Không mang giấy tờ với ô tô và xe máy: Mức phạt thế nào?
Từ ngày 15/5 đến ngày 14/6, lực lượng CSGT sẽ có quyền dừng xe và tổng kiểm tra toàn bộ giấy tờ theo quy định. Với lỗi không mang giấy tờ xe sẽ bị xử phạt bao nhiêu?
Thanh Niên và Lao Động dẫn nguồn tin từ Cổng thông tin điện tử Cục CSGT cho biết, kể từ ngày 15/5, CSGT toàn quốc sẽ bố trí lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật để tiến hành đợt tổng kiểm soát các phương tiện giao thông diễn ra trong một tháng.
Trong thời gian ra quân, CSGT các đơn vị, địa phương được dừng các phương tiện để kiểm soát các loại giấy tờ theo quy định như: giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe, giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường và giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe cơ giới.
Từ 15/5 đến 14/6, lực lượng CSGT có quyền dừng xe các phương tiện để kiểm tra giấy tờ. Ảnh: Báo Nghệ An
Theo quy định tại khoản 2 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ 2008, khi tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện phải đem theo:
Giấy đăng ký xe;
Bằng lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới;
Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới;
Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (thường gọi là bảo hiểm xe máy).
Video đang HOT
Theo quy định tại Điều 21 Nghị định 100/2019 được Chính phủ áp dụng từ ngày 01/01/2020, tùy thuộc vào loại xe mà người này điều khiển là xe máy, xe mô tô, xe gắn máy hay xe ô tô, máy kéo hay loại xe nào khác thì người này sẽ bị xử phạt với lỗi không có các loại giấy tờ cần thiết, cụ thể như sau:
Giấy đăng ký xe
- Đối với ô tô: Không có bị phạt tiền từ 2 – 3 triệu đồng; tước bằng lái xe từ 1 – 3 tháng; Không mang theo bị phạt tiền từ 200.000 – 400.000 đồng.
- Đối với xe máy: Không có bị phạt tiền từ 300.000 – 400.000 đồng; Không mang theo bị phạt tiền từ 100.000 – 200.000 đồng (trước đây bị phạt từ 80.000 – 120.000 đồng).
Bằng lái xe (Giấy phép lái xe)
- Đối với ô tô: Không có bị phạt tiền từ 4 – 6 triệu đồng; không mang theo bị phạt tiền từ 200.000 – 400.000 đồng
- Đối với xe máy: Không có bị phạt tiền từ 800.000 đồng – 1,2 triệu đồng; không mang theo bị phạt tiền từ 100.000 – 200.000 đồng
Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định (Chỉ áp dụng đối với ô tô):
Không có bị phạt tiền từ 4 – 6 triệu đồng; tước bằng lái xe từ 1 – 3 tháng; Không mang theo bị phạt tiền từ 200.000 – 400.000 đồng.
Bảo hiểm xe
- Đối với ô tô: Không có hoặc không mang theo: Phạt tiền từ 400.000 – 600.000 đồng.
- Đối với xe máy: Không có hoặc không mang theo: Phạt tiền từ 100.000 – 200.000 đồng.
Ngoài kiểm tra các loại giấy tờ trên, đợt tổng kiểm soát lần này CSGT sẽ tăng cường kiểm tra các lỗi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông như: vi phạm nồng độ cồn, tốc độ, đi vào đường cấm,…
CSGT xử lý vi phạm luật qua hình ảnh người dân cung cấp
Cục CSGT khẳng định người dân chụp ảnh, ghi hình hoặc đăng trên báo chí, mạng Internet về hành vi vi phạm luật có thể chuyển cho lực lượng chức năng xử lý.
Từ ngày 29/4, lực lượng CSGT toàn quốc sẵn sàng tiếp nhận hình ảnh, clip ghi lại các hành vi vi phạm luật giao thông, đặc biệt là gây tai nạn rồi bỏ chạy do người dân cung cấp để xử lý nghiêm.
Đại diện Cục CSGT khẳng định mọi trường hợp vi phạm luật được người dân chụp ảnh, ghi hình hoặc đăng trên báo chí, mạng Internet có thể chuyển cho lực lượng chức năng xác minh, làm rõ phương tiện và truy tìm người điều khiển, thời gian, địa điểm vi phạm.
Sau khi làm rõ, CSGT sẽ mời chủ phương tiện, người thực hiện hành vi vi phạm đến để xử lý theo quy định.
Với những trường hợp tài xế gây tai nạn rồi bỏ chạy, việc người dân cung cấp thông tin, clip từ camera hành trình hoặc camera an ninh của gia đình sẽ giúp CSGT nhanh chóng làm rõ phương tiện và người điều khiển.
Xe Mercedes đi ngược chiều ở hầm Kim Liên (Hà Nội) năm 2018 bị người dân chụp ảnh. Sau đó, tài xế bị CSGT xử phạt 1 triệu. Ảnh: Facebook.
Về căn cứ pháp lý của việc xử lý vi phạm qua hình ảnh, Cục CSGT cho biết khoản 11, Điều 80, Nghị định 100 cho phép người có thẩm quyền xử phạt được sử dụng thông tin, hình ảnh thu được từ thiết bị ghi âm, ghi hình của cá nhân, tổ chức cung cấp để làm căn cứ xác minh, phát hiện hành vi vi phạm.
Như vậy, không chỉ hình ảnh được ghi lại từ hệ thống giám sát hoặc các camera, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của lực lượng chức năng, mà mọi hình ảnh do người dân cung cấp phản ánh vi phạm giao thông đều là căn cứ pháp lý giúp lực lượng chức năng làm việc.
Để gửi hình ảnh hay clip, người dân có thể liên lạc qua các số điện thoại của Cục CSGT (069 2342593 - 069 2342608 - 0995.67.67.67) hoặc liên hệ Phòng CSGT công an các địa phương.
"Người dân sẽ được bảo mật thông tin khi gửi chứng cứ phản ánh vi phạm luật giao thông", đại diện Cục CSGT nhấn mạnh.
Theo một cán bộ Phòng CSGT Công an Hà Nội, việc xử phạt vi phạm giao thông qua hình ảnh người dân cung cấp đã được đơn vị triển khai từ cuối năm 2019. Trong 3 tháng cuối năm, cơ quan chức năng đã xử phạt hơn 20 trường hợp vi phạm bị người dân quay clip, chụp ảnh.
Cán bộ này cho biết quá trình tiếp nhận thông tin chủ yếu được thực hiện qua mạng xã hội thông qua trang Facebook Công an Hà Nội.
Về quy trình xử lý thông tin, sau khi tiếp nhận clip và hình ảnh người dân gửi, CSGT sẽ phân loại để xác minh tính chính xác của clip và hình ảnh. Nếu thông tin phản ánh đúng thực tế, cơ quan chức năng sẽ xác minh thời gian, địa điểm và tra cứu dữ liệu liên quan đến phương tiện vi phạm, sau đó mời chủ phương tiện đến làm việc.
Hoàng Lam
Dân đến Cục CSGT làm việc phải kiểm tra thân nhiệt Cục CSGT sẽ bố trí các tổ công tác túc trực ở cổng để đo thân nhiệt mọi người ra vào đơn vị. Ngày 9-3, Cục CSGT cho biết do diễn biến mới của dịch COVID-19, cơ quan này sẽ triển khai đo kiểm tra thân nhiệt tất cả cán bộ, chiến sĩ, tổ chức, cá nhân đến liên hệ công tác. Cục...