“Kịch bản lừa” từ “chợ” thẻ ATM, CMND cũ
Chắc hẳn với nhiều người, khi đọc những dòng quảng cáo “Thu mua thẻ ATM, chứng minh nhân dân (CMND) với giá cao” trên mạng xã hội sẽ đặt ra câu hỏi: “Mua những thứ đấy để làm gì?” mà không thể ngờ mình đã vô tình tiếp tay cho âm mưu tội phạm.
Dù cho dù người sử dụng thẻ là bất kỳ ai, nhưng người đăng ký sở hữu thẻ vẫn là người phải chịu mọi trách nhiệm nếu số tiền giao dịch bất hợp pháp. Thực tế diễn ra là…
Câu chuyện thực tế
Khi Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an TP.HCM đã phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai bắt giữ 4 đối tượng Bùi Hồ Trúc Giang (SN 1987), Bùi Đức Phương (SN 1983), Lê Thái Xuân (SN 1994) và Trịnh Nguyễn Nhật Cường (SN 1995) để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; khám xét nhà của các đối tượng, cơ quan chức năng thu nhiều tang vật có liên quan đến các băng nhóm giả cảnh sát lừa đảo qua điện thoại.
Tại CQĐT, Bùi Hồ Trúc Giang khai nhận hành vi phạm tội là lập tài khoản trên mạng xã hội Facebook để thu mua các tài khoản ATM của nhiều người, sau đó giao lại cho anh trai mình để bán cho các băng nhóm lừa đảo qua điện thoại do những người Đài Loan, Trung Quốc cầm đầu. Từ đây, các nhóm này chỉ đạo những đồng phạm người Việt Nam dùng thiết bị công nghệ cao gọi điện cho nhiều người “dựng… kịch bản” lừa đảo là giả làm nhân viên tổng đài gọi điện thoại bàn đến báo nợ cước số tiền lớn. Khi chủ nhà thắc mắc sẽ được nhóm này “tinh vi” chuyển đến những cơ quan chức năng do chúng giả dạng.
Đường dây tội phạm thường giả là nhân viên Tòa án, Viện kiểm sát, Công an… để “dọa” nạn nhân rằng họ có liên quan đến những đường dây tội phạm và dẫn dụ họ khai những số tiền đang được gửi tiết kiệm trong ngân hàng. Tiếp đến, nhóm lừa đảo sẽ “thuyết phục” rằng đây là số tiền phi pháp và chủ nhà muốn chứng tỏ trong sạch thì chuyển tiền đến tài khoản của cơ quan điều tra để làm rõ, rồi đưa những số tài khoản mua được cho các nạn nhân. Ngay khi tiền được chuyển, chúng rút ra ngay lập tức. Lê Thái Xuân và Trịnh Nguyễn Nhật Cường khai nhận đã làm và bán thẻ ATM của mình cho Bùi Hồ Trúc Giang với giá 100.000 đồng…
Thẻ ATM – công cụ thu mua để lừa đảo
Và trong nhiều vụ án CQĐT khám phá, bắt giữ các đối tượng lừa đảo, qua khai nhận, thực tế chính chiếc thẻ ATM được thu mua là công cụ để các đối tượng thực hiện trót lọt hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Và những lời đề nghị, lời rao, lời gợi ý mua lại thẻ ATM nhan nhản khắp các diễn đàn, mạng xã hội, đi kèm với đó là đủ thứ lý do để có thể chiêu dụ người khác.
Lên Facebook và tìm kiếm cụm từ: “Mua thẻ ATM Visa và Master”, “Cần mua thẻ ATM”… Tại các trang này hiện rõ lời rao: “Hiện nay đang có nhu cầu mua một số lượng thẻ rút tiền loại của ACB, Eximbank hoặc một số ngân hàng khác, loại thẻ Visa hoặc Master, giá mỗi thẻ là 100.000 đồng/thẻ. Nếu bạn có nhu cầu hãy để lại phản hồi, nhắn tin hoặc gọi vào số 016265xxxx…”.
