Khủng hoảng nội bộ làm suy yếu liên minh Pháp – Đức trên chính trường EU
Cuộc khủng hoảng chính trị trong nước ở Đức và Pháp đang đe dọa sự ổn định của liên minh Pháp-Đức, vốn được coi là trụ cột của EU.
Với chính phủ gặp khó khăn ở cả hai quốc gia, sự lãnh đạo của họ trong các vấn đề quan trọng của châu Âu có thể bị suy yếu, gây khó khăn trong việc đưa ra một mặt trận thống nhất.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz (phải) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc họp báo chung ở Meseberg, Đức, ngày 28/5/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo trang tin Euronews.com ngày 12/11, cuộc khủng hoảng chính trị Đức và Pháp cùng những thách thức kinh tế đi kèm có thể làm suy yếu sự lãnh đạo của Pháp – Đức và ảnh hưởng đến khả năng của EU trong việc đưa ra mặt trận thống nhất trong các cuộc đàm phán quan trọng.
Tại Đức, chính phủ liên minh – gồm đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đảng Dân chủ Tự do (FDP) và đảng Xanh – đã sụp đổ sau khi Thủ tướng Olaf Scholz sa thải Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner, người cũng là Chủ tịch FDP. Điều này có thể dẫn đến cuộc bầu cử sớm vào đầu năm sau.
Ở Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron đã giải tán Quốc hội vào tháng 6 vừa qua và kêu gọi bầu cử sớm sau chiến thắng bất ngờ của phe cực hữu trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu.
Trong khi không ngần ngại nói về “cuộc khủng hoảng chính trị” ở hai quốc gia láng giềng, Jacob Ross, nhà nghiên cứu tại Hiệp hội Chính sách Đối ngoại Đức (DGAP), chỉ ra rằng Tổng thống Macron đã “bị cử tri Pháp từ chối” trong cuộc bầu cử châu Âu và bầu cử Quốc hội trước đó, nhưng Thủ tướng Scholz “bị chính các đối tác liên minh của mình từ chối”.
Chuyên gia Ross nói thêm: “Cuộc bầu cử sớm sắp tới sẽ cho thấy liệu Thủ tướng Scholz có thực sự bị cử tri Đức từ chối hay đó chỉ là một cuộc khủng hoảng liên minh nội bộ”.
Với chính phủ yếu ớt trong nước, các nhà lãnh đạo Pháp và Đức sẽ gặp khó khăn hơn trong việc bảo vệ chương trình nghị sự của họ tại cấp độ EU, đồng thời tạo cơ hội cho những nước khác tăng cường vị thế. Chuyên gia Ross cho rằng Vương quốc Anh, các quốc gia vùng Baltic và Trung – Đông Âu có thể hưởng lợi từ tình trạng này.
Hơn nữa, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump cũng được cho là sẽ tìm cách khai thác sự bất đồng trong nội bộ EU để tiến hành các cuộc đàm phán song phương có lợi cho Washington, thay vì đối thoại với một EU thống nhất.
Video đang HOT
“Ông Trump rất quan tâm đến việc điều hành quan hệ xuyên Đại Tây Dương ở cấp độ song phương, vì ông ấy biết rằng nếu ông ấy đàm phán riêng với (Thủ tướng Hungary) Viktor Orban, (Tổng thống) Emmanuel Macron, (Thủ tướng) Olaf Scholz hoặc người kế nhiệm ông ấy, ông Trump sẽ có nhiều quyền tự do hơn trong các cuộc thảo luận về thuế quan và quốc phòng châu Âu so với khi ông ấy đàm phán với một khối gồm 27 quốc gia thành viên EU có chung lập trường”, chuyên gia Ross nói.
Ngoài ra, nguy cơ suy thoái đang bao trùm nước Đức trong năm thứ hai liên tiếp, có thể làm giảm thêm khả năng đóng vai trò lãnh đạo của Pháp – Đức. Sự suy yếu của Pháp – Đức có thể ảnh hưởng tiêu cực đến Ukraine, nếu các lãnh đạo EU không thể đưa ra một lập trường chung.
Gập ghềnh con đường liên minh
Tối 6/11, sau cuộc họp xử lý khủng hoảng kéo dài 2 giờ của đại diện 3 đảng trong chính phủ liên minh của Đức, gồm đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đảng Dân chủ Tự do (FDP) và đảng Xanh, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã sa thải Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner (thuộc đảng FDP), khiến chính phủ liên minh ba bên đầu tiên trong lịch sử CHLB Đức tan rã.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz (trái) và Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner trong cuộc họp báo công bố ngân sách 2024 tại Berlin, ngày 13/12/2023. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Phát biểu trước giới truyền thông lúc 21h15 cùng ngày, Thủ tướng Olaf Scholz cho biết ông đã từ chối đề nghị tổ chức bầu cử sớm của Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner và sa thải ông Lindner.
