Không thức ăn nào cho trẻ thay thế được sữa mẹ
Sữa mẹ là nguồn vắc-xin và năng lượng quý giá, tăng cường hệ miễn dịch giúp trẻ tránh được nhiều loại bệnh, tăng chỉ số thông minh, giảm nguy cơ suy dinh dưỡng, béo phì… Ngành y tế khẳng định “không có thức ăn nào có thể thay thế hoàn toàn được sữa mẹ”.
Những chiêu quảng cáo “thái quá” của nhiều loại thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng khiến không ít bà mẹ tin rằng sữa ngoài giàu dinh dưỡng hơn sữa mẹ. Thêm vào đó, quá trình đô thị hóa và nhịp sống công nghiệp cùng với suy nghĩ “giữ eo” để làm đẹp của nhiều phụ nữ khiến tỷ lệ trẻ em không được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời đang có xu hướng tăng lên. Tình trạng trên ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và sự phát triển của giống nòi.
Tại buổi phát động “Tuần lễ thế giới nuôi con bằng sữa mẹ” (từ ngày 1 đến ngày 7 tháng 8) TS Lê Trường Giang, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết: “Nhiều nghiên cứu khoa học trên thế giới đã chứng minh chỉ có sữa mẹ mới đủ năng lượng và chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ, sữa mẹ chứa nhiều chất kháng khuẩn, tăng cường sức đề kháng cho trẻ…”.
Gia đình và xã hội cần tạo điều kiện để bé được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời
(ảnh minh họa internet)
TS Trường Giang khẳng định: “Sữa bò dành cho con của bò”, sữa bò hay các loại sữa khác đều không thể thay thế được sữa mẹ vì trong cấu tạo của sữa đã phù hợp với đối tượng mà nó phải nuôi dưỡng.
Video đang HOT
Trong sữa mẹ, nguồn sữa non lúc mới sinh là vắc-xin và năng lượng quý giá đối với trẻ nó giúp các bé tránh nhiễm trùng do hít phải nước ối, dịch âm đạo khi “vượt cạn” đồng thời chống được đói rét. Vì vậy bác sĩ khuyến cáo các bà mẹ nên cho trẻ bú sớm 30 phút hoặc 1 giờ đầu sau sinh. Bên cạnh đó, cho trẻ bú sớm sẽ kích thích tuyến vú sản xuất sữa đồng thời giúp tử cung của người mẹ co sớm, hạn chế mất máu sau đẻ.
Nuôi con bằng sữa mẹ không chỉ đảm bảo chi sự phát triển toàn diện của bé mà còn mang lại lợi ích kinh tế lớn nhờ tiết kiệm được khoản chi phí để mua sữa ngoài. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Viện dinh dưỡng Quốc gia hiện số trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong vòng 6 tháng đầu chỉ đạt 19,4% chủ yếu tập trung ở nông thôn và khu vực vùng sâu vùng xa.
Nguyên nhân trực tiếp tác động đến tình trạng trên là do nhận thức về tầm quan trọng của sữa mẹ đối với trẻ chưa cao, luật lao động hiện hành chỉ cho phép phụ nữ nghỉ hậu sản trong vòng 4 tháng đã không cho phép các bà mẹ nuôi con hoàn toàn bằng sữa của mình trong vòng 6 tháng đầu…
Ngành y tế khuyến nghị cần xây dựng chính sách nghỉ hậu sản 6 tháng để tạo điều kiện cho các bà mẹ chăm sóc con mình tốt hơn, đồng thời khuyến cáo chị em phụ nữ không nên cai sữa trước 12 tháng mà nên cho con bú từ 18 đến 24 tháng.
Theo Dân Trí
Váng sữa có thực sự bổ dưỡng?
Quan điểm váng sữa là những gì bổ dưỡng nhất của sữa, tương tự như sữa mẹ hay sẽ suy dinh dưỡng nếu dùng váng sữa thay cho sữa mẹ trong thời gian dài là đúng? Dưới đây là giải đáp của ThS. BS Lê Thị Hải, GĐ TT Khám-Tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng QG.
Cho con ăn váng sữa, sao mới đúng?
