Kịch bản lừa đảo của người phụ nữ mê cờ bạc online
Số tiền lừa đảo 14,5 tỷ đồng được Lê Thị Hiền dùng để tiêu xài và nướng vào sòng bài online “số đỏ”.
Ngày 26/11, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Lê Thị Hiền (SN 1991, trú tại phường Đông Vĩnh, thành phố Vinh, Nghệ An) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Hiền vốn là quản lý cấp phòng của một công ty hoạt động trong lĩnh vực tổ chức du học tại Nghệ An. Mặc dù có công việc ổn định, thu nhập khá nhưng người phụ nữ này lại có máu đỏ đen. Để có tiền đánh bạc, Hiền nảy sinh ý định lừa đảo tài sản.
Hiền rủ nhiều người góp tiền để làm dịch vụ “chứng minh tài chính”, ký quỹ mở công ty du học với hứa hẹn hấp dẫn về tiền lãi.
Người phụ nữ này lập giả Zalo của quản lý một công ty chuyên về xuất khẩu lao động, du học ở Hà Nội, nhắn tới Zalo khác của mình, thể hiện nội dung Hiền đang hợp tác với công ty này để tạo dựng sự tin tưởng của mọi người.
Bị cáo Lê Thị Hiền tại phiên tòa sơ thẩm (Ảnh: Hoàng Lam).
Video đang HOT
Từ ngày 5/1 đến 26/6/2023, vợ chồng anh V.M.T. (trú tại thành phố Vinh) đã nhiều lần chuyển tổng cộng hơn 31 tỷ đồng để hợp tác với Hiền trong lĩnh vực dịch vụ “chứng minh tài chính” cho người có nhu cầu đi du học, lao động ở nước ngoài.
Hiền trả lợi nhuận hàng ngày cho vợ chồng anh T. rất cao, đồng thời cho phép vợ chồng này linh hoạt trong việc rút tiền góp. Chỉ trong vòng 6 tháng, vợ chồng anh T. được Hiền trả 2,6 tỷ đồng tiền lãi, đồng thời được rút về 19 tỷ đồng tiền gốc.
Đến tháng 7/2023, anh T. yêu cầu rút 9,3 tỷ đồng vốn góp còn lại nhưng Hiền lần lữa không trả. Không đòi được tiền, anh T. đã có đơn tố giác hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người phụ nữ này đến cơ quan công an.
Công an vào cuộc điều tra, phát hiện Lê Thị Hiền còn thực hiện hàng loạt vụ lừa đảo khác. Trong đó, Hiền lừa anh N.Đ.T. (bạn học cấp 3, đang làm việc ở Hàn Quốc) hơn 2,8 tỷ đồng góp vốn mở công ty tư vấn du học và làm dịch vụ “chứng minh tài chính”.
Với thủ đoạn tương tự, người phụ nữ này chiếm đoạt của chị N.T.T. (trú tại thành phố Vinh) 700 triệu đồng, chiếm đoạt của anh N.C.H. (trú tại huyện Anh Sơn, Nghệ An) 176 triệu đồng.
Ngoài ra, Lê Thị Hiền hứa hẹn đưa người sang Hàn Quốc thăm thân, đi lao động để chiếm đoạt của 7 người dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An gần 1,5 tỷ đồng.
Cơ quan chức năng xác định, Lê Thị Hiền đã thực hiện 11 vụ lừa đảo, chiếm đoạt của các nạn nhân hơn 14,5 tỷ đồng.
Tại phiên tòa, bị cáo Hiền thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố. Số tiền chiếm đoạt, một phần bị cáo dùng để chi trả các khoản tiêu xài cá nhân, còn phần lớn dùng để đánh bạc trên mạng và thua sạch.
Bị cáo Hiền cho biết bản thân rất hối hận vì hành vi phạm tội của mình. Nữ bị cáo mong muốn nhận được sự khoan hồng của pháp luật để sớm trở về, cố gắng làm lụng để trả tiền cho các nạn nhân cũng như bù đắp cho những tổn thương mà mình gây ra cho người thân trong gia đình.
Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm nhận định bị cáo phạm tội nhiều lần, số tiền chiếm đoạt lớn, do vậy đã tuyên phạt Lê Thị Hiền tù chung thân. Tòa cũng buộc bị cáo Hiền phải bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt cho các bị hại.
Đánh tráo "sổ đỏ" lĩnh 25 năm tù
Ngày 25/10, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Vũ Quý Lãm (SN 1986, trú tại xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) và tuyên phạt bị cáo 25 năm tù về hai tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Làm giả giấy tờ, con dấu của cơ quan tổ chức".
Theo bản án sơ thẩm, Lãm cầm đầu nhóm đối tượng chuyên đánh tráo "sổ đỏ" giả lấy "sổ đỏ" thật, sau đó mang đi cầm cố hoặc bán cho người khác lấy tiền chia nhau. Tổng cộng, Lãm cùng đồng bọn đã chiếm đoạt được gần 23 tỷ đồng.
