Khủng hoảng sống còn của Mark Zuckerberg
Nếu Apple làm ra sản phẩm trước khi khách hàng biết họ muốn chúng, CEO Facebook Mark Zuckerberg lại tương đối khác: Đó là phát triển sản phẩm mà người dùng thẳng thừng nói không thích.
Instagram for Kids, phiên bản ứng dụng chia sẻ ảnh cho trẻ dưới 13 tuổi, gây ra làn sóng phản đối dữ dội ngay cả khi chưa ra mắt. Đầu tuần trước, hơn 40 Chưởng lý bang tại Mỹ viết thư gửi Zuckerberg, đề nghị ông từ bỏ kế hoạch phát hành ứng dụng. Lý do được họ đưa ra là đối tượng này “chưa được trang bị đầy đủ để vượt qua các thách thức khi sở hữu tài khoản mạng xã hội”.
Dự án tiền mật mã Diem của Facebook (trước đây là Libra) vấp phải bức tường phản đối tương tự khi hãng này công bố năm 2019. Mạng xã hội cho biết dự án sẽ chuyển hướng sang tạo ra một “đồng tiền ổn định” có sự hậu thuẫn của đồng USD, cũng như chuyển hoạt động từ Thụy Sỹ về Mỹ. Diem sẽ rút đơn xin cấp phép cho môt hệ thống thanh toán từ Cơ quan Thị trường tài chính Thụy Sĩ.
Một sản phẩm khác của Facebook – WhatsApp – cũng gặp phản ứng tiêu cực. Facebook cập nhật điều khoản dịch vụ WhatsApp để biến ứng dụng nhắn tin thành nền tảng thương mại điện tử. Điều đó khiến người dùng “tháo chạy” sang các ứng dụng đối thủ như Signal, Telegram. Nhà chức trách Đức đang muốn ngăn chặn hành động của Facebook.
Với một doanh nghiệp mang phương châm “chuyển động nhanh” như Facebook, tất cả trở ngại liên quan tới sản phẩm nói trên còn hơn cả bất tiện. Nó khiến công ty khó có thể phát triển kinh doanh nếu mỗi lần công bố một sản phẩm mới, người nghe không hào hứng mà còn cảm thấy cảnh giác và đối lập.
Thứ Facebook đang phải giải quyết mang tính “diệt vong” nhiều hơn so với các công ty thông thường khi họ trở nên quá quyền lực. Nhà chức trách có thể cấm công ty mua lại công ty khác, doanh nghiệp lớn thường tạm dừng M&A khi đang bị giám sát. Tuy nhiên, một hãng công nghệ không thể dừng ra mắt sản phẩm mới. Trong thị trường chuyển động mau lẹ như công nghệ, nó không khác gì án tử.
Video đang HOT
Facebook chỉ còn một cách là tiến lên, nhân nhượng nhưng không từ bỏ. Dự án Diem dự kiến ra mắt tại Mỹ cuối năm nay, CEO Instagram Adam Mosseri thề không bỏ cuộc với Instagram Kids ngay cả khi có thể bị phản ứng tiêu cực, WhatsApp cảnh báo người dùng nếu không đồng ý điều khoản quyền riêng tư mới sẽ mất vài chức năng.
Điều Facebook đã dạy chúng ta trong 17 năm tồn tại đó chính là trong nền kinh tế Internet miễn phí, tài sản giá trị nhất của một doanh nghiệp chính là lòng tin. Facebook đối xử với tài sản đó như thể nó không có giá trị gì và phung phí nó trong nhiều năm. Nay, nó lại trở thành khoản nợ lớn nhất của Facebook.
Dự định lập mạng xã hội cho trẻ em, Instagram bị phản đối kịch liệt
Instagram đã nhận được vô số các chỉ trích gay gắt sau khi bị lộ thông tin về việc xây dựng mạng xã hội dành riêng cho trẻ em.
Vào tháng trước, Instagram - công ty con của Facebook - đã bị rò rỉ thông tin về một bức thư nội bộ gửi cho nhân viên, thông báo về việc phát triển mạng xã hội dành riêng cho trẻ em dưới 13 tuổi.
