Khử khuẩn trường mầm non trước ngày khai giảng
Ngành y tế TP HCM sẽ phối hợp với Sở Giáo dục Đào tạo khử khuẩn các trường mầm non nhằm phòng bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết cho học sinh trong năm học mới.
Nhìn nhận dịch tay chân miệng vẫn còn diễn biến phức tạp, bệnh sốt xuất huyết cũng bắt đầu tăng ca, đại diện Sở Y tế TP HCM cho rằng việc tổng vệ sinh khử khuẩn các trường là cần thiết để phòng ngừa bệnh cho học sinh khối mầm non.
Rửa tay cho trẻ và phát hiện sớm bé mắc bệnh là cách phòng ngừa bệnh tay chân miệng. Ảnh: Cao Lâm
Theo thống kê từ Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, hiện lượng trẻ mắc bệnh từ trường học chỉ chiếm khoảng 30% số bệnh nhân. Song nếu không làm tốt các khâu vệ sinh trường lớp thì đây là môi trường thuận tiện để các bé mắc bệnh lây cho bạn học.
Đại diện Sở Y tế TP HCM cho biết, ngành y tế sẽ hỗ trợ khối giáo dục tập huấn lại kiến thức vệ sinh khử khuẩn và việc dọn dẹp vệ sinh cho tất cả giáo viên mầm non. Việc tổng vệ sinh được tiến hành trước ngày 5/9 để đón học sinh đến trường.
Video đang HOT
Đại diện Sở Giáo dục và đào tạo TP HCM cũng cho biết sẽ thành lập các đoàn kiểm tra để đánh giá tình hình thực hiện của các trường. Ngoài việc khử khuẩn, các trường phải có đủ hệ thống vòi nước, xà phòng, khăn sạch để bé rửa tay.
“Các cô giáo phải được tập huấn để thực hiện tốt việc rửa tay cho bé và phát hiện sớm những cháu mắc bệnh, có biện pháp cách ly”, một bác sĩ phụ trách y tế học đường nói.
Chiều chủ nhật 28/8, ghi nhận của VnExpress.net tại hai bệnh viện Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2 cho thấy, mỗi nơi có hơn 100 bé nằm viện điều trị bệnh tay chân miệng. Lượng bệnh nhi ở TP HCM chiếm khoảng 40%, còn lại là từ các tỉnh chuyển đến chữa bệnh.
“Diễn biến bệnh còn phức tạp, bởi theo chu kỳ dịch tễ đầu tháng 9 là vào mùa dịch mới trong khi số ca bệnh đầu mùa đã ở mức cao”, bác sĩ Trần Thị Thúy, Phó khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2 nói.
Theo bác sĩ Phạm Việt Thanh, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, Sở đã triển khai kế hoạch hành động nếu dịch bệnh tăng ca. Trong đó, bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới sẽ điều trị chính và giúp các bệnh viện khác trong việc chẩn đoán, điều trị.
Theo VNE
Hà Nội: Dịch vụ bác sĩ gia đình đắt khách vì dịch bệnh
Mặc dù bệnh tay chân miệng chỉ xuất hiện rải rác ở miền Bắc nhưng nhiều bà mẹ vẫn sợ, không đưa con tới bệnh viện đông đúc khi có bệnh mà bấm bụng đưa con tới phòng khám, gọi bác sĩ gia đình...
Số bệnh nhi đến khám tại bệnh nhi TƯ không tăng đột biến và chủ yếu là ngoại tỉnh, những trẻ có bệnh mãn tính, khám định kỳ (Ảnh: H.Hải)
"Phong tỏa" con trong nhà
Suốt từ đầu hè tới nay, dù miền Bắc trải qua nhiều đợt nắng nóng nhưng tại các bệnh viện, số bệnh nhi tới khám không có sự tăng đột biến. Như tại bệnh viện Nhi TƯ, từ đầu hè tới nay không có thời điểm nào bệnh nhân tăng đột biến, luôn duy trì ở mức trung bình khoảng 2.000-2.500 bệnh nhân/ngày. Theo các bác sĩ, do thời tiết quá nắng nóng, lo con có thể lây nhiễm các bệnh lý khác nên nhiều gia đình đã mời bác sĩ về khám chữa cho con mình ngoài giờ hành chính.
"Mỗi lần gọi bác sĩ đến nhà là một mức phí khác nhau, phụ thuộc vào thời tiết, chủ yếu là 200-300 ngàn đồng/lần. Biết là không rẻ nhưng nếu đưa đi khám thì cũng phải taxi, rồi túi nọ túi kia... tính ra chi phí cũng ngang bằng mà con lại vất vả, rồi nguy cơ lây nhiễm bệnh", chị Loan (nhà CT2A, Xa La, Hà Nội) ngồi tính.
