Không nên cực đoan ‘buộc’ người dân tiêm vắc xin
Mặc dù các chuyên gia cho rằng vắc xin là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng chống dịch Covid-19 và người dân cần đi tiêm đúng lịch, đủ liều, tuy nhiên không nên đưa ra các biện pháp hành chính cực đoan bắt buộc người dân không được ra khỏi nhà nếu không đi tiêm hoặc phải ký cam kết.
Không đồng ý tiêm phải ký giấy cam kết
Ngày 23.6, thông tin từ Văn phòng thường trực tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 tỉnh Bình Phước cho biết vừa có văn bản khẩn gửi các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin ngừa Covid-19. Theo đó, Văn phòng đề nghị UBND các huyện, thị xã, TP chỉ đạo Trung tâm Y tế các địa phương và các cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường công tác truyền thông và yêu cầu người dân không đồng ý tiêm phải ký giấy cam kết và chịu trách nhiệm nếu để lây lan dịch bệnh.
Bình Phước đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin Covid-19 mũi 3, mũi 4 cho người dân. Ảnh HOÀNG GIÁP
Trước đó, ngày 22.6, UBND tỉnh Bình Phước cũng đã yêu cầu Sở Y tế chủ trì, phối hợp UBND các huyện, thị xã, TP và đơn vị liên quan tập trung chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn đẩy mạnh tiến độ tiêm vắc xin ngừa Covid-19 mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên… Tuy nhiên, phát sinh vấn đề khi liên quan đến nội dung chỉ đạo “người dân không đồng ý tiêm phải ký giấy cam kết”. Về việc này, trao đổi với PV Thanh Niên, một lãnh đạo Sở Y tế Bình Phước nói đây là chỉ đạo của Bộ Y tế trong cuộc họp trước đó.
Về số lượng 79.000 liều vắc xin đã được phân bổ tại các huyện, thị, TP có hạn sử dụng đến ngày 25.6, bác sĩ Lê Anh Tuấn, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Phước, cho biết đây là số vắc xin đã được phân bổ từ lâu. Các địa phương vẫn đang thực hiện tiêm cho người dân, tuy nhiên hiện chưa có báo cáo cụ thể việc đã sử dụng bao nhiêu, còn bao nhiêu. “Văn bản nêu là để nhắc nhở các địa phương đã được phân bổ số vắc xin này thì tiêm sớm cho người dân”, ông Tuấn nói.
Các địa phương không thể và không nên làm những gì sai về mặt pháp luật. Thay vì đưa ra các biện pháp hành chính, việc cần thiết nên làm là vận động, khuyến khích người dân tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch các mũi như đã khuyến cáo.PGS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng
Còn tại Sóc Trăng, ngày 21.6, người dân H.Mỹ Xuyên bức xúc khi nhận được Thông báo số 20, do ông Đào Đắc Hùng, Phó chủ tịch UBND H.Mỹ Xuyên ký, về việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin mũi 4 ngừa Covid-19. Trong thông báo có nội dung: “Nếu người dân không chấp hành việc tiêm vắc xin mũi 4 ngừa Covid-19 thì đề nghị UBND các xã, thị trấn thực hiện các biện pháp sau: không cho phép người chưa tiêm mũi 4 đi ra khỏi địa bàn nơi cư trú; không được tham gia các hoạt động công cộng; không giải quyết các thủ tục hành chính; bắt buộc người dân tiêm mũi 4 mới giải quyết các thủ tục hành chính”.
Video đang HOT
Ngày 23.6, trả lời PV Thanh Niên về nội dung thông báo nói trên của UBND H.Mỹ Xuyên, ông Đặng Văn Phương, Chủ tịch UBND H.Mỹ Xuyên, cho biết qua ý kiến phản ánh của người dân, huyện đã khẩn trương rà soát thì xác định do sơ suất, có quy định một số chế tài xử lý hành chính chưa phù hợp. Ngay sau đó, UBND huyện đã ra thông báo mới, thu hồi Thông báo số 20. Theo đó huyện chỉ tuyên truyền, vận động người dân tiêm vắc xin mũi 4 ngừa Covid-19 chứ không bắt buộc như thông báo cũ, đồng thời bỏ chế tài xử lý hành chính.