Ngay sau đó, Adam Mosseri - Giám đốc điều hành của Instagram - cũng lên tiếng xác nhận thông tin đó là đúng. Ông cho rằng hiện tại có rất nhiều trẻ nhỏ đang muốn sử dụng trang mạng xã hội này và cha mẹ cũng sẽ hoàn toàn kiểm soát được các hành động sử dụng Internet của con cái một cách minh bạch. Giám đốc Instagram cũng chỉ ra hiện nay có rất nhiều trẻ em "lách luật" để sử dụng Facebook và Instagram bằng cách đăng ký người dùng với ngày sinh nhật giả (Instagram chỉ cho phép người dùng trên 13 tuổi sử dụng ứng dụng).
Theo Adam Mosseri, Giám đốc Instagram, nhiều trẻ em đã khai gian tuổi để đăng ký sử dụng Instagram
Trước đó, Facebook - công ty mẹ của Instagram - cũng đã xây dựng thành công ứng dụng nhắn tin Messenger Kids, nơi thông tin cá nhân của trẻ được giữ bảo mật cao và cha mẹ có thể kiểm duyệt tin nhắn của con em mình.
Tuy nhiên hôm 15/4, một Liên minh quốc tế bảo vệ sức khỏe cộng đồng và an toàn cho trẻ em đã lên tiếng kịch liệt kế hoạch của mạng xã hội Instagram. Tổ chức hoạt động phi lợi nhuận này bao gồm 35 cơ quan, 64 chuyên gia thuộc nhóm chiến dịch Commercial Free Childhood (CCFC).
Cộng đồng này đã gửi một lá thư yêu cầu các giám đốc điều hành của trang mạng xã hội phải từ bỏ kế hoạch Instagram for Kids với lo ngại điều này sẽ gây ra nhiều rủi ro cho người dùng trẻ. Các lo ngại được Liên minh này nêu rõ bao gồm: thời lượng sử dụng, các vấn đề về sức khỏe tâm lý, những áp lực thương mại. Bên cạnh đó, tổ chức cũng kêu gọi mọi người ký vào đơn kiến nghị hủy bỏ kế hoạch xây dựng ứng dụng Instagram Kids.
Người dùng trẻ chưa trang bị đủ kiến thức nhằm bảo vệ bản thân trên mạng xã hộ
Cụ thể, lá thư chỉ ra sự độc hại của những trang mạng xã hội khi liên tục khai thác hội chứng Sợ bỏ lỡ (FOMO) của trẻ nhỏ khi luôn muốn bản thân có được sự chấp nhận từ xã hội. Chính vì nỗi ám ảnh này mà các trang mạng xã hội vô tình khuyến khích trẻ em và thanh thiếu niên liên tục kiểm tra thông báo điện thoại của mình, chia sẻ thái quá mọi thông tin cá nhân với những người theo dõi. Instagram cũng liên tục tập trung vào ngoại hình và cách thể hiện bản thân tiêu cực cũng như đặt ra rất nhiều rủi ro, thách thức về quyền riêng tư của người dùng, đặc biệt với nhóm người trẻ. Bên cạnh đó, nhóm chuyên gia cũng cho rằng thế hệ trẻ chưa thể trang bị đầy đủ cho bản thân để đương đầu với những thách thức này khi còn đang ở độ tuổi khám phá và học hỏi các kĩ năng mềm.
Bức thư gửi Mark Zuckerberg, Giám đốc điều hành công ty mẹ của Instagram là Facebook
Sau những lùm xùm xung quanh dự định về ứng dụng mới, người phát ngôn của Instagram, bà Stephanie Otway đã chính thức lên tiếng. Bà Stephanie Otway cho rằng công ty chưa có những động thái chính thức về việc phát hành Instagram Kids nên vẫn là quá sớm để phán xét về ứng dụng này.
