Khuẩn trên táo Mỹ gây bệnh nguy hiểm thế nào?
Là một loại trực khuẩn nguy hiểm, listeria monocytogenes nhiễm trên táo Mỹ có thể khiến người mắc bị viêm màng não, sảy thai, đẻ non…
Nhiễm khuẩn listeria monocytogenes từ táo vừa khiến ít nhất 3 người tử vong, 32 người phải nhập viện tại Mỹ. Theo thông tin từ cơ quan thực phẩm nước này, sản phẩm bị thu hồi đã được xuất khẩu sang Việt Nam và một số nước khác.
Trực khuẩn Listeria monocytogenes gây ra bệnh ngộ độc thực phẩm Listeriosis. Ở phụ nữ có thai, mắc bệnh này có thể gây sẩy thai, đẻ non, trẻ nhiễm trùng nặng hay thậm chí tử vong khi sinh.
Bệnh Listeriosis chủ yếu ảnh hưởng tới phụ nữ mang thai, trẻ mới sinh, người già và những người suy giảm hệ miễn dịch. Những người lớn khỏe mạnh và trẻ em đôi khi cũng nhiễm khuẩn này nhưng hiếm khi bệnh trở nặng. Trẻ có thể sinh ra đã mắc nếu mẹ ăn thực phẩm nhiễm khuẩn lúc mang thai.
Một số nghiên cứu cho thấy khoảng 20% bệnh nhân nhiễm khuẩn Listeria monocytogenes tử vong. Hầu hết trường hợp mắc bệnh riêng lẻ nhưng cũng có một vài trận dịch bùng phát bệnh do nguồn thực phẩm nhiễm khuẩn gây ra. Trận dịch lớn nhất xảy ra tại Los Angeles năm 1985 có hơn 100 ca mắc bệnh, trong đó 48 trường hợp tử vong hoặc chết chu sinh. Trận dịch khắp nước Pháp vào năm 1992 có 279 trường hợp mắc bệnh, trong đó 63 người chết.
Đường đi ảnh hưởng của bệnh Listeriosis với cơ thể khi ăn phải thực phẩm nhiễm khuẩn L. monocytogenes. Ảnh: Pnas.org.
Điều gì gây nên bệnh Listeriosis?
Trực khuẩn L. monocytogenes được tìm thấy trong đất và nước. Rau có thể nhiễm vi khuẩn từ đất hay phân bón. Từ nguồn này, động vật có thể bị nhiễm, khiến thịt, sữa cũng nhiễm bệnh. Các thực phẩm chế biến sẵn như pho mát mềm cũng dễ nhiễm khuẩn này. Sữa chưa tiệt trùng hay sản phẩm làm từ sữa chưa tiệt trùng cũng là nguồn rủi ro cao.
Triệu chứng bệnh
Các triệu chứng của bệnh Listeriosis bao gồm sốt, đau mỏi cơ và buồn nôn, nôn hay tiêu chảy. Nếu vi khuẩn lan tới hệ thống thần kinh, người bệnh có thể đau đầu, cứng cổ, choáng váng, mất thăng bằng, thậm chí co giật. Tuy vậy, phụ nữ mang thai mắc bệnh có thể chỉ trải qua cảm giác ốm nhẹ giống như cảm cúm.
Chẩn đoán bệnh listeriosis thế nào?
Listeriosis được chẩn đoán trên cơ sở xem xét tiền sử bệnh tật và qua thăm khám lâm sàng. Bác sĩ có thể hỏi về các triệu chứng người bệnh gặp phải, thực phẩm họ mới ăn và môi trường sống ở nhà hay nơi làm việc. Có thể thực hiện xét nghiệm máu hay xét nghiệm dịch tủy để khẳng định các chẩn đoán.
Điều trị bệnh ra sao?
Người khỏe mạnh, không mang thai nếu nhiễm khuẩn này đôi khi không cần điều trị gì. Các triệu chứng thường sẽ lui dần trong vòng một tuần.
Nếu bạn đang có thai và nhiễm Listeriosis, bác sĩ có thể kê kháng sinh phòng lây bệnh cho thai nhi. Trẻ sơ sinh bị nhiễm listeriosis cũng có thể được dùng kháng sinh giống như người lớn nhưng bác sĩ sẽ phải cân nhắc và chỉ cho đơn khi chắc chắc trẻ mắc bệnh này.
