Khủng hoảng Ukraina sẽ diễn tiến ra sao?
Chính phủ mới ra đời ở Ukraina đang vuột mất những lựa chọn có tính khả thi cho việc phục hồi trật tự ở miền đông và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
Các tòa nhà cảnh sát và cơ quan công quyền ở hơn chục thị trấn và thành phố miền đông hiện vẫn nằm trong tay những người biểu tình thân Nga. Phản ứng từ Kiev trước thực tế này tỏ ra do dự và thiếu nhất quán.
Trong bối cảnh của một cuộc chiến ngôn từ giữa Washington và Moscow, thỏa thuận mà bốn bên gồm Ukraina, Nga, EU và Mỹ đạt được ở Geneva hồi tuần trước nhằm giải quyết khủng hoảng dường như sắp chết yểu. Nga và Ukraina cáo buộc nhau có ý đồ xấu trong khi trên thực địa, cảm giác bế tắc dâng cao và bạo lực ngày càng đè bẹp hy vọng.
Một tháng trước khi diễn ra các cuộc bầu cử tổng thống Ukraina vào tháng 5 như dự kiến, các cải cách hiến pháp có thể xoa dịu những người biểu tình thân Nga đang tan vỡ.
Thỏa thuận Geneva yêu cầu người biểu tình phải giải tán khỏi các tòa nhà công quyền mà họ chiếm giữ, đồng thời đưa ra cam kết ân xá cho những ai tuân thủ.
Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn của hãng tin CNN, một trong những thủ lĩnh của phe chiếm đóng ở Donetsk tuyên bố: “Chúng tôi không đi xa tới mức này chỉ để rời đi mà không được thỏa mãn các yêu sách của mình. Chính chính quyền Kiev mới không chính đáng. Họ phải từ bỏ các tòa nhà họ đã chiếm”.
Cũng có một phản ứng tương tự từ những thủ lĩnh biểu tình khác ở thành phố Mariupol thuộc miền nam.
Vậy, các sự kiện ở Ukraina có thể diễn ra theo chiều hướng nào từ giờ đến ngày bầu cử 25/5? CNN đưa ra một số viễn cảnh có thể song thừa nhận mọi thứ ở đất nước bất ổn này rất khó đoán.
Hòa bình “kết trái”
Thỏa thuận Geneva mang lại những gì Tổng thống Barack Obama gọi là “một tia hy vọng yếu ớt”. Tuy nhiên, Ngoại trưởng John Kerry lại tỏ ra hết sức thận trọng: “Không ai trong chúng tôi rời khỏi nơi này với cảm giác công việc đã xong, bởi vì ngôn từ vẫn chỉ trên giấy tờ”, ông nói.
Công việc thực thi thỏa thuận Geneva thuộc trách nhiệm của Tổ chức Hợp tác và An ninh châu Âu (OSCE). Nói như ông Kerry:”Những gì sống còn là OSCE cần phải hành động ngay lập tức để xuống thang tình hình an ninh ở Luhansk, Donetsk, Slavyansk và tất cả các thị trấn bất ổn khác”.
Thế nhưng, các giám sát viên OSCE lại không có quyền thực thi luật và tâm trạng thù ghét của các nhóm thân Nga đối với cả Mỹ và châu Âu là một rào cản lớn đối với nhiệm vụ của họ. Và những người chiếm đóng công sở lại không cho rằng họ hành động trái luật mà chính là chính phủ ở Kiev đã lên nắm quyền thông qua đảo chính.
Phe thân Nga thậm chí còn đòi tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về tương lai của Donetsk. Những yêu sách tương tự cũng được đưa ra ở Slaviansk, Luhansk và Mariupol, chủ yếu xoay quanh việc thiếu vắng cải cách hiến pháp.
Video đang HOT
Những người biểu tình đã tự lập ra các hội đồng ở Luhansk và Donetsk để chuẩn bị cho sự kiện này vào ngày 11/5, mặc dù vẫn chưa xác định được sẽ tổ chức như thế nào trong một vùng chỉ có hơn 6,5 triệu dân.
Kiev tái kiểm soát miền đông
Dựa vào những gì xảy ra vài tuần qua, viễn cảnh này dường như không thể.
Người thân Nga kiểm soát các tòa nhà ở Slaviansk ở phía bắc tới Mariupol ở biển Azov. Họ thường theo sự chỉ đạo của “những người đàn ông mặc đồ xanh” và giờ họ đang nắm giữ quyền lực ở Donetsk và Luhansk.
Những nỗ lực đầu tiên của quân đội Ukraina hiện diện tại miền đông đã trở thành thảm họa. Xe chở binh sĩ bị người địa phương ngăn cản, bủa vây tứ phía, dồn ứ thành hàng dài. Khoảng 100 binh sĩ thuộc lữ đoàn không vận, mệt lử và thất vọng, bị người dân vây quanh. Rút cục, họ đã giao nộp thiết bị của mình và được rời đi. Ngày tiếp sau đó, Tổng thống Oleksandr Turchynov giải tán luôn đơn vị này.