Mọi chuyện bắt đầu ngày 15/11/2023, khi Tòa án Hiến pháp Liên bang tuyên bố một số phần trong chính sách ngân sách của chính phủ là vi hiến. Động thái này đã tước đi của chính phủ liên minh một kế hoạch tài chính khả thi và bắt đầu phơi bày những rạn nứt giữa các đối tác liên minh.
Tòa án tối cao của Đức đã ra phán quyết chống lại các kế hoạch của chính phủ nhằm chuyển mục đích sử dụng số tiền 60 tỷ euro được phân bổ để giảm thiểu hậu quả của đại dịch COVID-19 nhưng chưa chi, cho các dự án hành động vì khí hậu. Phán quyết của tòa án đã khiến ngân sách chính phủ bị thiếu hụt 60 tỷ euro.
Kể từ đó, các đối tác trong chính phủ liên minh đã cố gắng nâng cao vị thế của mình bằng cách gây tổn hại lẫn nhau, tự ý công khai các đề xuất trước khi thảo luận và đạt được đồng thuận với các thành viên nội các.
Trên thực tế, ngay từ đầu, mục tiêu chính trị cơ bản của 3 đảng liên minh vốn đã không phù hợp với nhau. SPD và đảng Xanh về cơ bản là các đảng trung tả tin tưởng vào một nhà nước mạnh mẽ và cần rất nhiều tiền cho chính sách xã hội và bảo vệ khí hậu.
Đảng FDP theo chủ nghĩa tự do về kinh tế lại có quan điểm ngược lại: Họ tin vào một nhà nước tinh gọn, chỉ nên can thiệp vào những trường hợp ngoại lệ và thực hiện kiềm chế tài chính. Trong chiến dịch tranh cử, đảng đã hứa sẽ cân bằng ngân sách và tuân thủ phanh nợ được ghi trong Hiến pháp Đức.
Việc phân bổ lại quỹ COVID-19 đã giúp khắc phục những khác biệt đó và thống nhất về một kế hoạch tài chính cho liên minh, vì qua đó giúp tiết kiệm tiền trong ngân sách và vẫn có tiền chi cho chính sách xã hội và khí hậu của đảng SPD và đảng Xanh.
Các kế hoạch được vạch ra rất lớn: Đức sẽ trở thành quốc gia tiên phong trong bảo vệ khí hậu và 400.000 ngôi nhà mới sẽ được xây dựng mỗi năm. Nhà nước phúc lợi sẽ được hiện đại hóa, cải cách cơ chế hỗ trợ cho người thất nghiệp, việc bảo vệ trẻ em và lương hưu sẽ được tài trợ một phần thông qua đầu tư vào thị trường chứng khoán để ổn định mức lương, tăng mức lương tối thiểu cũng như chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển...
Liên minh ban đầu khá suôn sẻ. Vài ngày sau cuộc bầu cử liên bang vào tháng 9/2021, các nhà lãnh đạo của đảng Xanh như Ngoại trưởng Annalena Baerbock và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck; Lãnh đạo đảng FDP như Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner và Tổng thư ký Volker Wissing đã đăng những bức ảnh tự sướng vui vẻ trên mạng xã hội , với dòng trạng thái đầy háo hức: "Trong quá trình tìm kiếm một chính phủ mới, chúng tôi đang khám phá điểm chung và thu hẹp khoảng cách. Thật thú vị!"
Tuy nhiên, đảng Xanh và FDP hoàn toàn đối lập về mục tiêu chính trị cơ bản. Đối tác ưa thích của đảng Xanh là SPD, nhưng hai đảng này đã không giành được đa số ghế trong Quốc hội năm 2021 nên họ cần có FDP. Điều này đã khiến FDP rất tự tin về việc mình là không thể thiếu được".
Kết cục, lời hứa giữa các đối tác liên minh giữ kín các cuộc thảo luận và chỉ công khai giải pháp cho các vấn đề chứ không cãi vã như trước, đã không kéo dài nổi 100 ngày.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, chưa có chính phủ nào ở Đức lại phải đối mặt với những thách thức lớn như vậy: Đại dịch COVID-19 kéo dài, cuộc xung đột Nga-Ukraine chưa có hồi kết, nguồn cung khí đốt và dầu mỏ bị thiếu hụt và Đức rơi vào khủng hoảng năng lượng.
Rạn nứt sâu sắc đầu tiên trong liên minh xảy ra khi Bộ trưởng Tài chính Lindner lên tiếng trên phương tiện truyền thông về ý tưởng giảm giá xăng và dầu diesel cho người lái xe để bù đắp giá cả tăng vọt. đảng Xanh bị bất ngờ, phản ứng tức giận với những đề xuất này và công khai làm rõ.
