Kịch bản cuộc gặp của sứ giả Tập-Trump
Các nhà đàm phán của cả Mỹ và Trung Quốc sẽ gặp nhau trong tuần này tại Bắc Kinh.
Chính quyền Trump cho biết Tổng thống Mỹ vẫn muốn gặp Chủ tịch Trung Quốc (TQ) Tập Cận Bình trong một nỗ lực nhằm chấm dứt chiến tranh thương mại. Đây được đánh giá là một dấu hiệu lạc quan khi các nhà đàm phán của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tiếp tục vòng đàm phán thương mại tiếp theo vào thứ Năm tuần này (14-2).
Ông Trump muốn sớm gặp ông Tập
Cố vấn Nhà Trắng Kellyanne Conway hôm thứ Hai (11-2) nói với đài Fox News rằng “Tổng thống Mỹ muốn gặp Chủ tịch Tập Cận Bình thật sớm. Ông ấy muốn (Mỹ và TQ) đạt được thỏa thuận. Ông Trump cũng muốn thỏa thuận ấy phải công bằng với người Mỹ, người lao động Mỹ và lợi ích của nước Mỹ”.
Hồi tháng trước, ông Trump đã nói với các phóng viên rằng ông dự định gặp ông Tập vào cuối tháng 2 và nói thêm rằng đó là một cơ hội tốt để hoàn tất thỏa thuận thương mại.
Tuần trước, CNN đưa tin có khả năng ông Trump và ông Tập sẽ gặp nhau tại Đà Nẵng (Việt Nam) vào cuối tháng 2 này. Tuy nhiên, ngay sau đó New York Times đưa tin Tổng thống Trump xác nhận ông không có kế hoạch gặp ông Tập trước ngày 1-3, thời hạn do hai nước đặt ra để đạt được thỏa thuận thương mại. Ông Trump đã nói “không” và lắc đầu khi các phóng viên tại Nhà Trắng hỏi ông có gặp ông Tập trong tháng này không. Dù khẳng định không gặp người đồng cấp TQ trước tháng 3 nhưng tổng thống Mỹ cũng cho biết cả hai có thể sẽ gặp nhau sau đó.
Cho đến nay, vẫn chưa có gì chắc chắn liệu cả hai nhà lãnh đạo có gặp nhau không. Điều này khiến giới quan sát lo ngại các cuộc đàm phán giữa Mỹ và TQ đang rơi vào giai đoạn bế tắc trong khi thời hạn 1-3 ngày càng đến gần. Nếu các cuộc thương thuyết trong tháng này kết thúc mà không có bất kỳ thỏa thuận nào, Tổng thống Trump đã đe dọa sẽ tăng hơn gấp đôi, từ 10% lên 25% mức thuế quan đối với danh sách hàng hóa trị giá 200 tỉ USD nhập khẩu từ TQ.
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer (trái), Phó Thủ tướng Lưu Hạc (giữa) và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin. Ảnh: BLOOMBERG
Video đang HOT
Kịch bản khả dĩ
Các nhà đàm phán của cả Mỹ và TQ sẽ gặp nhau trong tuần này tại Bắc Kinh. Theo CNN, giới quan chức Mỹ đang thúc ép TQ cam kết cải cách mạnh mẽ hơn mô hình kinh tế hiện nay vốn bị Washington cáo buộc nhà nước can thiệp quá sâu vào thị trường, làm tổn thương các công ty Mỹ.
Tổng thống Donald Trump vẫn đang xây dựng mối quan hệ tôn trọng lẫn nhau với Chủ tịch Tập Cận Bình. Họ sẽ sớm gặp nhau thôi.
Cố vấn Nhà Trắng KELLYANNE CONWAY
Các quan chức tầm trung của Mỹ và TQ đã bắt đầu các cuộc thảo luận vào hôm 11-2, chuẩn bị cho hai ngày hội đàm bắt đầu từ ngày 14-2 giữa quan chức cấp cao hai nước. Phía Mỹ vẫn sẽ là đại diện Thương mại Robert Lighthizer, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, trong khi đại diện cho đoàn đàm phán Bắc Kinh chính là Phó Thủ tướng Lưu Hạc.