Không thể và không nên làm những gì sai về mặt pháp luật
Trước thực trạng nêu trên ở một số địa phương, theo chuyên gia của Bộ Y tế về dịch tễ, chưa có quy định bắt buộc tiêm vắc xin Covid-19, nhưng đây là dịch nguy hiểm và tiêm chủng đầy đủ là một trong những yêu cầu quan trọng để phòng chống dịch. Tiêm mũi 3, mũi 4 là cần thiết để ngăn dịch bùng phát trở lại khi thế giới vẫn ghi nhận xuất hiện các biến chủng mới.
Chuyên gia này nhấn mạnh “tiêm vắc xin đầy đủ, đúng lịch là củng cố miễn dịch cộng đồng”, và nhìn nhận các địa phương tích cực triển khai tiêm vắc xin Covid-19 mũi tăng cường, bổ sung cho người dân là cần hoan nghênh, cho thấy vai trò trách nhiệm của chính quyền, cơ quan chuyên môn với người dân. Tuy nhiên, chúng ta hiện đã không áp dụng các quy định “ngăn sông cấm chợ” để chống dịch, do đó các địa phương cần có các hình thức truyền thông vận động để người dân hiểu về sự cần thiết tiêm chủng đầy đủ, bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng.
Nhắc lại “bài học” cũ về sự thờ ơ với vắc xin Covid-19, chuyên gia này lưu ý: “Dịch vẫn khó lường, khi bùng lên thì chưa biết điều gì sẽ xảy ra. Chúng ta còn nhớ, hồi tháng 2 – 3.2021, hầu hết mọi người đều chần chừ tiêm vắc xin. Rồi tháng 4 dịch bùng lên thì ai cũng cố gắng được tiêm”.
Địa phương không nhận vắc xin nếu xảy ra dịch bệnh phải chịu trách nhiệm
Chiều 23.6, Bộ Y tế cho biết đã có công văn gửi chủ tịch UBND 4 tỉnh, thành: Đồng Nai, Đà Nẵng, Đồng Tháp và Quảng Ngãi về việc tăng cường triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 và sử dụng hiệu quả vắc xin tại các địa phương này. Trước đó, Bộ đã nhận được văn bản của 4 địa phương trên về hỗ trợ điều chuyển vắc xin phòng Covid-19 chưa sử dụng cho nơi có nhu cầu.
“Nếu không nhận vắc xin hoặc để vắc xin tồn không sử dụng trong khi vẫn còn người dân chưa được tiêm chủng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, để xảy ra dịch tại địa phương thì phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”, công văn Bộ Y tế nhấn mạnh.
Đối với các đối tượng từ 12 tuổi trở lên, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tập trung chỉ đạo đẩy mạnh triển khai tiêm nhắc vắc xin phòng Covid-19 mũi 3 và hoàn thành tiêm đủ liều cơ bản cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trong tháng 8.2022; đồng thời đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 4 cho các đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Một lãnh đạo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) lưu ý, đến nay Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các quốc gia đều xác định vắc xin là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng chống dịch Covid-19. Trên thế giới, nhiều nước đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 3, mũi 4 cho người dân; hơn 80 quốc gia đã triển khai tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi vàmột số quốc gia đã tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi.
Theo đánh giá của một chuyên gia về vắc xin và tiêm chủng, hiện chưa có bất cứ một bằng chứng khoa học nào cho thấy vắc xin Covid-19 ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe người dân, trong khi hiệu lực của vắc xin giảm tương đối nhanh. Vì vậy, để duy trì hiệu quả bảo vệ, cần phải tiêm mũi 3, mũi 4 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
PGS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng VN, cho rằng một số địa phương không nên đưa ra các biện pháp hành chính cực đoan bắt buộc người dân không được ra khỏi nhà nếu không đi tiêm hoặc phải ký cam kết, bởi hiện nay VN đang khuyến cáo người dân tiêm phòng vắc xin Covid-19 chứ không bắt buộc.
