Khu ‘điều dưỡng’ cho F0
Kéo lại khẩu trang, ông Nguyễn Hùng, 77 tuổi, chậm rãi bước ra sân khu thu dung F0 nhẹ tại trường THCS thị trấn Củ Chi – nơi có hàng chục người đang tập dưỡng sinh, thiền, đá cầu.
5h, trời chưa sáng rõ, khoảnh sân chừng 150 m2 nằm gọn giữa bốn dãy nhà xếp hình chữ nhật rộn tiếng nhạc, như một công viên thu nhỏ. Ban công các tầng lầu mỗi lúc lại đông người thức dậy. Họ giữ khoảng cách, trò chuyện râm ran, lần lượt xuống sân tập thể dục.
Ông Hùng hít thật sâu khí trời, tập thở theo cách mà bác sĩ đã hướng dẫn mọi người. Ông là một trong số hơn 300 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại đây.
Ông một mình nhập viện hôm 10/8 với các triệu chứng ho, đau họng, sốt – thuộc nhóm nguy cơ cao trở nặng vì đã lớn tuổi và có bệnh nền tăng huyết áp. Các bác sĩ định chuyển ông lên tuyến trên, đề phòng tình huống nguy cấp nhưng ông xin ở lại vì mọi người ở đây cảm thấy thoải mái như ở nhà.
Hàng ngày, cụ ông duy trì uống thuốc ổn định huyết áp và trị triệu chứng Covid-19, kết hợp tập thể dục, tập thở. Dù kết quả xét nghiệm lần hai vẫn dương tính, song bệnh nhân đã hết ho, sốt, đau họng; sức khoẻ ổn định, nguy cơ trở nặng thấp. Dự kiến sau hai lần xét nghiệm âm tính liên tục hoặc còn dương tính nhưng giá trị CT 30, ông sẽ được xuất viện.
Bác sĩ Trương Tấn Hùng, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Củ Chi, cho biết khu thu dung này được thành lập hơn một tháng trước, trưng dụng cơ sở vật chất của trường học. Lúc đầu, đây chỉ trạm tiếp nhận, phân loại F0 tại địa phương theo mức độ nguy cơ rồi chuyển đến các bệnh viện điều trị Covid-19 trong mô hình “tháp 5 tầng” của TP HCM. Tuy nhiên, do các bệnh viện tuyến trên quá tải, không thể tiếp nhận hết F0 nên khu thu dung đã chuyển đổi công năng, trở thành bệnh viện dã chiến tuyến huyện (tương đương tầng 1) điều trị người bị nhẹ hoặc không triệu chứng. Từ nhiều nguồn, các bác sĩ đã huy động trang thiết bị, thuốc điều trị, cấp cứu, bình oxy, máy tạo oxy… để cấp cứu kịp thời những bệnh nhân trở nặng, hạn chế việc chuyển tuyến.
Quá trình hoạt động, nhận thấy người bệnh có tinh thần thoải mái, suy nghĩ lạc quan sẽ rất tốt cho sức khoẻ, nhanh hồi phục và khả năng diễn tiến nặng sẽ ít đi, các bác sĩ khuyến khích họ dậy sớm xuống sân tập thể dục hai buổi sáng và chiều. F0 cũng được hướng dẫn tự chăm sóc bản thân, khử khuẩn, dọn phòng, đi đổ rác… thay vì chỉ ở trong phòng. Riêng người có nguy cơ cao diễn tiến nặng sẽ có người nhà đi cùng chăm sóc và được ưu tiên cách ly tại tầng trệt, gần phòng cấp cứu.
Do khu thu dung chỉ có 2 bác sĩ và một điều dưỡng chăm sóc cho hơn 300 bệnh nhân nên công tác tổ chức cũng phải thay đổi. Nhân viên y tế sẽ nhờ những F0 không triệu chứng trẻ tuổi, khoẻ mạnh theo dõi sức khoẻ người lớn tuổi, có bệnh nền ở chung phòng. Nếu có dấu hiệu trở nặng, họ sẽ lập tức báo bác sĩ xử trí. Nhờ vậy mà các F0 luôn thấy mình được chăm sóc, còn các bác sĩ có thời gian để thăm khám sức khoẻ cho toàn bộ người bệnh 2 lần mỗi ngày.