Bloomberg dẫn lời trợ lý của ông Trump cho biết các cuộc đàm phán trong tuần này rất quan trọng. Bởi lẽ kết quả của chương trình đàm phán sẽ củng cố uy tín của ông Trump và niềm tin của người dân vào chính sách của ông. Hơn nữa, một kết quả lạc quan sẽ thổi hiệu ứng tích cực vào thị trường tài chính của Mỹ vốn đang chịu áp lực trước thời hạn mà cuộc chiến Mỹ-Trung có thể bùng phát mạnh mẽ vào tháng tới. Tuy nhiên, con đường đến thỏa thuận không hề dễ dàng. Cả Mỹ và TQ chỉ mới bắt đầu việc soạn thảo nội dung thỏa thuận chung, trong khi vẫn còn tranh cãi dữ dội về giải pháp thực hiện – vấn đề mà phía Mỹ nhiều lần khẳng định là rất quan trọng.
Trong vòng đàm phán gần nhất kết thúc tại Washington tháng trước, TQ đã thực hiện cam kết mua đậu nành Mỹ. Dù những việc này giúp nông dân Mỹ đỡ khó khăn hơn, các vấn đề cấu trúc giữa hai quốc gia vẫn chưa có đột phá. Đó là chính sách công nghiệp, trợ cấp của chính phủ, quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ hay cáo buộc ép doanh nghiệp chuyển giao công nghệ.
Trong bối cảnh cả hai bên đều mong muốn đạt thỏa thuận nhưng lại bất đồng về kỳ vọng, Bloomberg dẫn lời một số trợ lý của ông Trump cho rằng kịch bản khả dĩ nhất chính là trì hoãn. Cả Mỹ và TQ sẽ tiếp tục gia hạn thời gian tăng thuế sau khi thời hạn 1-3 trôi qua mà đàm phán không có kết quả tích cực.
Cái khó của Mỹ và Trung Quốc
Mỹ và TQ gần đây thường xuyên hạ giọng với nhau và cả hai đều không giấu mong muốn thúc đẩy đàm phán để tìm kiếm thỏa thuận. Ông Trump, người kích hoạt cuộc chiến thương mại với TQ, cũng tỏ ra dao động và nóng lòng kết thúc cuộc chiến mà theo giới quan sát kinh tế, Mỹ cũng chịu thiệt hại trong trung và dài hạn. Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, một quan chức diều hâu TQ, đã cân chỉnh tình hình nhằm đảm bảo sức răn đe của Washington nhằm vào Bắc Kinh không bị sự nao núng của ông Trump làm suy giảm.
Trong khi đó Bắc Kinh cũng tỏ ra cứng rắn mặc dù kinh tế nước này đang suy giảm mạnh. Ông Tập ngày càng cảm nhận được sự sát thương của các đòn kinh tế mà Washington nhằm vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới thời gian qua. Dù vậy, bản sắc và hình ảnh chính trị không cho phép ông Tập tỏ ra nhượng bộ quá mức. Bắc Kinh tiếp tục sử dụng giới hạn cho phép – cam kết tăng mua nông sản Mỹ, mở cửa rộng hơn một số lĩnh vực không nhạy cảm chính trị – để thương thuyết với Washington. Trong khi đó ông Tập quyết không nhượng bộ kế hoạch “Made in China 2025″ và các chính sách liên quan công nghệ, hàng không vũ trụ.
Cái khó của cả Mỹ, TQ bây giờ chính là ở chỗ “phóng lao, không thể thu về”. Nói cách khác, các cam kết chính sách của ông Trump lẫn kế hoạch trở thành cường quốc cạnh tranh, thậm chí vượt mặt Mỹ của ông Tập không cho phép họ nhượng bộ trong các vấn đề lợi ích cốt lõi trên bàn đàm phán. Cuộc chiến thương mại vì thế sẽ còn kéo dài.
