Không thể bó tay với “chiêu” từ chối vai chủ hàng trong các vụ buôn lậu
Đã có quá nhiều vụ việc XNK hàng cấm, hàng lậu qua cảng Hải Phòng nhưng cơ quan chức năng vẫn không thể tìm biện pháp xử lý thích đáng bởi một thủ đoạn không có gì đáng gọi là mưu sâu, kế hiểm: từ chối vai chủ hàng.
Nổi cộm nhất thời gian qua là hàng chục vụ nhập lậu vào cảng Hải Phòng các mặt hàng vi phạm các công ước quốc tế như Cites (cấm buôn bán vận chuyển động vật hoang dã), Basel (các chất thải nguy hại đến sức khỏe và môi trường).
Theo đó, lợi dụng chính sách quản lý rủi ro, tự động phân loại luồng hàng theo khai báo của chủ hàng, chỉ trong vòng vài năm, tại đây đã xảy ra gần 20 vụ nhập khẩu ngà voi, tê tê đông lạnh, vảy tê tê, sừng tê giác với số lượng gần 100 tấn. Đó là chưa kể hàng núi rác khổng lồ từ nước ngoài cũng đã được các doanh nghiệp nhập khẩu vào cảng.
Lật lại hồ sơ của các vụ việc nói trên, cái đáng để gọi là thủ đoạn của đối tượng chỉ là khai báo thủ tục ban đầu dưới danh nghĩa các loại hàng hóa thuế suất ưu đãi (thấp hoặc bằng 0%) như cá khô, rong biển, gỗ vụn, giấy vụn… Đương nhiên, hệ thống tự động phân loại sẽ xếp chúng vào “luồng xanh” để được áp dụng quy chế miễn kiểm tra, kiểm tra xác suất với tỷ lệ dưới 10% so với thực tế. Đặc biệt, hầu hết trong số đó là hàng hóa dưới hình thức tạm nhập tái xuất.
Ngà voi bị thu giữ tại cảng Hải Phòng.
Đến khi các lô hàng này vì lý do nào đó rơi vào “tầm ngắm” của Hải quan, Công an, ngay lập tức, chủ hàng chối bỏ. Có nghĩa không thể truy cứu trách nhiệm. Đơn cử là lô hàng 24 tấn tê tê đông lạnh và trên 700kg vảy tê tê do Công ty Talu (Móng Cái, Quảng Ninh) đứng tên nhận hàng chuyển khẩu sang Trung Quốc. Đây là vụ việc có số lượng động vật hoang dã lớn nhất từ trước tới nay tại cảng Hải Phòng trị giá 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau nhiều lần bị triệu tập, chỉ cần miếng “võ” từ chối vai trò chủ hàng, lô hàng đã được đấu giá phát mại.
Mới đây nhất, vụ 4 chiếc xe ôtô hạng sang mới tinh trị giá hàng chục tỷ đồng chứa trong 2 container do Công ty Thủy Anh Minh (Hà Nội) nhập khẩu vào cảng Green Port (Hải Phòng) cũng lặp lại chiêu thức cũ. Công ty quả quyết không biết gì về lô hàng này. Chính vì thế, đã gần một tháng trôi qua, Hải quan Hải Phòng chỉ có thể đề xuất tịch thu phát mại.
Theo ông Vũ Hoàng Dương, Đội trưởng KSHQ – Cục Hải quan Hải Phòng, tên DN nhận hàng ghi trên vận đơn chưa đủ căn cứ pháp lý để cáo buộc vai trò chủ hàng. Đây chính là kẽ hở để các đối tượng lách luật. Ý kiến phản biện: Đã xác định lô hàng có vấn đề thì sao không để doanh nghiệp mở tờ khai rồi bắt tận tay? Hải quan cho rằng điều này không dễ.