Là bác sĩ tình nguyện và nhận nhiệm vụ tại đây hơn 3 tuần trước, anh Trần Văn Thành (Tổ trưởng tổ bác sĩ) cho biết, hiện gần như tất cả bệnh nhân không còn bất an, lo lắng và hợp tác điều trị rất tốt. “Chúng tôi cố gắng vận hành khu thu dung như một khu điều dưỡng, tạo mọi điều kiện sinh hoạt, điều trị thoải mái nhất cho người bệnh”, anh Thành nói.
Đây được xem là lý do tỷ lệ F0 không triệu chứng chuyển sang có triệu chứng rất thấp, khoảng 9-15 ca (3-5%) mỗi ngày; 3-9 ca trở nặng (1-3%); phải chuyển viện 1-3 ca (1%); còn xuất viện là 20-30 bệnh nhân. Đến nay, khu thu dung tại trường THCS thị trấn Củ Chi có tổng cộng hơn 1.000 F0 xuất viện. Số giường trống nhanh chóng được lấp đầy, điều trị cho các F0 ngoài cộng đồng đang tăng rất nhanh.
Theo bác sĩ Thành, nếu mô hình “khu điều dưỡng” này được nhân rộng chắc chắn sẽ giảm tỷ lệ bệnh nhân trở nặng, tử vong. Tuy nhiên, việc này cần nguồn kinh phí lớn để chuẩn bị hệ thống trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất ngay từ đầu; cần thêm nhân sự y tế vốn dĩ đã quá tải. Ngoài ra, để vận hành tốt cần có một đầu mối trung gian thu thập thông tin, tổ chức các vấn đề phát sinh như điều phối chuyển F0 nặng, bệnh nhân mới, cập nhật số giường trống…
Bác sĩ Trần Văn Thành thăm khám bệnh nhân. Ảnh: Bác sĩ cung cấp
Cùng quan điểm, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Nguyễn Minh Tiến (phụ trách Bệnh viện dã chiến thu dung và điều trị Covid-19 số 4 huyện Bình Chánh, quy mô hơn 4.000 giường) cho biết, hiện chưa có thống kê về việc bệnh nhân tinh thần thoải mái giúp giảm tỷ lệ trở nặng, song có rất nhiều nghiên cứu cho thấy khi thần kinh ổn định F0 sẽ tập trung năng lượng điều khiển được hệ miễn dịch tiêu diệt, đào thải virus nhanh chóng và hiệu quả hơn. Do đó, nếu mô hình “khu điều dưỡng F0″ được nhân rộng sẽ có nhiều người bệnh được đưa vào chăm sóc tốt hơn, thay vì ở nhà như bây giờ.
“Việc người bệnh phải cách ly một mình trong phòng suốt thời gian dài cũng có thể khiến khủng hoảng tâm lý, trầm cảm. Còn khi được sinh hoạt, giao tiếp với người khác tại cơ sở cách ly tập trung (vẫn giữ khoảng cách 2 m), họ sẽ được cân bằng tâm lý, yên tâm điều trị và cải thiện sức khoẻ”, ông lý giải.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Tiến, điều kiện tất yếu để triển khai mô hình này hiệu quả là cần nơi rộng, thoáng đãng, nhiều cây xanh (như trường học, doanh trại quân đội)… ở vùng ngoại ô. Còn các quận nội thành Sài Gòn sẽ khó áp dụng vì không gian vốn chật hẹp, nhiều nhà cao tầng, thông khí kém, thiếu bóng mát, thiếu ánh nắng từ nhiều phía.
Video đang HOT
Hay như Bệnh viện dã chiến số 4 chỉ có thể áp dụng linh hoạt. Bởi cơ sở dù nằm ở ngoại ô nhưng vốn được trưng dụng từ chung cư tái định cư với hành lang và sân nhỏ, thông khí không tốt… nên không thể để người bệnh xuống tập thể dục. Thay vào đó, các bác sĩ nói mọi người luôn mở cửa, ban công để phòng thông thoáng, đón khí trời. Bệnh viện cũng thường xuyên mời các đoàn biểu diễn văn nghệ từ thiện đến hát, cổ vũ tinh thần F0.
Mô hình “khu điều dưỡng F0″ cũng được Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề cập tại buổi làm việc với Tây Ninh về công tác phòng chống Covid-19 hồi tuần trước.
