Khu tái định cư Nam Trung Yên: Cư dân khốn khổ vì xuống cấp
Thang máy thường xuyên bị hỏng, thậm chí nhiều hôm không hoạt động, hành lang các tầng bụi phủ trắng xóa, rác vứt khắp nơi trong toà nhà… đó là phản ánh của các hộ dân đang sinh sống tại khu tái định cư B6A Nam Trung Yên – quận Cầu Giấy.
Thang máy bong tróc, thường xuyên gặp trục trặc
Thang máy – có cũng như không
Nằm cạnh đường Phạm Hùng, khu nhà tái định cư B6A Nam Trung Yên được kỳ vọng là khu nhà kiểu mẫu, tập trung đồng bộ, toàn diện về hạ tầng và dịch vụ. Tuy nhiên, từ khi đưa vào hoạt động đến nay, nó đang xuống cấp nghiêm trọng. Có mặt tại đây sáng 9-4, chúng tôi nhận thấy dường như phần lớn diện tích tầng 1 đã bị bỏ hoang lâu ngày, nhìn đâu cũng thấy bụi, nhiều mảng tường bong tróc sơn nham nhở như một khu nhà hoang. Để lên được các tầng trên, chúng tôi phải mất gần 10 phút chờ hệ thống thang máy, thậm chí vừa đi vừa lo thang máy ngừng hoạt động đột ngột.
Bà N. T. S ở tầng 16 cho hay, từ năm 2009 gia đình bà dọn về đây sinh sống nhưng chưa thấy đơn vị nào đến sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống thang máy trong toà nhà. Chính vì vậy, hệ thống thang máy ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều hôm phím bấm bị kẹt nên người dân đành phải chấp nhận đi bộ. Cách đây hơn một tuần hệ thống thang máy và điện chiếu sáng ở khu vực hành lang trong toà nhà bị tê liệt hoàn toàn nên hàng chục hộ dân phải đi bộ ròng rã suốt gần một tuần. Bà S than phiền, do toà nhà có đến 17 tầng nên cuộc sống sinh hoạt của các hộ dân gặp rất nhiều khó khăn khi thang máy xảy ra sự cố. Vì tuổi cao nên khi liên tục phải leo cầu thang từ tầng 16 xuống tầng 1 khiến bệnh xương khớp của bà tái phát. Khi các hộ dân phản ánh với tổ quản lý toà nhà thì được họ cho biết, do đơn vị chủ đầu tư đang đứng tên hợp đồng mua bán điện không đóng tiền 4 tháng nay nên bị cắt…
Video đang HOT
Theo nhiều hộ dân sinh sống tại đây, mặc dù dọn về ở đã gần 4 năm nhưng cho đến thời điểm này toà nhà vẫn không có ban đại diện lâm thời. Hơn nữa, do ban quản lý toà nhà vẫn chưa ký hợp đồng với đơn vị dọn vệ sinh nên có thời điểm hệ thống rác trong toà nhà bị tắc nghẽn nhiều ngày, bốc mùi xú uế nồng nặc khiến môi trường sống của người dân ô nhiễm nghiêm trọng. Chưa kể, hệ thống đèn chiếu sáng hành lang thường xuyên bị cháy, hỏng hóc cũng không được đơn vị quản lý toà nhà sửa chữa kịp thời.
Một số hạng mục chưa được chủ đầu tư bàn giao
Trước những vấn đề mà người dân phản ánh, ông Nguyễn Toàn Thắng – Phó Giám đốc Xí nghiệp quản lý dịch vụ và khai thác khu đô thị cho biết, theo quyết định của UBND Thành phố Hà Nội từ tháng 12-2011, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội đã bàn giao tòa nhà chung cư B6A gồm 17 tầng, 210 căn hộ cho Xí nghiệp Quản lý. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này vẫn còn một số hạng mục như biên bản nghiệm thu trạm bơm nước sạch, đấu nối nguồn điện lưới cho toà nhà, biên bản nghiệm thu hoàn thành công trình đưa vào sử dụng… vẫn chưa được đơn vị chủ đầu tư hoàn tất.
Cũng theo ông Thắng, hiện có 22 hộ dọn đến đây ở song Xí nghiệp chỉ có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý, bảo vệ, chống tình trạng lấn chiếm nhà, còn các hạng mục khác như điện, nước, VSMT… chủ đầu tư phải bàn giao với những đơn vị chuyên ngành. Trong quá trình quản lý, nếu phát hiện những hạng mục bị hư hỏng hay nhận được phản ánh của người dân, Xí nghiệp sẽ cử đơn vị xuống kiểm tra, lập biên bản hiện trạng và gửi văn bản cho đơn vị chủ đầu tư có trách nhiệm khắc phục sự cố, phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân.
