Khu ‘ổ chuột’ ở gầm cầu Long Biên
5 năm nay vợ chồng chị Huyền đều tắm rửa, vệ sinh, nấu nướng trong căn phòng vỏn vẹn 6 m2 ở khu trọ tạm bợ, hôi hám dưới gầm cầu Long Biên (Hà Nội). Thu nhập thấp nên cả trăm người lao động phải chịu cảnh sống này.
Nằm ngay sát chân cầu Long Biên (phường Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội) là khu nhà trọ cũ nát, xập xệ của những người lao động ở chợ đầu mối Long Biên. Ai đi qua đây đều cảm thấy khó thở vì mùi hoa quả thối, rác thải, nước cống thậm chí cả phân bốc lên nồng nặc, nhất là những hôm trời nắng nóng.
Tuy nhiên, đây lại là nơi nghỉ ngơi sau những giờ lao động mệt nhọc của hàng trăm lao động ngoại tỉnh. Họ chủ yếu đến từ Hưng Yên, Nam Định, Hà Tây cũ… lên bán hoa quả rong trong phố, khuân vác hàng hóa trong chợ Long Biên. Nhiều người gọi đó là khu ổ chuột, xóm liều giữa thủ đô.
Khu “ổ chuột” nhìn từ trên cầu Long Biên. Ảnh: Lê Hồng Thái.
Con đường dẫn vào khu dân cư “phấn đấu văn hóa” lổn nhổn đất đá và rác rưởi còn ngày mưa thì lầy lội khó đi. Ngay cạnh khu ổ chuột là mương nước thải đen ngòm được người dân gọi là “cống thối” vì lúc nào cũng bốc mùi khó ngửi.
Trong những con ngõ chưa đầy một mét tranh sáng tranh tối là các dãy nhà xiêu vẹo bằng phên nứa, bìa carton, bao tải, tấm lợp… cao hơn đầu người. Do toàn dân nhập cư nên nơi đây không được vệ sinh thường xuyên, đủ loại rác thải đều đổ trực tiếp xuống “cống thối” khiến ô nhiễm càng trở nên nặng nề.
“Sống ở đây ngột ngạt vô cùng, nhưng vì mưu sinh nên phải chịu đựng”, chị Hoàng Thị Huyền (41 tuổi, quê Phúc Thọ, Hà Nội) nói và cho biết, ở quê chỉ có mấy sào ruộng không đủ ăn, vợ chồng chị đành gửi con cho ông bà nội chăm sóc rồi lên đây bán hoa quả rong.
5 năm nay vợ chồng chị Huyền đều tắm rửa, vệ sinh, nấu nướng trong căn phòng vỏn vẹn 6 m2. Nơi rộng rãi nhất trong căn phòng nhỏ hẹp chất đầy đồ đạc chính là chiếc giường đơn. “Thu nhập không nhiều nhưng hằng ngày cũng có đồng ra đồng vào gửi về cho con ăn học. Tôi không muốn chuyển đi vì ở đây gần chợ, tiện cho mua bán hàng hóa. Chỉ mong sao nhà chủ xây cho cái nhà vệ sinh chung để đỡ phải đi trong nhà”, chị Huyền chia sẻ.
Ngôi nhà vỏn vẹn chỉ 6m2 của vợ chồng chị Huyền. Ảnh: Lê Hồng Thái.
Ban ngày khu dân cư này rất vắng vẻ vì mọi người đều đi bán hàng rong đến tối mới về nghỉ ngơi, chỉ còn những cửu vạn làm đêm thì ban ngày ngủ lấy sức. Phần lớn ở đây đều là phụ nữ, thậm chí có cả những đứa trẻ 15 – 16 tuổi.
Video đang HOT
Phía ngoài ngõ, hàng chục chiếc xe đẩy hàng của các cửu vạn được khóa cẩn thận chờ đêm buông xuống là khu trọ lại rậm rịch kéo nhau ra chợ. Cô Siết (quê Khoái Châu, Hưng Yên) nói: “Vất vả lắm, nhưng không phải hôm nào cũng được “vất vả” vì nếu mưa chắc không kiếm được đồng nào”.
Ngồi trong căn phong nóng như đổ lửa mà không bật quạt được ổ cắm đang dùng để bơm nước, cô Phùng Thị Vĩnh (50 tuổi, quê Phúc Thọ) than thở: “Ở đây chỉ có nước giếng khoan là được dùng thoải mái. Dù nước không được lọc, mùi rất tanh nhưng không ai kêu ca vì dùng cũng đã quen. Biết là nước bẩn nhưng vẫn phải dùng vì ở nơi thế này làm sao có thể đòi hỏi được”.
