Khủng hoảng chính trị Đức và tác động lan toả với châu Âu
Sự kiện chính phủ liên minh dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Olaf Scholz sụp đổ đã tạo ra những tác động sâu rộng, ảnh hưởng đến không chỉ nền chính trị trong nước mà còn cả các mối quan hệ quốc tế và sự ổn định của Liên minh châu Âu (EU).
Thủ tướng Đức Olaf Scholz (ngoài cùng bên phải) tại một phiên họp Quốc hội ở Berlin. Ảnh: Reuters/TTXVN
Chính trường Đức chao đảo
Trong những ngày gần đây, chính trường Đức chứng kiến những biến động sâu sắc khi liên minh cầm quyền bao gồm ba đảng – SPD (đảng Dân chủ Xã hội), Greens (đảng Xanh) và FDP (đảng Dân chủ Tự do) – đã tan rã do những bất đồng không thể hòa giải. Thủ tướng Olaf Scholz, người điều hành chính phủ, đã phải đối mặt với thách thức lớn nhất trong sự nghiệp chính trị khi liên minh này nhanh chóng rơi vào bế tắc.
Nguyên nhân sâu xa của khủng hoảng bắt nguồn từ các mâu thuẫn chính sách. Trong khi SPD tập trung vào các chính sách phúc lợi xã hội, FDP lại ưu tiên hiệu quả tài chính, còn đảng Xanh lại dồn trọng tâm vào các vấn đề môi trường. Điểm nóng chính là tranh cãi về ngân sách: SPD và đảng Xanh muốn nới lỏng các quy tắc nợ để hỗ trợ Ukraine và các dự án cơ sở hạ tầng, trong khi FDP kiên quyết muốn giảm nợ quốc gia. Kết quả là mô hình hợp tác chính trị từng được xem như biểu tượng ổn định này lại sụp đổ. Khi Thủ tướng Olaf Scholz bãi nhiệm Bộ trưởng Bộ Tài chính do bất đồng quan điểm về quản trị ngân sách, dẫn tới FDP rút khỏi liên minh vào tháng 11/2024, từ đó chính thức kết thúc giai đoạn hợp tác 3 bên trong chính phủ.
Bước ngoặt chính trị đã diễn ra vào ngày 16/12 vừa qua khi Quốc hội Đức bỏ phiếu tín nhiệm Thủ tướng Olaf Scholz. Trong cuộc bỏ phiếu, Thủ tướng Scholz chỉ nhận được 207 phiếu ủng hộ, 394 phiếu chống và 116 phiếu trắng. Kết quả này buộc Thủ tướng Scholz phải yêu cầu Tổng thống Frank-Walter Steinmeier giải tán Quốc hội và tổ chức bầu cử sớm vào tháng 2/2025.
Bối cảnh khủng hoảng chính trị Đức chịu tác động của những thách thức kinh tế nghiêm trọng. GDP của Đức trong quý III/2024 đã giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu xu hướng suy thoái kéo dài. Lạm phát tăng cao, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng và lương thực, gây áp lực lớn lên các hộ gia đình. Theo chuyên gia Christian Muller tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đức, tâm lý bất mãn của công chúng đã đạt đến đỉnh điểm.
Bức tranh tiếp theo
Sau khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz thất bại trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, Chính phủ Đức chính thức tan rã, đánh dấu một trong những khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử chính trị hiện đại của nước này. Kết quả là, Đức buộc phải tổ chức bầu cử sớm 7 tháng.
Bối cảnh chính trị hiện tại cho thấy có thay đổi lớn đang diễn ra. Theo các cuộc thăm dò ý kiến, Liên minh Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU) đang dẫn đầu với tỷ lệ ủng hộ 32%, trong khi SPD của ông Scholz chỉ đạt 16%, một con số khá thấp so với kỳ vọng. Tiếp theo là đảng Xanh với 12% và FDP là 5%. Đáng chú ý, đảng cánh hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) hiện có tỷ lệ ủng hộ 19%, trở thành đảng lớn thứ hai tại Đức.