"Công ty chúng tôi hoàn toàn đồng ý rằng tất cả trải nghiệm về các trang mạng xã hội sẽ đặt bảo mật và sự an toàn không gian mạng lên làm ưu tiên hàng đầu. Nhưng có một thực tế phụ huynh phải chấp nhận rằng trẻ em vẫn luôn "trực tuyến" và sử dụng Internet. Tất cả những gì chúng muốn làm là tương tác với gia đình bạn bè, khám phá thế giới từ góc nhìn của con trẻ. Những thứ Instagram làm chỉ là tạo ra một không gian lành mạnh giúp trẻ tìm hiểu thế giới đúng với thế giới quan của chúng mà không phải nói dối ai về độ tuổi của mình" .
Bà Stephanie Otway cũng khẳng định Instagram Kids sẽ không chạy quảng cáo và có chức năng kiểm duyệt cho phụ huynh khi có con sử dụng ứng dụng.
Josh Golin, Giám đốc điều hành của chiến dịch CCFC đã lên tiếng phản bác lại ý kiến của người phát ngôn Instagram. Ông cho biết nhóm trẻ nói dối tuổi để đăng ký sử dụng ứng dụng Instagram thường rơi vào quãng 10-12 tuổi. Chúng sẽ cảm thấy Instagram Kids là một nơi quá trẻ con và không đủ hấp dẫn bản thân. Thế nên, thực tế là Instagram không chịu thay đổi giúp người dùng cảm thấy an toàn hơn mà chỉ đang tạo ra một ứng dụng mới cho tệp khách hàng chưa sử dụng bất kỳ ứng dụng mạng xã hội nào thuộc công ty Facebook.
Có rất nhiều người cũng đã lên tiếng ủng hộ tổ chức CCFC, trong đó có nhà tâm lý học Jean Twenge, người đã xuất bản cuốn "iGen: Why Today's Super-Connected Kids Are Growing Up Less Rebellious, More Tolerant, Less Happy - and Completely Unprepared for Adulthood" (Tạm dịch: iGen: Tại sao ngày nay, trẻ em thường xuyên hoạt động trực tuyến ít nổi loạn, khoan dung hơn, ít hạnh phúc và hoàn toàn không sẵn sàng với việc trưởng thành) cũng đã ký vào đơn kiến nghị.
Bà cho rằng có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra Instagram là nền tảng xã hội độc hại nhất vì đây là ứng dụng tập trung rất nhiều vào hình ảnh và người theo dõi. "Đại dịch COVID-19 vừa qua là minh chứng cho thấy trò chuyện trực tuyến là thứ thiết yếu giúp trẻ em giao tiếp với người thân. Nhưng tôi nghi ngờ Instagram và cách biểu đạt của ứng dụng. Quan điểm cứng nhắc của tôi là sẽ không có cách gì làm chúng trở nên an toàn tuyệt đối cho trẻ nhỏ" .
Các nhà lập pháp Mỹ cũng phát biểu cảm nghĩ về các ứng dụng mạng xã hội của Instagram và cho rằng trẻ em là đối tượng duy nhất dễ bị tổn thương trên mạng và hình ảnh của chúng là loại dữ liệu rất nhạy cảm. Facebook buộc phải có nghĩa vụ đảm bảo bất kỳ nền tảng hoặc dự án có mục tiêu là trẻ em nào cũng phải đặt lợi ích của chúng lên hàng đầu. Và với những lùm xùm về thông tin cá nhân bị liên tục rò rỉ trên Facebook thì đây là một điều không chắc chắn.
Thêm ứng dụng chung số phận Facebook, Google tại Trung Quốc? Ứng dụng nhắn tin mã hóa Signal đã dừng hoạt động tại Trung Quốc và chỉ có thể sử dụng thông qua mạng riêng ảo (VPN). Trung Quốc đã cấm nhiều ứng dụng và dịch vụ ngoại như Facebook, Google. Tuy nhiên, Signal chưa từng đứng ngoài Great Firewall. Signal là phần mềm nhắn tin mã hóa đầu cuối, đồng nghĩa ngay cả...