Tại trang Facebook “Cần mua thẻ ATM” cũng xuất hiện ngay những chủ tài khoản “ký sinh” với lời gợi ý: “Cần mua thẻ ATM giá cao từ 500.000 đến 1 triệu đồng”… Thật bất ngờ khi số lượng người quan tâm đến nội dung này lên đến hàng nghìn like (thích) và hàng trăm phản hồi, liên lạc để bán lại thẻ: giá cả, ở tỉnh thành nào, giao dịch tại đâu… rất nhộn nhịp, người thì có 3 thẻ ATM, người thì có 5 thẻ ATM được “điểm danh” ở tất cả các ngân hàng. Có người nhắn: “Mình có 2 thẻ ATM không sử dụng, giá cả thế nào?”; “Mình có vài thẻ ATM vẫn chưa đổi mã pin; có nhu cầu thì liên hệ để mua lại nhé”; “Tôi có thẻ mà không sử dụng, để không cũng phí, thôi thì bán đi lại được tiền”.
Thực tế thẻ ATM hiện rất phổ biến và được đông đảo người dùng một cách rộng rãi, trong đó tập trung rất nhiều ở giới trẻ; và cũng có người làm thẻ nhưng chẳng bao giờ sử dụng. Lợi dụng điều này, một số kẻ lừa đảo tìm mua lại thẻ ATM của bất kỳ ngân hàng nào không dùng đến, thẻ không có tiền trong tài khoản, thẻ chưa được kích hoạt (đổi mã pin) càng tiện để thực hiện hành vi lừa đảo.
Đối tượng thu mua thẻ ATM thường “nhắm” đến các bạn sinh viên, những người chưa có nhiều kiến thức về các hành vi lừa đảo tài chính, cần tiền thấy được giá nên bán thẻ ATM chưa hoặc không còn dùng đến.
Video đang HOT
Ngoài mạng xã hội Facebook thì rất nhiều diễn đàn cũng ẩn hiện các lời rao gợi ý mua lại thẻ ATM mọi người không có nhu cầu sử dụng, hay chỉ còn 50.000 đồng tiền duy trì thẻ với mức giá đề nghị mua dao động từ 100.000 đồng đến 1 triệu đồng/thẻ ATM. Với những người có thẻ ATM và có ý định bán đi nhưng đang còn thắc mắc: “Không biết bán thẻ đi có ảnh hưởng gì đến bản thân không” thì người mua lập tức trấn an bằng cách khẳng định: “Đảm bảo là sẽ không có liên quan gì đến chủ thẻ cả”…
Dễ dàng trong việc làm thẻ ATM
Là điều kiện để tội phạm lợi dụng đơn giản bởi các ngân hàng luôn mong muốn thu hút khách hàng tham gia mở thẻ; có ngân hàng chỉ cần xuất trình CMND bản gốc, nộp bản photo CMND cùng lệ phí là bất kỳ ai cũng có thể sở hữu tấm thẻ ATM một cách nhanh chóng – tiện lợi – chi phí thấp. Và khâu kiểm tra CMND hoàn toàn thủ công, phụ thuộc vào cảm quan của nhân viên ngân hàng là kẽ hở để đối tượng phạm tội lợi dụng.
Ngoài việc thu mua thẻ ATM trên mạng, có thời điểm cũng có khá nhiều lời rao mua CMND, rồi có cả đường dây cho thuê CMND; ngoài ra với công nghệ hiện đại như hiện nay, bọn tội phạm cũng không quá khó để làm giả CMND mà với mắt thường của nhân viên ngân hàng khó có thể phát hiện ra mà phải có công cụ hỗ trợ đặc biệt.
Với những CMND thu mua được, đối tượng phạm tội có thể tách ảnh, chèn ảnh rồi sử dụng thiết bị ép lại và thản nhiên đi làm thẻ ATM dưới một lý lịch khác. Mỗi giấy tờ giả lọt là xuất hiện một chiếc thẻ ATM dưới một địa chỉ “ma”, sau đó những chiếc thẻ ATM trở thành công cụ nhận, chuyển, rút và chiếm đoạt tiền lừa đảo của nhiều người bị hại.