Về tình trạng mất điện hệ thống thang máy và đèn chiếu sáng khu vực công cộng và hành lang xảy ra trước đó, Xí nghiệp đã có văn bản gửi đơn vị chủ đầu tư và đứng ra ký cam kết với Điện lực Hà Nội để họ tiếp tục cung cấp điện phục vụ người dân. Do hệ thống thang máy vẫn đang trong quá trình bảo hành nên đơn vị chủ đầu tư phải có trách nhiệm phối hợp với đơn vị lắp đặt bảo dưỡng định kỳ các thiết bị.
Còn về tình trạng rác thải sinh hoạt lâu ngày không được vận chuyển, gây mất VSMT, ông Thắng thừa nhận, ngày 22-3-2012, Xí nghiệp Quản lý dịch vụ và khai thác khu đô thị đã có công văn gửi Công ty cổ phần Đầu tư phát triển rau sạch Sông Hồng – đơn vị thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt tại các toà nhà, trong đó có khu nhà B6A, yêu cầu đơn vị này khẩn trương triển khai việc thu gom rác thải tại các nhà rác, vận chuyển đến nơi xử lý, đồng thời thu phí vệ sinh của các hộ dân theo đúng quy định. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, công tác dọn vệ sinh tại khu nhà này vẫn chưa được triển khai.
Được biết, mới đây, tình trạng hỏng thang máy cũng diễn ra tại khu nhà B11A, do thiết bị thang máy đã sử dụng lâu ngày, dẫn đến cháy nổ bo mạch. Mặc dù, ngay sau đó sự cố này đã được đơn vị trực tiếp quản lý toà nhà kiểm tra, khắc phục, giải quyết, song nguyên nhân dẫn đến tình trạng trục trặc thang máy của khu tái định cư Nam Trung Yên không phải là chuyện hiếm gặp. Điều này cho thấy việc quản lý, bàn giao, phối hợp giữa đơn vị chủ đầu tư và đơn vị quản lý toà nhà còn thiếu chặt chẽ. Trong trường hợp không có điều kiện để thực hiện công tác bảo hành công trình, chủ đầu tư nên bàn giao nguồn kinh phí bảo hành cho đơn vị quản lý vận hành thực hiện, tránh tình trạng quả bóng trách nhiệm được các đơn vị đá qua, đá lại và cuối cùng chỉ có người dân là chịu thiệt.
Theo ANTD
Công viên Hòa Bình nhếch nhác đâu chỉ do thiếu kinh phí
Dù mới đưa vào sử dụng, khai thác được 2 năm nay nhưng đến thời điểm hiện tại, nhiều hạng mục công trình của công viên Hòa Bình (huyện Từ Liêm, Hà Nội) đã bị hư hỏng khá nặng.
Nhiều phiến đá lát quanh tượng đài trống hoác
Mới khánh thành đã xuống cấp
Công viên Hòa Bình được coi là công viên có kiến trúc hiện đại nhất của Hà Nội, có diện tích hơn 20ha, với tổng mức đầu tư trên 280 tỷ đồng, chính thức đi vào hoạt động tháng 10-2010. Có mặt tại đây trưa 9-10, chúng tôi thấy số khách vào tham quan chỉ đếm trên đầu ngón tay. Quy định cấm đi xe đạp, xe máy vào trong công viên dường như vô tác dụng bởi vẫn có một số người phóng xe máy vù vù quanh công viên mà không ai nhắc nhở. Dù công viên có hầm để xe nhưng luôn trong tình trạng cửa đóng then cài khiến khách phải gửi xe ở ngoài cổng.
Tại khu vực quảng trường, xung quanh các bồn hoa, tiểu cảnh, gạch đá ốp lát bị vỡ, bong bật khá nhiều. Đặc biệt là một số tấm đá ốp có kích thước tương đối lớn ở khu vực này do chỉ gắn keo và móc treo tạm bợ nên đã bị bong bật, rơi vỡ. Bên cạnh đó, nhiều đoạn nẹp mép cầu đã bị vênh, thanh dọc bị bong gãy, trên một số đoạn đường dạo gạch bị bong tróc, gây nhếch nhác, mất mỹ quan. Ngoài ra, nước hồ trong công viên khá bẩn, cá chết nhiều bốc mùi hôi thối nồng nặc, thiết bị điện tử trong nhà trò chơi chiếu phim 4D thường xuyên gặp trục trặc, nhà để xe ngầm cũng bị thấm nước ở trần và xung quanh tường.
