Kịch bản đối đầu hạt nhân ‘như trong phim’ giữa Nga Mỹ
Theo Russia Insider, khi cuộc tấn công mạng ngày càng phổ biến, quan hệ giữa cường quốc hạt nhân Nga – Mỹ ngày càng căng thẳng, nguy cơ chiến tranh hạt nhân là có thể xảy ra.
Nga – Mỹ sẽ xảy ra chiến tranh hạt nhân?
Trong vài năm qua, có sự gia tăng đáng báo động hai xu hướng đáng lo ngại. Đó là số lượng các cuộc tấn công mạng vào các cơ sở hạ tầng quan trọng ngày càng tăng trên phạm vi toàn cầu và khả năng trở lại bất ngờ của Chiến tranh Lạnh, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ – Nga đang ngày càng mâu thuẫn về tình hình Ukraine.
Nếu một trong hai xu hướng trên tiếp tục phát triển, nhân loại sẽ phải đối mặt với mối đe dọa vô cùng lớn đó là chiến tranh hạt nhân, khi các siêu cường thật sự đối đầu với nhau.
Video đang HOT
Ít nhất đó là ý kiến của hai chỉ huy quân sự cấp cao của Mỹ và Nga là tướng James Cartwright – cựu phó Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ và Vladimir Dvorkin – Thiếu tướng về hưu, cựu Giám đốc Viện nghiên cứu của Lực lượng tên lửa chiến lược Nga. Cả hai đều là thành viên của Ủy ban Giảm nhẹ Rủi ro Hạt nhân Toàn cầu và đều rất quan tâm đến tương lai của thế giới với khả năng hạt nhân hiện tại của Nga và Mỹ.
Cả hai đều từng cảnh báo trên chuyên mục phân tích và phê bình của tờ New York Times về khả năng xảy ra đối đầu hạt nhân. Theo đó, họ kêu gọi Moscow và Washington kiềm chế những hành động đối đầu hay khiêu khích.
Hai vị tướng cho biết, những sai lầm (lỗi máy tính) hay những hành động khiêu khích có thể kích động một thảm họa toàn cầu.
Nguy cơ tấn công mạng nhằm vào các hệ thống vũ khí hạt nhân không phải là điều không thế xảy ra.
Các hệ thống thông tin vi tính đã được cài đặt sẵn nên khả năng xảy ra sai lầm đã được giảm thiểu. Tuy nhiên, sự xuất hiện các cuộc tấn công mạng ngày càng tinh vi đã làm tăng nguy cơ các hệ thống cảnh báo sớm sẽ bị xâm nhập dẫn đến những cảnh báo sai.
Ngay cả khi Nga và Mỹ có thể cùng ngồi và thảo luận để tìm ra các biện pháp giải quyết xung đột bằng ngoại giao thì một cuộc tấn công hạt nhân vẫn có thể xảy ra nếu như một tin tặc xâm nhập được vào hệ thống phóng vũ khí hạt nhân của Mỹ hoặc Nga và khởi động bắn. Từ đó dẫn đến các cuộc đáp trả hạt nhân giữa hai bên. Giả thuyết này đang có khả năng xảy ra rất lớn với tình trạng tấn công mạng mạnh mẽ hiện nay.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Putin đều sai lầm khi cho rằng họ đang kiềm chế được khủng hoảng Ukraine?
Bên cạnh những lỗi nguy hiểm trên các hệ thống máy tính, mối quan hệ căng thẳng gần đây giữa Nga và Mỹ về Ukraine cũng rất đáng lo ngại.
Cuộc khủng hoảng Ukraine đã gây tổn hại nặng nề quan hệ giữa Nga và phương Tây. Những mối đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân đã xuất hiện cùng với đó. Tháng trước, các phương tiện truyền thông đưa tin, trong cuộc khủng hoảng tại Crimea hồi năm ngoái, các quan chức quốc phòng Nga đã kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin xem xét đặt kho vũ khí hạt nhân vào tình trạng báo động.
Gần đây nhất, ông Mikhail Ulyanov, người đứng đầu cơ quan kiểm soát vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Nga cũng khẳng định Nga có quyền triển khai vũ khí hạt nhân tại bán đảo Crimea.
Trong khi đó, hôm 22/4, tạp chí National Interest của Mỹ dẫn lời hai chuyên gia về quan hệ quốc tế là ông Graham Allison, chuyên gia hạt nhân thuộc Đại học Harvard Kennedy và ông Dimitri K. Simes thuộc Viện nghiên cứu Chính sách đa quốc gia có trụ sở tại Mỹ, cho rằng Mỹ và Nga đang vô tình ngã vào một cuộc đối đầu sâu hơn và thậm chí có thể dẫn đến chiến tranh.
Họ cho rằng, mặc dù lãnh đạo hai nước không có ý định leo thang những bất đồng về Ukraine, nhưng mọi việc đang diễn biến theo chiều ngược lại.
“Mặc dù họ nói rằng không muốn đối đầu, nhưng họ đang cố chiến thắng mà không cần chiến tranh và cả hai bên đều không muốn thỏa hiệp”, ông Simes nói.
Ông nhận định, Tổng thống Putin và Obama đểu cho rằng họ đang kiềm chế cuộc khủng hoảng Ukraine nhưng thật ra không phải như vậy. Cả hai chuyên gia Simes và Allison đều cảnh báo rằng, không nên coi thường khả năng sẽ xảy ra đối đầu hạt nhân giữa Nga và Mỹ.
Theo Tri Thức