Làm sao để phòng tránh bệnh Listeriosis?
Theo trang Webmd (Mỹ), bạn có thể ngừa bệnh bằng cách thực hành thói quen ăn uống vệ sinh, an toàn:
Video đang HOT
- Mua sắm an toàn: Để thịt tươi sống riêng biệt với rau và các thực phẩm ăn sẵn khác. Nên mang đồ tươi sống về nhà ngay sau khi mua để bạn có thể bảo quản chúng đúng cách sớm.
- Sơ chế thực phẩm an toàn: Rửa sạch tay trước và sau khi sơ chế thực phẩm. Cũng cần rửa tay sau khi đi toilet hay thay tã cho trẻ. Rửa sạch rau và trái cây dưới vòi nước chảy. Nếu có thể, nên sử dụng hai loại thớt riêng: một cái cho đồ ăn tươi, một để thái thịt, gia cầm và hải sản sống. Bạn cũng có thể rửa sạch dao và thớt trong máy rửa bát để khử khuẩn.
- Trữ thực phẩm an toàn: Nấu, bảo quản tủ lạnh, cấp đông thịt, gia cầm, trứng, cá và các thực phẩm ăn tươi trong vòng hai giờ. Hãy đảm bảo tủ lạnh được cài đặt ở 4 độ C hoặc thấp hơn. Tuy nhiên, khuẩn Listeria có thể sinh trưởng trong tủ lạnh, vì vậy, cần lau sạch ngay bất cứ vết bẩn nào trong tủ, đặc biệt là nước từ thịt sống hay gia cầm dây ra.
- Nấu an toàn: Nấu chín kỹ thực phẩm có nguồn gốc từ động vật. Nếu có điều kiện, nên dùng nhiệt kế được chế tạo để xác định nhiệt độ đảm bảo thịt đã được nấu đủ an toàn để ăn. Hâm nóng thức ăn thừa từ bữa trước ở nhiệt độ thấp nhất là 74 độ C.
- Không ăn thịt viên chưa chín kỹ và chú ý nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ cá sống (gồm món sushi), trai, hàu.
- Đọc kỹ nhãn mác các thực phẩm đóng gói. Nhãn thực phẩm đóng gói cung cấp thông tin về thời gian sử dụng thực phẩm an toàn và cách bảo quản đúng. Đọc nhãn thực phẩm và tuân thủ hướng dẫn an toàn cũng sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh vì ngộ độc.
- Khi có bất cứ lo ngại nào, không sử dụng loại thực phẩm đó. Nếu bạn không chắc thức ăn đó có an toàn không, đừng ăn. Đun lại đồ ăn đã ôi không khiến nó an toàn hơn. Đừng chỉ ngửi đồ ăn để phán đoán. Đôi khi, thức ăn ngửi và trông có vẻ vẫn ổn nhưng thực chất lại có thể gây bệnh.
Với phụ nữ có thai:
- Không ăn xúc xích, thịt hộp hay thịt nguội, trừ phi những đồ này đã được đun lại cho tới khi bốc hơi nóng.
- Không ăn pho mát mềm, trừ khi trên nhãn ghi rõ sản phẩm được làm từ sữa đã tiệt trùng. Các loại pho mát được làm bằng sữa chưa tiệt trùng có thể nhiễm L. monocytogenes.
- Không ăn pate để lạnh nhưng có thể sử dụng thực phẩm này nếu chúng ở dạng đóng hộp.
- Không ăn hải sản xông khói, trừ khi đó là một thành phần trong món đã được nấu chín như món hầm.
- Không uống sữa chưa tiệt trùng hay ăn thực phẩm chứa sữa chưa tiệt trùng.
- Tránh ăn các món sa lát làm sẵn trong các cửa hàng như sa lát giăm bông, gà, trứng, cá ngừ hay sa lát hải sản.
Vương Linh
Theo VNE
9 loại bệnh nguy hiểm dễ gặp khi ăn quá nhiều đường
Bên cạnh những công dụng tuyệt vời của đường thì bạn cần hiểu biết thêm về những loại bệnh dễ mắc phải khi ăn quá nhiều đường.