Video đang HOT
Bởi lẽ, các đối tượng không bao giờ mở tờ khai ngay khi nhập hàng mà lợi dụng cơ chế lưu bãi đối với dòng hàng tạm nhập tái xuất (theo thông lệ quốc tế 120 ngày kể từ ngày nhập cảng, được gia hạn tiếp 180 ngày sau đó để chờ thủ tục giao hàng sang nước thứ 3). Như vậy có tới 10 tháng, lô hàng được phép “nằm” tại cảng. Khoảng thời gian này là quá dài, đủ tạo điều kiện để chủ hàng để nghe ngóng, tìm kiếm cơ hội vượt rào. Trong đó không loại trừ khả năng “đàm phán” với các cơ quan chức năng.
Được biết, ngày 21/3/2010, tại Hội nghị triển khai về công tác quản lý rủi ro do Tổng cục Hải quan tổ chức, nhiều vấn đề bất cập đối về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại qua các cảng biển đã được đặt ra. Trong đó có cả ý kiến về việc rút ngắn thời gian lưu bãi tại cảng đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất. Song, đây mới chỉ là các ý kiến tham khảo, vẫn phải chờ đợi các Bộ, ngành tham gia, đề xuất rồi mới ban hành văn bản điều chỉnh công tác quản lý rủi ro hải quan.
Như vậy, cho đến khi chưa có sự điều chỉnh nào thì việc từ chối vai trò chủ hàng vẫn là “độc chiêu” của các đối tượng, đẩy phần rủi ro về phía quản lý cửa khẩu, cảng biển. Thực chất là lợi ích về KTXH của đất nước tiếp tục bị xâm hại
Theo CAND
Áo giáp chống đạn: Mua chui, bán lủi nhưng không khó kiếm
Mặc dù quân trang, quân phục và các công cụ hỗ trợ của lực lượng Công an, Quân đội bị Nhà nước cấm lưu thông trên thị trường, nhưng những loại áo giáp chống đạn được coi là "hàng cấm", "hàng nóng" này vẫn được rao bán ngầm trên thị trường và "qua mặt" cơ quan chức năng...
Rao công khai, bán rụt rè
Đường Lê Duẩn được xem là "chợ cảnh phục" sôi động nhất của Hà Nội. Tại chợ, đồ cảnh phục và các công cụ hỗ trợ được bán công khai. Phải nói là không hiếm, không khó mua, chỉ cần "gãi đúng chỗ ngứa" của chủ cửa hàng thì bất cứ ai cũng có thể tậu được một bộ cảnh phục chỉnh tề.
Thấy tôi và anh bạn vừa tấp vào lề đường, hàng loạt lời mời chào tíu tít từ những người bán hàng tại "chợ cảnh phục". Bà L. (chủ một ki-ốt trên đường Lê Duẩn) đon đả: "Mua gì em, muốn mua thứ gì cũng có. Hàng xịn tôi cũng có...". Nghe bà chủ ki - ốt quảng cáo có hàng "xịn", tôi mắt tròn mắt dẹt, cứ ngỡ ở đây chỉ bán đồ nhái. Tôi hỏi: "Xịn thật không?". Thấy chúng tôi có vẻ hoài nghi, bà chủ ki-ốt nói nhỏ: "Các chú mua đi, đồ xịn, cứ yên tâm. Tôi mua sao bán vậy, chỉ kiếm ít công thôi chứ cũng không muốn giữ lâu". Bà L. còn bảo: "Hàng dạo này khan hiếm lắm các chú ạ!".
Tuy nhiên, khi chúng tôi nói rằng muốn mua áo giáp chống đạn, áo giáp chống dao đâm- công cụ hỗ trợ, bà L. khẽ lắc đầu: "ối dào, hàng đó chỉ có trên mạng hoặc các công ty được Nhà nước cấp phép thôi!"
Sau một hồi lân la tại các ki-ốt bán đồ cảnh phục, tôi đóng vai khách có nhu cầu mua áo giáp và được một chủ ki-ốt khác trên đường Lê Duẩn cho biết: "Những đồ khác (cảnh phục, dùi cui...) thì chị có đủ loại. Hàng đó thì chị không nhập".
Một loại áo giáp được rao bán trên mạng.