Chị Phương (Ngô Thì Nhậm, Hà Đông, Hà Nội) thì lại tính khác. Chị không mời bác sĩ đến nhà khi thấy con gái 7 tháng tuổi đi ngoài xì xoẹt 5-7 lần/ngày. Sau 3 ngày cho con uống men tiêu hóa không ăn thua, chị gọi dịch vụ xét nghiệm phân, nước tiểu tại nhà. Kết quả xét nghiệm không có gì bất thường khiến chị tin là chỉ cần uống uống men vài ngày nữa là bé khỏi.
"Phí khám bệnh giờ cũng tăng nhiều. Tính ra, tiền xe đi lại, tiền khám còn đắt hơn gọi bác sĩ đến nhà. Chưa kể, bế con đến đây mà lo nơm nớp khi nhìn thấy các bé khác sốt, ho, chỉ sợ con đã bị đi ngoài lại lây bệnh đường hô hấp thì khổ", chị Phương bộc bạch.
Một bác sĩ chuyên nhận khám bệnh tại nhà đang làm ở bệnh viện Xanh pôn chia sẻ, không hôm nào nhận được dưới 10 cuộc gọi nhờ tới nhà khám bệnh trong giờ nghỉ trưa, sau giờ làm. Khi nói qua tình trạng bệnh, tùy trường hợp mà bác sĩ nhận lời tới khám, còn những trường hợp bệnh diễn tiến nặng, hay phải có những xét nghiệm kèm theo thì luôn khuyên gia đình đưa bé tới viện khám, nhưng đa số rất ngại đến viện vì sợ con lây bệnh, nhất là thông tin về bệnh tay chân miệng ầm ĩ ở phía Nam. Vì thế, nhiều gia đình chấp nhận chi thêm tiền cho cả dịch vụ khám và xét nghiệm tại nhà.
Vẫn cần tới bệnh viện
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai, việc nhiều cha mẹ lựa chọn khám phòng khám, gọi bác sĩ tới nhà vì có nhiều thuận lợi hơn khi tới bệnh viện. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, chỉ những trường hợp thông thường mới khám tại phòng khám, còn khi cần có những xét nghiệm, chiếu chụp thì cha mẹ nên đưa bé tới viện.
Cùng quan điểm này, bác sĩ Đ, một bác sĩ chuyên khám tại nhà hiện đang công tác tại đại học Y Hà Nội cho biết, có nhiều trường hợp khi tới nhà khám, em bé sơ sinh khò khè, ho, sổ mũi, nghi ngờ viêm phổi, các bác sĩ cũng khuyên đưa bé tới viện, vì ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, diễn tiến bệnh có thể nhanh lên bất thường, chiều vừa khám bình thường tối đã có thể nặng lên. Những trẻ này cần tới viện khám, chiếu chụp để khẳng định có bị viêm phổi hay không để được chỉ định điều trị nội hay ngoại trú. Hay như xét nghiệm chức năng gan, thận, nhiều bé bị viêm cầu thận cấp, viêm thận nhưng không hề được phát hiện dù vẫn gọi bác sĩ, đi phòng khám khám các bệnh lý hô hấp thông thường vài tháng lần, thậm chí có tháng vài lần.
"Nhiều người có tâm lý ngại đông đúc, chờ đợi, sợ con lây bệnh khi tới viện nên sẵn sàng chi nhiều tiền để gọi bác sĩ gia đình. Đến viện là điều không ai mong muốn, nhưng cũng có thể phòng lây các bệnh hô hấp cho trẻ khi tới viện bằng cách rửa tay xà phòng thường xuyên cho con. Trước khi cho con ăn cũng cần rửa tay. Không để bé dùng tay chùi lên mặt, có thể động viên bé đeo khẩu trang khi ở chỗ đông người...Trong nhiều trường hợp, cha mẹ cần khắc phục những khó khăn này để đưa con tới viện khám với đầy đủ phương tiện máy móc, thiết bị cần thiết bé sẽ được chẩn đoán, điều trị, phát hiện bệnh kịp thời nhất", BS Dũng nói.
Theo Dân Trí
Bé mút ngón tay có gây hại? Rất nhiều bé có thói quen luôn mút ngón tay ở mọi nơi, mọi lúc, nhiều bà mẹ cho rằng điều đó là tự nhiên và rất bình thường. Vậy, bé mút tay có lợi hay hại, chúng ta có nên cho trẻ mút ngón tay không, loại bỏ thói quen này như thế nào? Vì sao bé mút tay? Trong giai đoạn...