Những vấn đề then chốt trong cuộc bầu cử sắp tới bao gồm tình trạng kinh tế ảm đạm và vấn đề nhập cư. Ngân hàng Trung ương Đức đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng chỉ còn 0,2%, cho rằng nền kinh tế Đức sẽ trì trệ trong nửa đầu năm 2025. Ngành công nghiệp ô tô – một trụ cột quan trọng của nền kinh tế – đang phải đối mặt với những thách thức lớn khi các công ty như Volkswagen phải sa thải nhân viên và đóng cửa nhà máy. Vấn đề nhập cư cũng trở thành điểm nóng tranh luận. Thủ tướng Scholz đã thực hiện các biện pháp kiểm soát biên giới nhằm thu hút những cử tri có xu hướng chuyển sang AfD.
Video đang HOT
Trong bối cảnh này, các ứng cử viên hàng đầu cho vị trí thủ tướng đang đưa ra những tuyên bố đáng chú ý. Ông Friedrich Merz, lãnh đạo CDU, người được dự báo sẽ trở thành thủ tướng tiếp theo, cam kết thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách cắt giảm thủ tục hành chính và hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ông Merz cũng đề xuất cung cấp tên lửa tầm xa Taurus cho Ukraine, đánh dấu khác biệt rõ rệt với ông Scholz.
Về phần mình, bà Alice Weidel của đảng AfD tập trung vào vấn đề kiểm soát nhập cư, hứa hẹn sẽ giảm mạnh số lượng người nhập cư nếu đắc cử. Tuy nhiên, khi các đảng chính thống từ chối liên minh cùng AfD, khả năng bà trở thành thủ tướng là rất thấp. Bà Sahra Wagenknecht, lãnh đạo Liên minh Cánh tả mới thành lập, lại chú trọng tới các chính sách xã hội, đặc biệt là cải thiện điều kiện sống cho tầng lớp lao động. Dù đảng của bà còn non trẻ, nhưng sức hút cá nhân có thể giúp bà định hình lại chính trị Đức. Trong khi đó, ông Robert Habeck của đảng Xanh kêu gọi tăng chi tiêu quốc phòng và cải cách nhập cư, đồng thời nhấn mạnh vai trò của Đức trong giải quyết biến đổi khí hậu.
Sau cuộc bầu cử, thành lập chính phủ cũng sẽ là một thách thức lớn. CDU/CSU khó có thể giành được đa số tuyệt đối, do đó sẽ phải tìm kiếm các đối tác liên minh. Các kịch bản khả dĩ bao gồm hợp tác với SPD – đối tác cũ thời Thủ tướng Angela Merkel, hoặc với đảng Xanh, mặc dù có thể gặp phải những xung đột về nguyên tắc chính sách.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz (phải) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Kiev. Ảnh: Getty Images/TTXVN
Tác động với Đức và lan toả sang châu Âu
Có thể thấy nền dân chủ lâu đời nhất châu Âu đang trải qua một giai đoạn bất ổn chính trị nghiêm trọng.
Trong nội bộ nước Đức, tình hình còn phức tạp hơn nữa khi sự ủng hộ ngày càng tăng đối với đảng cánh hữu AfD, đảng có thể định hình lại bối cảnh chính trị của Đức. Trong tương lai, các đảng truyền thống có thể phải đối mặt với những thách thức chưa từng có trong việc thành lập các liên minh ổn định với những tác động tiêu cực đối với cường quốc kinh tế Đức vốn đang gặp khó khăn. Như chuyên gia Amy Webb, nhà sáng lập Future Today Institute, tổ chức tư vấn chiến lược cho các doanh nghiệp Đức, nhận định: “Chính trị được xem như là bàn đạp cho ổn định kinh tế, nhưng tại Đức, nó lại trở thành một điểm yếu”.