Mới đây nhất ngày 30-4-2015, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an TP.HCM đã tiến hành bắt, khám xét khẩn cấp với Võ Quốc Phương (22 tuổi), ở tỉnh Quảng Nam và Phạm Quốc Dũng (26 tuổi), ở tỉnh Quảng Ngãi về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Kết quả điều tra cho thấy, băng nhóm do Lê Văn Pháp, Nguyễn Thị Phương, Phạm Nguyễn Minh Tài, cùng ở huyện Duy Xuyên tỉnh Quảng Nam đã sử dụng 1 website để lừa đảo thông qua việc nhắn tin trúng thưởng. Và Võ Quốc Phương là 1 trong những đối tượng cung cấp tài khoản thẻ ATM cho nhóm của Lê Văn Pháp sử dụng làm công cụ để chiếm đoạt tiền lửa đảo.
Tại CQĐT, Nguyễn Thị Phương khai nhận đã 3 lần cung cấp thẻ ATM cho Lê Văn Pháp. Thủ đoạn của các đối tượng là gửi tin nhắn trên điện thoại đi động đến nhiều người thông báo họ đã trúng thưởng, yêu cầu phải nạp thẻ cào điện thoại và chuyển tiền đóng phí vận chuyển quả tặng, phí tổ chức lễ trao thưởng qua những tài khoản được chỉ định, sau đó lập tức rút ra chiếm đoạt.
Tương tự, Phạm Quốc Dũng cũng đi thu gom thẻ ATM rồi cung cấp số lượng lớn cho nhóm đối tượng thực hiện hành vi phạm tội. Trước đó, ngày 4-3-2015, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Ninh Thuận đã bắt quả tang đối tượng Nicolas Nguyễn (SN 1984) sử dụng thẻ ATM giả rút tiền. Kiểm tra người đối tượng, lực lượng chức năng thu giữ 13 thẻ ATM giả các loại, khám xét khẩn cấp nơi ở thu giữ thêm 3 thẻ ATM…
Không tiếp tay cho tội phạm
Dịch vụ thanh toán bằng thẻ ATM ngày càng phổ biến, công nghệ lấy cắp thông tin rồi làm thẻ giả để rút tiền của bọn tội phạm cũng rất tinh vi; cộng thêm việc bằng nhiều cách để thu mua, sản xuất, làm thẻ ATM, nên số vụ việc liên quan tới thẻ ATM đã được phát hiện, khám phá tại Việt Nam, trong đó tội phạm gồm cả người nước ngoài và người Việt Nam vẫn diễn ra.
Những thủ đoạn phổ biến của tội phạm là: Làm giả thẻ ATM, dùng các website giả hoặc giả mạo nhân viên ngân hàng gửi mail yêu cầu chủ thẻ cung cấp thông tin, hoặc gắn các thiết bị đọc băng từ của thẻ trên các máy ATM để lấy thông tin của người dùng, sau đó chuyển sang thẻ trắng rồi thực hiện lấy tiền trong tài khoản; hoặc giả danh cảnh sát nói với nạn nhân rằng tiền trong tài khoản tiết kiệm là tiền phi pháp, đối tượng yêu cầu nạn nhân gửi tiền vào tài khoản ATM để điều tra thực tế là chuyển tiền vào chính thẻ ATM thu mua hoặc làm giả mà đối tượng đang sở hữu, khi nhận được tiền, đối tượng lập tức rút ra mà nạn nhân vẫn nghĩ rằng CQĐT đang điều tra để chứng minh bản thân không phạm pháp. Không ít vụ khi lực lượng chức năng vào cuộc điều tra thì chủ thẻ lại là những người đã bán thẻ ATM của mình cho người khác với giá vài trăm nghìn đồng.
Lực lượng chức năng khuyến cáo người dân cần cảnh giác với những đề nghị thu mua thẻ ATM, CMND trên mạng; không tiếp tay cho tội phạm qua việc mở tài khoản ATM hộ hoặc mua bán các loại thẻ ATM của mình cho người khác để ngăn chặn hành vi phạm tội đồng thời là tránh rủi ro cho bản thân. Có thể người dân chưa hiểu hết chiêu trò tinh vi của bọn tội phạm nhưng bất cứ những thứ gì mang tên chủ sở hữu, do bản thân quản lý thì không tùy tiện bán cho người lạ. Nếu như không có nhu cầu sử dụng thì liên hệ ngân hàng hủy hoặc khóa thẻ, chứ tuyệt đối không bán lại thẻ ATM.