Ông lưu ý tỷ lệ F0 không triệu chứng chuyển sang có triệu chứng tại tỉnh này đang “quá cao” – 36% trong tổng số hơn 3.000 ca, tương đương một số quận huyện của TP HCM (30%). Trong khi đó, tỷ lệ này ở Khánh Hoà chỉ khoảng 10%; trung bình các tỉnh thành khác là 20%; Đồng Nai và Bình Dương (điểm “ nóng” của dịch chỉ sau Sài Gòn) là 30%.
Theo đó, Phó thủ tướng đề nghị Tây Ninh phải tổ chức lại khu thu dung tầng một (nơi tiếp nhận bệnh nhân không triệu chứng trong mô hình tháp 3 tầng) để giảm tỷ lệ này xuống. Mô hình mà tỉnh có thể tham khảo là khu thu dung ở huyện Củ Chi, TP HCM hay như ở Long An (dưới 5%).
Mẹ thần đồng Đỗ Nhật Nam bất ngờ tiết lộ từng bị trầm cảm, đáng nể nhất là cách chị vượt qua
"Để viết ra những điều này thực sự khó khăn. Vì cái "thế giới bên ngoài" trong con người mình vốn được bày ra rực rỡ và tươi tắn...".
Chị Phan Hồ Điệp, mẹ của thần đồng Đỗ Nhật Nam vốn là một hot mom nổi tiếng trên mạng xã hội. Những chia sẻ ý nghĩa, các khóa học và "bộ mặt xã hội" của người mẹ này luôn chứa đầy năng lượng tích cực, tạo động lực cho nhiều phụ huynh trong hành trình nuôi dạy con. Nhưng mới đây, chị bất ngờ tiết lộ trên trang cá nhân chuyện từng bị trầm cảm.
Điều này đã khiến những người theo dõi hot mom này bất ngờ. Đọc những dòng tâm sự dài của người mẹ nổi tiếng, chúng ta sẽ hiểu thêm, thông cảm thêm một chút với những người mắc tâm bệnh của thời hiện đại này.
Chúng tôi xin trích lại tâm sự của chị Phan Hồ Điệp.
Khủng hoảng tâm lý và trạng thái chối từ
"Cách đây gần một năm, mình rơi vào trạng thái trầm cảm. Nhưng như người say không biết đang say, mình không hề biết về điều đó.
Lúc ấy chỉ thấy sợ đêm tối. Cứ bắt đầu bóng tối ập xuống là lo lắng. Mình nghĩ tới cả một đêm dài vật vã phía trước, nghĩ tới giấc ngủ khó nhọc và rồi có hôm, mình sẽ ngồi cả đêm vì sợ nằm xuống sẽ khóc không dừng.
Lúc ấy chỉ thấy không còn tha thiết điều gì. Mọi thứ cứ nhàn nhạt trôi qua. Từ một người mê đọc sách và xem phim, mình sợ cảm giác sờ vào sách hoặc bật tivi. Vì nó có thể khiến những ký ức xưa cũ dội về.
Và đỉnh điểm là mình bắt đầu làm những thứ "rồ dại" mà trước đây chưa từng làm. Ví dụ như nói dối hoặc giận dữ với ai đó để tự gây hoang mang và rồi lại rơi vào vòng lặp xấu hổ và ân hận.
Nhưng vẫn không thừa nhận đó là trầm cảm.
Nếu có lúc nào thoáng nghĩ đến, mình sẽ tự gạt đi ngay và nhủ lòng: Mình có hiểu biết về chính bản thân. Mình biết dấu hiệu của trầm cảm. Mình vẫn thấy có nhiều niềm vui. Mình vẫn đi làm bình thường, vẫn có thể viết bài, vẫn tham gia các khoá học. Mình cũng không có ý định tự tử kia mà. Trầm cảm làm sao được.
Nhưng rồi, càng ngày cảm giác chán nản và buồn bã càng tăng. Mình có thể khóc bất cứ lúc nào. Tưởng như nhắm mắt là nước mắt sẽ tự nhiên lăn ra, từng giọt từng giọt nối nhau không dứt".
Tình yêu thương vực tâm hồn đứng dậy
"Và may mắn vào thời điểm đó, mình có Nam bên cạnh.
Nhưng bình thường, mình coi Nam như "linh vật" thì vào thời điểm đó, mình không cảm nhận niềm vui khi có con bên cạnh. Nếu Nam rủ đi chơi hoặc sẽ từ chối hoặc đi chỉ thấy vui một lát rồi lại nhanh chóng rơi vào cơn buồn.
