Không xây mới các chợ ở nội đô
UBND TP.Hà Nội vừa phê duyệt quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn đến năm 2020. Theo đó, đến năm 2020 sẽ có 8 chợ đầu mối, 19 trung tâm thương mại quốc tế, 64 trung tâm thương mại, 23 đại siêu thị…
Theo quy hoạch, Hà Nội sẽ có 8 chợ đầu mối nông sản cấp vùng quy mô từ 50 – 100ha nằm ở các huyện Mê Linh, Phú Xuyên, Thạch Thất và Gia Lâm. Hà Nội cũng sẽ không xây mới các chợ ở khu nội đô và hạn chế từ vành đai 2 đến sông Nhuệ. Nâng cấp một số chợ hiện có diện tích trên 3.000m2 trở lên thành các đại siêu thị.
Các đại siêu thị tập trung ở khu trung tâm với 19 đại siêu thị, trong đó đô thị lõi 6 đại siêu thị, đô thị lõi mở rộng 13 đại siêu thị, chuỗi đô thị sông Nhuệ đến vành đai 4 với 6 đại siêu thị và các đô thị vệ tinh 4 đại siêu thị. Các trung tâm thương mại chủ yếu được phát triển ở khu đô thị trung tâm với 32 trung tâm mua sắm, ở khu vực đô thị mới chuỗi đô thị từ sông Nhuệ đến vành đai 4 có 6 trung tâm mua sắm, các đô thị vệ tinh như Hòa Lạc, Phú Xuyên, Sơn Tây, Sóc Sơn.
Các trung tâm hội chợ triển lãm, quảng cáo có thương mại mang tầm cỡ quốc tế quy mô từ 10-50ha ở khu vực Mỹ Đình và khu Expo tại Đông Anh….
Để thực hiện quy hoạch trên, TP dự kiến sẽ cần một nguồn vốn lớn dự kiến khoảng 521.000 tỉ đồng (tương đương khoảng 25 tỉ USD). Cụ thể, trong giai đoạn từ năm 2011 đến 2020 dự kiến khoảng 161.000 tỉ đồng. Giai đoạn từ năm 2020 đến 2030 dự kiến cần khoảng 360.000 tỉ đồng. Nguồn vốn này chủ yếu được huy động từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành thương mại trong và ngoài nước.
Theo laodong
Bữa ăn bán trú thiếu chuẩn
Nhu cầu học 2 buổi, bán trú ở trường ngày càng tăng ở các bậc học, tuy nhiên, các bếp ăn trường học chủ yếu vẫn đang hoạt động theo định tính thay vì định lượng của một bữa ăn dinh dưỡng đạt chuẩn.
Nhiều trường tiểu học chưa có đội ngũ cô nuôi được đào tạo bài bản
Khoảng cách lớn bữa ăn nội, ngoại thành
Nếu như một bữa ăn sáng ở trường tiểu học nội thành Hà Nội có thể thu ở mức 12.000 đồng/bữa/học sinh với thực đơn nhiều món như bánh mỳ patê và sữa tươi, xôi gà, súp lươn... thì ở trường ngoại thành bữa ăn chính cũng chỉ thu được 15.000 đồng/bữa/học sinh. Cô Trần Thị Sản, Hiệu trưởng trường Tiểu học Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội cho biết, mức thu này chỉ có thể đảm bảo dinh dưỡng tối thiểu. Tại trường Mầm non Phú Xuyên, huyện Phú Xuyên, không còn duy trì hình thức góp gạo, giảm tiền ăn như những năm trước mà thay vào đó là thu tiền ăn mỗi học sinh 11.000 đồng/ngày. Mặc dù thu ở mức thấp nhất có thể 240.000 đồng/học sinh/tháng nhưng theo cô Nguyễn Thị Hằng, Phó Hiệu trưởng trường Mầm non Đông Xuân, huyện Quốc Oai thì vẫn có không ít phụ huynh xin khất vì chưa có tiền nộp.