Ông Lê Đình Dũng, ở đường Phạm Văn Đồng, huyện Từ Liêm - người thường xuyên tập thể dục trong công viên chia sẻ, từ khi công viên được đưa vào phục vụ nhân dân, bà con trong khu vực rất phấn khởi vì có chỗ rèn luyện sức khỏe, nghỉ ngơi thoáng mát, sạch sẽ. Tuy vậy, không hiểu vì sao, nhiều hạng mục công trình tại đây lại xuống cấp nhanh đến vậy. Tại khu vực tượng đài, tình trạng nước tràn ra mặt đường diễn ra đã khá lâu. Không ít người khi đi đến khu vực này đã bị trượt ngã. "Theo tôi, nguyên nhân không chỉ do việc thi công kém chất lượng mà còn ở sự thiếu ý thức của người dân. Tôi đã tận mắt chứng kiến nhiều bạn trẻ nhảy lên bồn hoa, thảm cỏ ngồi ăn uống, xả rác bừa bãi rồi ngắt hoa bẻ cành" - ông Dũng than phiền.
Chưa có tiền duy tu, duy trì
Sau khi khánh thành, UBND thành phố Hà Nội và Sở Xây dựng đã giao cho Công ty TNHH một thành viên Vườn thú Hà Nội (gọi tắt là Vườn thú Hà Nội) quản lý, duy trì và khai thác công viên Hòa Bình. Song đến thời điểm hiện tại, đơn vị chủ đầu tư công trình và các nhà thầu vẫn chưa tiến hành bàn giao đầy đủ các hạng mục. Tại đây mới chỉ có cây xanh, điện chiếu sáng, đường dạo, hồ nước được sử dụng nguồn kinh phí đặt hàng hàng năm của thành phố để thực hiện duy trì thường xuyên, còn lại các hạng mục khác hiện vẫn chưa có kinh phí để thực hiện công tác sửa chữa.
Trao đổi với phóng viên ANTĐ, ông Nguyễn Văn Hùng - Phó Tổng Giám đốc Vườn thú Hà Nội cho biết, do công viên Hòa Bình là công viên mở không bán vé, lại có diện tích rộng nên đã gây khó khăn cho công tác quản lý. Để bảo đảm ANTT, cảnh quan môi trường tại khu vực, công ty đã cử 50 bảo vệ trực 3 ca/24h trong ngày. Bên cạnh đó, công ty còn có 140 người làm nhiệm vụ duy trì hệ thống bồn hoa, thảm cỏ và vệ sinh trong công viên, 1 tổ công nhân để sửa chữa những hư hỏng nhỏ.
Các phiến đá ốp xung quanh vườn hoa, ối đi đều bị xuống cấp
Cũng theo ông Hùng, sự xuống cấp của công trình không chỉ do thời gian thi công tương đối gấp, một số loại thiết bị không chịu được sự khắc nghiệt của thời tiết mà còn do sự thiếu ý thức của một số khách tham quan. Hiện công ty đã tiến hành thống kê tất cả các điểm hư hỏng cần sửa chữa, lên phương án và lập dự toán trình Sở Xây dựng phê duyệt. Để việc quản lý công viên Hòa Bình được hiệu quả, thuận lợi, Vườn thú Hà Nội đã đề nghị Sở Xây dựng chỉ đạo chủ đầu tư và các nhà thầu khẩn trương khắc phục những hư hỏng, tồn tại tại công viên Hòa Bình, thực hiện chế độ bảo hành theo quy định, xem xét, cho phép công ty được sử dụng nguồn kinh phí duy trì vật kiến trúc để sửa chữa những hạng mục bị xuống cấp. Bên cạnh đó, Sở cũng cần chỉ đạo đơn vị chủ đầu tư và các nhà thầu sớm bàn giao hồ sơ hoàn công, các hạng mục công trình còn lại.
Vừa qua, Bộ Xây dựng đã có kết luận thanh tra công tác quản lý đầu tư xây dựng các công trình văn hóa kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tại công trình công viên Hòa Bình, đoàn thanh tra đã phát hiện chủ đầu tư tự ý xây dựng một căn nhà cấp 4 diện tích 75m2 tại vị trí không gian vườn trung tâm, không nằm trong quy hoạch được duyệt. Ngoài ra, một số hạng mục được xây dựng không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng đến mỹ quan của công viên.
Theo ANTD
Thăm trường học không thể xấu hơn ở Thanh Hóa Đã nhiều năm nay, trường THCS Yên Mỹ (huyện Nông Cống, Thanh Hóa) xuống cấp nghiêm trọng, hàng trăm học sinh và giáo viên vừa học vừa lo trường sập. Theo phản ánh của thầy trò trường THCS Yên Mỹ, đã nhiều năm nay trường không được tu bổ nên đã xuống cấp trầm trọng. Trường THCS Yên Mỹ được thừa hưởng cơ...