Ở một khía cạnh khác, không ít người với suy nghĩ không dùng thẻ ATM thì bán, vừa có tiền mà chẳng ảnh hưởng đến ai mà không hề biết mọi giao dịch nộp tiền, rút tiền bất hợp pháp, có dấu hiệu rửa tiền thì dù người cầm thẻ là ai, nhưng người sở hữu thẻ – là người đăng ký vẫn là người phải chịu trách nhiệm nếu số tiền giao dịch bất hợp pháp. Thẻ ATM của người nào đăng ký thì chính là tài sản của người đó. Lợi dụng điều này, những đối tượng nhằm thực hiện hành vi phạm tội thường mua lại thẻ ATM để thực hiện các giao dịch bất chính.
Chính vì vậy tuyệt đối không bán thẻ ATM được làm ra với mục đích giao dịch thông qua ngân hàng mà chủ sở hữu thẻ đã đăng ký. Dù có sử dụng thẻ hay không, trên thực tế, thẻ đó đã được cấp cho chính người đăng ký. Khi thẻ ATM có dấu hiệu chuyển tiền, giao dịch bất hợp pháp thì chủ thẻ phải chịu trách nhiệm. Nếu cơ quan chức năng phát hiện thì cũng chỉ truy tìm chủ thẻ chứ khó thể biết ai là người trực tiếp thực hiện giao dịch.
Theo Quân.Trần
An ninh thủ đô
Vì sao nhiều người "nhẹ dạ" ảo mộng "trúng thưởng"
Các đối tượng lừa đảo tự lập nên những trang web "ảo" với tên miền na ná tổng đài. Sau đó, chúng tung ra vô số tin nhắn trúng thưởng đến người sử dụng mạng xã hội.
Cảnh báo bằng thừa
Nhóm lừa đảo qua zalo mới nhất vừa bị Phòng CS ĐTTP về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) CA TP HCM bắt giữ gồm: Lê Văn Pháp, SN 1990, Nguyễn Minh Tài, SN 1994 và Nguyễn Thị Phương, SN 1996, cùng trú tại thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.
Trong đường dây này, Pháp được xác định là "thủ lĩnh" trực tiếp chỉ đạo mọi hoạt động của đồng bọn. Hai nhân vật còn lại đóng vai trò như những mắt xích quan trọng hỗ trợ "đại ca".
Nhóm siêu lừa tại CQĐT.
Để có thể dẫn dụ được "con mồi", nhóm "siêu lừa" lập nên nhiều trang web với tên miền "ăn cắp bản quyền" từ tổng đài zalo do Cty Venagame quản lý. Chính các trang web: tongdaizalo.tk, trangchuzalo.vn đóng vai trò như "bức bình phong" che chắn, đánh lạc hướng người sử dụng. Nắm tâm lý mong muốn được nhận quà, các chương trình khuyến mại từ bộ phận chăm sóc khách hàng của nhà mạng, Pháp đã chỉ đạo đàn em lên kế hoạch lừa đảo.
Chúng tự ý trưng ra các giải thưởng khuyến mại vô cùng hấp dẫn như xe SH, Liberty, điện thoại iPhone 5S... hay tiền mặt lên tới 50, 100 triệu đồng... Để củng cố "uy tín", chúng thường đăng kèm theo muôn vàn lý do như: tuần lễ tri ân khách hàng, ngày kỷ niệm thành lập zalo... Và chính chiếc "bánh vẽ" hào nhoáng đã hạ gục nhiều người sử dụng.
Ban đầu, nhóm đối tượng sử dụng mạng phát tán hàng nghìn tin nhắn báo trúng thưởng đến người sử dụng trên khắp cả nước. Sau đó, là công đoạn chờ tín hiệu trả lời. Chỉ cần vị khách hàng nào đó tò mò, hồi âm trở lại họ rất có thể bị nhóm của Pháp biến thành "chú cừu non ngoan ngoãn".