Trong khi đó, hiện nay mức tiền ăn phổ biến ở các trường mầm non và tiểu học nội thành Hà Nội vào khoảng 20.000 - 25.000 đồng/ngày/học sinh. Không những thế, Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh trường THCS Ngô Sỹ Liên còn đề xuất, để đảm bảo bữa ăn phù hợp với lứa tuổi của học sinh THCS, suất ăn phải lên tới 30.000 đồng/bữa/học sinh. "Chúng tôi cũng đã tham gia nhiều buổi tập huấn cũng như trực tiếp triển khai chương trình tuyên truyền dinh dưỡng học đường và biết rằng các sản phẩm có chất lượng dinh dưỡng cao như sữa, trái cây... rất cần thiết cho học sinh ở độ tuổi tiểu học vào các bữa quà chiều, tuy nhiên, rất khó để có thể triển khai ngay trong năm học này do điều kiện đóng góp của phụ huynh học sinh còn hạn chế" - cô Trần Thị Sản cho biết.
Bữa ăn tự phát bởi chưa có thực đơn chuẩn
Hiện tại, Hà Nội đang có tới 80% trường tiểu học có tổ chức bán trú cho học sinh và đang gia tăng ở các trường THCS. Đáng chú ý, không phải 100% các trường có bán trú đều có điều kiện tổ chức bếp ăn trong nhà trường. Việc phải ký hợp đồng với các nhà cung cấp suất ăn cho học sinh cũng khiến các trường khó kiểm soát được dinh dưỡng, chất lượng thực phẩm. Điều phụ huynh lo ngại nhất là các con vốn ở nhà đã lười ăn rau thì ăn cơm hộp ở trường càng dễ xảy ra tình trạng này. "Hà Nội thì chưa thấy công bố khảo sát bếp ăn trường học, nhưng mới đây TP Hồ Chí Minh đã có khảo sát chỉ ra tới 52% học sinh thường xuyên ăn rau, củ, quả, số còn lại không ăn thường xuyên, thậm chí có 10% học sinh không bao giờ ăn rau, củ" - chị Phạm Hồng Minh, phụ huynh học sinh trường Tiểu học Phan Chu Trinh lo ngại.
Trong khi đó, một thực tế là ngoài khó khăn về mức đóng góp hạn chế, nhiều trường tiểu học có bếp ăn cũng chưa thể định lượng bữa ăn thế nào là đảm bảo dinh dưỡng cho học sinh. Cô Trần Thị Sản chia sẻ, hiện đội ngũ các cô nuôi của trường cũng chỉ cân đo các bữa ăn theo định tính. "Chưa có chương trình đào tạo bài bản về chế độ dinh dưỡng học sinh tiểu học cho các cô nuôi như ở bậc học mầm non. Đây là việc rất cần thiết để các trường có căn cứ thuyết phục phụ huynh cùng phối hợp chăm sóc sức khỏe cho các con" - cô Sản nhấn mạnh. Được biết, để khắc phục tình trạng này, Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh đang đưa ra dự án xây dựng bộ thực đơn chuẩn cho bữa ăn bán trú, chuẩn hóa mô hình bếp ăn bán trú.
Bên cạnh đó, theo chị Phạm Hồng Minh, việc cần làm hiện nay là phải tuyên truyền, giáo dục để học sinh chủ động lựa chọn đúng đắn dinh dưỡng cho mình. Ngoài ra, ngành giáo dục cũng cần xây dựng một số quy định về căng tin trường học, trong đó cần hạn chế bán các sản phẩm nước ngọt có gas, các loại bánh, kẹo mà tăng cường thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao như sữa, trái cây...
Theo ANTD
Cùng bắn đạn thật với những "pháo binh chân đồng, vai sắt" Chỉ trong thời gian tập huấn 15 ngày ngắn ngủi, nhưng lực lượng dự bị động viên xã Phú Yên (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) đã hoàn thành xuất sắc bài kiểm tra bắn đạn thật, không kém gì những pháo binh chuyên nghiệp. Sáng 1-11 tại trường bắn Hòa Thạch (huyện Quốc Oai, Hà Nội), Trung đoàn Pháo binh 452 trực thuộc...