Liên quan đến hành vi phạm tội của bị cáo Lãm, tháng 5/2022, 11 đối tượng khác trong đường dây phạm tội của Lãm đã bị TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử và phải nhận những mức án nghiêm khắc về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức". Thời điểm đó, do Lãm đang bỏ trốn nên cơ quan điều tra đã tách rút tài liệu liên quan đến Lãm để xử lý sau.
Các đối tượng trong đường dây của Lãm gồm: Nguyễn Mạnh Cường (SN 1986), Nguyễn Thị Hậu (SN 1969), Lưu Thị Lượng (SN 1957), Vũ Xuân Thắng (SN 1976), Nguyễn Đình Kiêu (SN 1958), Dương Thị Hòa (SN 1972), đều ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Nguyễn Thị Phúc (SN 1970, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), Ngô Thị Bạch Vân (SN 1950), Lê Thu Thảo (SN 1974) đều ở quận Ba Đình (Hà Nội) và Phạm Văn Đồng (SN 1990, ở huyện Hoài Đức, Hà Nội) và Đinh Đức Hiệp (SN 1953, quê Vĩnh Phúc).
Bị cáo Lãm tại phiên tòa ngày 25/10.
Thông qua các trang web mua, bán bất động sản, Lãm tìm hiểu thông tin về chủ đất rồi liên hệ, giả là người mua đất. Lãm lấy tên giả là Hoàng, yêu cầu chủ nhà chụp ảnh "sổ đỏ", rồi gửi cho Lãm xem. Sau đó, lợi dụng sơ hở của chủ nhà, Lãm đánh tráo "sổ đỏ" giả để lấy "sổ đỏ" thật. Có trong tay "sổ đỏ" thật, Lãm phân công đồng bọn làm giả giấy tờ tùy thân của chủ nhà, giả danh chủ nhà ký hợp đồng chuyển nhượng cho người khác để chiếm đoạt tiền... Bằng thủ đoạn nêu trên, Lãm và đồng bọn đã thực hiện 11 vụ chiếm đoạt tiền.
Trong các nạn nhân của Lãm có vợ chồng anh Lý Văn V (SN 1980, ở Hà Nội) bị chiếm đoạt 3,2 tỷ đồng khi mua nhà đất của ông Lê Đức Lương (SN 1959, ở Hà Nội). Theo đó, khoảng đầu tháng 7/2019, ông Lương nhờ người rao bán thửa đất tại khu Hồ Cầu Đuống, thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm, Hà Nội trên mạng Internet.
Các bị cáo đồng phạm với bị cáo Lãm đã bị TAND TP Hà Nội xét xử tháng 5/2022.
Nhóm Lãm dò hỏi và lấy được thông tin liên quan đến thửa đất này rồi làm giả "sổ đỏ" mang tên ông Lương. Tiếp đó, nhóm Lãm hẹn chủ nhà đến quán cà phê để nói chuyện. Tại đây, đại diện của ông Lương cho nhóm Lãm xem "sổ đỏ" thật. Lợi dụng lúc người này sơ hở, nhóm Lãm đã đánh tráo "sổ đỏ" giả lấy sổ thật. Thời gian sau, nhóm Lãm thuê người giả danh ông Lương để làm giả các giấy tờ tùy thân gồm CMND, sổ hộ khẩu và các giấy tờ khác. Thời điểm này, do có nhu cầu mua đất nên vợ chồng anh V đã liên hệ với nhóm Lãm để hỏi mua đất. Hai bên thỏa thuận, giá bán đất là 3,2 tỷ đồng.
Theo hướng dẫn của Lãm, đối tượng giả danh ông Lương đến nhà anh V ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất. Sau đó, vợ chồng anh V đã thanh toán đủ số tiền trên cho nhóm Lãm.
Ngày 3/1/2020, vợ chồng anh V mang "sổ đỏ" đưa đến Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội, tại huyện Gia Lâm làm thủ tục sang tên thì mới biết nhà ông Lương có đơn đề nghị tạm thời ngừng giao dịch thửa đất trên.
Cũng với thủ đoạn tương tự, nhóm Lãm còn mang "sổ đỏ" thế chấp, chiếm đoạt tiền tỷ của ngân hàng.
Xét xử đại án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Các bị cáo đều nhận tội và xin giảm nhẹ hình phạt Sáng 7/10, phiên tòa xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan cùng 33 đồng phạm trong đại án Trương Mỹ Lan - Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2 tiếp tục phần tranh luận. Trước đó trong phần luận tội, đại diện VKSND TP Hồ Chí Minh đã nêu quan điểm và đề nghị HĐXX tuyên phạt mức án đối với 34 bị cáo,...