Nhưng Nam hiểu và nhẹ nhàng ở bên, nín lặng trước mọi nguồn cơn. Mỗi khi mình khóc, nó ngồi bên cạnh ôm vai mình vỗ nhè nhẹ. Rồi lấy vạt áo lau nước mắt cho mẹ.
Ban đêm, nó cứ học xong một ca lại chạy ra. Nếu thấy mẹ nằm yên, thở đều, nó sẽ nhón chân đi trở lại vào phòng và nếu thấy mình còn thao thức, nó sẽ nằm xuống bên cạnh, khẽ cất tiếng hát.
Rồi nó đăng ký cho mình đến tư vấn tâm lý ở những bác sĩ theo lời chỉ dẫn là tốt nhất. Mình miễn cưỡng lê theo nó. Ý chí vẫn gào thét: Không, mình không sao, chỉ là đi cho con yên tâm thôi.
Và rồi sau mấy lần đi tư vấn với một nắm thuốc đem về, mình chìm trong những giấc ngủ mệt mỏi li bì. Sợ hãi, mình lẳng lặng ném thuốc vào một chỗ.
Cho đến một hôm vừa ngồi vào ăn, nhìn thấy mình nhai uể oải, Nam ứa nước mắt và nói: Mẹ, em viết đơn xin nghỉ học mẹ nhé. Em sẽ ở nhà đến khi nào mẹ thấy ổn trở lại. Mẹ không cần lo cho em. Em còn cả những năm tháng dài phía trước. Em còn quá nhiều cơ hội và lựa chọn. Trong thời điểm này, em lựa chọn mẹ.
Nghe Nam nói thế, mình bỏ bát cơm chạy lại rồi hai mẹ con ôm nhau khóc.
Và như người được hắt cho một chậu nước lạnh, mình tỉnh dần. Mình bắt đầu đi bộ với Nam mỗi buổi tối. Đi xong về tắm nước ấm, bật nhạc, hai mẹ con ngồi yên trong bóng tối và nghe nhạc.
Rồi mình bắt đầu viết trở lại. Ban đầu là viết về tất cả những điều mình đã trải qua. Viết về những cảm giác hụt hẫng, tiếc nuối, lo sợ, ân hận, dằn vặt, đau đớn của trái tim. Viết về những tổn thương mà mình gây cho người khác. Viết về những ước vọng của chính mình. Mình tự viết thư cho bản thân. Viết lời biết ơn, viết lời cầu nguyện.
Cứ như thế, những trang viết nhiều khi dừng giữa chừng vì mình cần phải khóc, phải thở chậm lại nhưng rồi giúp mình nguôi ngoai.
Mình nghĩ ra những mục tiêu có thể kiểm soát được, có thể quản lý được, có thể đo lường được. Mỗi khi hoàn thành mục tiêu, nó cũng khiến dễ chịu.
Mình học cách tha thứ cho bản thân. Ừ thì mình đã làm ai đó tổn thương nhưng trái tim mình đã từng đau, nên mình tha thứ. Và không lặp lại.
Hai mẹ con bắt đầu lên kế hoạch nghỉ ngơi cho mỗi ngày, mỗi tuần.
Mình bắt đầu chuyên tâm với việc nấu nướng. Và phát hiện ra, chìm vào trong công việc nấu nướng khiến mình có thể quên.
Rồi các giấc ngủ đến với mình, tuy vẫn ngắn và đứt quãng nhưng không còn cảm giác lo sợ về nó.
Nam "vần" mẹ qua những đau khổ, mệt mỏi. Chính là nhờ Nam. Chính sự dịu dàng và thấu hiểu của nó, chính sự không trách móc, đổ lỗi, chính trái tim giàu yêu thương của nó đã tưới tắm và khiến mình tươi tắn trở lại. Một sự tươi tắn thực sự chứ không phải là những nụ cười cố gắng như ngày trước.
Mình cũng có nhiều người bạn cùng chung tay "vần" mình qua cơn trầm cảm. Chúng nó đã ở bên để chứng kiến những lần khóc lóc điên loạn, những lần nổi giận (dù trước đó mình chưa từng làm với ai), những lần trốn đi biệt tích của mình với một thái độ duy nhất là: THƯƠNG. Chúng nó khuyên răn, chỉ dẫn và cả mắng mỏ, doạ dẫm chỉ để mình hiểu, mình không được phép làm gì dại dột.