Đường không chỉ để thêm vào các loại thực phẩm và đồ uống mà còn có tác dụng điều trị vết thương và tẩy da chết, làm dịu lưỡi, làm sạch tay...
Tuy nhiên bên cạnh đó, việc có quá nhiều đường trong chế độ ăn cũng khiến cho bạn gặp nhiều loại bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe.
Sau đây là những loại bệnh rất dễ gặp khi ăn quá nhiều đường:
1. Bệnh tiểu đường
Tiêu thụ nhiều loại đồ uống có đường ngọt chẳng hạn như nước ngọt, nước trái cây, nước có gas... làm tăng nguy cơ bị bệnh tiểu đường loại 2.
Một nghiên cứu gần đây được đăng trên tạp chí Diabetes Care khi kiểm tra hơn 310.000 bệnh nhân cho biết rằng, những người uống 1-2 phần đồ uống có chứa vị ngọt một ngày làm tăng 26% khả năng phát triển bệnh tiểu đường loại 2 so với người không uống hoặc uống 1 lần trong tháng.
Hơn nữa, tại Đại học California, San Francisco, các nhà nghiên cứu ước tính rằng 130.000 trường hợp đái tháo đường giữa năm 1990 và 2000 có thể là do sự gia tăng tiêu thụ về đồ uống chứa đường ngọt của người Mỹ.
2. Bệnh ngoài da: Mụn trứng cá
Các bác sĩ da liễu và các chuyên gia khác đã tranh luận liệu khoai tây chiên dầu mỡ và socola có phải là nguyên nhân chính gây mụn. Theo một nghiên cứu công bố trên tạp chí Molecular Nutrition & Food Research có tiêu đề"Những gì bạn ăn có thể ảnh hưởng đến làn da của bạn", các nhà nghiên cứu cho rằng việc có chế độ ăn thấp hoặc cao về glycemic ảnh hưởng đến da của bạn.
Thức ăn giàu đường như đường tinh chế, đồ uống có đường, và thậm chí một số hoa quả chứa các loại đường tự nhiên gây ra đột biến lớn về lượng đường trong máu. Thực phẩm glycemic thấp, chẳng hạn như ngũ cốc nguyên hạt, được chia thành các loại ít đường sẽ không gây đột biến lượng đường trong máu. Các nhà nghiên cứu tìm thấy rằng những người có chế độ ăn thấp glycemic sẽ giảm 50% mụn trứng cá, trong khi những người ăn chế độ ăn nhiều đường sẽ tăng 14% nguy cơ bị mụn trứng cá.
Không nên ăn quá nhiều các loại bánh ngọt (Ảnh minh họa)
3. Bệnh về tim mạch
Ăn một lượng đồ ăn có quá nhiều chất béo không phải là điều duy nhất gây ra bệnh tim mạch. Nhiều bằng chứng cho thấy, đường cũng góp phần làm tăng nguy cơ bị bệnh về tim mạch.
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ cho thấy, những người có 17,5% calo từ đường làm tăng thêm 20-30% khả năng xuất hiện của triglycerides, một loại chất béo được tìm thấy trong máu của bạn. Khi bạn tiêu thụ nhiều đường hơn so với quy định, các loại đường dư thừa sẽ tạo thành triglycerides, sau đó chất này được lưu trữ trong các tế bào chất béo. Nghiên cứu này cũng cho thấy những người có 25% hoặc nhiều hơn lượng calo từ đường khiến cho mức HDL thấp hơn 3 lần so với những người có chế độ ăn ít đường hơn 5%.
Triglycerides cao và mức độ HDL thấp góp phần làm xơ vữa động mạch, xơ cứng các động mạch của bạn, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và cơn đau tim. Phụ nữ nên ăn ít hơn 6 muỗng cà phê đường một ngày, đàn ông nên ăn ít hơn 9 muỗng cà phê đường mỗi ngày để tránh nguy cơ bị các loại bệnh về tim.
4. Tăng huyết áp
Dùng quá nhiều thức ăn ngọt cũng sẽ làm tăng mức độ insulin trong cơ thể, khiến cho thận tái hấp thụ natri và nước, dẫn đến tình trạng ứ đọng nước và natri trong cơ thể. Thể tích máu tăng sẽ gây ra huyết áp cao, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bạn.
