Khủng hoảng ở Haiti: Bạo lực và nạn đói lên đến mức chưa từng có
Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Trung Mỹ và Caribe, thủ đô của Haiti tiếp tục chìm trong bạo lực ở mức độ chưa từng có.
Người dân chạy trốn khỏi khu vực xảy ra đụng độ ở Port-au-Prince, Haiti ngày 20/3/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Sáng 22/3 (giờ địa phương), người dân tiếp tục kinh hoàng khi thấy hàng chục thi thế nằm rải rác trên đường phố, nhiều thi thể trong số này đã bị đốt cháy.
Những ngày gần đây tình trạng này thường xuyên xảy ra sau các cuộc đụng độ ác liệt giữa lực lượng cảnh sát và băng nhóm tội phạm có vũ trang. Các thi thể chất đống trên đường phố cho đến khi xe cứu thương đến mang tất cả đi an táng tại một ngôi mộ chung.
Video đang HOT
Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cùng ngày cảnh báo tình trạng mất an ninh lương thực tại Haiti đã lên đến mức chưa từng có, khi 4,97 triệu người trong tổng số 11,5 triệu dân nước này phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực cấp tính, 1,64 triệu người trong số này đang ở mức độ khẩn cấp.
Thung lũng Artibonite, được coi là vựa lương thực của đất nước, bị các nhóm vũ trang chiếm giữ. WFP cho biết các hoạt động nhân đạo ở Haiti thiếu kinh phí trầm trọng. Cơ quan này cần 95 triệu USD trong 6 tháng tới để có thể duy trì các chương trình nhân đạo.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình hình sức khỏe và nhân đạo ở thủ đô Port-au-Prince, vốn đang trở nên tồi tệ hơn do sân bay đóng cửa và việc tiếp cận cảng biển khó khăn, trong bối cảnh khu vực xung quanh đã bị các băng nhóm vũ trang kiểm soát.
WHO không loại trừ tình hình sẽ xấu đi đáng kể trong những tuần tới nếu nhiên liệu trở nên khan hiếm và khả năng tiếp cận các nguồn cung cấp y tế thiết yếu không sớm được cải thiện. Cụ thể, máu, thuốc gây mê và các loại thuốc thiết yếu đã cạn kiệt, trong khi chỉ có một nửa trong số các cơ sở y tế của thành phố còn hoạt động.
Theo ông Laurent Uwumuremyi, giám đốc chi nhánh Haiti của nhóm viện trợ Mercy Corps, các băng nhóm vũ trang hiện đã kiểm soát gần 90% thủ đô Port-au-Prince.
Trước đó, LHQ ngày 20/3 xác nhận việc vận chuyển 800 kg thuốc men đến Haiti bằng đường hàng không, bao gồm túi máu, vật tư y tế, cùng với nhân viên nhân đạo. Ông Florencia Soto, Phó phát ngôn của Tổng thư ký LHQ, nhấn mạnh rằng đây là lô viện trợ đầu tiên đến Haiti bằng đường hàng không từ Cộng hòa Dominicana.
Trong khi đó, ngày càng nhiều người Haiti chạy trốn bạo lực bị các quốc gia làng giềng chặn lại trên đường di cư bất hợp pháp và gửi trả về quê hương. Cao ủy LHQ về người ti nạn (UNHCR) kêu gọi các nước tạo điều kiện và tránh trục xuất người Haiti bởi đây là những người có thể cần quốc tế bảo vệ, đặc biệt là các nhóm đối mặt nguy cơ cao, cũng như những người có thể phải chịu hoàn cảnh gây tổn hại nghiêm trọng đến do hoạt động của các nhóm vũ trang gây ra.
LHQ cảnh báo nạn đói nghiêm trọng nhất thế giới tại Sudan
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) ngày 20/3 cảnh báo tình trạng bạo lực ngày càng diễn biến phức tạp tại Sudan đang gây ra nạn đói nghiêm trọng ở nước này.
Người tị nạn Sudan sơ tán tránh xung đột sang Adre, CH Chad ngày 7/12/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), bà Edem Wosornu, Giám đốc Bộ phận Hoạt động và Vận động tại OCHA, nêu rõ các các mức độ bạo lực khủng khiếp hiện nay đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dân ở Sudan và quốc gia châu Phi này đang bên bờ vực của nạn đói tồi tệ nhất thế giới. Hiện tại, khoảng 18 triệu người, chiếm hơn 1/3 dân số của Sudan, đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng. Trong 11 tháng qua, Sudan đã phải hứng chịu những hậu quả của cuộc xung đột bùng phát từ ngày 15/4/2023 giữa quân đội và nhóm bán quân sự Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF).
Bà Wosornu cho biết Khartoum, Darfur và Kordofan - những vùng có 90% dân số đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực ở mức độ khẩn cấp - đã phải chứng kiến các cuộc giao tranh khốc liệt trong 340 ngày qua. Theo LHQ, gần 28 triệu người trên toàn khu vực đang đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng, bao gồm 18 triệu người ở Sudan, 7 triệu người ở Nam Sudan và gần 3 triệu người ở Chad. LHQ lưu ý khoảng 730.000 trẻ em ở Sudan, trong đó có hơn 240.000 trẻ ở Darfur, đối mặt với suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng.
Phó Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), ông Carl Skau cho hay tại Sudan, cơ quan này đang nỗ lực hết sức để giải quyết các nhu cầu nhân đạo, song các hoạt động cứu trợ bị cản trở do thiếu khả năng tiếp cận cũng như các nguồn lực. Ông Skau kêu gọi mở lại các cửa khẩu biên giới để tạo điều kiện cho hoạt động cung cấp viện trợ cho vùng Darfur mở rộng, nơi đang chứng kiến nạn đói và mức độ suy dinh dưỡng nghiêm trọng nhất.
Đầu tháng 3 này, HĐBA LHQ đã kêu gọi các bên xung đột ở Sudan ngừng bắn ngay lập tức trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động viện trợ nhân đạo.
Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield cũng kêu gọi các bên tham chiến ở Sudan ngay lập tức đảm bảo quyền tiếp cận nhân đạo không bị cản trở, đồng thời bắt đầu tiến hành đàm phán trực tiếp để chấm dứt các hoạt động thù địch.
Khủng hoảng ở Haiti: Mỹ tổ chức chuyến bay riêng để sơ tán công dân Ngày 16/3, Đại sứ quán Mỹ thông báo sẽ tổ chức chuyến bay riêng để sơ tán công dân nước này từ Haiti về nước trong bối cảnh quốc gia Caribe tiếp tục chìm trong bất ổn chính trị và bạo lực băng đảng kéo dài nhiều tuần qua. Cảnh sát Haiti được triển khai tại Port-au-Prince, ngày 9/3/2024. Ảnh: AFP/TTXVN Theo đó,...