Thủ đoạn mà nhóm "siêu lừa" tiến hành vốn không có gì xa lạ, thậm chí nó còn được xem là "bổn cũ soạn lại". Nhưng chẳng hiểu vì lý do gì trong khoảng thời gian ngắn rất nhiều người sử dụng zalo đã "ngoan ngoãn" tin và làm theo. Từ những thông tin trả lời của người bị hại, nhóm lừa đảo bắt đầu chậm rãi tiến hành công cuộc "săn bắt" quen thuộc. Và rồi khi lọt vào mê cung giải thưởng ảo của Pháp, khó có nạn nhân nào có thể thoát ra được.
Theo ghi nhận, trước khí bị đánh sập số tiền mà nhóm Pháp chiếm đoạt lên đến hàng trăm triệu đồng. Câu hỏi được đặt ra là tại sao lại có nhiều người cả tin đến tội nghiệp như vậy? Tại sao báo đài, các phương tiện thông tin đại chúng liên tục khuyến cáo người sử dụng mạng xã hội nên cẩn trọng trước các hình thức lừa đảo tinh vi... vậy mà số người bị hại vẫn tăng lên theo thời gian.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, một nạn nhân bị Pháp lừa đảo thổ lộ: "Ban đầu tôi cũng không tin lắm từ tin nhắn trúng thưởng. Nhưng sau quá trình tò mò kiểm tra tôi thấy nó được gửi đến từ tổng đài zalo có địa chỉ, trang web cụ thể. Tôi gọi điện kiểm tra thì phía bên kia trả lời rành rọt, khoa học vả lại đang tự nhiên có cơ hội trúng số tiền lớn nên tôi nhất thời quên đi mối nghi ngại. Sau này biết bị lừa vì xấu hổ tôi đành "ngậm bồ hòn làm ngọt", chính sự im lặng của tôi làm nhiều người khác sập bẫy".
Chuyển tiền để nhận... lời hứa vỗ cánh bay
Băng nhóm lừa đảo chuyên nghiệp của Pháp bị đánh sập khi liên tục có rất nhiều người bị hại nhận ra bản chất vấn đề và thông báo tình hình lên CQĐT. Nhận thấy đây là một loại tội phạm nguy hiểm, có tổ chức, hoạt động tinh vi, lực lượng PC46 đã lập tức vào cuộc điều tra. Bằng các phương pháp nghiệp vụ xuất sắc, CQCA nhanh chóng giải mã các tên miền tongdaizalo.tk, trangchuzalo.vn cũng như tài khoản zalo tham gia đường dây.
Danh tính Pháp, Tài, Phương bị đưa ra ánh sáng. Các đối tượng bị triệu tập phục vụ quá trình điều tra. Sau thời gian quanh co chối tội, đường dây "siêu lừa" buộc phải cúi đầu thừa nhận hành vi. Các đối tượng khai báo rằng do sử dụng mạng zalo đã lâu và nhận thấy có thể qua đó nhắn tin lừa đảo trục lợi. Ban đầu phạm vi hoạt động của chúng hạn hẹp, số tiền kiếm được theo đó cũng nhỏ giọt nhưng do nhận ra tiềm năng to lớn từ các "con mồi" mới mở rộng quy mô ra khắp cả nước.
Khi bị bắt giữ, kẻ cầm đầu Lê Văn Pháp được xác định đã từng mang hai tiền án "cướp tài sản" và "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", thụ án hơn 30 tháng tù giam. Với bản chiến tích một thời "ngang dọc" gã dễ dàng thu phục được 2 tay "đàn em" đồng hương tin cậy hoạt động dưới trướng.
Tên cầm đầu ngoài việc quản lý trang web, phát tán tinh nhắn còn sắm vai nhân viên chăm sóc khách hàng, hướng dẫn họ thao tác trên trang web giả mạo. Trong hệ thống "nữ quái" Phương chính là người yêu của tay "thủ lĩnh". Thị thủ vai những khách hàng đã từng trúng thưởng nhằm tạo dựng niềm tin cho con mồi. Tài làm nhiệm vụ cung cấp tài khoản ngân hàng, thẻ ATM sau đó rút tiền đưa cho đại ca. Sự kết hợp ăn ý giữa Pháp, Tài, Phương đã tạo ra một đường dây lừa đảo chuyên nghiệp khiến rất nhiều người sử dụng zalo ngoan ngoãn dâng tiền cho chúng.