Sống ở đây 6 năm với 2 người cùng quê, người phụ nữ khắc khổ này cho hay, cũng quen với cảnh “ngày nóng thì mùi từ ‘cống thối’ bốc vào không thể thở được, còn ngày mưa thì trong nhà như ngoài trời, giột ướt hết cả giường chiếu”. Dạo này vì người dân lo sợ hoa quả Trung Quốc độc hại nên có khi 22h cô mới bán hết hàng. Về phòng nghỉ ngơi đến 3h sáng đã phải lóc cóc ra chợ Long Biên lấy hàng bán tiếp. Vất vả là vậy nhưng có ngày ế hàng, “lãi chỉ có trăm nghìn đồng”.
Dù sống trong cảnh hôi hám, bẩn thỉu và chật trội như vậy nhưng giá thuê nhà ở đây không hề rẻ. Căn phòng tầm 6m2 mà có giá tới một triệu đồng chưa kể điện 4.000 đồng một số, nước 35.000 đồng một người. Những phòng bằng phên nứa hay tấm lợp thì rẻ hơn vài trăm nghìn nhưng rất nóng. Thu nhập thấp, lại phải thuê trọ giá cao khiến chị Mùi (47 tuổi) phải rủ thêm 3 người nữa ở cùng để chia sẻ tiền phòng, “chứ nếu ở một mình chắc chết”.
Do không có nhiều sự lựa chọn nên những người lao động nghèo chẳng hề than vãn mà vẫn lầm lũi sống hết ngày này qua ngày khác để mưu sinh.
Quần áo được phơi ngay trên những chiếc xe đẩy hàng của các nữ “cửu vạn” và ngay cạnh “cống thối”. Ảnh: Lê Hồng Thái.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Quốc Thành, Chủ tịch UBND phường Phúc Xá cho biết, trước đây khu dân cư số 2 vốn là đất nông nghiệp, nhiều hộ dân trong phường đã lấn chiếm, chuyển đổi mục đích xây nhà cho thuê trọ. Dân lấn chiếm lên tạo thành những đường ngõ rất nhỏ hẹp.
Ngoài ra, khu vực này chưa có quy hoạch, đất không phải hợp pháp nên người dân không được cấp sổ đỏ, không được xây dựng kiên cố. Theo ông Thành, hiện chính quyền quản lý chặt nên chỉ để tồn tại những ngôi nhà theo hiện trạng cũ mà không để xây dựng lấn chiếm phát sinh.
“Đất lấn chiếm tạo thành nhà cửa lụp xụp là do lịch sử để lại. Chúng tôi cũng rất lo cho tính mạng người dân trong mùa mưa bão vì nhà rất dễ sập. Chính quyền cũng rất mệt mỏi, suốt ngày căng thẳng với dân. Phường không thể cưỡng chế vì không có quy chế”, ông Thành chia sẻ.
Lãnh đạo phường Phúc Xá cũng cho hay, kiến nghị của phường là thành phố phê duyệt quy hoạch khu dân cư này để có phương án cắm mốc giới khu vực được phát triển hoặc không được phát triển. Đó là cơ sở cho dân nâng cấp nhà cửa, còn khi Nhà nước thu hồi thì sẽ có phương án giải tỏa.
“Tôi lo ngại rằng khu vực dân cư này đang trong quy hoạch đường sắt đô thị và cầu Long Biên nên dân cư có thể không được ở lâu dài”, ông Chủ tịch nói và cho biết thêm, nếu di dời hoặc xây dựng chợ Long Biên thành trung tâm thương mại văn minh thì sẽ giải quyết được những bức xúc của dân cư khu vực này.
Hiện, trên địa bàn phường Phúc Xá thường xuyên có 2.000 – 3.000 người dân ngoại tỉnh tá túc, mưu sinh ở chợ Long Biên và các địa bàn lân cận.
Theo VNE
Dân khổ vì dự án 'treo' suốt 14 năm
Hàng chục hộ dân Ấp Doi thuộc khu phố 8, phường 15 (Gò Vấp, TP.HCM) như đang ngồi trên đống lửa vì chính quyền địa phương dán thông báo tháo dỡ hết những căn nhà được người nghèo dựng lên để che nắng, che mưa vào ngày 18/6 tới đây.
Sau giải phóng, cù lao Ấp Doi chỉ có một tổ dân phố với khoảng 30 hộ dân sinh sống. Lúc đó Ấp Doi là một cánh đồng rộng lớn với lúa, mía, rau màu... nhưng sau này có nhiều căn nhà mọc lên vì ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa.
Người dân Ấp Doi quá khổ khi bị đập nhà, phải che bạt lên trên để trú thân.
Do cư dân Ấp Doi đều nghèo, hoàn cảnh khó khăn nên những ngày đầu mới mua được đất ở đây, người dân chỉ cất nhà lá tạm bợ hoặc xây tường cấp 4 để ở. Đến năm 1998 quận Gò Vấp quy hoạch 40ha ở Ấp Doi thành công viên cây xanh nhưng chờ mãi chẳng thấy chính quyền địa phương thu hồi đất để thực hiện dự án nên cuộc sống người dân cứ mãi "treo" theo "dự án treo" suốt 14 năm qua.