Ôi chao, trước đây khi nghe nói ai đó quyết định nông nổi, dễ dãi, cứ nghĩ, đó nhất định sẽ không phải là mình.
Nhưng rồi mình hiểu, chẳng ai có thể lường trước được điều gì. Chỉ có trong bối cảnh đó, trong sự giày vò đó mới biết vì sao lại như thế".
Trầm cảm không phải là điều gì đáng xấu hổ
"Nhưng như người vượt qua quãng đường khó khăn, nhìn lại những gì mình đã đi qua mới thấy mình đã khác xưa rất nhiều.
Mình đã không còn coi sự thông minh là tất cả điều cần có ở một con người. Bình thường trong mọi cuộc họp, mình luôn được bạn bè vị nể một cách thực sự vì những cách giải quyết công việc thông minh. Nhưng rồi, sự thông minh ấy không cứu mình khỏi những nỗi tuyệt vọng, sự thông minh ấy không làm cho mình tỉnh táo hơn hoặc biết cách giải quyết khôn ngoan hơn.
Mình đã không còn nghĩ trầm cảm chỉ rơi vào người yếm thế hoặc yếu đuối. Không, nó sẽ đến với bất kì ai. Nó có thể ập đến rất nhanh hoặc cũng rất từ từ. Và kinh khủng nhất là người bị trầm cảm nếu không có ai thực sự thương ở bên thì gần như mọi thứ có thể chấm dứt.
Mình đã biết yêu bản thân một cách thực sự, đã chọn một cách sống khác với trước, khi nào vui buồn thì nói ra chứ không giấu. Nếu ai nhờ gì không giúp được thì từ chối ngay. Mình không phụ thuộc vào khen chê của người khác. Mình tin vào chính mình và chấp nhận sự bất toàn của bản thân, rằng mình có lúc rất tệ, rằng mình có lúc yếu đuối, rằng mình sẽ không có được những điều như trái tim mình vẫn hằng mơ chỉ vì những sai biệt.
Để viết ra những điều này thực sự khó khăn. Vì cái "thế giới bên ngoài" trong con người mình vốn được bày ra rực rỡ và tươi tắn. Nhưng mình vẫn muốn viết lại để như một lời chia sẻ chân thành tới mọi người rằng: Đừng bỏ nhé, đừng bỏ chính bản thân bạn, đừng bỏ những người thân yêu của bạn khi bỗng nhiên một ngày nào đó chính bạn hoặc người thân rơi vào sự buồn bã, chán nản, tuyệt vọng, lo lắng, khủng hoảng niềm tin.
Và mình cũng viết để gửi lời biết ơn tới người bạn dịu dàng và nhẫn nại đến kinh ngạc - con trai của mình. Nam ơi, giờ thì Nam có thể yên tâm quay trở lại với cuộc sống thanh xuân của em rồi. Mẹ ổn rồi Nam.
Mọi thứ đã khép lại phía sau như một trang của cuốn sách. Cảm ơn những gì đã đến trong đời để dạy mình về tình yêu về sự biết ơn.
Trầm cảm, không phải là khiếm khuyết cũng không có gì phải xấu hổ. Biết đâu những bài như thế này sẽ giúp ai đó cũng đang bị nhấn vào cái hố tăm tối của cơn buồn có thể tự leo lên được khỏi hố".
Trong thời hiện đại, trầm cảm là một căn bệnh về tâm lý rất phổ biến. Ai cũng có thể mắc bệnh, đặc biệt là ở những người gặp quá nhiều stress hoặc trải qua nhiều cú sốc tinh thần. Nếu cảm thấy mình có dấu hiệu của trầm cảm, hãy nhớ rằng điều quan trọng là bạn phải vượt qua được. Đừng ngại tìm kiếm sự giúp đỡ từ phía người khác, vì yêu cầu giúp đỡ là một dấu hiệu của sức mạnh.
Dư luận đề nghị không phát tán clip gây xôn xao của nam sinh gần đây Sau sự cố lộ clip riêng tư khi đang học trực tuyến của một nam sinh viên bị lan truyền, nhà trường đã lên tiếng về hoàn cảnh hiện tại của thanh niên này. Mới đây, trên mạng xã hội đã xôn xao về đoạn video ghi lại cảnh nam thanh niên được cho là sinh viên của Trường Đại học Công nghệ...