Trên thực tế, những diễn biến chính trị đang gây áp lực nặng nề lên nền kinh tế Đức. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), dự báo tăng trưởng kinh tế của Đức chỉ đạt 0,7% trong năm 2024 – mức thấp nhất trong nhóm G7. OECD cảnh báo rằng tình trạng bất ổn hiện nay có thể gây suy giảm niềm tin nhà đầu tư và kéo theo tác động lâu dài đến khu vực. OECD, cơ quan chuyên tư vấn cho các quốc gia công nghiệp về các vấn đề chính sách, kỳ vọng nền kinh tế Đức sẽ tăng trưởng 0,7% vào năm tới, giảm so với dự báo trước đó là 1,1%. Về phần mình, Christian Kullmann, Giám đốc điều hành tập đoàn hóa chất Evonik Industries, cảnh báo rằng bất ổn hiện tại đang làm suy yếu ngành công nghiệp và có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng với Đức.
Nhưng bất ổn tại Đức không chỉ dừng lại ở phạm vi quốc gia mà còn lan rộng sang châu Âu. Trong EU, khủng hoảng chính trị đang làm suy yếu vị thế của Đức một cách đáng kể.
Tiến sĩ Jana Puglierin, học giả chính sách cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, nhận định rằng nếu các cuộc đàm phán liên minh kéo dài mà không có giải pháp hiệu quả, nước Đức có thể rơi vào tình trạng bế tắc chính trị kéo dài. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến nội bộ nước Đức mà còn gây tác động trong toàn bộ cơ cấu chính trị của EU. Đáng chú ý, khủng hoảng chính trị tại Đức diễn ra trong bối cảnh Pháp cũng trải qua tình trạng chính trị không ổn định. Điều này cũng đang làm dấy lên lo ngại về khả năng lãnh đạo của EU.
Tóm lại, Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đang đối mặt với một giai đoạn bất ổn chính trị và kinh tế đáng chú ý. Với cuộc bầu cử được ấn định vào ngày 23/2 năm tới, các động thái tiếp theo không chỉ định hình tương lai nước Đức mà còn ảnh hưởng sâu rộng tới khu vực châu Âu.
Đức bình luận về khả năng triển khai quân tới Ukraine
Thủ tướng Olaf Scholz tuyên bố việc triển khai quân đội Đức tới Ukraine là "điều không thể" và sẽ "không phù hợp".
Thủ tướng Đức Olaf Scholz (phải) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong cuộc họp báo ở Berlin ngày 16/2/2024. AFP/TTXVN
Theo đài RT (Nga), ông Scholz đã đưa ra tuyên bố trên trước Quốc hội Đức hôm 4/12, khi bình luận về những nhận xét được đưa ra hồi đầu tuần của Ngoại trưởng nước này, bà Annalena Baerbock.
Một ngày trước đó, phát biểu bên lề cuộc họp của các nhà ngoại giao hàng đầu NATO, bà Baerbock ám chỉ rằng Berlin sẵn sàng chấp nhận ý tưởng gửi lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine.
"Phía Đức sẽ ủng hộ mọi thứ phục vụ cho hòa bình trong tương lai", bà Baerbock cho biết, đồng thời nói thêm rằng quân đội của nước này "chỉ có thể được triển khai trong điều kiện ngừng bắn thực sự".
Tuyên bố của bà Baerbock đã thúc đẩy những suy đoán rộng rãi về cách thức triển khai quân đội tới Ukraine có thể diễn ra như thế nào. Tuy nhiên, Thủ tướng Scholz cảnh báo không nên đưa ra bất kỳ kết luận nào từ tuyên bố của bà Baerbock. Ông khẳng định rằng Ngoại trưởng Đức đã diễn đạt theo những thuật ngữ vô cùng mơ hồ.
"Khi được hỏi điều gì có thể xảy ra trong giai đoạn hòa bình, bà Baerbock đã cố gắng trả lời mà không khẳng định có hay không. Bởi vì hiện tại không thích hợp để suy đoán về những gì sẽ xảy ra sau này trong trường hợp lệnh ngừng bắn được đàm phán", ông Scholz nói với Quốc hội.
