Không thể dùng Zoom, người dùng Việt loay hoay gỡ rối
Việt Nam đang có một khoảng trống lớn về các nền tảng họp trực tuyến. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp nội có thể vươn lên thống lĩnh thị trường.
Người Việt không nên dùng Zoom để họp trực tuyến
Mới đây, Cục An toàn thông tin ( Bộ Thông tin & Truyền thông) đã phát đi cảnh báo về những lỗ hổng bảo mật của phần mềm Zoom.
Theo đó, có hơn 500.000 tài khoản Zoom đã bị lộ lọt thông tin cá nhân của người sử dụng. Các thông tin bị rò rỉ bao gồm email, mật khẩu, đường dẫn URL các cuộc họp và mật khẩu kèm theo.
Tại Việt Nam, Zoom đang là phần mềm họp trực tuyến phổ biến và được sử dụng nhiều nhất. Ưu điểm của Zoom là khả năng tối ưu băng thông và dễ dàng khi sử dụng. Tuy nhiên, nhược điểm của phần mềm này nằm ở khâu bảo mật do khả năng mã hóa dữ liệu kém và cuộc họp dễ dàng bị dò quét ID.
Nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam lo ngại về khả năng bảo mật của phần mềm Zoom.
Những lỗ hổng này đã có từ lâu nhưng đội ngũ kỹ thuật của Zoom vẫn chưa thể tìm cách tháo gỡ. Điều này càng khó khăn hơn trước sự gia tăng đột biến của số lượng người sử dụng Zoom do ảnh hưởng của đại dịch trên toàn cầu.
Mới đây, Cục An toàn Thông tin đã khuyến cáo các cơ quan, tổ chức nhà nước không nên sử dụng phần mềm Zoom để phục vụ các buổi họp trực tuyến. Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cũng cần cân nhắc khi sử dụng phần mềm này. Động thái trên dường như đã đánh dấu chấm hết cho sự phát triển của Zoom tại thị trường Việt Nam.
Khoảng trống lớn về nền tảng họp trực tuyến
Video đang HOT
Nếu không tính đến Zoom, các nền tảng họp trực tuyến phổ biến tại Việt Nam gồm có Microsoft Teams, Skype (phiên bản miễn phí của Teams), Google Hangout, Google Meet, Gotomeeting hay thậm chí cả Messenger của Facebook.
Đây đều là các nền tảng ứng dụng họp và học trực tuyến của nước ngoài. Đặc điểm chung của các hệ thống này là chúng thường tiêu tốn một lượng lớn băng thông. Vậy nên để có thể hoạt động trơn tru, các nền tảng này cần một đường truyền Internet quốc tế đủ tốt và hoạt động ổn định.
Các giải pháp họp trực tuyến của nước ngoài thường gặp vấn đề giật “lag” do luôn cần một đường truyền Internet mạnh và ổn định.
Thông thường, để có thể hoạt động trơn tru, thời gian trễ hay “lag” của các cuộc họp trực tuyến phải nhỏ hơn 150ms. Đây là khoảng thời gian trễ tối thiểu để những người tham gia cuộc họp cảm thấy hình ảnh không bị mất tự nhiên.
Thế nhưng, có một thực tế là đường truyền Internet nối Việt Nam với quốc tế đang gặp vấn đề do sự cố của tuyến cáp quang biển AAG. Sự cố này diễn ra trong bối cảnh nhu cầu băng thông quốc tế tăng cao do ảnh hưởng của đại dịch.
Điều này đã dẫn đến tình trạng người dùng luôn có cảm giác giật “lag” mỗi khi sử dụng các nền tảng họp trực tuyến ngoại. Vấn đề chất lượng đường truyền không phải là điều mà các nền tảng ngoại có thể tự khắc phục, dù cho đó có là Microsoft hay Google.
Để giải quyết bài toán này, hơn lúc nào hết, người dùng Việt Nam cần tới sự xuất hiện của các nền tảng họp trực tuyến trong nước.
Khác với các nền tảng ngoại, những doanh nghiệp nội sẽ không gặp phải hạn chế về chất lượng đường truyền do mạng lưới Internet cáp quang đã bao phủ rộng khắp. Tuy vậy, điểm yếu của các doanh nghiệp nội là chưa một nền tảng nào có giải pháp đủ mạnh với quy mô đủ lớn để giải quyết vấn đề.
Việt Nam cũng đã có một số giải pháp nền tảng họp trực tuyến trong nước, tuy nhiên chúng vẫn chưa thể đáp ứng được như kỳ vọng.
Đa phần giải pháp mà các doanh nghiệp nội cung cấp mới chỉ đáp ứng được nhu cầu họp, hội nghị trực tuyến theo điểm cầu tại nội bộ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Trong khi đó, nhu cầu của người sử dụng hiện nay là rất lớn.