Nội chiến nổ ra
Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo Ukraina đang trên bờ vực nội chiến. Tuy nhiên, thực tế có vẻ không như vậy.
Các nhóm thân Nga thường tập trung chỉ khoảng vài chục người, trong khi tình cảm ủng hộ Kiev cũng được thể hiện rất ít. Không có các cuộc tuần hành hay đụng độ lớn trên đường phố. Giao thông vẫn bình thường ở Donetsk và trẻ nhỏ vẫn chơi đùa bên những chiếc xích đu.
Dường như nhiều người ở đây không muốn liên quan. Một số lo sợ sẽ bị tấn công, nếu tỏ rõ lập trường. Nhưng đa số vẫn tiếp tục công việc thường ngày của mình, quá bận rộn xoay xở cuộc sống. Bạo lực là thứ cuối cùng họ phải viện đến.
Nga có hành động
Cả ông Putin và Ngoại trưởng Sergei Lavrov đều nhắc đi nhắc lại rằng Nga không có ý định xâm lược hay thôn tính miền đông Nga, mặc dù nước này có hàng chục nghìn binh sĩ đóng sát biên giới.
Một cuộc tấn công có thể dẫn tới những lệnh cấm vận khắt khe hơn nhằm vào Moscow từ phương Tây, và việc sử dụng các sức mạnh truyền thống trong một cuộc chiếm đóng có thể rất nguy hiểm và tốn kém giữa thời điểm nền kinh tế Nga đang suy giảm.
Nhưng nếu Chính phủ Ukraina cố xác nhận quyền lực của mình ở miền đông, hay những kẻ dân tộc chủ nghĩa kéo đến vùng này, dẫn tới thương vong lớn trong người biểu tình thân Nga thì có thể sẽ làm thay đổi tính toán của Moscow.
Tiếp tục hỗn loạn
Với nhiều nhà quan sát, dường như đây là viễn cảnh có thể nhất – một sự đối đầu giữa Kiev và các nhóm thân Nga ở miền đông. Chính quyền non trẻ và thiếu kinh nghiệm của Ukraina đã chứng tỏ họ bất lực trong việc đối phó với các nhóm thân Nga.
Sự hợp tác giữa người biểu tình ở các thành phố khác nhau đang tăng cao, và các nhóm nhỏ đàn ông không rõ danh tính mặc đồng phục bịt mặt đã chứng tỏ việc chiếm giữ các tòa nhà công quyền không có gì khó khăn.
Mặc dù vậy, họ có vẻ không đủ năng lực để lãnh đạo. Và nhiều thành viên trong số người bịt mặt này còn ở tuổi vị thành niên. Không một chính trị gia nào nơi đây nổi lên như một nhân vật mà chính quyền Kiev hay OSCE có thể đàm phán.
Những bước tiếp theo ở Ukraina là việc ban hành một dự thảo hiến pháp mới và cuộc trưng cầu dân ý ngày 11/5 do các nhóm thân Nga tổ chức ở miền đông. Quyền Tổng thống Oleksandr Turchynov mới đây khẳng định, “đa số người Ukraina ủng hộ một Ukraina dân chủ, nhất thể và đoàn kết với nhiều quyền hạn hơn được trao cho các khu vực”.
Thanh Hảo
Theo_VietNamNet
Mỹ, Trung lại "đấu" nhau ở Biển Đông
Mỹ cáo buộc Trung Quốc gây căng thẳng ở Biển Đông khi chặn tàu Philippines. Đáp lại, Bắc Kinh cảnh báo Washington đừng có dính vào các tranh chấp của nước này ở Biển Đông. Cuộc khẩu chiến qua lại giữa quan chức hai nước lại khiến Biển Đông "nổi sóng" dữ.
Ảnh minh hoạ
Chặn tàu Philippines, Trung Quốc bị Mỹ chỉ trích
Mỹ hôm 12/3 cáo buộc Trung Quốc gây căng thẳng khi chặn hai tàu của Philippines ở Biển Đông đồng thời kêu gọi tự do hàng hải ở khu vực biển này.
Mỹ - một đồng minh thân thiết có quan hệ ràng buộc theo hiệp ước với Philippines, cho biết, nước này cảm thấy "lo lắng" về sự kiện xảy ra hôm Chủ nhật (9/3) khi Trung Quốc ngăn cản hai tàu của Hải quân Philippines cung cấp nguồn hậu cần và đưa binh lính vào Bãi Cỏ Mây. Bãi Cỏ Mây nằm trong khu vực thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tuy nhiên Brunei, Trung Quốc (gồm cả Vùng lãnh thổ Đài Loan), Malaysia, Philippines cùng đòi chủ quyền một phần hoặc toàn bộ quần đảo.
"Đó là một động thái khiêu khích, gây căng thẳng. Trong khi chờ đợi nghị quyết về những đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông, các bên không nên có động thái can thiệp vào những nỗ lực nhằm giữ nguyên trạng hiện nay", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ - bà Jen Psaki đã nói như vậy.