Theo Thùy Anh
Pháp luật TP.HCM
Đàm phán thương mại sơ bộ Mỹ - Trung bắt đầu diễn ra tại Bắc Kinh
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh hy vọng các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ sẽ đạt được những kết quả tốt đẹp trong bối cảnh vòng đàm phán mới về vấn đề này đã bắt đầu tại thủ đô Bắc Kinh.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã đưa ra phát biểu trên tại cuộc họp báo ở thủ đô Bắc Kinh.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (thứ 2, trái) dẫn đầu phái đoàn trong cuộc đàm phán với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer (thứ 3, phải) và Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross (phải) tại Washington DC., ngày 30/1/2019. Ảnh: AFP/TTXVN
Trước đó, phái đoàn Mỹ đã có mặt ở thủ đô Bắc Kinh để tham gia vòng đàm phán khác về một thỏa thuận thương mại trong bối cảnh thời hạn chót ngày 1/3 do Tổng thống Mỹ Donald Trump đề ra đang đến gần.
Các cuộc đàm phán sơ bộ ở cấp thấp hơn bắt đầu diễn ra ngày 11/2 trước khi Đại diện Thương mại Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin của Mỹ tham gia cuộc đàm phán chính vào ngày 14-15/2 tới. Theo nguồn tin từ Nhà Trắng, Phó Đại diện Thương mại Mỹ Jeffrey Gerrish sẽ dẫn đầu phái đoàn Mỹ trong các cuộc họp trù bị bắt đầu từ ngày 11/2 này.
Cuộc chiến thương mại đã bùng phát từ giữa năm 2018, hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đã liên tiếp trả đũa nhau bằng các biện pháp đánh thuế. Đến nay, tổng lượng hàng hóa bị đánh thuế mới cao hơn của hai bên đã lên tới hơn 360 tỷ USD.
Lãnh đạo hai nước đã nhất trí "đình chiến thương mại" trong 90 ngày kể từ 1/12/2018, để hai bên thương lượng một thỏa thuận nhằm chấm dứt nhiều tháng leo thang căng thẳng.
Nếu giới chức hai nước không đạt được giải pháp cho cuộc chiến thương mại, Mỹ sẽ tăng mức thuế từ 10% hiện nay lên 25% đối với lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD.
Mới đây nhất, Mỹ và Trung Quốc đã tiến hành vòng đàm phán thương mại thứ hai với kết quả khả quan. Tại vòng đàm phán thứ hai này, hai bên đã giải quyết loạt vấn đề khúc mắc.
Trung Quốc đã có thêm bước thỏa hiệp với những cam kết tăng lượng hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, đáp ứng một trong số những yêu cầu chủ chốt của Washington đối với Bắc Kinh.
Bên cạnh đó, việc để ngỏ một cuộc gặp thượng đỉnh trong tương lai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, có thể cũng trong tháng 2 này, để hoàn tất thỏa thuận thương mại toàn diện cuối cùng đã thể hiện quyết tâm chính trị của cả Washington lẫn Bắc Kinh trong bối cảnh thời hạn "đình chiến thương mại" giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới sắp kết thúc..
Cũng trong ngày 11/2, Bộ trưởng Kinh tế UAE Sultan bin Saeed al-Mansouri nhận định căng thẳng thương mại Mỹ-Trung ảnh hưởng lớn tới tất cả các bên và điều quan trọng là UAE sẽ không nghiêng về bên nào trong tranh chấp này./.
Đặng Ánh/TTXVN
Theo BNEWS.VN
Mỹ - Trung Quốc chuẩn bị bước vào cuộc đàm phán thương mại quan trọng Đàm phán thương mại cấp cao giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ được tổ chức vào thứ năm và thứ sáu tuần tới. Tổng thống Mỹ Donald Trump không có kế hoạch gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước ngày 1-3-2019, thời hạn chót trước khi tăng thuế đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc Trong tuyên bố mới đây, Nhà...