5. Làm suy yếu hệ miễn dịch
Nhiều nghiên cứu khoa học còn cho thấy, ăn nhiều đường sẽ làm giảm khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng thiết yếu, ảnh hưởng không tốt đến chức năng miễn dịch của cơ thể, từ đó khiến cho các bệnh viêm nhiễm lâu bình phục.
Ảnh minh họa
6. Làm tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm
Ăn đường vừa phải có thể khiến cho bạn giải phóng các hormone, đem lại cảm giác thoải mái. Tuy nhiên, khi ăn quá nhiều sẽ dẫn đến tác dụng ngược lại.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Y Baylor tìm thấy một mối tương quan giữa tiêu thụ đường và tỷ lệ về căn bệnh trầm cảm ở 6 quốc gia. Ăn đường quá nhiều ảnh hưởng xấu đến tâm trạng và tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao.
Hơn nữa, nghiên cứu được công bố trên tạp chí British Journal về tâm thần học phát hiện ra rằng những người đã chuẩn đoán bị tâm thần phân liệt có thể do có chế độ ăn quá nhiều đường. "Rối loạn hành vi nói chung đang bị ảnh hưởng bởi những biến động do lượng đường cao trong cơ thể" - Teitelbaum nói.
7. Ung thư
Việc ăn quá nhiều đường khiến tăng nguy cơ phát triển các loại ung thư. Một số nghiên cứu cho thấy mối quan hệ mạnh mẽ giữa việc tiêu thụ đường và việc tăng nguy cơ ung thư. Ví dụ, các nhà nghiên cứu trường Đại học Minnesota khảo sát 60.000 bệnh nhân trong vòng 14 năm và nhận thấy rằng những người uống hai hoặc nhiều nước ngọt mỗi tuần có nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tụy cao hơn 87% so với những người uống 1 chai hoặc không uống. Đại học khoa học Buffalo cho thấy phụ nữ mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ gia tăng 39% phát triển ung thư vòng một so với những người có mức đường huyết lúc đói dưới 100 mg/dl.
8. Ảnh hưởng đến thị lực
Theo báo cáo của Hiệp hội chống cận thị Nhật Bản, tiêu thụ nhiều đường mỗi ngày còn ảnh hưởng tới lượng canxi trong cơ thể, làm tăng khả năng đàn hồi của nhãn cầu, đường kính nhãn cầu tăng dễ dẫn đến bệnh cận thị.
Bác sĩ nhãn khoa nổi tiếng của Mỹ, B. Lein, dựa trên nhiều số liệu về dinh dưỡng của người bệnh mà ông đã điều trị, khẳng định "bệnh cận thị phát triển không chỉ do mắt mệt mỏi bởi làm việc nhiều quá mà còn do ăn uống không đủ các chất cần thiết. Một chế độ ăn thừa đường, canxi, protein và thiếu crom sẽ làm cho bệnh cận thị nặng thêm".
Ảnh minh họa
9. Gây sâu răng
Nguyên nhân khiến bé bị sâu răng chủ yếu do bé ăn các thực phẩm có chứa nhiều chất đường mà không vệ sinh răng sạch sẽ. Thông thường, chỉ 15 phút sau khi ăn, các vi sinh vật này sẽ hấp thu và tiêu hóa chất đường, biến đường thành axit hữu cơ làm mất khoáng men răng dẫn đến sâu răng. Bạn nên hạn chế cho trẻ ăn những thực phẩm dễ gây sâu răng như bánh, kẹo, trà sữa, nước ngọt... để bảo vệ sức khỏe răng miệng của trẻ.
Thu Trang (Theo Giadinhonline.vn)
9 dấu hiệu cảnh báo bệnh nguy hiểm thể hiện trên bàn tay Những dấu hiệu trên tay có thể giúp bạn nhận biết nguy cơ đang mắc các loại bệnh nguy hiểm như tiểu đường, bệnh tim mạch, tắc nghẽn mạch máu não... 1. Ra mồ hôi tay Hàng ngày chúng ta ai cũng có thể bị ra mồ hôi tay, nó gây ra một số bất tiện trong công việc cũng như giao tiếp...