Philippines hôm 11/3 đã triệu tập đại diện ngoại giao của Trung Quốc tại nước này đến để bày tỏ sự phản đối về hành động của Trung Quốc. Manila cáo buộc Bắc Kinh "gây ra mối đe doạ rõ ràng và khẩn cấp" đối với các lợi ích của Philippines. Bắc Kinh đáp trả, nói rằng các tàu thuyền của Philippines "xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc" và vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002.
Mỹ bác bỏ lập trường của Trung Quốc, tuyên bố các nước có quyền "tiến hành các hoạt động cung cấp hậu cần định kỳ và luân phiên nhân sự" đến những khu vực trước Tuyên bố năm 2002.
Washington thường xuyên khẳng định, nước này giữ lập trường trung lập và không đứng về bên nào trong các cuộc tranh chấp liên quan đến chủ quyền lãnh thổ nhưng trong thời gian gần đây Mỹ tăng cường chỉ trích Trung Quốc về những hành động của cường quốc Châu Á ở các vùng tranh chấp trên Biển Đông. Hồi tháng trước, Mỹ còn không ngần ngại thách thức trực tiếp cơ sở pháp lý của những đòi hỏi chủ quyền thái quá của Trung Quốc ở Biển Đông.
Mỹ được cho là đang tìm cách ngăn chặn Trung Quốc để nước này không có những bước đi quyết liệt ở Biển Đông. Hồi tháng 11, Trung Quốc từng khiến nhiều nước sôi sục khi bất ngờ đơn phương tuyên bố thành lập Vùng nhận diện phòng không ở biển Hoa Đông, bao trùm cả những khu vực tranh chấp giữa nước này với Nhật Bản và Hàn Quốc.
Cả Nhật Bản và Philippines đều tố cáo Trung Quốc đang ngày một lấn tới trong tranh chấp chủ quyền. Theo dự kiến, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ đến thăm Nhật Bản và Philippines trong tháng tới.
Trung Quốc tiếp tục cảnh báo Mỹ tránh xa Biển Đông
Đáp trả lại những chỉ trích trên của Washington, Bắc Kinh hôm qua (13/3) đã lên tiếng cảnh báo Mỹ rằng, nước này không nên dính vào những tranh chấp ở Biển Đông giữa Philippines với Trung Quốc.
"Những phát biểu phớt lời sự thực của phía Mỹ không thích hợp bởi Mỹ không phải là một bên tham gia tranh chấp. Những phát biểu đó cũng đi ngược lại với cam kết của Mỹ là không can thiệp vào các cuộc tranh chấp. Điều này gây hậu quả tiêu cực đối với việc duy trì hoà bình và ổn định ở Đông Nam Á cũng như không có lợi cho chính Mỹ", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Qin Gang đã nói như vậy trong cuộc họp báo diễn ra ngày hôm qua ở thủ đô Bắc Kinh.
Bắc Kinh còn tuyên bố, nước này "có mọi lý do" để đuổi hai tàu của Philippines ra khỏi Bãi Cỏ Mây. Trung Quốc cáo buộc tàu Philippines chở theo vật liệu xây dựng đến Bãi Cỏ Mây "với mục đích xây dựng cơ sở hạ tầng và duy trì sự hiện diện" ở khu vực này.
Trung Quốc đang có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông với một loạt nước láng giềng trong khu vực. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đang gây sóng gió khi liên tiếp có những bước đi cứng rắn và ngày một lấn tới trong tranh chấp Biển Đông.
Đưa ra yêu sách đường 9 đoạn hay còn gọi là đường lưỡi bò, Trung Quốc có tham vọng độc chiếm gần như toàn bộ Biển Đông. Đường lưỡi bò của Trung Quốc vấp phải phản ứng quyết liệt của các nước trực tiếp có tranh chấp và cả các học giả quốc tế cũng như cộng đồng thế giới.
Hồi đầu tháng 1 năm ngoái, Philippines đã chính thức đưa vụ tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc ra toà án quốc tế nhằm thách thức tính pháp lý của đường lưỡi bò mà Trung Quốc đưa ra. Manila cũng đang ra sức vận động sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và của các đồng minh cho vụ kiện của họ. Gần đây, Manila còn kêu gọi các nước có tranh chấp ở Biển Đông cùng tham gia vụ kiện với họ hoặc thực hiện những vụ kiện riêng nhằm thách thức những đòi hỏi chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở khu vực biển này.
Philippines hiện đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Nhật Bản và Mỹ trong việc thách thức Trung Quốc. Mỹ sau một thời gian dài kiềm chế đã bắt đầu lên tiếng về đường 9 đoạn của Trung Quốc. Mới đây, Mỹ đã công khai thể hiện quan điểm phản đối yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc.
Vân Linh - (tổng hợp)
Theo_VnMedia
Vì sao Trung Quốc khoe hạm đội tàu ngầm hạt nhân? Bắc Kinh khoe hạm đội tàu ngầm hạt nhân nhằm phô diễn khả năng chiến đấu của Trung Quốc, trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền lãnh thổ gia tăng. Chưa từng có tiền lệ Trong mấy ngày gần đây, Đài truyền hình nhà nước CCTV đã dành nhiều thời lượng phát sóng, đưa tin về các cuộc diễn tập và tập trận...