Dưỡng chất trong váng sữa rất ít
Váng sữa là một chế phẩm của sữa. Trước đây, váng sữa được chế biến bằng cách vớt phần trên cùng của sữa và cho làm lạnh. Ngày nay, nhà sản xuất sử dụng máy ly tâm để tách phần trên cùng của sữa, đó chính là váng sữa. Tuỳ thuộc vào cách chế biến, sẽ có nhiều loại váng sữa khác nhau. Ngoài ra, còn có váng sữa nhân tạo được chế biến từ các loại dầu thực vật (dầu dừa, dầu cọ...), bổ sung thêm casein (đạm sữa bò) và đường lactose (loại đường có trong sữa bò). Vì là chế phẩm của sữa nên thành phần của váng sữa cũng gồm có chất đạm, chất béo, chất đường, các vitamin và khoáng chất. Tuy nhiên, tỷ lệ các chất dinh dưỡng này hoàn toàn khác trong sữa.
Trong váng sữa, thành phần chủ yếu là chất béo, chất đạm rất thấp, các vitamin và khoáng chất cũng thấp. Quan sát nhãn ghi trên hộp váng sữa, chúng ta sẽ thấy thành phần chủ yếu của váng sữa là chất béo. Lượng chất béo trong một hộp váng sữa chiếm đến trên 70% tổng năng lượng mà trẻ cần. Lượng chất béo này cao gấp đôi so với chất béo có trong một ly sữa thông thường của trẻ. Do đó, đây là nguồn cung cấp năng lượng rất cao. Điều này không đồng nghĩa với nhận định cho rằng "váng sữa có nhiều chất dinh dưỡng". Trái lại, thành phần dưỡng chất trong váng sữa rất ít. Vì vậy, các bậc cha mẹ không nên dùng váng sữa để thay thế sữa cho trẻ.
Dùng sao cho đúng?
Những trẻ nên dùng: như đã nói ở trên, váng sữa có thành phần chất béo cao, cung cấp nhiều năng lượng nên sẽ tốt cho: trẻ từ trên một tuổi bị thiếu cân, suy dinh dưỡng trẻ mới ốm dậy cần nhiều năng lượng. Với những trẻ này, các bà mẹ nên dùng váng sữa làm bữa ăn phụ, với lượng dùng hợp lý là 1 - 2 hộp/ngày.
Những trẻ không nên dùng: trẻ dưới sáu tháng tuổi, trẻ bị thừa cân - béo phì, trẻ đang bị tiêu chảy, trẻ dị ứng với sữa bò...
Lưu ý, chỉ sử dụng váng sữa như thực phẩm bổ sung cho trẻ. Lượng váng sữa có thể cho trẻ ăn trong ngày phụ thuộc vào tuổi, cân nặng và loại váng sữa được mua. Trung bình, trẻ 6 - 12 tháng tuổi có thể ăn 1/2 - 1 hộp váng sữa/ngày, trẻ trên một tuổi có thể ăn 1 - 2 hộp/ngày, tuỳ vào mức độ dung nạp của trẻ. Không nên cho trẻ ăn quá nhiều, vì có thể gây đầy bụng, tiêu chảy do hàm lượng chất béo quá cao.
Không thể thay thế sữa mẹ
Theo hướng dẫn của tổ chức y tế thế giới (WHO), cần cho trẻ bú mẹ hoàn toàn dưới 6 tháng tuổi. Vì vậy, chỉ nên cho trẻ ăn váng sữa sau 6 tháng tuổi, nhằm bổ sung thêm năng lượng, giúp trẻ tăng cân tốt hơn.
Không có một thực phẩm nào có thể thay thế sữa mẹ. Váng sữa không thể thay thế sữa, nhất là sữa mẹ, vì nó không chứa đủ các chất dinh dưỡng như trong sữa mẹ, đặc biệt là hàm lượng đạm trong váng sữa thấp. Nếu dùng váng sữa thay cho sữa mẹ, trẻ sẽ bị thiếu chất đạm, dẫn đến suy dinh dưỡng, thiếu máu... do thiếu các vi chất dinh dưỡng.
Theo Dân Trí
Bí quyết tránh tắc và có nhiều sữa sau sinh Có đủ và dư sữa cho con bú sau khi sanh là niềm mong muốn của hầu hết các bà mẹ. Tuy nhiên, có nhiều bầu vú tiết không đủ sữa chỉ vì các bà mẹ không biết cách làm thông sữa. Con khóc vì đói - mẹ đau vì tắc sữa Đó là trường hợp của chị Thu Hằng, nhà ở quận...