Thủ tướng Đức cũng loại trừ mọi khả năng điều quân đến Ukraine trước khi lệnh ngừng bắn lâu dài giữa Moskva và Kiev được thiết lập.
"Chúng tôi đồng ý với Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại trưởng rằng Đức phải làm mọi thứ để đảm bảo rằng cuộc chiến này không trở thành cuộc chiến giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Và đó là lý do tại sao việc gửi bộ binh là điều không thể đối với tôi trong tình hình chiến tranh này", ông giải thích.
Trước đó, truyền thông Đức dẫn lời Ngoại trưởng Baerbock đưa tin Berlin sẵn sàng ủng hộ bất kỳ sáng kiến nào thúc đẩy hòa bình lâu dài ở Ukraine "bằng tất cả sức mạnh của mình".
Bà đề xuất một thỏa thuận hòa bình tiềm năng có thể bao gồm các đảm bảo an ninh cho Kiev, chẳng hạn triển vọng trở thành thành viên NATO và tiếp tục hỗ trợ quân sự từ phương Tây, cũng như một sứ mệnh gìn giữ hòa bình quốc tế.
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock phát biểu trong cuộc họp báo ở Berlin ngày 18/1/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Advertisements
X
Khi được hỏi về vai trò quân sự mà Đức có thể đóng góp trong thỏa thuận này, tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung dẫn lời bà Baerbock cho biết: "Chỉ chúng ta với tư cách là người châu Âu mới có thể cùng nhau bảo vệ hòa bình". Bà gợi ý rằng các nước Liên minh châu Âu (EU), bao gồm cả Đức, có thể điều quân tới Ukraine.
Những thông điệp trái chiều từ giới lãnh đạo Đức xuất hiện trong bối cảnh một loạt thông tin trên các phương tiện truyền thông cho rằng Pháp và Anh cũng đang cân nhắc triển khai quân tới tiền tuyến ở Ukraine như một lực lượng gìn giữ hòa bình, để giám sát lệnh ngừng bắn trong trường hợp Moskva và Kiev thực sự tham gia vào các cuộc đàm phán.
Theo một quan chức cấp cao giấu tên của NATO, mục tiêu thực sự của đợt triển khai tiềm năng này là đảm bảo rằng các thành viên NATO châu Âu vẫn có tiếng nói trong việc giải quyết xung đột sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhậm chức vào tháng 1/2025.
Trong khi đó, Cơ quan Tình báo Đối ngoại của Nga cáo buộc các quốc gia phương Tây đang có kế hoạch triển khai tới 100.000 quân "gìn giữ hoà bình" tới Ukraine. Cơ quan này cảnh báo lực lượng lớn như vậy sẽ tương đương với một cuộc chiếm đóng và giúp Kiev thời gian để xây dựng lại lực lượng trước khi tiếp tục cuộc chiến với Nga.
Người phát ngôn của Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh Moskva đã nhiều lần vạch ra các điều kiện rõ ràng để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine. Ông cho biết các nguyên nhân cốt lõi của cuộc xung đột, chẳng hạn việc NATO tiếp tục mở rộng ở châu Âu, cần phải được giải quyết để hướng tới một giải pháp.
"Điều đó quan trọng hơn nhiều việc gửi một phái bộ gìn giữ hòa bình", ông Peskov nói.
Hải Vân/Báo Tin tức (Theo RT)
Thủ tướng Scholz hối thúc Quốc hội Đức thông qua các dự luật quan trọng Trong bài phát biểu trước Quốc hội Liên bang ngày 13/11 tại Berlin, Thủ tướng Olaf Scholz đã kêu gọi các chính đảng trong cơ quan lập pháp Đức tiếp tục hợp tác thông qua các dự luật quan trọng trước cuộc bầu cử mới. Thủ tướng Đức Olaf Scholz (phải, hàng đầu) phát biểu tại một phiên họp Quốc hội ở Berlin....