Theo tìm hiểu của PV, những công cụ hỗ trợ, đồ dùng của lực lượng Công an, Quân đội - "hàng nóng", phần lớn các chủ hàng đều không bày bán công khai mà cất giấu trong kho. Việc mua bán áo giáp chống đạn, chống dao đâm được rao công khai trên mạng nhưng lại được "mua chui, bán lủi".
Anh Nguyễn Thế Phong- chủ doanh nghiệp vệ sỹ tại Hà Nội cho biết, công ty anh phải nhập công cụ hỗ trợ theo ký kết với doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh, mọi tiêu chuẩn do Phòng Quản lý hành chính trật tự xã hội (PC64) phê duyệt.
Theo kinh nghiệm của anh Phong, phần lớn những mặt hàng được rao bán trên mạng, trên thị trường đều là hàng nhái, hàng rởm. Nhiều dân buôn sang vùng giáp biên Trung Quốc hay lên chợ phiên thị trấn Pò Chài (Lào Cai) đánh hàng công cụ hỗ trợ về bán, nhưng hàng ở đấy 100% là hàng nhái.
Anh Phong bảo rằng, các cơ quan chức năng Trung Quốc làm gắt nên những mặt hàng công cụ hỗ trợ, áo giáp gần đây không còn được bán công khai nữa. Anh này cũng cho biết, theo kênh thông tin mà anh nắm được, các loại công cụ hỗ trợ hiện nay được đưa qua đường tiểu ngạch từ Campuchia vào Việt Nam.
Cũng theo anh Phong, với kinh nghiệm 10 năm trong nghề vệ sĩ, anh tìm hiểu rất kỹ về các mặt hàng công cụ hỗ trợ. Mặt hàng quân trang, quân phục của lực lượng Công an, Quân đội, công cụ hỗ trợ... là hàng cấm bán ra thị trường. Trang phục của công an, công cụ hỗ trợ phải do một đơn vị chuyên sản xuất, có ký hiệu cụ thể còn những hàng bán trên thị trường là hàng nhái. Điều quan trọng là các cơ quan chức năng phải kiểm tra xem mức độ làm nhái đến đâu, từ màu sắc, kiểu dáng và các công cụ hỗ trợ được sản xuất bằng vật liệu gì mới xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân vi phạm.
Dân buôn lập kho để tích trữ hàng cấm
Trao đổi với PV, thượng tá Đỗ Văn Hồng- PC47 (Công an tỉnh Hà Nam) cho biết, trang phục cho lực lượng công an nhân dân (hay nhiều người còn gọi là cảnh phục) và các công cụ hỗ trợ của lực lượng công an do ngành quản lý và sản xuất là hàng cấm lưu thông trên thị trường. Áo giáp chống đạn thuộc danh mục công cụ hỗ trợ.
Tuy nhiên, trên thị trường đã xuất hiện hàng nhái, hàng giả trông giống về kiểu dáng và màu sắc của hàng "xịn" nhưng chắc chắn không phải do cơ sở sản xuất của ngành cung cấp. Vì trang phục của công an là hàng cấm, không bán ra ngoài thị trường. Về công cụ hỗ trợ, có những đơn vị, tổ chức ngoài lực lượng công an được dùng nhưng đều phải có giấy phép.
Thượng tá Nguyễn Văn Hồng cũng cho biết, áo giáp chống đạn là "hàng nóng" và được trang bị theo đúng quy định của Bộ Công an. Cả phòng PC47 cũng chỉ được sắm số ít áo giáp, mà chủ yếu là áo sản xuất trong nước. Trong khi đó, các đối tượng phạm tội lại trang bị áo giáp chống đạn và vũ khí hiện đại. Mới đây, Phòng PC47 đã triệt phá một vụ án và thu giữ được 2 chiếc áo giáp chống đạn của Mỹ (giá 1.000- 1.500 USD/chiếc).
Lực lượng chức năng kiểm tra và thu giữ tang vật vi phạm trên phố Lê Duẩn.