Ông Phu nêu quan điểm: “Các địa phương không thể và không nên làm những gì sai về mặt pháp luật. Thay vì đưa ra các biện pháp hành chính, việc cần thiết nên làm là vận động, khuyến khích người dân tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch các mũi như đã khuyến cáo.
Vắc xin phòng Covid-19 không phải là vắc xin có miễn dịch bền vững, hiệu quả bảo vệ lâu dài mà dần mất khả năng bảo vệ. Vì vậy, việc tiêm phòng mũi 3, mũi 4 là cần thiết, đặc biệt là những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao và nguy cơ mắc bệnh dễ chuyển nặng”.
Từng nhiều năm làm công tác phòng chống dịch, PGS Trần Đắc Phu cho hay sẽ có thêm các nghiên cứu tiêm vắc xin hằng năm như với vắc xin cúm hay không. Hiện tiêm vắc xin Covid-19 đầy đủ các mũi là cần thiết. Đặc biệt, trong nước đã ghi nhận biến thể B.A.4; các nước đã ghi nhận biến thể B.A.5 và nguy cơ biến thể này xâm nhập VN rất lớn. Do đó, tiêm vắc xin là để bảo vệ mình và cộng đồng trước diễn biến dịch khó lường do vi rút vẫn liên tục xuất hiện biến thể mới.
Bình Phước: Không đồng ý tiêm vắc xin COVID-19 phải ký cam kết
Ngày 23-6, Bình Phước ra văn bản 'khẩn' đề nghị các địa phương chỉ đạo đẩy nhanh tốc tộ tiêm vắc xin phòng COVID-19 bởi số vắc xin này chỉ còn hạn sử đụng đến ngày 25-6 tới.
Lực lượng y tế Bình Phước tiêm vắc xin cho trẻ từ 12-17 tuổi - Ảnh: B.A.
Ông Lê Anh Tuấn - phó giám đốc Sở Y tế Bình Phước - đã ký, ban hành văn bản khẩn gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân.
Tính đến ngày 21-6, người từ 18 tuổi trở lên ở Bình Phước có tỉ lệ tiêm mũi 1 đạt 100%, mũi 2 đạt 97,3%, mũi 3 (mũi nhắc lần 1) đạt 54,4% và mũi 4 (mũi nhắc lần 2) đạt 7,3%.
Đối với trẻ 12 - 17 tuổi có tỉ lệ tiêm mũi 1 đạt 102,6%, mũi 2 đạt 94,49%; trẻ 5 - 11 tuổi có tỉ lệ tiêm mũi 1 đạt 50,3%, mũi 2 đạt 25,7%.
Bình Phước đang tiếp tục triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 3 và mũi 4 cho người trên 18 tuổi; tiêm mũi 1 và mũi 2 cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi. Tuy nhiên, tiến độ triển khai chậm ở tất cả địa phương và nhóm tuổi. Trong khi đó khoảng 79.000 liều vắc xin đã được phân bổ về các địa phương có hạn sử dụng ngày 25-6 tới.
Để tránh lãng phí vắc xin, Văn phòng thường trực tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 (thuộc Trung tâm Chỉ huy phòng chống COVID-19 tỉnh Bình Phước) đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo trung tâm y tế, các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai 3 nội dung.
Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" để đảm bảo không bỏ sót người cần tiêm chủng, tăng tỉ lệ bao phủ vắc xin cho người dân.
Tăng cường công tác truyền thông, thống nhất truyền thông về tiêm vắc xin là tiêm vắc xin phòng chống dịch. Người dân không đồng ý tiêm phải ký cam kết và chịu trách nhiệm đếu để lây lan dịch bệnh.
Đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 3, 4 cho người trên 18 tuổi và mũi 1, 2 cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi. Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để vắc xin hết hạn gây lãng phí.
Thanh Hóa: Đẩy nhanh tiêm nhắc vắc xin Covid-19 lần 2 cho người dân Tỉnh ủy và UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có chỉ đạo, yêu cầu các địa phương khẩn trương tổ chức tiêm vắc xin Covid-19 mũi nhắc lại lần 2 cho người dân. Ngày 18.6, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành kế hoạch tiêm vắc xin phòng Covid-19 nhắc lại lần 2 (mũi 4) đối với người từ 50 tuổi trở lên; người...