Khuyến cáo doanh nghiệp giao dịch thận trọng tại thị trường Algeria, Senegal
Mặc dù thị trường Algeria, Senegal được đánh giá còn nhiều dư địa cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam khai thác nhưng theo các chuyên gia thương mại, khi giao dịch doanh nghiệp cần thận trọng trước các rủi ro, nhất là trong vấn đề thanh toán.
Bốc xếp gạo xuất khẩu tại cảng Cửa Lò (Nghệ An). Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN
Theo Thương vụ Việt Nam tại Algeria kiêm nhiệm Senegal, Tunisia, Mali, Gambia và Niger, thuế nhập khẩu ở một số nước châu Phi là tương đối cao. Algeria cũng không ngoại lệ và còn áp dụng thuế phòng vệ bổ sung, dao động từ 30 – 200% tuỳ vào từng mặt hàng
Do đó, khi xuất khẩu sang châu Phi nói chung, Algeria và Senegal nói riêng cần tìm kiếm đối tác qua các kênh như tham gia các chương trình xúc tiến thương mại như hội chợ, triển lãm quốc tế, các diễn đàn doanh nghiệp, các cuộc giao thương trực tiếp; qua giới thiệu từ các cơ quan xúc tiến thương mại, các Thương vụ Việt Nam tại châu Phi và bạn hàng quen thuộc.
Khi làm việc, doanh nghiệp cần đề nghị đối tác cung cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, thẻ xuất nhập khẩu, bản sao hộ chiếu, thẻ căn cước của người đại diện để các cơ quan chức năng như các Thương vụ Việt Nam tại châu Phi có thể hỗ trợ tư vấn, xác minh trước khi tiến hành giao dịch.
Thương vụ Việt Nam tại Algeria kiêm nhiệm Senegal, Tunisia, Mali, Gambia và Niger nhấn mạnh, đối với xuất khẩu sang châu Phi nên áp dụng phương thức thanh toán tín dụng thư (L/C) không hủy ngang có xác nhận của ngân hàng uy tín châu Âu, châu Mỹ hoặc phương thức nhờ thu, đề nghị khách hàng trả trước (đặt cọc) từ 25% trở lên giá trị tiền hàng, không chấp nhận phương thức trả chậm và D/A (khi áp dụng phương thức thanh toán này, nhà nhập khẩu sẽ được nhận bộ chứng từ khi ký giấy nợ (hối phiếu) thanh toán tiền hàng sau thông qua ngân hàng nhập khẩu).
Ngoài những lưu ý trên, nhiều nước châu Phi chủ yếu giao tiếp bằng tiếng Ả-rập nên doanh nghiệp Việt Nam cần ghi những thông tin trên nhãn mác bằng 2 thứ tiếng là tiếng Ả-rập và tiếng Pháp hoặc tiếng Anh.
Mặt khác, doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu thị hiếu, văn hoá người tiêu dùng châu Phi, quan tâm đến giấy chứng nhận Halal (giấy chứng nhận xác nhận sản phẩm không có các chất cấm theo Luật Hồi giáo và đáp ứng yêu cầu về vệ sinh thực phẩm trong quá trình sản xuất) để hàng hóa xuất khẩu vào khu vực này đạt hiệu quả cao.
Video đang HOT
Đánh giá về những tiềm năng xuất khẩu sang thị trường Algeria, Thương vụ Việt Nam tại Algeria kiêm nhiệm Senegal, Tunisia, Mali, Gambia và Niger cho biết, hàng hoá Việt Nam có nhiều điểm thuận lợi khi xuất khẩu sang thị trường này do Algeria tập trung vào ngành công nghiệp dầu lửa, nên phải nhập khẩu khá nhiều mặt hàng.
Ngoài ra, dân số Algeria tương đối đông với khoảng trên 43 triệu người; quan hệ chính trị truyền thống giữa hai nước thuận lợi, trước khi dịch COVID-19 xảy ra, hai nước thường xuyên trao đổi các đoàn giao thương.
Đặc biệt, hàng hoá Việt Nam được đánh giá cao về chất lượng và giá cả; thương vụ tổ chức các hoạt động kết nối doanh nghiệp hai bên và Algeria có đại sứ quán tại Việt Nam nên thuận lợi xin visa.
Về những mặt hàng Việt Nam đã và còn nhiều tiềm năng xuất khẩu sang Algeria, cà phê là mặt hàng chủ lực. Theo đó, mỗi năm Algeria nhập khẩu khoảng 130.000 tấn, chủ yếu là cà phê chưa qua chế biến.
Đáng lưu ý, cà phê Việt Nam chiếm trên 50% thị phần tại Algeria với khoảng 70.000 tấn, kim ngạch 100 triệu USD. Mặt hàng này tiếp tục có nhu cầu khá cao tại Algeria và vẫn sẽ là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào thị trường này.
Tiếp đến là mặt hàng gạo, mỗi năm Algeria nhập khẩu 100.000 tấn gạo chủ yếu là gạo 5% tấm, gạo đồ, phục vụ cho người châu Á sinh sống và làm việc tại Algeria.
Hơn nữa, gạo là mặt hàng được trợ giá nên thuế nhập khẩu khá thấp so với mặt bằng chung, chỉ 16%; hạt tiêu, quế cũng là những loại nông sản có nhu cầu cao tại Algeria.
Thủy hải sản cũng nằm trong top 5 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn nhất của Việt Nam sang Algeria, với kim ngạch từ 9-10 triệu USD/năm. Cá tra của Việt Nam được bán với giá khoảng 5 USD/kg, tương đương với loại cá biển đánh bắt rẻ nhất của Algeria là cá trích (Sardine) nên hàng Việt Nam có tính cạnh tranh cao.