Từ năm 2009 đến nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện và thu giữ nhiều kho hàng liên quan đến các công cụ hỗ trợ, đặc biệt áo giáp chống đạn, dùi cui... Mới đây, Đội Quản lý Thị trường quận Tân Phú và Đội cảnh sát điều tra về tội phạm kinh tế và chức vụ - Công an quận Tân Phú (TP.HCM) đã tiến hành kiểm tra hành chính đột xuất 2 kho hàng tại phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú.
Kết quả: Tại một kho hàng vắng chủ lực lượng chức năng đã phát hiện 1 máy phá sóng điện thoại và một số quân trang phục vụ cho ngành công an và quân đội. Lực lượng kiểm tra cũng phát hiện một kho hàng khác tàng trữ trái phép số lượng lớn quân trang phục vụ cho ngành công an và quân đội và một số công cụ hỗ trợ: áo giáp chống đạn K54, K59, nón kêpi, dùi cui, lá chắn có chữ police để chống bạo động, nón của cảnh sát cơ động, cảnh sát 113, giày ủng trang bị cho công tác chiến đấu, các miếng dán dạ quang in chữ CSGT (cảnh sát giao thông), CSTT (cảnh sát trật tự) và một số tăng bạt rằn ri và mô hình dụng cụ khác. Theo qui định của pháp luật thì đây là những mặt hàng đặc biệt, chỉ những đơn vị có giấy phép mới được phép sản xuất, kinh doanh mặt hàng này.
Theo tìm hiểu của PV, những mặt hàng cảnh phục, công cụ hỗ trợ do cảnh sát kinh tế kiểm tra, giám sát. Nếu phát hiện những mặt hàng được bày bán, rao bán thì phải thu hồi, tiêu huỷ và xử phạt theo đúng quy định về hàng nhái, hàng giả.
Xung quanh việc công khai rao bán cảnh phục và công cụ hỗ trợ trên mạng, luật sư Nguyễn Hồng Lĩnh, Giám đốc Công ty TNHH Luật An Biên, cho biết: "Nghị định 59/2006/CP của Chính phủ quy định quân trang, trang phục, công cụ hỗ trợ... thuộc lực lượng Công an và Quân đội là mặt hàng Nhà nước cấm lưu thông trên thị trường. Tuy nhiên, nhiều cửa hàng vẫn công khai bán, rao bán trên mạng tức là "phớt lờ" pháp luật. Theo quy định chỉ có lực lượng Quân đội nhân dân dân Dân quân tự vệ Ban, Đội bảo vệ chuyên trách của một số cơ quan, tổ chức nhà nước Ban bảo vệ dân phố hoặc tổ chức bảo vệ an ninh trật tự ở xã phường... mới được mua, sử dụng công cụ hỗ trợ. Tuy nhiên, để được mua các công cụ hỗ trợ, các đơn vị này phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt (xin giấy phép, đăng ký sử dụng, mua ở đơn vị quy định...). Luật đã cấm thì đương nhiên những người mua, bán cảnh phục, công cụ hỗ trợ là vi phạm luật và phải bị xử lý.
Sử dụng áo giáp chống đạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự Điều 36, Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định về xử lý vi phạm: Trường hợp có căn cứ để cho rằng trong người hoặc trên phương tiện đang giấu, cất giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái phép thì các lực lượng chức năng đang thi hành công vụ phải kiểm tra, kiểm soát, thu giữ, tạm giữ người, phương tiện để xử lý theo quy định của pháp luật. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của Pháp lệnh này và các quy định khác của pháp luật có liên quan về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường cá nhân vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Theo Nguoiduatin
Hà Nam: Tiêu hủy bom và nhiều hàng giả, hàng cấm Ngày 25-2-2012, lực lượng Quân đội tỉnh Hà Nam đã tiến hành vận chuyển quả bom khỏi nơi dân cư an toàn để tiêu hủy. Trước đó, người dân đi làm ruộng đã phát hiện quả bom gần khu chăn nuôi nhà anh Vũ Văn Thành, ở khu Núi lẻ, thôn Quang Thừa, xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng (Hà Nam) có kích...