quân Mỹ, Anh, Pháp đã dội hơn 100 tên lửa nhằm vào các cơ sở nghiên cứu và nhà kho nghi chứa các chất hóa học của Syria, đáp trả cáo buộc chính quyền Assad tấn công hóa học vào dân thường tuần trước. Theo Danviet