Từ đó trở đi, giọng điệu của các đối tác đã thay đổi và ngày càng gay gắt hơn, dù là liên quan đến luật mới chuyển đổi hệ thống sưởi ấm trong nhà từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo hay thu nhập mới của công dân, duy trì phanh nợ, sửa đổi luật nhập cư.... Giữa ba đảng luôn có sự ganh đua chứ không còn giữ được hòa khí. Cử tri quá chán nản khiến tỷ lệ ủng hộ chính phủ giảm và liên minh này trở thành chính phủ không được ưa chuộng nhất trong lịch sử CHLB Đức.
Sau đó, các cuộc bầu cử khu vực được tổ chức ở ba bang miền Đông vào tháng 9 với kết quả như "giọt nước tràn ly". Chưa bao giờ các đảng cầm quyền lại đạt kết quả yếu kém như SPD, đảng Xanh và FDP ở Thuringia (Thringen) và Saxony (Sachsen). FDP thậm chí còn không lọt được vào quốc hội ở cả ba tiểu bang miền Đông.
Sau các cuộc bầu cử đó, lãnh đạo FDP Lindner đã đưa ra tối hậu thư và kêu gọi một "mùa Thu của các quyết định". Ông nhấn mạnh rằng ngay cả các dự án lập pháp gây tranh cãi cũng phải được đẩy nhanh. Tình hình trở nên căng thẳng.
Tháng 10, Bộ trưởng Lindner đã đưa ra một danh sách các yêu cầu trong đó ông chỉ trích toàn bộ chính sách kinh tế và tài chính của chính phủ liên minh. SPD và đảng Xanh đã nói đây là "sự khiêu khích".
Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Hiện tại, Thủ tướng Olaf Scholz muốn Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ vào ngày 15/1/2025 và cho phép đưa ra quyết định về bầu cử sớm.
Sau đó, cuộc bầu cử có thể diễn ra chậm nhất là vào cuối tháng 3, tuân thủ theo các thời hạn được nêu trong Luật cơ bản (tức Hiến pháp). Trước đó, bầu cử quốc hội Đức thường kỳ đã được ấn định vào tháng 9/2025.
Tại thời điểm này, các nhà lãnh đạo phe đối lập chính của Đức đã đưa ra tuyên bố tại Quốc hội kêu gọi bỏ phiếu tín nhiệm sớm hơn và bầu cử sớm hơn.
Chủ tịch nhóm nghị sĩ đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) Alexander Dobrindt nêu rõ, đợi đến tháng 1/2025 mới bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ và đến mùa Xuân mới tổ chức bầu cử là thể hiện "sự thiếu tôn trọng cử tri".
Ông Friedrich Merz, lãnh đạo đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU), nói thêm rằng "chính phủ liên minh không sụp đổ chỉ vì FDP" mà đã bắt đầu tan rã "vào ngày 24/2/2022", thời điểm nổ ra cuộc xung đột Nga-Ukraine. Ông Merz lập luận rằng kể từ đó, Chính phủ Đức đã phản ứng với mọi cuộc khủng hoảng rất chậm và muộn đến mức rõ ràng là "không còn sự đồng thuận nào trong liên minh này nữa". Ông Merz cho rằng cần tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm "muộn nhất là vào đầu tuần tới" với mục tiêu tổ chức bầu cử "vào nửa cuối tháng 1".
Từ nay cho đến khi Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm, Thủ tướng Scholz sẽ không còn sự ủng hộ thường trực của đa số trong quốc hội nữa, do đó, ông hiện là thủ tướng của một chính phủ thiểu số. Điều này có nghĩa là để có được đa số phiếu cho các dự án lập pháp riêng lẻ vẫn đang chờ xử lý tại Quốc hội vào cuối tháng 12/2024, chính phủ liên minh thiểu số hiện nay sẽ cần sự ủng hộ của phe đối lập - Liên minh CDU/CSU.
Luật Cơ bản của Đức nhằm mục tiêu đảm bảo các điều kiện ổn định của chính phủ. Chẳng hạn, tổng thống liên bang không có quyền tự ý giải tán quốc hội và ra lệnh tổ chức một cuộc bầu cử mới. Quốc hội cũng không thể tự giải thể. Thay vào đó, việc bỏ phiếu tín nhiệm thủ tướng tại quốc hội có thể là một phương tiện để đảm bảo sự tin cậy của các phe phái trong quốc hội, nhưng mặt khác, cũng có thể dẫn đến một cuộc bầu cử mới. Lần gần đây nhất diễn ra một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ tại Quốc hội Đức là vào năm 2005, theo đề nghị của cựu Thủ tướng Gerhard Schrder.
Hành động bất ngờ của Tổng thống Pháp giữa cuộc khủng hoảng bầu cử Tổng thống Macron buộc phải lùi vào sau hậu trường và đang chuẩn bị cho trận chiến tiếp theo của mình: lãnh đạo nước Pháp sau những gì được dự báo là một thất bại nặng nề vào ngày 7/7 sắp tới. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (thứ 2, trái) tới điểm bỏ phiếu bầu cử Quốc hội ở Le Touquet ngày 30/6/2024....