Thế nhưng, lưới trời lồng lộng, dù Pháp và đồng bọn có ma mãnh, khôn ngoan đến đâu cũng không thể qua mặt được CQĐT. Chính nạn nhân bị chúng lừa đảo với số tiền gần như lớn nhất đã mạnh dạn đứng ra nói lên sự thật. Chị tên N.T.N.D, SN 1986, trú tại quận 12, TP HCM. Khai báo tại CQCA chị D cho biết, ngày 8/3 vừa qua, chị nhận được tin nhắn từ zalo "bạn đã nhận được giải nhất chương trình tri ân khách hàng, giải thưởng gồm xe SH125i và phiếu quà tặng trị giá 100 triệu đồng, muốn nhận giải hãy truy cập trang web: www.trangchuzalo.vn để hoàn tất thủ tục".
Chị D dù "bán tín bán nghi" nhưng vì tò mò và hoa mắt vì món tiền thưởng quá hời nên vẫn quyết định truy cập vào trang web. Tại đây, chị gần như bị hạ gục hoàn toàn bởi tính chuyên nghiệp từ trang mạng, mọi thông tin về chương trình tri ân khách hàng đều được đăng tải đầy đủ, chi tiết. Người phụ nữ cả tin gọi điện vào số đường dây nóng thì bắt gặp giọng nói "ngọt như mía lùi" từ chàng trai "chăm sóc khách hàng" của "công ty". Sau hồi trao đổi, chị D chắc bẩm mình sắp có được khối tài sản khổng lồ từ trên trời rơi xuống và sẵn sàng làm theo hướng dẫn của bọn lừa đảo.
Ban đầu, chị được yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản để thực hiện việc đăng ký hồ sơ nhận giải, chỉ ít ngày sau người phụ nữ này thật thà đóng thêm phí trước bạ xe máy, rồi phí vận chuyển... Sau năm lần bảy lượt đóng phí với số tiền hàng chục triệu đồng nhưng chị D vẫn không thấy phần thưởng của mình xuất hiện. Chị cố gắng liên lạc trở lại chỉ nhận được lời hứa có cánh. Lúc này, người phụ nữ mới tỉnh ngộ, biết mình bị lừa, chị quyết định đem sự việc tố cáo lên CQĐT. Từ đơn thư tố cáo của chị D và hàng chục lá đơn trước đó về cùng một nhóm lừa đảo, lực lượng PC46 đã xuất sắc đánh sập căn cứ lừa đảo chuyên nghiệp này.
Điều hành hoạt động từ... tiệm internet Theo ghi nhận từ CQĐT, trái ngược với sự đầu tư chuyên môn, kiến thức công nghệ thông tin vững chắc của các băng nhóm hoạt động lừa đảo qua mạng trước đó, "thủ lĩnh" Lê Văn Pháp điều khiển đường dây của mình từ hầu khắp các tiệm internet trên khu vực lưu trú. Gã trai chỉ bỏ ra vài trăm nghìn đồng mua tên miền đăng ký "lậu" sau đó tự "vẽ" ra hàng chục phần thưởng có giá trị đánh lừa người sử dụng.
Tô Hiển
Theo_Người Đưa Tin
Xử vụ nghe lén hơn 14.000 thuê bao di động: 7 đối tượng lĩnh án Thông qua việc đưa thông tin trái phép lên mạng máy tính, mạng Internet, mạng viễn thông, từ tháng 8/2013 - 6/2014, Nguyễn Việt Hùng cùng các nhân viên đã thu lời bất chính gần 1 tỷ đồng, gây hoang mang, lo lắng cho người sử dụng điện thoại. Nghe lén điện thoại, Phó Giám đốc Nguyễn Việt Hùng cùng các nhân viên...