Mặt khác, mỗi năm nước này cũng nhập khẩu khoảng 30.000 tấn thuỷ, hải sản. Do đó, dư địa cho doanh nghiệp thuỷ hải sản Việt Nam cạnh tranh, khai thác tại thị trường Algeria còn rất nhiều. Bên cạnh đó, thị trường Senegal lại khá nhỏ với dân số khoảng 16,7 triệu người, GDP 1.400 USD/người/năm.
Thế nhưng, so với nhiều quốc gia khác thuộc châu Phi, thị trường Senegal có độ mở khá do nằm trong Liên minh Kinh tế và Tiền tệ Tây Phi, gồm 8 quốc gia nói tiếng Pháp; là thành viên của Cộng đồng kinh tế Tây Phi gồm 15 quốc gia.
Không những thế, nước này lại có lợi thế ổn định bởi cơ sở hạ tầng khá tốt, có sân bay quốc tế, cảng biển và là nơi trung chuyển hàng hoá sang các nước không có biển.
Dù Chính phủ Senegal chủ trương tự túc lương thực nhưng sản lượng không đủ, hàng năm vẫn phải nhập khẩu 900.000 – 1 triệu tấn gạo, chủ yếu là gạo tấm, giá rẻ.
Tuy Việt Nam cũng đã xuất khẩu gạo khá tốt sang Senegal nhưng thời gian gần đây do dịch COVID-19 khiến nước này nhập khẩu nhiều gạo tấm từ Ấn Độ nên xuất khẩu mặt hàng gạo của Việt Nam có giảm. Ngoài ra, Việt Nam còn xuất khẩu hạt tiêu, bánh kẹo và sản phẩm ngũ cốc, sắt thép các loại sang Senegal.
Đặc biệt, tại Senegal có nhà hàng của người Việt Nam và người châu Á, cộng đồng người Việt ở Senegal cũng đông cũng tạo cơ hội cho hàng Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường này.
Châu Phi khởi động nỗ lực tự sản xuất vaccine COVID-19
Viện Pasteur Dakar (IPD) tại Senegal đã đạt được thỏa thuận với công ty Mỹ MedInstill về sản xuất lọ vaccine phòng COVID-19.
Đây được coi là bước tiến để châu Phi có thể hoàn toàn tự sản xuất vaccine COVID-19.
Viện Pasteur Dakar (IPD) tại Senegal. Ảnh: Reuters
Liên minh châu Âu (EU) là nhà ủng hộ tài chính lớn nhất cho dự án vaccine COVID-19 của châu Phi với mục tiêu giúp IDP sản xuất 300 triệu liều vaccine COVID-19 mỗi năm và giảm phụ thuộc của "Lục địa Đen" vào vaccine nhập khẩu.
Tuy nhiên, hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết IPD chưa đảm bảo được thỏa thuận với các công ty dược nắm quyền sở hữu trí tuệ vaccine COVID-19 để chuyển giao công nghệ sản xuất.
Đến nay, các quốc gia châu Phi mới chỉ nhận được một phần nhỏ của số vaccine COVID-19 sản xuất toàn cầu. Công ty Aspen Pharmacare (Nam Phi) hiện là nhà sản xuất vaccine COVID-19 duy nhất tại châu Phi với vaccine Johnson & Johnson.
Reuters đã tiếp cận tài liệu nội bộ của đoàn đại biểu ngoại giao EU ở Dakar trong đó đánh giá kế hoạch của IPD đang ở giai đoạn đầu về đóng gói và sau đó mới tiến hành đầy đủ sản xuất. Tài liệu có nội dung: "Ở thời điểm này, các đối tác IPD đã ký kết là MedInstill (Mỹ) về đóng lọ và Univercells (Bỉ) về phát triển các hoạt chất".
Những nhà ủng hộ dự án IPD tron tháng 7 tuyên bố đến cuối năm 2022, một nhà máy mới ở Senegal sẽ sản xuất 25 triệu liều vaccine COVID-19 mỗi tháng. Theo tài liệu của EU, nhà máy mới dự kiến đi vào sản xuất từ cuối quý hai năm 2022. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ IPD sẽ sản xuất loại vaccine COVID-19 nào.
Hiện có 2 giải pháp được xem xét kỹ lưỡng. Đầu tiên là bắt tay với BioNTech (Đức) để sản xuất vaccine công nghệ mRNA tại Senegal. Lựa chọn thứ hai là thỏa thuận với Univercells về việc sản xuất vaccine vector. Univercells vốn đang hợp tác với ReiThera (Italy) để sản xuất loại vaccine này.
Nhưng tài liệu của EU cũng nhấn mạnh rằng chỉ những vaccine COVID-19 được các cơ quan quản lý dược hàng đầu như Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) thông qua hoặc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thẩm định trước mới được lựa chọn để sản xuất tại Senegal. Trong khi đó, vaccine của Univercells vẫn đang trong quá trình thử nghiệm.
IDP là cơ cở duy nhất tại châu Phi sản xuất được vaccine WHO thẩm định, đó là vaccine sốt vàng da. Để đạt được điều này, nhà sản xuất phải đáp ứng mọi tiêu chuẩn quốc tế nghiêm ngặt.
EU cho biết muốn hỗ trợ phát triển các trung tâm sản xuất vaccine ở tối thiểu 3 quốc gia châu Phi trong đó có Nam Phi và Senegal.
Bang Kerala của Ấn Độ ban hành lệnh phong tỏa Ngày 29/7, bang Kerala ở miền Nam Ấn Độ đã ban hành lệnh phong tỏa trong 2 ngày, trong bối cảnh các nhà chức trách liên bang dự kiến cử các chuyên gia đến hỗ trợ khu vực hiện là điểm nóng dịch COVID-19 này. Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân ở Chennai, Ấn Độ, ngày 1/6/2021....