Do sự bùng phát của dịch bệnh, nhu cầu học tập và làm việc của người dân trực tuyến đang tăng vọt. Chính vì vậy, Việt Nam đang cần đến những nền tảng họp trực tuyến có thể đáp ứng được nhu cầu tối thiểu ở mức hộ gia đình, xa hơn nữa là nhu cầu của từng cá nhân trên mỗi thiết bị di động.
Đại dịch đã gây xáo trộn và làm thay đổi hoạt động thường ngày của cả xã hội. Tuy nhiên, tình huống chưa từng có tiền lệ này đang tạo ra cơ hội không thể tốt hơn cho các doanh nghiệp nội trong việc cạnh tranh với những đối thủ nước ngoài.
Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp nội cần ngay lập tức tạo ra những giải pháp họp trực tuyến đủ tốt để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước.
Dù rất khó để thực hiện điều này trong ngày một ngày hai, tuy nhiên đây là thời cơ tốt nhất để các nền tảng nội giành lấy thị trường nội địa. Nếu thành công, lượng người dùng khổng lồ từ dịch vụ này sẽ trở thành bàn đạp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, biến Việt Nam trở thành nước mạnh về ICT.
Trọng Đạt
Tới lượt ngân hàng quốc tế cấm nhân viên dùng Zoom
Standard Chartered là ngân hàng quốc tế lớn đầu tiên cấm nhân viên sử dụng ứng dụng họp trực tuyến Zoom trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vì mối lo ngại an ninh mạng, theo một thông báo nội bộ được Reuters phát hiện.
Ảnh: Reuters
Trong một tin nhắn gửi đến các nhà quản lý vào tuần trước, CEO Bill Winters của Standard Chartered đã cảnh báo không tổ chức họp trực tuyến trên ứng dụng Zoom và nền tảng Google Hangouts của Google.
Các chuyên gia ngành công nghiệp cho biết cả hai dịch vụ đều không đáp ứng được tiêu chuẩn mã hóa của các cuộc họp trực tuyến mà những đối thủ như Webex của Cisco System Inc, Teams của Microsoft và Blue Jeans Network.
Phát ngôn viên của Standard Chartered từ chối bình luận về câu hỏi chất vấn của Reuters đưa ra nhưng bà cho biết an ninh mạng vẫn là ưu tiên hàng đầu và nhân viên có thể sử dụng các ứng dụng thay thế an toàn cho những cuộc họp trực tuyến.
Standard Chartered, công ty đa quốc gia chuyên về ngân hàng và tài chính có trụ sở tại Luân Đôn là tổ chức mới nhất cấm dùng Zoom sau khi những lỗ hổng bảo mật trên nền tảng bị phát hiện như kẻ xấu có thể đột nhập vào phòng họp, phát tán những hình ảnh và video nhạy cảm hoặc có những phát ngôn phân biệt chủng tộc đối với những người tham gia cuộc họp.
Hiện tượng "Zoombombing" hoành hành khiến người dùng Zoom không khỏi lo lắng. Trong bối cảnh nhiều người phải ở nhà vì Covid-19, những nhà kinh doanh, sinh viên, gia đình, bạn bè đều tìm đến ứng dụng này như một giải pháp duy trì sự kết nối. Tính đến tháng 3, Zoom có khoảng 200 triệu người dùng hoạt động mỗi ngày, tăng từ 10 triệu người dùng vào năm ngoài.
Không quá ngạc nhiên khi các ngân hàng bày tỏ sự lo lắng đặc biệt về an ninh mạng bởi việc để lộ thông tin khách hàng có khiến họ bị xử phạt nặng nề, ngay cả khi không cố ý.
Theo hai nhân viên giấu tên của ngân hàng này cho biết Standard Chartered chủ yếu sử dụng Blue Jeans.
Trước đó, công ty hàng không vũ trụ SpaceX và NASA đã cấm nhân viên cài đặt Zoom trên máy tính làm việc. Trong khi đó, Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ cũng đã cảnh báo người Mỹ về những rủi ro tiềm tàng của nền tảng này từ hai tuần trước.
Zoom được thành lập bởi cựu giám đốc của Cisco, ông Eric Yuan. Ông Eric vào tuần trước đã tuyển cựu Giám đốc An ninh của Facebook Alex Stamos làm cố vấn cho các vấn đề bảo mật và quyền riêng tư nhằm xoa dịu những phản ứng mạnh mẽ trên toàn cầu về những lỗ hổng bảo mật trên Zoom.
Zoom hiện vẫn chưa đưa ra bất cứ bình luận nào về Standard Chartered cấm nhân viên sử dụng nền tảng này.
Thanh Ngọc
Nguy cơ đe dọa an ninh mạng trong các ứng dụng họp trực tuyến Các chuyên gia Kaspersky đã nghiên cứu về mức độ bảo mật của những ứng dụng hội họp trực tuyến để đảm bảo an toàn an ninh mạng, trong giai đoạn nhiều quốc gia đang tiến hành cách ly xã hội. Kết quả phân tích phát hiện khoảng 1.300 tệp có tên tương tự những ứng dụng hội họp phổ biến như Zoom,...