Hai năm trước, ông Nguyễn Hồng, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp ký kế hoạch 106 về chương trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn quận giai đoạn 2011-2015 khẳng định trong nhiều nhiệm kỳ qua Ấp Doi thuộc khu phố 8, phường 15, quận Gò Vấp chưa có quy hoạch phát triển đô thị được duyệt. Đây chính là nguyên nhân gây bức xúc và hạn chế các quyền lợi của người dân trong việc sử dụng đất đai. Vì vậy, quận Gò Vấp đang chọn nhà thầu có đủ năng lực để xây dựng Ấp Doi thành một khu đô thị mới có quy mô dân số 15.000-18.000 người.
Cuộc sống tạm bợ trong những "ổ chuột" giữa lòng TP.HCM.
Qua số liệu thống kê gần nhất là năm 2009, toàn Ấp Doi có 563 hộ với gần 2.000 nhân khẩu. Đến nay con số thực tế tăng lên rất nhiều nhưng ngoài 67 hộ là cư dân gốc, những hộ còn lại là thế hệ sinh sau và dân nhập cư. Trong đó có 3 hộ được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và đất ở, 28 hộ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Như đã đề cập tại kế hoạch 106, người dân Ấp Doi đa phần là dân nhập cư nhưng sau nhiều năm gắn bó ở TP.HCM, hầu như tất cả những người mua đất ở cù lao này đều muốn có một mái ấm để an cư lạc nghiệp. Nhưng những viên gạch xây nhà được đặt lên thì chính quyền địa phương nhất quyết không cho tồn tại.
Một căn nhà bị chính quyền địa phương đập tan nát khi dân xây để tá túc dù Ấp Doi là dự án treo mấy chục năm nay.
Trò chuyện cùng phóng viên, ông Hồ Văn Xoài (39 tuổi) cho biết do cuộc sống quá khó khăn nên thuê thửa đất ao hồ tại Ấp Doi của bà Huỳnh Thị Đường để thả cá phục vụ cho nhu cầu câu cá giải trí của người dân vùng ven TP HCM nhưng thường xuyên bị chính quyền địa phương làm khó dễ.
"Xung quanh ao tôi cất vài cái chòi lá nhỏ để người câu ăn uống nhưng chính quyền địa phương kêu tháo dỡ, cưỡng chế hoài dù tôi có nói khi nào chính quyền xây dựng công trình hay dự án chỉnh trang đô thị thì tôi tháo dỡ, không yêu cầu bồi thường nhưng cũng không được", ông Xoài bức xúc.
Nhà hư hỏng nhưng dân không dám sữa.
Không riêng gì ông Xoài mà cư dân Ấp Doi muốn xây nhà tạm để trú thân cũng bị cưỡng chế. Hiện danh sách niêm yết của phường 15 do Phó Chủ tịch phường là ông Nguyễn Thành Phát ký liên quan đến cưỡng chế, tháo dỡ nhà lên đến 45 hộ. "Tôi thấy người nghèo cất nhà lá thì bị tháo dỡ nhưng có hộ quen biết với chính quyền địa phương đã cất nhà tường rất to hoặc xây nhiều dãy phòng trọ trên đất nông nghiệp mà không thấy ai nói gì", ông Xoài cho biết thêm.
Trong một lần trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Hoàng Dũng - Chủ tịch phường 15, quận Gò Vấp - cho biết nguyên nhân phần đông người dân Ấp Doi không xây được nhà tạm theo Quyết định 68 của UBND TP.HCM vì đây là đất nông nghiệp. Nếu hộ nào có giấy tờ hợp lệ thì sẽ cho xây.
Lau sậy, cỏ mọc um tùm ở Ấp Doi, quận Gò Vấp, TP.HCM.
Thế nhưng đã nhiều lần người dân Ấp Doi làm đơn gửi cơ quan chức năng để xin chuyển mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang thổ cư để đủ điều kiện xin phép xây dựng nhưng không ai giải quyết dù dự án công viên ở Ấp Doi bị "treo" mấy chục năm nay. Đây chính là nguyên nhân để Ấp Doi cứ mãi là một khu "ổ chuột" giữa lòng thành phố gắn liền với những căn nhà lụp xụp thường xuyên bị chính quyền buộc tháo dỡ làm cho cuộc sống của cư dân nghèo khó được bình yên.
NGUYỄN ĐÔNG
Theo Infonet
Hàng chục năm tắm cho người nhiễm HIV Đã có những gia đình con cái nhiễm HIV giai đoạn cuối, thân mình lở loét, bốc mùi hôi thối còn ngại chăm sóc. Đã có những người mắc AIDS khi kết thúc cuộc đời mình, nhưng không có ai vuốt mắt cho họ. Đã có những đám tang tiễn đưa người AIDS về với đất nhưng lạnh lẽo, cô độc vắng bóng...